Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

19-8-1991 - Chính biến ở Liên Xô

19-8-1991 - Chính biến ở Liên Xô

bauxitevn9:11 PM

FB Nguyen Van Bao 
"Đời sống người dân… vô cùng bi đát", "Liên Xô kiệt quệ đến cùng cực", "Mỹ và NATO… biết Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa sẽ tự sụp đổ vì đói, nghèo và sự bất mãn của nhân dân", "các lãnh tụ Liên Xô thường là những tay giáo điều, tự phụ, nát rượu và tham nhũng", "công khai chỉ làm nổi bật những khiếm khuyết không thể nào sửa chữa của Đảng. Tái cấu trúc không thể tiến hành trên một nền móng đã mục ruỗng tận gốc rễ"… - Đó là tình hình ngay trước khi Liên Xô tan rã được đề cập trong một bài tổng thuật khó có thể ngắn gọn hơn về sự kiện này của FB Nguyen Van Bao. 
Bauxite Việt Nam
1985 - 1991 đời sống người dân Liên Xô vô cùng bi đát. Nhu yếu phẩm luôn thiếu. Lương tháng một giáo sư quy ra khoảng 5 đô-la, mua được 2 kg thịt ở chợ đen. Đến nỗi các mặt hàng vớ vẩn của Việt Nam như áo gió lõi bẹ chuối, son phấn làm bằng đất sét và phẩm màu, xi-lip bông hồng xỏ chân một lần là rách... cũng là hàng xa xỉ.
Tôi đến nhà máy Hydrosila ở Leningrad đặt làm turbin cho thuỷ điện Hoà Bình. Ban giám đốc nhà máy đãi tiệc. Mỗi người được một miếng thịt băm bằng nắm tay trẻ con và một li café vàng ệch, nhạt thếch. Nếu ông giám đốc không nói là café thì tôi không thể đoán được đấy là gì.
Tanhia, bạn học đại học, đang là kĩ sư trưởng của nhà máy, nói với tôi: "Một năm rồi mới được uống café. Ước gì tháng nào chàng cũng đến kiểm tra tiến độ sản xuất, để em được uống café". Tôi hứa sẽ gửi riêng cho nàng 10 kg café chồn nếu nhà máy giao turbin đúng hạn.
Công bằng mà nói, bánh mì và sữa luôn có đủ. Người dân không bị đói. Liên Xô đổi dầu hoả lấy 2 thứ đó để yên lòng dân. Dù yếu kém mọi bề nhưng chính quyền luôn kiểm soát truyền thông rất tốt. Tuyệt đối không có đối lập. Không có bất cứ ý kiến nào về tính chính danh của đảng cầm quyền. Chỉ có tiếu lâm về lãnh đạo, về nạn khan hiếm thực phẩm mà bọn bợm rượu thì thầm với nhau ở WC.
Gorby làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ 1985 đến 1991. Lúc này Liên Xô kiệt quệ đến cùng cực. Đến nỗi Bộ Quốc phòng không thể trả tiền điện và Công ty điện lực cắt điện cả các trạm rada quân sự. Vô phúc nếu lúc đó bị tấn công thì Liên Xô chẳng khác một thằng mù.
Mĩ và NATO không cần tấn công quân sự. Họ biết Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa sẽ tự sụp đổ vì đói, nghèo và sự bất mãn của nhân dân.
Các lãnh tụ Liên Xô thường là những tay giáo điều, tự phụ, nát rượu và tham nhũng. Gorby khác bọn này. Ông biết rằng nếu không cải cách triệt để thì Đảng Cộng sản sẽ mất quyền lãnh đạo và liên bang sẽ tan vỡ.
Với tư cách Tổng bí thư Đảng Cộng sản và Tổng thống liên bang, ông ta đề ra 2 chương trình Glasnost (công khai) và Perestroika (tái cấu trúc). Gorby ngây thơ tin rằng 2 cái đó có thể khôi phục uy tín cho Đảng và cứu vãn Liên bang xô-viết. Từ đáy lòng ông ta không muốn đảng mất quyên lãnh đạo và liên bang tan rã.
Tuy vậy công khai chỉ làm nổi bật những khiếm khuyết không thể nào sửa chữa của Đảng. Tái cấu trúc không thể tiến hành trên một nền móng đã mục ruỗng tận gốc rễ.
Nhìn bề ngoài, chỉ thấy Liên Xô gặp các vấn đề về kinh tế. Không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có biến đổi căn bản về chính trị. Ai cũng nghĩ rằng các vấn đề kinh tế, tham nhũng chỉ như bệnh ghẻ. Bôi thuốc là khỏi.
Xôi giống xôi.
Nội bộ Đảng Cộng sản đã hình thành các nhóm bất đồng.
1. Gorby đơn độc, tưởng dùng thuốc sát trùng có thể chữa ung thư não mà ông ta cho rằng chỉ là ghẻ.
2. Nhóm bảo hoàng do Phó tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc KGB cầm đầu. Nhóm này biết rằng đường lối của Gorby sẽ đẩy Đảng Cộng sản xuống mồ và làm Liên Xô tan rã. Họ muốn hạ bệ Gorby.
3. Eltsin, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng thống Liên bang Nga, nước to nhất trong 15 nước cộng hòa. Chiếm 60% dân số và 90% diện tích toàn liên bang. Bản chất Eltsin là một tay lưu manh chính trị và nát rượu. Ông ta không có một đường lối chính trị nào rõ ràng cả. Eltsin chỉ đơn thuần bất mãn với chính quyền liên bang, coi Gorby là một tay giáo điều, nhu nhược và đòi độc lập tương đối cho lãnh thổ mà Đảng giao cho ông ta quản lí - Liên bang Nga.
Không ai có bất cứ một kế hoạch nào.
8-1991 Liên Xô bất ngờ sụp đổ. Không một tiếng súng. Không một xác chết. Không ai có thể tưởng tượng một đế chế tồn tại 74 năm mà tan tành như bọt biển.
5 tỉ người trên trái đất vui mừng với sự kiện này. Chỉ những người cộng sản Việt Nam là đau lòng và choáng váng.
Chuyện xảy ra thế nào?
7-1991 Gorby thoả thuận với tổng thống các nước cộng hòa một hiệp ước liên bang mới, cho phép các nước cộng hòa nhiều quyền tự chủ hơn.
4-8-1991 Gorby vô tư đi nghỉ mát ở Crimea, định 20-8 sẽ quay về Moscow để kí hiệp ước liên bang. Ông ta quả là ngây thơ.
Nhóm bảo hoàng tin rằng nếu hiệp ước liên bang được kí thì Liên Xô sẽ tan rã và quyết định hành động. Họ chỉ muốn ngăn Gorby - Tổng thống liên bang - kí hiệp ước, và trừng trị Eltsin, Tổng thống Nga, biểu tượng của li khai.
17-8 họ cử đại diện đến Crimea gặp Gorby, yêu cầu Tổng thống từ chức và chỉ định Phó tổng thống Yanayev điều hành đất nước. Gorby từ chối. Kriuchkov liền ra lệnh giam Tổng thống tại nhà nghỉ của ông ta ở Crimea và cắt đứt mọi kênh liên lạc. Mọi chuyện xảy ra hoàn toàn bí mật. Không ai biết. Trừ mấy tay trong nhóm bảo hoàng.
Tối 18-8 các đơn vị xe tăng được điều về thủ đô. KGB chuẩn bị 250 ngàn cái còng tay.
Sáng sớm 19-8 (lịch sử hay đùa dai), đang ngủ trong căn hộ của mình ở tầng trệt một tòa chung cư trên một phố lớn ở Moscow, tôi nghe thấy tiếng gõ vào kính cửa sổ. Tôi nhìn ra - một tốp xe tăng im lìm đỗ trên phố. Mấy anh lính trẻ, mặt mũi đôn hậu, ra hiệu xin thuốc lá. Tôi ra phố hút cùng họ.
- Chuyện gì thế?
- Không biết. Chúng tôi được điều về đây rạng sáng nay.
- Để làm gì?
- Giữ trật tự.
- Liệu có oánh nhau không?
- Với ai? Chỉ có quân đội Liên Xô. Đánh nhau với ai chứ?
- Làm một tí không?
Tôi nói và búng ngón tay vào cổ mình. Các anh lính cười phá lên và nói”
- Davai (nào)!
Tôi vào nhà lấy ra chai vodka Stolichnaia. Mỗi người một ngụm. Rồi quay vào nhà bật tivi. Đang phát trực tiếp. Phó tổng thống Liên bang Ianayev đang lắp bắp thông báo Tổng thống ốm, Phó tổng thống sẽ thực thi quyền Tổng thống, tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn liên bang, thành lập Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp (GKChP) gồm 8 người: Phó tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc KGB và 3 tay lăng nhăng Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội các xí nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.
Không một lời giải thích cái gì đang xảy ra.
Thật khó hiểu, nếu Tổng thống ốm thì Phó tổng thống nắm quyền điều hành. Sao phải ban bố tình trạng khẩn cấp và thành lập Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp?
Nhân viên an ninh của Đại sứ quán gọi đến. Dặn đổ đầy xăng vào ô-tô, thêm 2 can xăng dự trữ và thực phẩm cho 3 ngày. Chuẩn bị di tản bằng đường bộ. Chờ lệnh của Đại sứ. Nghe có vẻ trầm trọng.
Các nhân viên ngoại giao và phóng viên nước ngoài chờ đợi một cuộc tắm máu như sự kiện 4-6 ở Thiên An Môn.
Tôi dặn vợ con ở trong nhà rồi lái xe vào trung tâm. Tất cả vẫn bình thường như mọi ngày. Chỉ có một điều khác thường - rất nhiều xe tăng đỗ trên các đường phố. Hàng ngàn chiếc.
Trừ Giám đốc KGB Kriuchkov có tí não, các thành viên khác của GKChP chỉ là những tay nát rượu, đần độn và hèn nhát. Sau người ta gọi họ là lũ 8 tên.
20-8 GKChP điều xe tăng bao vây dinh Tổng thống Nga, thường gọi là Nhà Trắng, và ra lệnh cho Eltsin đầu hàng.
Tất cả các lực lượng vũ trang là của liên bang, dưới quyền chỉ huy của Tổng thống Liên bang. Các nước cộng hòa không có quân đội riêng.
Eltsin tuyên bố không đầu hàng, lên án GKChP tiếm quyền và vi hiến, kêu gọi quân đội không tham gia chính biến.
Tôi lái xe đến dinh Tổng thống như đi xem một trận bóng đá. Xe cộ lưu thông bình thường. Một đám đông vô công rồi nghề vây quanh Nhà Trắng. Họ không ủng hộ phe nào cả.
Đối với nhân dân thì Gorby, GKChP, Eltsin là một duộc. Tất cả đều là lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô. Một lũ bất tài, tham nhũng, nát rượu. Chắc đây là một vụ tranh giành quyền lực nội bộ đảng, như mấy băng nhóm lưu manh. Thế thôi. Không liên quan họ. Họ đến vì tò mò.
Bọn du thủ du thực nhân lúc rối ren tràn vào các cửa hàng ăn cắp rượu mang ra phố uống say sưa, hát hò inh ỏi. Nhiều đứa say quá lăn ra ngủ ngay trên hè phố.
Lũ 8 tên ra lệnh bắt Eltsin rồi mang rượu ra uống mừng thắng lợi, chờ quân đội còng tay Eltsin mang đến. 
Đội đặc nhiệm Alpha của KGB được giao bắt Eltsin. Nhưng binh lính từ chối.
Đây chính là thời điểm quyết định của cuộc chính biến.
Eltsin nói với những ng lính đang bao vây Nhà Trắng:
- Không lẽ các bạn cam chịu sống như cũ? Tôi sẽ mang lại dân chủ cho nước Nga.
Những người lính dao động rồi thay vì bắt Eltsin, họ quay ra bảo vệ ông ta. Eltsin đứng lên trên một chiếc xe tăng bên ngoài Nhà Trắng, kêu gọi nhân dân ủng hộ ông ta. Đám đông hò reo như cổ vũ thủ môn đẩy được quả phạt đền.
Những chiếc xe tăng đang chĩa pháo vào Nhà Trắng lưỡng lự rồi từ từ quay ngược lại. Họ quyết định theo Eltsin.
21-8 những người lính xe tăng đến các cửa hàng vật liệu xây dựng mua sơn và vẽ cờ Nga đè lên ngôi sao đỏ, phù hiệu của quân đội liên bang. Vậy là quân đội Liên Xô thay vì bắt Eltsin lại quay súng đi theo ông ta. Tình thế xoay 180 độ.
Bọn 8 tên khi biết tin quân đội ủng hộ Eltsin, sợ đến mức không đứng nổi, không biết phải làm gì, nốc rượu say bí tỉ. "Một lũ nát rượu, đần độn, nhu nhược và hèn nhát" - Kriuchkov viết trong hồi kí của mình.
Ngay trong ngày này, với tư cách Tổng thống Liên bang Nga, Eltsin ra lệnh đặt Đảng Cộng sản Liên Xô ra ngoài vòng pháp luật. Tịch thu toàn bộ tài sản của đảng. Cấm mọi hoạt động.
22-8 Eltsin cho đưa Gorby về Moscow. Như một hành động cứu giá.
Thực ra Eltsin không ưa gì Gorby. Hai người là đối thủ chính trị và Eltsin thường xuyên công kích Gorby. Ông ta chỉ lợi dụng Gorby với tư cách Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và Tổng thống đương quyền của liên bang để giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô và giải tán liên bang một cách hợp pháp.
Dưới áp lực của Eltsin, ngày 24-8, Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.
Các nước cộng hoà lần lượt tuyên bố độc lập và ra khỏi Liên bang.
Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết ra đời từ 1917, đến năm 1991 thì tự tan rã. Không phải tại diễn biến hoà bình. Cũng chẳng có bất cứ thế lực thù địch nào dây vào cả.
Bộ trưởng Bộ Công an Pugo tự tử cùng vợ. 7 thành viên GKChP bị bắt. Sau này người ta định xử bọn GKChP tội phản quốc. Nhưng không xử được vì không thể phản bội một tổ quốc đã không còn tồn tại - Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết. Đành tha bổng.
Note: Giáo sư sử học Harari bình luận như sau: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Còn thành quả cách mạng sẽ do một số kẻ cơ hội hưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét