Nguyễn Xuân Anh: bi kịch "đồng chí" và đốt đuốc tìm nhân sự của Đảng
bauxitevn7:54 AM
Mẫn Nhi
"Nhân sự trẻ đang bị nhân sự già lũng hóa còn nhân sự già lại đang khiến nhà nước bị lũng hóa bằng quan niệm giáo điều hay chủ nghĩa cơ cấu con cái vào bộ máy nhà nước" quả thực là bi kịch song chỉ là một trong vô số bi kịch nhỏ, cùng xuất phát từ một bi kịch bao trùm, đó là sự độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội của một tổ chức chẳng do dân bầu nên hay cử ra.
Bauxite Việt Nam
|
Bài viết này không đi vào con đường "phanh phui sự thật về sai phạm" của ông Nguyễn Xuân Anh vì có lẽ nó được được đăng tải quá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong - ngoài, trái - phải rồi. Bài viết muốn chia sẻ một quan điểm về tính "đồng chí" và sự khó khăn trong tìm kiếm nhân sự kế thừa của Đảng.
Bi kịch đồng chí
Báo chí tràn ngập tin bài về ông Nguyễn Xuân Anh, phần đông là theo lối "kết tội" hoặc bày tỏ sự đồng tình về kết tội đó. Ông Hồ Duy Diệm, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng khẳng định với báo giới, Đà Nẵng thời ông Nguyễn Xuân Anh "tụt hậu" so với Quảng Nam. Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên đại biểu HĐND, nguyên Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng khẳng định thời kì ông Nguyễn Xuân Anh nắm quyền là thời kì "mất đoàn kết nội bộ". Còn ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho rằng sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ là "những người có thể nói vô tài, vô lối lại đưa về quản lí địa phương".
Nhưng trước đó là gì? Khi ông Nguyễn Xuân Anh nhậm chức Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, đã không ngớt những lời ca tụng. Nó đến từ ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, khi ông đánh giá: Ông Xuân Anh là một người có kiến thức, được đào tạo bài bản và từng trải qua nhiều vị trí làm việc từ thấp đến cao nên có kinh nghiệm quản lí. ĐBQH Trần Khắc Tâm cho hay: Ông Nguyễn Xuân Anh có lí lịch học hành rất đàng hoàng và quy trình bổ nhiệm cũng không gây điều tiếng gì. PGS-TS Nguyễn Ngọc Chinh (Trường ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh: Ông Nguyễn Xuân Anh có thể nói là "tuổi trẻ tài cao", sẽ làm được và đạt kết quả tốt trong quá trình công tác.
Rõ ràng là những luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau trong những bối cảnh ngược trái nhau. Nó thể hiện tính "bầy đàn", hay nói đúng hơn là "tát nước theo mưa". "Đồng chí" giờ đây được hiểu là im lặng khi đồng chí A lên ngôi và sẵn sàng đập hạ, nhục mạ khi đồng chí A thất thế. Ấy là tính "đồng chí cơ hội" trong hệ thống những người làm nhà nước hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Anh có cay đắng không? Có! Có lẽ ông sẽ thẩm thấu được phần nào nỗi cay đắng của ông Đinh La Thăng mấy tháng trước đó, khi mà một email nội bộ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) yêu cầu các đơn vị kinh doanh (ĐVKD) khẩn trương tạm thời gỡ bỏ toàn bộ ảnh Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thăm và làm việc tại SHB TP Hồ Chí Minh được truyền thông tại ĐVKD". Tất nhiên lúc đó ông Đinh La Thăng đã bị đá bay khỏi chiếc ghế Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Đó là thói đời mà Nguyễn Bỉnh Khiêm từng khắc họa qua câu thơ: "Còn bạc, còn tiền còn đệ tử - Hết cơm, hết rượu hết ông tôi".
Thói đời chính trị của thời quá độ tiến lên XHCN, khi mà quyền lực gắn liền với tiền bạc và ngược lại càng gia tăng cái thói bỉ ổi, vô liêm sỉ, nịnh hót, tát nước theo mưa…
Bi kịch đốt đuốc tìm nhân sự trẻ
Ông Nguyễn Xuân Anh đang bị điều tra và giáng chức sau khi chưa ngồi được ghế nóng bao lâu, tương tự ông Đinh La Thăng.
Tương tự vụ Vũ Minh Hoàng (SN 1990, quê Bắc Ninh) được bổ nhiệm thần tốc từ Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm TP Cần Thơ.
Về thành tích học tập, ông Vũ Minh Hoàng gây ấn tượng hơn ông Nguyễn Xuân Anh. Cụ thể: Trình độ cử nhân chính trị và quan hệ quốc tế loại giỏi tại Trường ĐH Tổng hợp Kent (Anh quốc), loại xuất sắc ngành phát triển quốc tế tại Trường ĐH Tổng hợp Kent (Bỉ), thông thạo 5 ngoại ngữ. Vấn đề là ông Minh Hoàng được bổ nhiệm liên tục khi vẫn đang học ở nước ngoài (1-8-2014 vào làm, thì được cử đi học từ tháng 10-2014 tới tháng 9-2017), nếu xét về thành tích hay kinh nghiệm thì ông chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Còn đối với trình độ học vấn vẫn còn nhiều nghi ngại khi mà Trường ĐH Kent chỉ là ĐH top trung bình và nhiều chuyên ngành thì chỉ cần dùng tiền là có thể đầu tư bằng cấp được.
Nếu xét ngang một cách công bằng thì Vũ Minh Hoàng thua xa Nguyễn Xuân Anh cả về trình độ chuyên môn lẫn kinh nghiệm.
Tình trạng "chuộng bằng cấp", bỏ qua yếu tố chuyên môn, kinh nghiệm đã khiến cán bộ nhà nước thi nhau lấy bằng giả, thậm chí tìm mọi cách đẩy con ra nước ngoài học, kiếm bằng để về đặt nhanh lên ghế lãnh đạo. Nó cho thấy tính chất tìm kiếm "nhân tài" trong dân cho Đảng đang gặp nhiều vấn đề và kẽ hở. Nói chính xác thì khâu cán bộ đang bị "làm luật" (mua bằng tiền), thậm chí là "lách luật" (mua bằng địa vị), mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng hay Phó vụ trưởng ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đang là những tấm gương điển hình.
Niềm vui của ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm UBKT trung ương khi phát biểu với báo giới về nhân sự rõ ràng là niềm vui sớm, bởi ông cho hay "Đảng không đến mức phải đốt đuốc đi tìm cán bộ mà vẫn khó thấy". Thực tế, cán bộ tự tìm đến, dễ thấy nhưng thấy theo cách "xếp đặt, cơ cấu" chứ không phải phấn đấu. Những cán bộ này luồn lách lên bằng mọi cơ hội nhưng họ lại thiếu một trong những yếu tố quan trọng nhất là tầm nhìn, kinh nghiệm quản trị nhà nước.
Nhân sự trẻ đang bị nhân sự già lũng hóa còn nhân sự già lại đang khiến nhà nước bị lũng hóa bằng quan niệm giáo điều hay chủ nghĩa cơ cấu con cái vào bộ máy nhà nước.
Đó có thể xem là bi kịch hay không?
M.N
(VNTB gửi BVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét