Khiếp thật, những “hàng ngàn”…
5-6-2023
Tại hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện xây dựng không gian văn hóa HCM trên lĩnh vực văn hóa và thể thao, ngày 5.6, Sở VH-TT TP.HCM nêu, có 2.906 mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, khu nhà trọ, chung cư… Các đơn vị đã tổ chức 2.009 hội nghị, hội thi, chương trình nghệ thuật; vận động sáng tác 1.365 tác phẩm văn học nghệ thuật; tổ chức 22.994 triển lãm ảnh, trưng bày, giới thiệu sách về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch HCM…
Khiếp thật, những hàng ngàn “mô hình”, những hơn hai ngàn hội nghị, hội thi, trên hai mươi hai ngàn triển lãm…
Hổm rồi, lướt trên Facebook thấy một bạn “tiểu cán bộ” đặt di ảnh Bác, một cuốn sách viết về Hồ Chủ tịch và gọi đó là “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Hay ở một cơ quan, trong căn phòng đỏ loét treo ảnh Bác, trưng dăm ba cuốn sách viết về Người và đấy là “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Đấy có được xem là hai trong số hàng ngàn “mô hình” không gian văn hóa Hồ Chí Minh?
Nếu là không gian vật lý, là văn hóa công sở (của nhà nước) thì trước nay đã như thế. Giờ cái gọi là “không gian văn hóa HCM” thì khác biệt gì, ở hàng ngàn “mô hình” ấy?
Nếu là không gian văn hóa, mà lại là “văn hóa Hồ Chí Minh” với ngọn nguồn từ đâu, kế thừa những gì, tiếp nhận – kết tinh như thế nào trong từng giai đoạn (thời gian) cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch, trong hàng ngàn “mô hình”, “tác phẩm”, “hội nghị” kia, ngoài giới thiệu, ngợi ca thì là gì nữa?
Tôi đọc lại một phác thảo “dưới dạng đề cương” – chữ dùng của giáo sư Trần Quốc Vượng – “Chủ tịch Hồ Chí Minh – biểu tượng và người mang chở những giá trị văn hóa đông tây kim cổ”, ở đó ông đưa ra mấy định đề và giả thuyết văn hóa học về Hồ Chủ tịch, tôi chú ý đến “mô hình văn hóa Hồ Chí Minh” với kết cấu đa tầng: các lớp văn hóa trong tổng thể nhân cách văn hóa HCM (từ Nho học qua Tây học đến giác ngộ cộng sản)…; trong phức thể văn hóa HCM có các nhân tố nội sinh và ngoại sinh, cổ truyền và hiện đại, dân gian và bác học; trong những giá trị văn hóa HCM, cốt lõi là nước được độc lập, dân được làm chủ, toàn xã hội được hạnh phúc…
Nếu cuộc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM nhiều năm qua là dành cho cán bộ, đảng viên thì có lẽ, cuộc “gầy dựng” lần này về cái gọi là “không gian văn hóa HCM” mang tính “đại chúng” hơn? Song, sự tốn kém ắt hẳn là không ít, không chỉ tiền nhưng nếu để tiền mà làm những việc thiết thực cho đại-bộ-phận-dân-cần thì đó mới là văn hóa Hồ Chí Minh.
Tôi lại lật “Sửa đổi lối làm việc” mà Hồ Chủ tịch viết từ năm 1947, xin trích:
“… Đảng thường kêu gọi khoa học hóa, dân tộc hóa, đại chúng hóa. Khẩu hiệu đó rất đúng. Tiếc vì nhiều cán bộ và đảng viên, có “hóa” gì đâu!… Nhiều tờ truyền đơn, nhiều bản nghị quyết, nhiều khẩu hiệu của đảng, mục đích và ý nghĩa rất đúng. Nhưng viết một cách cao xa, màu mè, đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu mà cán bộ cũng không hiểu…
Than ôi! Khẩu hiệu cách mạng của đảng mà hóa ra là lá bùa của thầy cúng. Lỗi đó tự ai?”
“…Nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”.
“Làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch…Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng…”.
…
Quả thực, tôi không hiểu và không biết trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh ấy, có “chiều kích” nhận biết nào để trước hết làm sao đảm bảo một không gian văn hóa thành phố Hồ Chí Minh được vận hành, gìn giữ khang trang, sạch sẽ, an toàn, tiện ích, văn minh?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét