Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Lại xin nói đôi lời về vụ Trịnh Xuân Thanh

Lại xin nói đôi lời về vụ Trịnh Xuân Thanh

bauxitevn9:04 AM

Ngụy Hữu Tâm
Đã tốn khá nhiều „giấy mực“ về đề tài này. Nhưng vẫn xin góp thêm đôi lời, ở một giác độ khác, dù không biết liệu có gì mới hơn chăng? 
Tuần rồi có bài „Một số điều cần trao đổi nhân vụ Trịnh Xuân Thanh” của Hoàng Xuân Phú được nhiều báo mạng tải lại. Theo cá nhân tôi, đây là bài hay nhất cho tới nay về đề tài này. Hoàng Xuân Phú vốn có nhiều bài viết sắc sảo, ai cũng rõ, vì tác giả là dân toán ở VHLKH & CNVN (đương kim Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Toán học) đã từng học đại học rồi làm chuyển tiếp sinh ở CHD Đức (nếu tôi nhớ không lầm thì Trường Đại học Karl Marx Universität Leipzig thì phải) từ thời xa xưa, nay ngoài công tác ở Viện Toán vẫn nghiên cứu khoa học tại các trường đại học CHLB Đức. Nhưng ông lại bỏ rất nhiều công nghiên cứu cả Luật Đức lẫn Việt (mà nay còn hết sức „lôm côm“ vì còn lâu mới thành nhà nước pháp quyền, ngay Nga chuyển đổi từ 1989 mà đến nay vẫn chưa nên cơm cháo gì nữa là), nên những ý kiến của ông khó có ai phản bác được. Bài còn đặc biệt ở chỗ nêu ra rất nhiều phương án giải quyết vụ bê bối chính trị - ngoại giao Đức - Việt này. 
Cứ tưởng không có tờ „lá cải“ nào lên tiếng và đang im re, bởi lẽ mọi người đang „tập trung trí tuệ“ để tung hô „công lao Đảng ta“ nhân dịp Lễ 2/9? Tổng Bí thư thì còn đang bận làm vai trò Tổng thống, bắt chước “đồng chí” Tập, thâu tóm quyền lực lấn sân đồng chí Quang của Đảng ta, Chủ tịch nước, đi thăm hai nước ASEAN là Indonesia và Myanmar.
Nhưng nay thì đã rõ, tờ Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tờ báo „Bảo hoàng hơn Vua“, số 462 ra ngày 18-8-2017 đã lên tiếng khi tung ra bài "Vụ Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú: Bộ Ngoại giao Đức hồ đồ hay mua phiếu?" của tác giả Vũ Hương, tôi thành thực xin lỗi, nhà báo, nhà văn hay “dư luận viên”
Như tác giả Thiền Lâm ở bài “Những ai "bảo kê" báo Văn nghệ TP HCM"đánh" Bộ Ngoại giao Đức?” đã phân tích: 
Ngoài Nguyễn Chí Hiếu, còn có những quan chức nào gắn bó trách nhiệm với công tác "chống diễn biến hòa bình" của Tuần báo Văn nghệ TPHCM mà đang cố ý tàn phá quan hệ Việt - Đức? Vậy trên phương diện "đảng lãnh đạo toàn diện" và theo quy định của cấp ủy đảng địa phương về mối quan hệ chỉ đạo của Thành ủy đối với Đảng đoàn khối văn học nghệ thuật, có ít nhất hai quan chức cao cấp của Thành ủy TP HCM phải chịu trách nhiệm cho tình trạng thối nát và thô lậu tận cùng của tờ báo được xem là "đại diện cho tiếng nói của văn nghệ sĩ thành phố" này là: Bà Thân Thị Thư – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM "chỉ đạo chung", và ông Nguyễn Thiện Nhân – đương kim Bí thư Thành ủy TP HCM. 
Ông Nguyễn Thiện Nhân thì lại là nhân vật phía Đức chẳng lạ gì, ông vốn học đại học và làm nghiên cứu sinh ở Đại học Kỹ thuật Technische Hochschule Otto von Guericke, Magdeburg, thời CHDC Đức. Na ná như ông Hoàng Xuân Phú, nhưng trong khi ông Phú làm nhà khoa học chân chính, nghiêm túc thì ông Nhân ngay từ thời đó đã bắt đầu tham gia hoạt động chính trị. 
Nay sau bê bối ở Bộ Giáo dục và „ngồi chơi xơi nước“ ở Mặt trận Tổ quốc, ông còn có những cống hiến gì cho Đ+SVN quang vinh của ông đây? Hãy chờ xem!
... Thế nhưng xét vấn đề gì thì cũng phải có đi có lại, xét hai mặt hay nói kiểu vật lý, một cách tương đối. Nên tôi cho ‚rằng hay thì thật là hay’ khi chúng ta bàn về vấn đề pháp luật và nhà nước pháp quyền. Nhưng chúng ta vẫn có thể xét vấn đề theo một giác độ khác.
… Lại nhớ tới Công nương Diana, ngày 31 tháng 8 năm 1997 – những ngày này cách nay thế cũng đã là hai thập niên rồi – chết một cách tội nghiệp ở một cái hầm chui dưới sông Seine. Sau đó Secret Intelligence Service-SIStha hồ lùng sục Paris tìm thủ phạm mà Deuxième Bureau cũng vẫn để mặc. Có biết bao vụ bắt cóc đã từng xảy ra ở nước CHLB Đức mà BND cũng đã cho qua. Vì nó dính líu đến các hoàng tử những nước Ả Rập dầu mỏ giàu có. Mà nước Đức đang cần bán xe tăng và tàu ngầm nên vẫn cho qua. Nay thì Tổng cục II Bộ Quốc phòng (hay Tổng cục V Bộ Công an?) mới ra tay chút đỉnh mà Bộ Ngoại giao Đức đã ầm ỹ lên, Bộ trưởng Gabriel phải lên tiếng, Lãnh sự quán Đức tại Hà Nội phải đóng cửa? Nhà nước Đức muốn gì ở đây. Có lẽ không hơn không kém chỉ là một vụ tai tiếng Ngoại giao. Ở phía Đức, ngoài cái cớ bên ngoài là vi phạm luật pháp quốc tế thì Đức nhất định phải có những phản ứng cứng rắn với Việt Nam về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Việt Nam gần đây. 
Với phía Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh lẽ ra chỉ là một mắt xích nhỏ trong đường dây tham nhũng, nó cũng chẳng quan trọng tới mức Tổng cục II, hay V thì cũng vậy, phải ra tay đến thế. 
Đây rõ ràng nhất chứng tỏ ra cho toàn thế giới biết những bê bối trong chính bản thân nội bộ Đ+SVN. Bê bối Đ+SVN nay lớn lắm rồi, tham nhũng, bè phái, nhóm lợi ích… sắp đến đỉnh điểm rồi. 
Tại sao lại phải xử rất nặng Luật sư Nguyễn Văn Đài, người vừa được nhận Giải thưởng Nhân quyền của Đức? Đ+SVN muốn bắn tín hiệu cho phía Đức rằng, vấn đề Việt Nam thì người Việt Nam giải quyết nhé, xin các Ngài dừng tay cho! Một phản đòn hết sức đê tiện cho phía Đức!
Thế nhưng họ quên rằng, Việt Nam đang nợ như Chúa Chổm. Đơn giản là người Đức cắt ngay viện trợ, và cũng không hề nhỏ chút nào. 
Anh nhỏ, yếu mà chơi trò khôn lỏi! Xem những ứng xử Biển Đông cho đến nay thì rõ ngay thôi mà!
Nhân đây, tôi xin phép lại được nói đến vấn đề lớn hơn, vấn đề Dân chủ
Đó không phải gì khác hơn là vấn đề của chính nhân dân Việt Nam. Lại phải nói vấn đề này nhân dịp Ngày 2.9, dù cho phải nói mãi rồi, nhưng còn có rất, rất nhiều người khác quan điểm nên vẫn cứ phải nhắc lại. 
Ông Hồ có công giành lại độc lập cho dân tộc năm 1945. Thế nhưng bài toán Dân chủ lại vẫn còn để ngỏ dù mang danh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (đã rõ vì Vua Bảo Đại đã thoái vị) – cũng xin tạm bỏ qua sự lệ thuộc Tàu càng ngày càng lớn ở những người kế vị. Thế thì trước tiên, hay ngay sau đó là vấn đề tối quan trọng: Dân chủ. Dù cho sau đó là một lô những biến cố mà tôi tạm gọi là Chiến tranh Việt Nam I và Chiến tranh Việt Nam II và có thể là Chiến tranh Việt Nam III (với Cămpuchia và Trung Quốc) nữa, thì trước hay sau gì, vẫn phải giải bài toán này, vì đó là bài toán hoàn toàn nội bộ và nhất thiết phải giải, chẳng sớm thì muộn.
Bài toán Dân chủ có nhiều mô hình lắm, thế giới đầy dẫy các mô hình rồi, tôi xin miễn bàn. Chỉ xin tách Đ+SVN ra làm hai. Lại xin nhắc lại ở Ban chiến lược Viện Khoa học Việt Nam trước đây cả trên chục năm, chúng tôi đã thảo luận vấn đề đó. Quá ư đơn giản! 
Xin ở kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương ít ngày nữa, có một vị nào trong số mấy trăm vị đó đủ dũng cảm phát biểu rằng, tách chẳng hạn Mặt trận Tổ quốc hay Hội Cựu chiến binh hay Hội Nông dân ra thành một đảng mới và gọi là Đen hay Xanh hay Vàng gì thì cũng được. Chắc chắn mọi người sẽ ùn ùn sang Đảng mới này. Vì cái từ cộng sản nghe đã ớn lắm rồi, cả thế giới lên án chỉ trừ Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba (sắp thay đổi) và Việt Nam thôi. 
Còn nếu cứ muốn tiếp tục mãi mãi với trại súc vật (xin xem Orwell: „Chuyện ở Nông trang“, Nhà sách Nhã Nam) thì xin mời cứ thế! 
Ước vọng chỉ là ước vọng mà thôi. Nhưng biết đâu nó đã đủ chín muồi để trở thành hiện thực? Chuyện chính trị thì chẳng có ai nói trước được.
Xin chờ đến hội nghị tới hay những hội nghị sau của BCHTW Đ+SVN, vì như người ta vẫn nói, chỉ những Đ+S mới tự tan rã được mà thôi, không thế lực nào phá nổi (toàn những chuyên gia bạo lực mà!). Người ngoài không thể dính vào được.
N.H.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét