Thời chưa qua và sự chính danh
bauxitevnSun 7:23 AM
Nguyễn Thị Hậu (FB Nguyễn kc Hậu)
Tình cờ đọc được status này, vì thấy nó rất giàu sự nhân ái và chính trực nên BVN trân trọng chuyển tới bạn đọc. Cảm ơn bà Nguyễn Thị Hậu!
Bauxite Việt Nam
|
Từ sau năm 1975 cho đến nay, trong gia đình tôi tuyệt nhiên không bao giờ có hai từ "ngụy" và "cộng sản" kiểu gọi kì thị hay xếch mé. Đơn giản vì hai bên nội ngoại đều có người bên này bên kia trong cuộc chiến hơn hai mươi năm.
Những ngày có đám giỗ chạp hiếu hỉ, gặp nhau không thể tránh khỏi câu chuyện thời cuộc, nhất là trong những năm 1975 - 1980, những người ở cả hai bên có thể tranh luận, thậm chí cãi nhau, nhưng không bao giờ sỉ nhục hay miệt thị nhau là "bọn ngụy", "thằng cộng sản", mà thường nói vui là nhà mình có hai phe "cách mạng" và "liều mạng", vì một bên từ bỏ sung sướng đi kháng chiến còn một bên liều mình vượt biên.
Người hai bên thương nhau vì cùng một nhà, vì thương nội ngoại không muốn đàn con gặp nhau sau bao năm xa cách lại thù ghét nhau, và vì hiểu mỗi người có sự lựa chọn, cả do thời thế, để đi con đường của mình. Và một điều quan trọng nữa, người "trở về" như nhà tôi không coi tài sản ông bà nội ngoại là "tài sản" của mình, vì vậy tránh được mọi khó xử không đáng có.
Khi ba tôi làm công việc phụ trách khối sân khấu của thành phố, trong tâm tư tình cảm của ông chưa bao giờ phân biệt nghệ sĩ cách mạng hay nghệ sĩ Sài Gòn. Ông cư xử thân ái như nhau, xử lí với người sai phạm như nhau, không thiên vị. Nhưng ông thương những người chịu thiệt thòi như diễn viên thường, người làm công tác hậu đài, phục vụ... vì không ai biết đến, vì thu nhập thấp, vì bị coi thường từ ngay mấy "nghệ sĩ lớn"... Ông vẫn nói khi tấm màn nhung mở ra để sân khấu sáng đèn thì phải có bao người chịu đứng trong bóng tối.
Khi má tôi làm việc ở ngân hàng, bà cùng nhiều đồng nghiệp đấu tranh chống lại ý định tịch thu toàn bộ tiền tiết kiệm gửi các ngân hàng Sài Gòn của người dân, công chức với lí do "làm việc cho chế độ cũ". Không thể "thất nhân tâm như vậy, nếu khó khăn thì có kế hoạch trả dần cho người gửi, vì đó là tiền mồ hôi nước mắt, trong chế độ nào cũng phải đi làm, nếu không thì họ sống bằng gì?".
Những suy nghĩ và ứng xử của ba má tôi gặp không ít sự phê phán từ cấp trên, đồng nghiệp, thậm chí bị quy chụp "tả khuynh hữu khuynh" gì đó. Nhưng ông bà vẫn không thay đổi, vì điểm xuất phát của những suy nghĩ ứng xử đó là sự chính trực. Có sự chính trực, người ta nhìn nhận và hành xử công bằng và gọi tên sự vật đúng như nó chứ không cần phải dùng lời lẽ mệt thị khinh thường hay ngược lại, tâng bốc nịnh thối.
Tôi, con của ba má tôi, cũng thừa hưởng tính cách ấy. Chưa bao giờ tôi chơi với bạn mà có ý nghĩ bên này bên kia... Tôi có nhiều bạn Sài Gòn từ lớp 12 Marie Curie năm học 1975-1976 và sau đó ở trường đại học, rồi đi làm, nhất là bạn "vỉa hè" thì hầu như toàn các anh chị văn nghệ sĩ Sài Gòn... Thân nhau như với các bạn Mở Miệng, Giấy Vụn, hay với nhiều anh chị hợp nhau trò chuyện thì gặp cà-phê hay nhậu bờ kè... Cũng nói đủ thứ chuyện, cũng có nhiều chuyện không "đồng thuận" nhưng vẫn tôn trọng, quý mến nhau... Thật ra nếu có ai đó thể hiện kì thị Bắc Nam hay bên thắng bên thua thì tôi tránh không gặp nữa, vì đó là những định kiến rất khó thay đổi (nhưng không khó để nhận ra vài người vẫn ngấm ngầm "theo dõi" tôi với định kiến ấy).
Thời đã qua của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia là sự tồn tại "như nó đã từng". Muốn hiểu đúng, gọi đúng tên sự việc thì cần sự chính trực và tình yêu thương như người một nhà - "đồng bào".
Chính quyền "Việt Nam cộng hòa" là một thực thể lịch sử. Khi các công trình sử học lưu lại sự tồn tại của chính thể này một cách chính danh như vậy sẽ làm rõ nhiều điều, cả thành tựu và sai lầm của nó, như khi sử sách ghi ghép về tất cả những thời đã qua. Khi chưa được nhìn nhận một cách công bằng thì quá khứ mãi còn là một thời chưa qua. Sự công chính dành cho quá khứ chính là sự dọn dẹp phong quang cho con đường đi đến tương lai.
Mặt khác, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, lịch sử đánh giá về "thời đã qua" cũng là đánh giá ngay cả về thời hiện tại "đang qua". Thái độ ứng xử với (di sản) quá khứ thế nào cho biết nhiều điều về chính thể hiện nay.
Điều cần thiết hơn là những sự việc hiện tượng của ngày hôm nay cần phải được gọi đích danh chứ không thể ve vuốt bằng những từ ngữ lươn lẹo và dối trá: quà trên mức tình cảm, nhận chìm vật chất, xóa bỏ nguyên chức, kê khai chưa đầy đủ... Những từ ngữ xảo trá này cho thấy sự bất chính của những người sử dụng nó.
Ngày 21-8-2017
N.T.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét