Tàu Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam: Ý đồ và Hậu quả quốc tế
Hoàng Lan
26-5-2023
Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Trước đó, theo tin từ Reuters, tàu XYH-10 cùng loạt tàu hộ tống đã xuất hiện tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 8/5.
Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều ngày 25/5/2023, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (XYH-10) của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 [1]. Trước đó, theo tin từ Reuters, tàu XYH-10 cùng loạt tàu hộ tống đã xuất hiện tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 8/5 [2]. Dữ liệu từ các nguồn mở theo dõi và giám sát tàu thuyền của Marine Traffic hay Sea Vision cũng đồng thời cho thấy sự xuất hiện này. Nhìn lại từ đầu năm 2023 tới nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều đợt tác nghiệp của tàu mang danh khảo sát, nghiên cứu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như vụ HD-4 hồi đầu tháng 3/2023, song điều đáng nói là XYH-10 đang tiến rất sâu vào sát bờ biển Việt Nam và ngang nhiên tiến hành các hoạt động mà Trung Quốc gọi là “bình thường”. Động thái này của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một “nước lớn có trách nhiệm”.
Toàn cảnh vụ việc
Theo tin Reuters, từ ngày 8/5, Trung Quốc đã cử tàu nghiên cứu khoa học XYH-10 cùng một loạt tàu hộ tống bao gồm tàu cảnh sát biển, tàu dân binh biển và một số tàu không rõ định danh [3] di chuyển tới khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.[4] Reuters cho rằng, sự hiện diện này của loạt tàu Trung Quốc được đặt trong bối cảnh cuộc tập trận trên biển ASEAN – Ấn Độ (AIME 2023) đang diễn ra với sự tham gia của các tàu hải quân và máy bay Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei, từ ngày 8/5/2023 [5].
Sau đó một ngày (ngày 10/5), Reuters tiếp tục đưa tin, tàu XYH-10 cùng một loạt tàu hộ tống đã đi sâu vào lô 04-03 của Vietsovpetro – liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam; đồng thời tiến gần các lô 05-1-B và 05-1-C được vận hành bởi công ty dầu khí Idemitsu Kosan của Nhật Bản [6].
Cũng theo dữ liệu giám sát tàu thuyền từ các nguồn mở của Marine Traffic hay Sea Vision, tàu XYH-10 cùng loạt tàu hộ tống của Trung Quốc đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rời đi và đang tạo thành cục diện phức tạp trên Biển Đông. Biểu đồ đường đi và hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc được dữ liệu theo dõi giám sát tàu thuyền ghi lại cho thấy một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, về vị trí hoạt động, vào thời điểm 14h ngày 8/5/202, tàu này xuất hiện ở vị trí cách đường cơ sở Việt Nam khoảng 182 hải lý; song đến thời điểm ngày 13/5, tàu này đã tiến rất sâu vào khu vực chỉ cách đường cơ sở Việt Nam khoảng 47 hải lý; và đến 13h ngày 18/5 theo dữ liệu giám sát tàu này ở cách đường cơ sở Việt Nam khoảng 82 hải lý. Đến thời điểm hiện tại, XYH-10 vẫn đang nhận tín hiệu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thứ hai, đi theo hộ tống tàu Hướng Dương Hồng-10 là số lượng rất lớn các tàu cảnh sát biển, tàu cá dân binh và một loạt các tàu khác không được định danh song mang cờ Trung Quốc. Sơ đồ đường đi của các tàu này cho thấy sự “hộ tống”, bám sát, bảo vệ hoạt động của XYH-10 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đang tạo thành cục diện hết sức phức tạp trên Biển Đông.
Thứ ba, về hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc, XYH-10 được cho là đã di chuyển hết tốc lực trước khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sau đó bắt đầu giảm tốc độ và di chuyển với tốc độ 4-5 hải lý/ giờ. Điều này được các chuyên gia đánh giá nhiều khả năng XYH-10 đang tiến hành khảo sát [7]. Về hoạt động của nhóm tàu hộ tống, theo Ray Powell – Giám đốc Dự án Myoushu, một sáng kiến của Đại học Stanford lập ra nhằm nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông – chia sẻ trên trang cá nhân Twitter cho rằng, các tàu hộ tống XYH-10 đã ít nhất hai lần đột ngột cắt ngang tàu cảnh sát biển của Việt Nam vào ngày 11/5 (tại thời điểm 04:57 theo giờ UTC) và gây ra những tình huống nguy hiểm [8].
Cần đặc biệt lưu ý về vị trí hoạt động, phạm vi và mức độ nghiêm trọng của XYH-10 với những bước tiến “trước giờ chưa từng thấy” của Trung Quốc. Thứ nhất, vị trí hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đã đánh dấu một mốc mới khi tiến xuống rất sâu với những đường hoạt động nằm sâu trong các lô 04-03 và lô 05-1-B&C, chỉ cách giàn chính Thiên Ưng và Sao Vàng – Đại Nguyệt từ 10-20 hải lý. Trước đây, tàu Trung Quốc mới chỉ hiện diện ở cách xa khu vực hoạt động dầu khí lâu năm của Việt Nam cũng như Bãi Tư Chính ít nhất khoảng 50-60 hải lý [9]. Thứ hai, xét về số lượng cũng cho thấy sự “bất thường” bởi đi theo hộ tống XYH-10 lần này là số lượng lớn các tàu hải cảnh, tàu cá dân binh và cả những tàu không được định danh. Trước đó, cũng theo thông tin từ Sea Vision, từ đầu năm 2023, đã có hiện tượng 30-40 tàu cá dân binh của Trung Quốc tập hợp dài ngày hiện diện liên tục dọc bờ biển miền Trung Việt Nam. Thứ ba, xét về mức độ nghiêm trọng, trong vụ giàn khoan HD-981 năm 2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở khu vực cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 120 hải lý về phía đông. Tháng 8/2019, Trung Quốc tiến thêm một bước xuống phía Nam, cử tàu khảo sát HD-8 tác nghiệp tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bãi Tư Chính khoảng 50-60 hải lý. Trong vụ việc lần này, XHY-10 đã tiến sâu thêm, thách thức trực tiếp những mỏ dầu khí có trữ lượng lớn thuộc địa bàn khai thác truyền thống và lâu đời của Việt Nam, trong đó công tác nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò ở mỏ Thiên Ưng đã bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ trước [10].
Phản ứng từ các bên
Trước thông tin của Reuters về hoạt động bất thường của nhóm tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 8/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cho rằng, “các tàu nghiên cứu khoa học và tàu đánh cá của Trung Quốc thực hiện các hoạt động sản xuất và làm việc bình thường trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” [11].
Ngày 26/5, tại cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về hoạt động của XYH-10, NPN BNG Trung Quốc Mao Ninh tiếp tục cho rằng, “các tàu thuyền liên quan của Trung Quốc không hề đi vào vùng biển hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước khác” [12]. Phát ngôn này của NPN BNG Trung Quốc gây khó hiểu, cố tình trả lời mập mờ về phạm vi yêu sách của Trung Quốc. Bởi theo dữ liệu giám sát tàu thuyền từ các nguồn mở như Marine Traffic, Sea Vision, phạm vi hoạt động của XYH-10 liên tục diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được xác lập phù hợp theo Công ước UNCLOS 1982. Hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đang vi phạm một cách nghiêm trọng Công ước 1982, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo UNCLOS 1982; đi ngược lại với tinh thần của DOC và COC.
Trước đó, chiều ngày 25/5, Phó Phát ngôn BNG Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định, như thông tin đã đưa, vừa qua tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc cùng một số tàu hải cảnh, tàu cá bảo vệ đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – vùng đặc quyền được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc và triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước”.
Ngoài ra, sự kiện XYH-10 cũng thu hút dư luận Trung Quốc trong mấy ngày nay. Các tờ báo lớn của Trung Quốc như Sohu, Võng Dị, Sina đều đưa tin về sự kiện và thừa nhận số lượng lớn tàu các loại của Trung Quốc đang hiện diện ở phía Nam Biển Đông, cục diện hiện tại cũng cho thấy tương quan chênh lệch khi số lượng tàu Trung Quốc lớn gấp 10 lần so với Việt Nam [13]. Báo chí Trung Quốc cũng thừa nhận rằng, đây không phải là vụ căng thẳng đầu tiên trong năm 2023, trước đó từ tháng 3, tàu Trung Quốc đã hiện diện ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đối đầu ở khu vực bãi “Vạn An Bắc” [14]. Đồng thời cũng cho rằng, mục đích của Trung Quốc lần này là có chủ đích nhằm “phá bỏ hoàn toàn cái gọi là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” [15]thông qua phản đối hoạt động dầu khí của Việt Nam [16].
Mục đích và ý đồ của Trung Quốc
Tàu XYH-10 của Trung Quốc là loại tàu đa chức năng, vừa có thể khảo sát, vừa có thể nghiên cứu khoa học, vừa có thể “phá băng” vì đây là loại tàu có khả năng đâm va cao và khó bị tổn hại. Với đặc điểm “đa chức năng”, Hướng Dương Hồng 10 là con tàu có tính chất “nguy hiểm” bởi dễ dàng che giấu mục đích thực sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy vậy, có thể lý giải hoạt động của XYH-10 ở một số góc độ sau:
Thứ nhất, về kinh tế, XYH-10 có thể là hoạt động tác nghiệp thăm dò của Trung Quốc trong quá trình triển khai thúc đẩy “chiến lược cường quốc biển”. Động thái này được đặt trong bối cảnh khai thác và phát triển “kinh tế biển” đã lần đầu tiên được đưa vào văn kiện báo cáo Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10/2022. Theo đó, Trung Quốc dưới nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực khai thác và phát triển kinh tế biển, trong đó, dầu khí là một lĩnh vực có thể tạo ra “đột phá”.
Là con tàu khảo sát khoa học tổng hợp biển xa đầu tiên của Trung Quốc,[17] XYH-10 có khả năng triển khai quan trắc môi trường biển tổng hợp, thăm dò, lấy mẫu và phân tích hiện trường đối với biển gần, đại dương và biển sâu như tài nguyên dầu khí, hải dương học vật lý, địa chất biển, vật lý địa cầu, sinh học biển, hóa học biển, khí tượng biển; là một trong những tàu thử nghiệm di động trên biển nghiên cứu cơ bản khoa học biển ở biển sâu-đại dương, nghiên cứu phát triển công nghệ cao mới của Trung Quốc [18]. Những khu vực giàu trữ lượng dầu mỏ ở phía nam Biển Đông đều thuộc khu vực nước sâu, đòi hỏi công nghệ cao trong việc thăm dò và khai thác. Trong khi đó, XYH-10 được đánh giá là tàu khảo sát khoa học tổng hợp tích hợp nhiều chức năng, nhiều công nghệ, đạt trình độ quốc tế về kỹ thuật và khả năng khảo sát [19]. Do vậy, XYH-10 sẽ là công cụ đắc lực để Trung Quốc triển khai nhằm mục đích thăm dò, khai thác và phát triển dầu khí ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Thứ hai, về chính trị-ngoại giao, hoạt động của XYH-10 cũng có thể nhằm truyền đi thông điệp mang tính chất “răn đe” đến các bên yêu sách trên Biển Đông. XYH-10 được triển khai trong bối cảnh Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei đang tiến hành cuộc tập trận chung trên Biển Đông đầu tiên trong năm 2023. Theo đó, một số đánh giá từ Trung Quốc gắn hoạt động của XYH-10 lần này với động thái hợp tác giữa Ấn Độ – ASEAN, cho rằng, các bên yêu sách đang muốn tiếp tục lôi kéo sự can dự của các nước bên ngoài vào tranh chấp [20]. Trong đó, Ấn Độ – một trong bốn thành viên của Bộ Tứ QUAD, đồng thời cũng là quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ biên giới trên bộ căng thẳng với Trung Quốc. Do đó, Ấn Độ có thể trở thành đối tượng để các bên yêu sách lôi kéo nhằm vào Trung Quốc [21]. Một số đánh giá khác từ Trung Quốc gắn XYH-10 với khả năng tăng cường hợp tác giữa Mỹ-Việt trong thời gian tới sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến Việt Nam cuối tháng 4 vừa rồi. Đồng thời, Mỹ cũng đã tăng cường hợp tác với Philippines để mở thêm 4 căn cứ quân sự của Mỹ, nhằm trực diện vào Trung Quốc [22]. Trong bối cảnh địa chính trị đó, việc Trung Quốc “căng lên” ở khu vực Biển Đông là điều có thể lý giải được.
Thứ ba, nhìn trên thực địa, Trung Quốc có thể đang muốn biến sự tăng cường hiện diện, hành động khảo sát, tuần tra trở thành một “bình thường mới” để kiểm soát Biển Đông. Ngày 1/4/2023, Uỷ ban Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc cũng công bố bản đồ 33 đường khảo sát khoa học biển của tàu nghiên cứu khoa học biển Trung Quốc ở vùng biển xa và vùng biển gần. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai kế hoạch điều tàu nghiên cứu khoa học đến khảo sát khoa học biển trên Biển Đông.
33 đường nghiên cứu khoa học biển này trải dài từ eo biển Đài Loan, Biển Đông, đến các vùng biển phía Tây Thái Bình Dương và phía đông Ấn Độ Dương. Các đường khảo sát khoa học biển của Trung Quốc đã bao trùm từ bắc xuống nam, từ đông sang tây trên toàn bộ khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Một số đường “xuyên qua” những khu vực nhạy cảm như gần các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh, hay cắt qua các khu vực “trọng yếu” với tàu ngầm ở khu vực giữa Philippines và Đài Loan. Với việc ban hành Kế hoạch đồng thời bắt đầu những bước đầu tiên trong việc triển khai XYH-10 ở vùng phía nam Biển Đông cho thấy khả năng, trong tương lai, Trung Quốc có thể biến nghiên cứu và khảo sát khoa học biển thành dạng hoạt động “bình thường mới” trên Biển Đông.
Mặc dù một mũi tên trúng nhiều đích, XYH-10 đang hoạt động với rất nhiều “ý đồ” khác nhau, song như truyền thông Trung Quốc đưa tin, mục đích chính của XYH-10 là nhằm thách thực trực tiếp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng, với yêu sách “Tứ Sa” (“Nam Hải Chư đảo”), đây thuộc khu vực “vùng chồng lấn” (!) và phạm vi hoạt động của XYH-10 hoàn toàn nằm trong vị trí 9 lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu quốc tế từ năm 2012.
Hệ luỵ trong tương lai
Với ý đồ biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành khu vực chồng lấn với yêu sách “Nam Hải chư đảo”, Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982, vi phạm tinh thần DOC/COC và Hiến chương Liên Hợp quốc.
Thứ nhất, khu vực mà tàu nghiên cứu XYH-10 hoạt động nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định trên cơ sở Điều 57 và Điều 76 của UNCLOS 1982. Căn cứ quy định của UNCLOS, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý thiết lập phạm vi và chế độ pháp lý tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Theo đó, Việt Nam được phép thực thi các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với việc thăm dò, khai thác tài nguyên biển. Hoạt động của tàu XYH-10 đã vi phạm nghiêm trọng quy định của UNCLOS và luật pháp Việt Nam liên quan; đồng thời hoạt động cản phá hoạt động chấp pháp của các tàu cảnh sát biển và dân binh biển Trung Quốc đang tạo ra ngày càng nhiều nguy cơ mất an toàn hàng hải trong khu vực này.
Thứ hai, Trung Quốc cũng từng đưa ra cái gọi là “chủ quyền đối với Nam hải Chư đảo” và từ đó yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” đối với các đảo trên Biển Đông. Vin vào đó, XYH-10 được phía Trung Quốc cho là đang hoạt động “bình thường” trong “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”. Tuy nhiên, Như Phó phát ngôn BNG Việt Nam khẳng định, Việt Nam có quan điểm nhất quán với các vụ việc xâm phạm vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Trước đó, trong Công hàm số 22/HC-2020 gửi Liên hợp quốc, Việt Nam đã bày tỏ lập trường nhất quán, phản đối yêu sách của Trung Quốc, đồng thời khẳng định vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3) của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liên các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất. Có thể khẳng định, hoàn toàn không có cái gọi là “hoạt động bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc” ở khu vực “Nam Sa”.
Thứ ba, Việt Nam và Trung Quốc đều là các quốc gia thành viên của UNCLOS, nên mọi cách giải thích, áp dụng trái với quy định của Công ước đều không có giá trị. Điều này cũng được Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc xác nhận. Yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” là trái với UNCLOS; Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường chín đoạn”. Cũng theo Tòa Trọng tài, không một cấu trúc nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế tính từ “Nam Sa”.
Do đó, có thể thấy rằng, Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển tại Biển Đông được xác định theo UNCLOS 1982; đồng thời những hành động trên biển của Trung Quốc cũng đang đi ngược lại những thoả thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được trong chuyến thăm cấp cao vào tháng 11/2022, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước.
Với quốc tế, hoạt động nguy hiểm này của nhóm tàu Trung Quốc đang ngang nhiên thách thức dư luận quốc tế; đe doạ nghiêm trọng đến tự do hàng hải ở Biển Đông, gia tăng nguy cơ các cuộc va chạm, đụng độ ngoài ý muốn. Trong bối cảnh Trung Quốc và các nước ASEAN đang thúc đẩy thực thi DOC và tiến trình đàm phán COC, các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc hiện nay sẽ khiến tiến trình đàm phán càng thêm phần khó khăn và bế tắc.
_____
Ghi chú:
– Tác giả Hoàng Lan là nghiên cứu viên, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.
– Hình ảnh: Thùy Dương, Nhật Linh, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao theo dõi trên ứng dụng mở Sea Vision.
[1] https://nld.com.vn/chinh-tri/yeu-cau-trung-quoc-rut-tau-huong-duong-hong-10-khoi-vung-bien-viet-nam-20230525162456931.htm
[2] Laurie Chen, Krishn Kaushilk, Chinese militia boats cross Indian, ASEAN warships exercising in South China Sea; truy cập tại https://www.reuters.com/world/asia-pacific/chinese-militia-boats-cross-indian-asean-warships-exercising-south-china-sea-2023-05-08/
[3] “Không rõ định danh” được ký hiệu là tàu “Unkown” nhìn từ Hệ thống giám sát tàu thuyền mở của Sea Vision ngày 9/5/2023.
[4] Laurie Chen, Krishn Kaushilk, Chinese militia boats cross Indian, ASEAN warships exercising in South China Sea; truy cập tại https://www.reuters.com/world/asia-pacific/chinese-militia-boats-cross-indian-asean-warships-exercising-south-china-sea-2023-05-08/
[5] như trên
[6] Francesco Guarascio, Cluster of Chinese vessels spotted near Russian rig off Vietnam – ship monitors; truy cập tại https://www.reuters.com/world/asia-pacific/cluster-chinese-vessels-spotted-near-russian-rig-off-vietnam-ship-monitors-2023-05-10/
[7] Francesco Guarascio, tlđd
[8] Truy cập tại https://twitter.com/GordianKnotRay/status/1656684637748592642
[9] https://dskbd.org/2023/05/24/ban-tin-chuyen-dong-trung-quoc-va-dong-nam-a-so-6/
[10] Tạp chí Công thương ngày 26/8/2021, Vietsopetro: Hành trình khai thác an toàn và liên tục hơn nửa tỷ m3 khí của mỏ Thiên Ưng; truy cập tại https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vietsovpetro-hanh-trinh-khai-thac-an-toan-va-lien-tuc-hon-nua-ty-m3–khi-cua-mo-thien-ung-84024.htm
[11] Reuters, tlđd
[12] Truy cập tại https://www.zaobao.com.sg/realtime/china/story20230526-1398474
[13] Xem thêm tại https://new.qq.com/rain/a/20230511A02ZCZ00
[14] Xem thêm tại https://www.163.com/dy/article/I5440LA10511JTAO.html
[15] Xem thêm tại https://k.sina.com.cn/article_6614114351_18a3b602f0010160fx.html
[16] Xem thêm tại https://www.znzfws.com/d/41229
[17] Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tàu Khảo sát Hướng dương Hồng 10 Trung Quốc sẽ hoạt động ở cả Biển Đông, https://giaoduc.net.vn/tau-khao-sat-moi-huong-duong-hong-10-tq-se-hoat-dong-ca-o-bien-dong-post142229.gd
[18] Xem thêm tại https://upimg.baike.so.com/doc/5217813-25023051.html
[19] Xem thêm tại https://www.163.com/dy/article/I4DA2BTE0511JTAO.html
[20]https://c.m.163.com/news/a/I4HLS3O205562WZT.html
[21] như trên
[22] như trên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét