Hằng ngàn người Rohyngia bị kẹt ở biên giới giữa Myanmar và Bangladesh
RFA
2017-08-29
2017-08-29
Có ít nhất khoảng 6.000 thường dân Rohingya hiện đang bị kẹt lại gần biên giới giữa Myanmar và Bangladesh vì Bangladesh đóng cửa biên giới. Những người Rohingya này đang tìm cách chạy khỏi đợt giao tranh mới diễn ra gần đây ở Myanmar.
Bangladesh đã đóng cửa không tiếp nhận hàng ngàn người Rohingya kể từ thứ sáu tuần trước khi những giao tranh giữa lực lượng an ninh Myanmar và dân quân vũ trang Rohingya bùng phát ở bang Rakhine.
Liên Hiệp Quốc cho biết có 3.000 người đã tìm cách vượt được vào Bangladesh trong 3 ngày qua nhưng phần lớn người Rohingya vẫn bị chặn lại ở biên giới.
Hãng tin AFP trích lời một quan chức Biên phòng Bangladesh cho biết tình hình ở vùng biên giới hiện rất căng thẳng. Ông này cũng cho biết thêm là tiếng súng và khói lửa đã bùng phát ở những làng dọc biên giới.
Trong khi đó, một giới chức biên phòng khác của Bangladesh ước tính con số người Rohingya kẹt lại ở biên giới có thể hơn 10.000 vì còn nhiều người có thể đang ẩn núp đâu đó trong rừng.
Một lính gác biên phòng Bangladesh giấu tên cho AFP biết họ đã được lệnh không cho phép người Rohingya vào Bangladesh.
Giới chức Biên phòng Bangladesh cho hãng tin Reuters biết họ đã gửi trả lại khoảng 550 người Rohingya qua con sông Naf giữa hai nước kể từ hôm thứ hai tuần này.
Hiện có khoảng 400.000 người Rohingya đang sống trong các trại xuống cấp ở Bangladesh và chính phủ nước này đã ra lệnh cho biên phòng phải bằng mọi giá ngăn chặn người vào thêm.
Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng kêu gọi Bangladesh tăng cường trợ giúp đối với những thường dân trốn chạy giao tranh, trong đó có nhiều người là phụ nữ và trẻ em.
Bangladesh mới đây cũng đã đề nghị sẽ có hoạt động quân sự phối hợp với Myanmar để chống lại phiến quân người Rohingya ở bang Rakhine. Một quan chức của Bangladesh giấu tên cho AFP biết như vậy.
Lời đề nghị này được đưa ra tại một cuộc họp giữa giới chức Ngoại giao Bangladesh với phía Mynamar ở Dhaka hồi cuối tuần qua.
Theo lời đề nghị từ phía Bangladesh, nếu Myanmar muốn, hai nước có thể thực hiện các hoạt động quân sự chung chống lại phiến quân hay Lực lượng Quân đội Arkan ở biên giới hai nước.
Arakan Rohingya Salvation Army (gọi tắt là ARSA) là một nhóm phiến quân của người Rohingya chiến đấu bảo về người thiểu số Hồi giáo Rohingya chống lại những áp bức của lực lượng an ninh Myanmar và của cộng đồng Phật giáo chiếm đa số tại bang Rakhine.
Kể từ khi giao tranh bùng phát vào hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh đã triệu tập đại sứ Myanmar ở Dhaka đến để bày tỏ quan ngại về khả năng gia tăng những người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.
Bangladesh hiện cũng đang tiến hành đàn áp phiến quân Hồi giáo trong nước và đã thề là sẽ không chấp nhận chủ nghĩa cực đoan bạo lực dù là đến từ trong nước hay nơi nào khác trên lãnh thổ của mình. Dhaka cũng nhiều lần đề nghị Myanmar phải nhận lại những người tị nạn Rohingya và tìm cách giải quyết tận gốc vấn đề.
Hồi tháng 10 năm ngoái, ARSA đã tiến hành một loạt các vụ tấn công nhắm vào lực lượng an ninh Myanmar. Quân đội Myanmar đã đáp trả và khiến khoảng 87.000 người tị nạn mới tràn vào Bangladesh.
Liên Hiệp Quốc cho rằng chiến dịch đàn áp của quân đội Myanmar sẽ dẫn tới thanh lọc sắc tộc. Chính phủ Myanmar của bà Aung San Suu Kyi bác bỏ cáo buộc này.
Trong khi đó những nhà hoạt động nhân quyền ở Myanmar gần đây lên tiếng cáo buộc bà Suu Kyi đã lờ đi những bạo lực chống lại người thiểu số Hồi giáo, tiếp tục bỏ tù những nhà báo và các nhà hoạt động xã hội, cúi đầu trước các tướng lĩnh quân đội Myanmar và không thể bảo vệ được các lãnh đạo dân chủ, những người sẽ bước vào chính trường khi bà Suu Kyi, nay đã 72 tuổi, về hưu.
Bà Ma Thida, một nhà hoạt động nhân quyền của Myanmar nói với hãng tin AP rằng những nhà hoạt động Myanmar không hy vọng bà Suu Kyi thay đổi cả đất nước trong vòng 1 năm rưỡi cầm quyền nhưng họ hy vọng bà có một cách tiếp cận nhân quyền mạnh mẽ.
Thế giới cũng có những chỉ trích nhắm vào bà Suu Kyi vì cho rằng bà đã không lên án chống lại các bạo lực nhắm vào khoảng 1 triệu người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, những người đã bị lực lượng an ninh Myanmar và đa số người theo Phật giáo đối xử tàn bạo.
Theo ước tính của Liên Hợp quốc, đã có hơn 1.000 người Rohingya bị thiệt mạng, và khoảng 320.000 người sống ở các trại trong điều kiện tồi tệ ở Myanmar và Bangladesh. Hàng ngàn người Rohingya khác đang phải vượt biển để trốn đến các nước Đông Nam Á khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét