Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Lựa chọn giáo dục Phần Lan - Lựa chọn nền giáo dục đứng đầu thế giới


Lựa chọn giáo dục Phần Lan - Lựa chọn nền giáo dục đứng đầu thế giới

Lớp học của các học sinh lớp 2 ở một trường trung học phổ thông ở Phần Lan.
Lớp học của các học sinh lớp 2 ở một trường trung học phổ thông ở Phần Lan.
 AFP
Ngày 28 tháng 8, tại cuộc hội đàm ở xứ sở Phần Lan, vấn đề “nhập khẩu chương trình đào tạo của Phần Lan” được ký kết giữa Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phùng Xuân Nhạ cùng với Bộ trưởng Giáo dục và Văn hoá Phần Lan, ông Sanni Grahn-Laasonen.
Vì sao lại là Phần Lan? Việt Nam cần phải làm gì để mang lại hiệu quả giáo dục như Bộ Giáo dục Việt Nam mong muốn?

Những điều đặc biệt

Chỉ cần vào trang web tìm kiếm nổi tiếng nhất thế giới, Google, đánh vào chữ “giáo dục Phần Lan” là sẽ thấy ngay hàng loạt các bài viết đại loại như: 7 điều khiến nền giáo dục Phần Lan đứng đầu thế giới; Hệ thống giáo dục “không  giống ai” của Phần Lan; hay 4 lý do vì sao Phần Lan có nền giáo dục tốt nhất thế giới…
Do đó, sau khi báo chí trong nước công bố Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam nhập khẩu chương trình đào tạo của Phần Lan, RFA nêu vấn đề với Giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng điều hành trường Đại học Hoa Sen về lý do vì sao lại là hệ thống giáo dục Phần Lan? Từ tiểu bang Utah, Mỹ, ông cho biết với ý kiến cá nhân, ông nghĩ rằng “Trong tất cả các hệ thống giáo dục phổ thông, Phần Lan là một trong những hệ thống giáo dục hiện tại được cho là tốt nhất, qua mặt cả Mỹ.”
“Từ 10 năm trở lại đây, Phần Lan đứng đầu về giáo dục phổ thông và chi phí đầu tư cho mỗi học sinh của Phần Lan so với Mỹ thì nó vẫn thấp hơn. Cho nên, cái đó là một trong những lý do mà có thể Việt Nam muốn xem xét chương trình đào tạo của Phần Lan.”
hocsinh
Ở Phần Lan, chỉ những học sinh lớp 2, từ 8 tuổi trở lên mới được đi xe đạp đến trường, và bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. AFP
Từ 10 năm trở lại đây, Phần Lan đứng đầu về giáo dục phổ thông và chi phí đầu tư cho mỗi học sinh của Phần Lan so với Mỹ thì nó vẫn thấp hơn - GS Trương Nguyện Thành
Như chúng tôi đã đề cập ở những dòng đầu tiên, nói đến giáo dục Phần Lan, là nói đến sự khác biệt, là ‘không giống ai’ như cách dùng từ của một trang báo mạng trong nước. Giáo sư Toner Wagner của Đại học Harvard, Mỹ đã từng làm hẳn một bộ phim tài liệu dài hơn 1 giờ đồng hồ - có tên The Finland Phenomenon: Inside The World’s most suprising school system (Hiện tượng Phần Lan: Hệ thống giáo dục đáng ngạc nhiên nhất thế giới) - sau khi ông thâm nhập vào các trường học ở Phần Lan để tìm hiểu về nền giáo dục được cho là tốt nhất thế giới này. Trong video, ông kể rằng:
“Có một đất nước mà ở đấy, học sinh có được ba tháng hè; không mất nhiều thời gian trong lớp cho một ngày. Có một đất nước mà ở đấy, học sinh có rất ít bài tập về nhà, rất ít khi phải làm bài kiểm tra. Có một đất nước mà ở đấy, nghề dạy học là một nghề được tôn trọng nhất trong xã hội và người thầy hiếm khi phải trải qua các qui trình đánh giá nghề nghiệp. Có một đất nước mà ở đấy, các trường học luôn tìm kiếm và tiếp nhận những kỹ thuật tiên tiến nhất…”
Thêm vào đó, tờ báo Khởi nghiệp trẻ trong nước có một bài viết nêu 7 lý do khiến nền giáo dục Phần Lan đứng đầu thế giới. Trong đó, theo một cuộc nghiên cứu kéo dài trong ba năm của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, học sinh Phần Lan đạt tiêu chuẩn tri thức cao nhất trên thế giới.
Chỉ bấy nhiêu chi tiết ấy thôi, có thể hiểu vì sao Giáo sư Trương Nguyện Thành nói rằng kế hoạch nhập khẩu chương trình đào tạo của Phần Lan vào Việt Nam của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam là một tin mừng cho tất cả bậc cha mẹ có con nhỏ nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung.

Khó khăn

Tuy nhiên, có vẻ như dự án này không thể tạo cho Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh, nguyên là chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng rằng đây là một hướng đi có triển vọng tốt đẹp cho giáo dục Việt Nam. Với ông, điều đầu tiên ông cho rằng không cần phải nhập khẩu một chương trình đào tạo từ nước ngoài để áp dụng cho giáo dục Việt Nam.
“Có rt nhiều những nhóm người ta đã nghiên cứu rồi như nhóm Cánh Buồm hay trường thực nghiệm của ông Hồ Ngọc Đại. Nếu tôi là Bộ trưởng tôi sẽ tận dụng những cái đang có, đã có, những sức mạnh tổng hợp để làm cái gì phù hợp với đất nước mình hơn là nhắm mắt rồi nhét vào một mô hình không thể bước được.”
Nếu tôi là Bộ trưởng tôi sẽ tận dụng những cái đang có, đã có, những sức mạnh tổng hợp để làm cái gì phù hợp với đất nước mình hơn là nhắm mắt rồi nhét vào một mô hình không thể bước được. - TS Mai Văn Tỉnh
Sự phù hợp mà Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh đề cập đến, theo quan điểm của Giáo sư Trương Nguyện Thành, chính là triết lý sống được ứng dụng vào giáo dục của quốc gia Phần Lan.  Ở vị trí một người làm sứ mệnh giáo dục, ông có những lo ngại khi nghĩ đến đến việc áp dụng một triết lý giáo dục rất xa lạ và ông e rằng “rất khó chấp nhận được trong xã hội Việt Nam”.
“Giáo dục Phần Lan có một triết lý rất là khác biệt, cũng như là triết lý sống của họ. Liệu là mình có hiểu được triết lý đó để mà ứng dụng nó hay không? Vì nếu mình ứng dụng mà không hiểu triết lý đó thì nó sẽ không có hiệu quả như vậy.”
Qua những năm gần đây trở về Việt Nam sống và truyền dạy kiến thức, tiếp lửa sáng tạo cho học sinh sinh viên, Giáo sư Trương Nguyện Thành nhận thấy ở Việt Nam, cả giáo viên và phụ huynh luôn có một tâm lý lo sợ học sinh không tiếp cận đủ kiến thức với số giờ trên lớp. Rất nhiều bài báo trong nước đã nhắc đến vấn đề học thêm ngoài giờ của học sinh ở Việt Nam gần như là bắt buộc.
Thêm vào đó, theo ông, xã hội Việt Nam là một xã hội trọng bằng cấp.   Văn hoá Việt Nam là văn hoá thi cử. Câu nói ‘Đại học là ngưỡng cửa thành công duy nhất của con người’ có lẽ đã thấm nhuần trong tư tưởng của các cô cậu học sinh Việt Nam. Và điều này hoàn toàn trái ngược với triết lý giáo dục của Phần Lan.
“Mình muốn hiểu cách làm đó thì mình phải hiểu cái triết lý đằng sau nó. Vì từ triết lý ở sau nó mình mới có nhận định và có cách làm. Từ giảng viên cho đến những nhà quản lý giáo dục cũng như những nhà quản lý trường học cần phải hiểu triết lý của hệ thống giáo dục đó. Còn nếu không thì không thể nào ứng dụng 1 cách hiệu quả.”
Từ giảng viên cho đến những nhà quản lý giáo dục cũng như những nhà quản lý trường học cần phải hiểu triết lý của hệ thống giáo dục đó. Còn nếu không thì không thể nào ứng dụng 1 cách hiệu quả. - GS Trương Nguyện Thành

Cần phải làm gì?

Từ những lo ngại như thế, cho nên cho dù Tiến sĩ Mai Văn Tỉnh nhìn nhận quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là “nhiệt tình và tâm huyết”, nhưng theo ông, trước hết vẫn cần một quá trình nghiên cứu chi tiết và cụ thể.
“Anh phải nghiên cứu chuyển giao những ứng dụng điều kiện, yếu tố tốt của nền kinh tế của Bắc Âu, Phần Lan vào trong điều kiện cụ thể, trong nền kinh tế thi trường, trong ngành giáo dục đang lạc hậu và đang lạc hướng này như thế nào? Chứ không thể bê vào đây được.”
Giáo sư Trương Nguyện Thành thì cho rằng cách quản lý và môi trường giảng dạy mới là quan trọng. Do đó theo ông, mọi chuyện cần phải bắt đầu ngay bây giờ bằng những chiến lược đào tạo con người và thực hiện từng bước một.
“Tôi nghĩ ngay từ lúc này, điều quan trọng nhất là chính phủ và Bộ giáo dục cần có một chương trình đào tạo giảng viên. Chọn lọc tất cả những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở những ngành nghề khác mà họ muốn trở thành giảng viên.”
Vì theo ông, muốn có 1 chương trình đào tạo tiên tiến mang từ nước ngoài về thì phải có những người hiểu biết và vận hành hệ thống đó.
“Chưa nói gì đến là đưa vào các trường trung học phổ thông ở Việt Nam nhưng phải có chiến lược là đào tạo một đội ngũ giảng viên phổ thông bài bản.”
Ông cho biết, phải trải qua 30 năm, triết lý giáo dục Phần Lan mới trở thành một trong những nền giáo dục thành công nhất toàn cầu.
Việt Nam sẽ là bao lâu? Chính ông cũng chưa thể đưa ra câu trả lời. Nhưng theo ông, cần phải có cách nhìn vấn đề này như đối với một “dự án khởi nghiệp”, và cần phải có thời gian thử nghiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét