Doanh nghiệp Việt "bán mình" được 5,8 tỉ đô trong năm 2016
bauxitevnFri 1:46 AM
Ngọc An
Hơn trăm năm trước, "Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi", hiện "Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?" mà hàng loạt doanh nghiệp vẫn phải "bán mình", chủ yếu là cho các nhà đầu tư nước ngoài, phải chăng vì "lịch sử chọn ta làm điểm tựa"?
Bauxite Việt Nam
|
TTO - Tổng giá trị các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) trên thị trường Việt Nam năm 2016 đạt giá trị 5,8 tỉ USD, không ít trong đó bị thôn tính và phải "bán mình" vì khó khăn và chính sách.
Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Vietnam Forum 2017 "Tìm bước đột phá" do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 20-7-2017 tại Hà Nội. Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, hoạt động M&A trong năm 2016 đã ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 11,92% khi đạt con số kỉ lục 5,8 tỉ USD.
Xu hướng đang chững lại, ít thương vụ lớn
Lĩnh vực sôi động nhất trong năm 2016 là ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản… Trong khi đó, ngành tài chính ngân hàng trở lại với những thương vụ trong lĩnh vực bảo hiểm và tài chính tiêu dùng. Đối với nông nghiệp, các thương vụ M&A trong ngành mía đường trở thành xu hướng nổi lên. Ngoài ra, M&A còn góp mặt thêm các ngành khác như hóa chất, hàng không, giáo dục, công nghệ…
Trong tổng số 500 thương vụ M&A năm 2017, có 28 thương vụ lớn tiêu biểu, có quy mô lên tới 2,67 tỉ USD, chiếm tới 46% giá trị các thương vụ M&A trong năm qua. Quy mô trung bình mỗi thương vụ lớn này được ghi nhận đạt giá trị 95 triệu USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đa số áp đảo trong danh sách các thương vụ có giá trị lớn, với 77% tổng giá trị M&A toàn thị trường. Hai thương vụ M&A lớn nhất thị trường thuộc về Tập đoàn F&N từ Singapore mua 5,4% cổ phần của Vinamilk và SCCC của Thái Lan mua lại nhà máy xi-măng Holcim. Mỗi thương vụ đều có giá trị từ 500 triệu USD trở lên. Bức tranh M&A ở Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng khối ngoại dẫn dắt thị trường khi các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc, mà điển hình là Tập đoàn SCCC (Thái Lan) và CJ (Hàn Quốc) nổi lên với các thương vụ M&A có quy mô lớn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng khá sôi động với các thương vụ như Kido Group tăng sở hữu cổ phần tại Vocarimex và IPO Kido Foods hay Thành Thành Công tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị ngành mía đường thông qua việc mua lại và hợp nhất, sáp nhập Thành Thành Công Tây Ninh và Đường Biên Hòa.
Người Việt không muốn kinh doanh?
Trước nhận định ngày càng có nhiều người Việt không muốn kinh doanh nữa nên thực hiện nhiều thương vụ M&A, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương cho rằng có những doanh nghiệp thực hiện M&A là nhằm nâng cao hơn nữa hình ảnh và giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít trường hợp lại bị thôn tính hoặc "không muốn tiếp tục kinh doanh khi gặp khó khăn thị trường và chính sách".
Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt thì cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang muốn bán cho các nhà đầu tư nước ngoài vì nhu cầu vốn. Lí do, theo ông Bảo, là nhiều chủ doanh nghiệp "có tâm lí nếu cứ duy trì hoạt động như cũ thì sẽ bị các doanh nghiệp quy mô lớn, năng lực quản trị tốt hơn đè bẹp" nên việc chọn M&A là bước để nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động, sức cạnh tranh.
Các chuyên gia dự báo giá trị M&A trong năm 2017 có thể đạt con số trên 5 tỉ USD nhưng "khó có các thương vụ lớn".
Đến quý I-2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới đạt 1,1 tỉ USD với xu hướng chững lại khi có ít thương vụ quy mô lớn.
Thị trường M&A Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn nước ngoài, trong đó các hoạt động chủ yếu từ các nhà đầu tư châu Á, chưa tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư châu Âu hay châu Mỹ.
Việt Nam vẫn ở mức trung bình Đông Nam Á.
Xét về quy mô thương vụ, thị trường M&A Việt Nam chủ yếu vẫn là các giao dịch nhỏ với quy mô 3-4 triệu USD (tương đương 40- 80 tỉ đồng), chiếm tới 64,16% về giá trị và chiếm trên 90% các thương vụ.
Với quy mô hơn 5 tỉ USD, thị trường Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực. Trong năm 2016, thị trường M&A Singapore đạt 62,3 tỉ USD, vượt xa so với mức 11-16 tỉ USD của Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
N.A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét