Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Hoàng Sa – nổi trôi vận nước


Hoàng Sa – nổi trôi vận nước



Một phần của quần đảo Hoàng Sa - Paracels - từ trên không. Ảnh: STR/AFP/Getty Images





Ngày 19/1/1974, một cuộc hải chiến giữa Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Trung Quốc nổ ra, và hầu như không được giới truyền thông quốc tế xem là một điều quá to tát. Cuộc chiến Việt Nam khi đó vẫn đang tiếp diễn, và đó mới là mối quan tâm của thế giới ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc hải chiến này lại ảnh hưởng rất lớn đến vai trò của Trung Quốc trên biển Đông ngày nay.
Từ năm 1974, Trung Quốc đã nắm trọn quyền kiểm soát toàn bộ các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands), tiến hành công cuộc xâm chiếm quần đảo Trường Sa (Spratlys Islands), uy hiếp các nước láng giềng để mở rộng đường bản đồ 9 đoạn – hay còn gọi là đường lưỡi bò (U-shaped map).

Bản đồ miêu tả các tranh chấp liên quan đến bản đồ 9 đoạn trên Biển Đông hiện nay. Ảnh: CIA
Trước đó, từ năm 1956 đến năm 1974, hơn phân nửa diện tích hiện thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, là thuộc chủ quyền của Việt Nam, do VNCH quản lý theo Hiệp định Geneva 1954 và các hiệp ước quốc tế khác, được ký kết sau khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt.
Lãnh thổ quốc gia Việt Nam luôn được cả hai miền khẳng định, là duy nhất, toàn vẹn và xuyên suốt, trong cả thời kỳ nội chiến Nam Bắc 1954-1975,
Thế nhưng, khi phần thuộc về chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược vào năm 1974, thì chính phủ tại cả hai miền đã có những động thái gì để phản đối và khẳng định chủ quyền trên Biển Đông?
Liệu đây có phải là trách nhiệm của chỉ một mình VNCH và miền Nam Việt Nam, hay đó vốn phải là trách nhiệm của tất cả người Việt Nam khi đó?
Chúng ta hãy cùng nhìn lại trận hải chiến Hoàng Sa và các điều khoản, hiệp ước mà cả hai miền đã ký kết trước đó, cũng như trong thời điểm ấy, để tìm một câu trả lời đa chiều.
Lãnh thổ và chủ quyền quốc gia các nước sau Thế chiến Thứ hai
Trước khi đi vào chi tiết của trận chiến Hoàng Sa, chúng ta hãy hình dung lại bản đồ thế giới ngay sau khi Thế chiến Thứ hai chấm dứt vào tháng 8/1945.
Ranh giới lãnh thổ của các quốc gia khi ấy và bây giờ là không giống nhau. Thậm chí, đối với một số quốc gia, thì ranh giới lãnh thổ mới được phân chia, tái phân chia, hoặc định ra từ lúc đó.
Từ nửa đầu của thế kỷ 20 trở về trước, người dân ở hầu hết mọi nơi trên thế giới đều phải đối mặt với chiến tranh như là một phần của cuộc sống. Lãnh thổ quốc gia chính là do chiến tranh mà đạt được, và bản đồ thế giới ngày nay phần lớn cũng là do kết quả của các cuộc chiến thảm khốc phân định ra.
Tranh chấp ở biển Đông nói chung, và về quần đảo Hoàng Sa nói riêng, cũng có nguồn gốc từ những lần tranh chấp đó.
Trong một bài giảng ngày 8/9/2017 tại Viện Quan hệ Quốc tế (Institute of International Relations) thuộc Đại học Chính trị Taipei (Đài Bắc), Taiwan (Đài Loan), phóng viên kỳ cựu và là một nhà nghiên cứu Biển Đông có tên tuổi, Bill Hayton, cho rằng, Trung Hoa bắt đầu thăm dò việc mở rộng chủ quyền trên biển từ những năm cuối của triều đại nhà Thanh.
Sau khi được thành lập, nhà nước Trung Hoa Dân quốc (từ năm 1911-1946) cũng nhiều lần tìm cách khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, qua các chuyến thám hiểm được chính phủ hỗ trợ. Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) và Mao Zedong (Mao Trạch Đông) có thể có nhiều mâu thuẫn chính trị, nhưng cả hai đều ôm ấp cùng một tham vọng ở biển Đông.

Bản đồ các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: US Navel College.
Vị thế địa chính trị (geopolitics) của quần đảo Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa-西沙-trong tiếng Hán) cách khoảng 300 cây số về phía Nam đảo Hải Nam (Hainan), Trung Quốc, và 370 cây số về phía đông của Đà Nẵng, Việt Nam.
Quần đảo này bao gồm các đảo san hô, các dải đá, và các bãi ngầm có thể được chia làm hai nhóm chính là Amphitrite (An Vĩnh) và Crescent (Trăng non – 永乐).
Nhóm đảo Amphitrite nằm ở phía Đông Bắc của quần đảo Hoàng Sa.
Về phía Tây Nam của nhóm Amphitrite là nhóm đảo Crescent, bao gồm các đảo Pattle (Hoàng Sa-珊瑚), Money (Quang Ảnh-金银), và Robert (Hữu Nhật-甘泉) ở bờ Tây, và các đảo Duy Mộng (Drummond – 晋卿), Duncan (Quang Hòa-琛航), và Palm (Quang Hòa Tây-广金) ở bờ Đông.
Một khoảng cách 80 cây số phân chia hai nhóm đảo Amphitrite và Crescent.
Các tài liệu của Trung Quốc luôn đề cao vị thế địa chính trị của quần đảo Hoàng Sa. Trong bách khoa toàn thư của quân đội Trung Quốc, thì “quần đảo (Hoàng Sa) là vành đai bảo vệ lãnh thổ đại lục, và là tuyến đầu của quốc gia (ở biển Đông). Các đường bay và đường biển từ Trung Quốc đến Singapore và Jakarta-Indonesia đều phải đi qua vùng biển này, và đó là lý do vì sao quần đảo này lại quan trọng (đối với Trung Quốc) đến vậy”.

Bia đá được cho là của người Pháp đặt ở đảo Pattle (Hoàng Sa) thuộc quần đảo Hoàng Sa – Paracels để khẳng định chủ quyền trong thập niên 1930. Ảnh: Thanhnien News
Lịch sử chủ quyền quần đảo Hoàng Sa sau Thế chiến thứ Hai đến năm 1974
Thế chiến thứ Hai kết thúc, nhưng cuộc nội chiến tại Trung Hoa đại lục vẫn tiếp diễn. Và chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa cũng liên tiếp thay đổi.
Năm 1947, quân đội Quốc dân đảng chiếm đóng đảo Woody (Phú Lâm) thuộc nhóm Amphitrite, còn người Pháp thì đóng tại đảo Pattle (đảo Hoàng Sa) thuộc nhóm Crescent ở bên kia của quần đảo Paracels-Hoàng Sa.
Đến khi quân cộng sản chiếm được đảo Hải Nam, một trong những hào lũy cuối cùng của cuộc nội chiến tại Trung Quốc, quân đội Quốc dân đảng cũng không thể tiếp tục trụ tại đảo Woody.
Năm 1950, quân giải phóng Trung Quốc (People’s Liberation Army – PLA) chiếm được đảo này.
Đến năm 1951, tại hòa đàm San Francisco, Nhật Bản giao ra chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratlys), nhưng không trao trả cho bất kỳ quốc gia nào.
Sau đó, Quốc gia Việt Nam tại miền Nam Việt Nam và Pháp đều đưa ra công hàm chính thức, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956 và 1958. Trong cùng thời gian, Trung Quốc và miền Nam Việt Nam đều có quân chiếm đóng (occupation) ở hai nửa của quần đảo Hoàng Sa-Paracels.
Năm 1955, một nhà máy Trung Quốc bắt đầu khai thác phân bón ở đảo Woody để sử dụng tại đất liền.
Một năm sau, vào năm 1956, nước Pháp chính thức chuyển nhượng chủ quyền đảo Pattle cho VNCH (VNCH được thành lập năm 1955).

Miền Bắc Việt Nam và Pháp ký kết Hiệp định Geneva 1954. Sau khi ký kết, Pháp trao trả chủ quyền ở Hoàng Sa cho VNCH ở miền Nam năm 1956. Ảnh: Getty Images.
Vào đầu năm 1959, hải quân Sài Gòn đã dùng vũ lực để đẩy ngư dân Trung Quốc ra khỏi đảo Duncan và điều này giúp cho VNCH kiểm soát được toàn bộ nhóm đảo Crescent.
Trong suốt thập niên 1960, Trung Quốc và VNCH đều giữ cho mình ở thế cầm chừng tại biển Đông. Cả hai chỉ xây dựng cơ sở một cách khiêm tốn, và thỉnh thoảng mới tuần tra vùng hải phận xung quanh các vùng đảo mà mình kiểm soát.
Một trong những lý do giúp giữ thế trung dung ở Biển Đông trong giai đoạn đó được cho là bởi vì hải quân Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực. Người Mỹ đã khiến cho Trung Quốc phải cân nhắc việc ra tay giành giật các đảo thuộc quyền kiểm soát của miền Nam Việt Nam.
Đến thập niên 1970, những hứa hẹn về khai thác dầu khí gần bờ đã từ từ thổi lên ngọn lửa tranh chấp ở Biển Đông.
Giữa năm 1973, chính quyền Sài Gòn bắt đầu cho phép các công ty nước ngoài tiến hành thăm dò dầu khí gần nhóm các đảo Crescent.
Cùng năm đó, Beijing (Bắc Kinh) cũng bắt đầu lên tiếng về việc chủ quyền đối với tài nguyên thuộc các hải phận ở những đảo mà họ chiếm đóng. Trung Quốc cũng bắt đầu tiến hành khai thác dầu khí ở đảo Woody vào tháng 12/1973.
Tất cả các yếu tố địa chính trị, kinh tế, và chủ quyền đều tập trung cùng lúc, và chúng được xem là đã khiến cho tranh chấp Biển Đông chính thức bùng nổ.
Tuy nhiên, dã tâm của Trung Quốc thì không chỉ manh nha bắt đầu vào lúc này.

Tranh cổ động của Trung Quốc về hải chiến Trường Sa. Ảnh: Chineseposters.net
Trận chiến Hoàng Sa – Công cuộc chuẩn bị nhiều năm và mưu kế của Trung Quốc
Từ một tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Toshi Yoshihara thuộc Đại học Hải quân trực chiến (United States Naval War College), chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về các chi tiết của trận chiến ở quần đảo Hoàng Sa.
Giáo sư Yoshihara cho rằng đây là một trong những cuộc hải chiến – tuy ít được giới nghiên cứu và học giả nhắc đến – nhưng lại vô cùng quan trọng trong lịch sử thế giới cận đại.
Theo ông Yoshihara, trận hải chiến Hoàng Sa chính thức mở đầu công cuộc mở rộng lãnh thổ trên Biển Đông của Trung Quốc, và cũng là ngòi nổ cho các cuộc xung đột tại vùng biển này từ đó cho đến nay. Mà Trung Quốc, đặc biệt là Mao Zedong (Mao Trạch Đông), đã chuẩn bị cho nó bằng một kế hoạch dài hơi, cũng như chờ đợi một thời cơ thích hợp nhất để tấn công VNCH vào tháng 1/1974.
Bắt đầu từ mùa hè năm 1973, một loạt các khiêu khích đã nổ ra giữa hai bên.
Tháng 8/1973, VNCH đã chiếm sáu đảo thuộc quần đảo Trường Sa-Spratlys Islands, và một tháng sau, chính quyền Sài Gòn chính thức tuyên bố chủ quyền đối với 10 hòn đảo thuộc Trường Sa.
Tháng 10/1973, hai tàu đánh cá của Trung Quốc – số 402 và 407 – tiến đến gần nhóm đảo Crescent của quần đảo Hoàng Sa, và thực hiện hoạt động đánh bắt tại đó. Thuyền viên của hai đoàn tàu này đã cắm cờ Trung Quốc lên các hòn đảo vốn đang được VNCH chiếm đóng, cũng như tiến hành thiết lập một đội hậu cần tại đó – nơi mà hơn một thập niên trước, quân đội VNCH đã đánh đuổi họ ra khỏi.
Tháng 11/1973, hải quân VNCH truy đuổi hai tàu đánh cá Trung Quốc 402 và 407 ra khỏi vùng đảo Crescent, bắt giữ một số thủy thủ, và giải họ về  Đà Nẵng.
Ngày 10/1/1974, hai đoàn tàu này trở lại Crescent và bắt đầu xây dựng một nhà máy chế biến hải sản tại đây. Một ngày sau đó, chính quyền Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và Macclesfield (Trung Sa – 中沙 – trong tiếng Hán).
Từ ngày 14-17/1/1974, hải quân VNCH đã điều động lực lượng đến quần đảo Hoàng Sa để giữ các đảo thuộc quyền kiểm soát của mình qua việc và xua đuổi các tàu đánh cá của Trung Quốc ra khỏi đó.
Ngày 16/1/1974, hải quân Trung Quốc cũng điều động hai tàu chiến trực tiếp hướng về phía quần đảo này.
Các tàu chiến của Trung Quốc đều nhận được lệnh, không nổ súng trước. Mà ngược lại, họ sử dụng hai tàu đánh cá nói trên để khiêu khích hải quân VNCH. Hai tàu đánh cá 402 và 407, theo ký lục của hải quân Trung Quốc ghi lại, vốn trực thuộc quyền điều khiển của họ, chứ không phải là các tàu đánh cá của dân thường.
Hải chiến Hoàng Sa chính thức nổ ra vào rạng sáng ngày 19/1/1974. Chi tiết sống động về cuộc chiến đã được Bill Hayton miêu tả qua gần 10 trang trong sách của ông The South China Sea: The Struggle for Power in Asia (trang 70-78).
Đến cuối cùng, Trung Quốc đã đánh chìm một tàu quét mìn, gây thiệt hại nặng nề cho ba tàu chiến của VNCH, giết chết và làm bị thương hàng trăm binh lính hải quân và sĩ quan, bắt giữ 48 người và chiếm cứ ba hòn đảo thuộc nhóm Crescent.
Kể từ đó, Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa-Paracels Islands.

Sáu trong 74 quân nhân VNCH hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
VNCH phản công bất thành vì Hiệp định Paris 1973 đã chấm dứt nguồn viện trợ và sự trợ giúp của quân đội Hoa Kỳ
Chính quyền VNCH ngay lập tức đã phản ứng với việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đánh các đảo ở quần đảo Hoàng Sa do miền Nam Việt Nam kiểm soát trong gần hai thập kỷ. Hải quân VNCH đã chuẩn bị mang hai tàu khu trực và sáu tàu chiến từ Đà Nẵng để đánh ngược ra Hoàng Sa.
Các lực lượng bộ binh và không quân cũng được lệnh chuẩn bị chiến đấu. Cùng lúc đó, chính quyền Sài Gòn yêu cầu lực lượng hải quân Hoa Kỳ từ chiến hạm U.S. Seventh Fleet trợ giúp, nhưng Hoa Kỳ – vẫn là đồng minh của VNCH khi đó – đã từ chối.
Tuy vậy, Trung Quốc không hề coi nhẹ lực lượng VNCH, và đã chuẩn bị cho việc bị phản công. Đích thân Mao Zedong đã ra lệnh cho ba tàu khu trục nhỏ xuất phát từ Guangzhou (Quảng Châu) đi qua eo biển Đài Loan (Taiwan Strait), để tiến về yểm trợ cho lực lượng chiếm đóng Hoàng Sa.
Đây vốn là một quyết định khá liều lĩnh của Mao, vì mối quan hệ giữa chính quyền KMT (Quốc dân đảng) và đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó vẫn rất căng thẳng.
Nhưng đến cuối cùng, có lẽ đảng cầm quyền KMT tại Đài Loan cho rằng, việc người Trung Hoa (ở bất kỳ đâu) làm chủ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa vẫn là điều có lợi nhất đối với họ, nên đã âm thầm cho phép các tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng lãnh hải một cách bình yên. Và đoàn tàu chiến của Mao đã an toàn đến được Hoàng Sa.
Trong khi đó, sau khi Hiệp định Paris 1973 được hai miền Nam Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết gần một năm trước, đồng minh Hoa Kỳ đã rút quân khỏi Việt Nam, cũng như cắt giảm viện trợ cho VNCH.
Thế nên, khi đối diện với tàn cuộc của cuộc chiến Hoàng Sa, chính quyền VNCH chỉ có thể tự dựa vào sức mình. Mà chỉ với sức họ, vốn không đủ quân lực để đánh ngược ra Hoàng Sa trong khi cuộc chiến Việt Nam vẫn đang tiếp diễn.
Trung Quốc đã tính toán rất kỹ nước cờ này, Giáo sư Yoshihara nhận định, vì họ nắm gần như là chắc chắn người Mỹ sẽ không tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông khi đó.
Mà ngay cả khi Mỹ có ý bảo vệ VNCH đi nữa, thì Trung Quốc cũng đã chuẩn bị cho một nước cờ kế tiếp. Theo Đô đốc Kong Zhaonian, một trong những người trực tiếp tham chiến ở Hoàng Sa, thì sở dĩ Trung Quốc đã chờ cho phía VNCH có phản ứng với các tàu đánh cá trước, là để dùng trong trường hợp đó. Nếu Mỹ nhảy vào, thì Trung Quốc sẽ tuyên bố với quốc tế, phía VNCH là phe gây hấn.

Hình ảnh từ các báo đưa tin về việc sinh viên VNCH biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa ở nhiều nơi trên thế giới năm 1974. Nguồn: Vietinfo
Sự im lặng của miền Bắc Việt Nam sau khi Hoàng Sa bị xâm lược
Hiệp định Paris 1973 là “hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Đó là những gì được viết trên giấy, còn trong thực tế, cả hai miền Nam Bắc, cùng lực lượng Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam (CMLT) ở miền Nam, vẫn tiếp tục nã súng vào đối phương cho đến ngày 30/4/1975.
Bỏ qua việc phe nào là phe đã phá vỡ điều lệ ngừng chiến của Hiệp định 1973, câu hỏi được đặt ra với vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa là, người Việt Nam ở mọi miền đã có những động thái gì để bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo này ngay sau ngày 19/1/1974?
Bỏ mặc những tuyên bố về sự toàn vẹn lãnh thổ, và cũng không bàn đến những cáo buộc liên quan đến chủ quyền lãnh hải được bàn bạc giữa Trung Quốc và VNDCCH trong thập niên 1950-1960, chúng ta chỉ nhìn vào những gì mà các bên đã ký kết trong Hiệp định 1973.

Điều 1 của Hiệp định Paris đã ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Hành vi của Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974 rõ ràng là việc làm đi trái với Điều 1 của Hiệp định Paris 1973. Quyền kiểm soát một nửa quần đảo Hoàng Sa của miền Nam Việt Nam vốn được quốc tế công nhận theo Hiệp định Geneva kể từ năm 1956 như đã nêu ở đầu bài.
Còn Điều 15 của Hiệp định Paris 1973 thì quy định:
“Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào hoặc khối quân sự nào và không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự trên đất mình, như Hiệp định Geneva năm 1954 về Việt Nam quy định.”
Do đó, cũng không thể lấy lý do là Trung Quốc là đồng minh của VNDCCH trong cuộc chiến 1954-1975 để lý giải cho sự chiếm đóng của hải quân nước này ở Hoàng Sa.
Đối diện với việc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc, chúng ta chỉ ghi nhận được sự im lặng của VNDCCH vào thời điểm đó. Liệu sự im lặng này có được xem là việc ngầm công nhận chủ quyền của Trung Quốc từ phía miền Bắc Việt Nam, đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hay không?
Trái ngược lại, chính quyền VNCH dù không giành lại được Hoàng Sa, nhưng ngày 20/1/1974, họ đã khiếu nại chính thức đến Hội đồng Bảo an LHQ để tố cáo hành vi xâm lược của Trung Quốc.

Báo New York Times đưa tin ngày 21/71974 về việc chính quyền Sài Gòn lên án Trugn Quốc xâm lược chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: NY Times
Riêng về phần CMLT ở miền Nam, thì chính phủ lâm thời này được cho là có đưa ra một tuyên bố năm 1974, phản đối hành vi của Trung Quốc và kêu gọi các nước liên quan đến tranh chấp giải quyết xung đột trong ôn hòa. Thế nhưng, đó chỉ là thông tin do phía báo chí Việt Nam đăng tải trong những năm gần đây.
Cho đến nay, không có một tuyên bố chính thức hoặc một văn bản có hiệu lực pháp lý nào được công bốvới công chúng Việt Nam và quốc tế, để lý giải cho thái độ của VNDCCH và cả của CMLT, trước việc Trung Quốc đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam vào năm 1974.
Một trong các lý do là vì giới học giả vẫn không thể tiếp cận được các tài liệu về Biển Đông được lưu trữ bởi chính phủ Việt Nam hiện nay. Điều này được Bill Hayton xác nhận một lần nữa vào ngày 8/9/2017 tại buổi thuyết trình ở Đài Loan về vấn đề Biển Đông.
***
Từ năm 1974 đến nay, Trung Quốc không ngừng mở rộng đường lưỡi bò qua việc chiếm đóng các đảo ở Biển Đông, cũng như uy hiếp các nước láng giềng có chủ quyền tranh chấp với họ, trong đó có Việt Nam.
  • Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc Trường Sa của Việt Nam.
  • Cuối năm 1994, chính quyền Beijing cho xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền tại Mischief Reef (đá Vành Khăn).
  • Năm 2012, Trung Quốc ép buộc Philippines phải nhượng bộ, sau khi xảy ra tranh chấp về quyền đánh bắt ở Scarborough Shoal (bãi Hoàng Nham).
  • Bắt đầu từ 2013, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
  • Năm 2014, giàn khoan 981 của Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Việt Nam.
  • Gần đây nhất, cuối tháng 8/2017, tin tức Trung Quốc tập trận bằng đạn thật trên biển Đông được truyền thông Việt Nam loan tải.
Lúc này chính là khi chính phủ Việt Nam cần phải minh bạch tất cả thông tin đang được lưu trữ về vấn đề Biển Đông. Vì chỉ có như thế, người dân mới có thể hiểu thấu đáo vấn đề, và các học giả mới có thể giúp nhà nước giải được bài toán tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc bằng các biện pháp ôn hòa.
Tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét