Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Những chuyện vặt vãnh…

 

Những chuyện vặt vãnh…

Thái Hạo

30-5-2023

Năm học đã vừa kết thúc, có biết bao nhiêu chuyện nhức nhối, ồn ào và cả nhăng nhít xung quanh mỗi cái “năm học” như thế. Kể một chút vì mong nó không lặp lại nữa, ít nhất là những bạn nào có đọc được bài này.

Đầu năm đi họp phụ huynh cho con, thấy nhiều khoản đóng góp vô lý nhưng nhà trường cứ nghiễm nhiên bổ đầu phụ huynh mà thu, tôi kiên trì nêu ý kiến phản đối. Ví dụ như cái sổ liên lạc điện tử Vnedu, tôi nói cái này là một dịch vụ, ai có nhu cầu sử dụng thì mua, ai không thích thì thôi, không có bắt buộc. Còn việc liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh, đó là nhiệm vụ mà họ phải làm, không bằng cách này thì cách khác. Bây giờ lại có quá nhiều ứng dụng Internet miễn phí mà dường như người dân nào cũng sử dụng, như Zalo/FaceBook/Email…, sao không dùng mà lại bắt mua một cái “sổ” rắc rối và không hề quen thuộc với đa số dân lao động như cái Vnedu này?

Quái lạ là, dù đa số phụ huynh đồng ý với tôi, và dường như họ cũng chẳng khi nào đụng tới cái dịch vụ ấy, nhưng họ vẫn đóng tiền, không thiếu một ai. Cả trường hình như chỉ có mình tôi là không đóng món ấy, và hết năm học, mọi liên lạc và trao đổi của tôi với GVCN và nhà trường không vì thế mà bị gián đoạn. Cho nên, cần nhớ, nếu thật sự muốn thì hãy mua, đừng nhắm mắt nộp tiền cho xong chuyện rồi về nhà lên FB kêu ca nữa.

Chuyện thứ 2 là học thêm. Cả trường đều học thêm buổi chiều, cũng chỉ duy nhất con tôi không tham gia. Những người kêu ca, nào là con phải đi học suốt ngày, nào là áp lực, nào là tiền bạc khó khăn, nào là bài vở ngập đầu, nào là không có tuổi thơ, nào là trẻ con bây giờ quá khổ, nào là bla bla… Nhưng như thể nhất hô bá ứng, họ đồng lòng lùa con mình đến trường ngày 2 buổi. Trừ ra những người vì muốn con “học giỏi”, thì phần lớn là để yên thân hay chỉ để tránh rầy rà. Mà học thêm là học cái gì? Học lại và học trước chương trình. Để lách luật, các nhà trường sinh sản ra những từ ngữ như học phụ đạo, học tăng cường, học câu lạc bộ…

Chuyện thứ 3 là tiền xã hội hóa. Nguyên tắc của món tiền này là tự nguyện, ai muốn thì đóng, ai không thì thôi; nhưng các nhà trường đều thu theo kiểu bổ đầu chia đều ngay từ đầu năm học với mức đóng ấn định. Tôi phản đối đến cùng cách làm ấy, và sau đó nhà trường đã phải trả lại tiền cho phụ huynh toàn trường. Tất nhiên có lẽ chỉ có trường con tôi học là như thế, còn mọi nơi khác thì vẫn thu đều, thu đủ, thu quán triệt!

Những món tiền lặt vặt như Chữ thập đỏ, Quỹ nhân đạo hay quỷ này quỹ nọ cũng thế, đều là tiền tự nguyện cả, nhưng nhà trường lại thu theo kiểu nọc cổ “thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”. Sau khi nghe tôi nói thì các vị phụ huynh cũng thấy nhà trường làm như vậy là sai, nhưng mà tất cả lại cũng răm rắp nộp, và về nhà thì ấm ức mãi không thôi. Quả thật, tôi không thể nào hiểu được. Còn nhiều lắm những cái “tâm lý” kỳ dị như thế nữa.

Cuối cùng, xin nói thêm một chuyện mở rộng, đó là năm nào dân tình cũng kêu ca về tiền sách giáo khoa. Một bộ sách giáo khoa lớp 5 gồm 8 cuốn có tổng giá 80 nghìn đồng, nếu mua luôn cả sách bài tập và sách hướng dẫn tổng 18 cuốn thì hết 227 nghìn đồng (giá mua trên Shopee tặng kèm 3 cây bút chì). Nói thêm, giá mỗi cuốn Vở bài tập trong bộ trên có giá khoảng 11 nghìn đồng, được in đẹp, có hình vẽ minh họa và các đề bài được viết khá cẩn thận. 227 nghìn đồng một bộ sách cho con học cả năm, số tiền này bây giờ cũng chỉ bằng một bữa chợ của một gia đình nông dân ở nông thôn cho khoảng 4 người ăn trong một ngày. Tôi nghĩ nó không quá lớn.

Vấn đề ở đâu? Ở 2 điểm.

Thứ nhất, ngoài sách giáo khoa (8 cuốn) bắt buộc phải mua, thì tất cả các sách còn lại là tùy ý, ai thấy cần thì mua, không thì thôi. Trên nguyên tắc không ai bắt ép được. Vậy, đây chính là chỗ cần đến “phụ huynh”, đừng nhắm mắt mua bừa rồi kêu ca than thở hay chửi bới. Và nhà nước phải quản lý chặt, nghiêm cấm bắt ép mua “bia kèm lạc”; đồng thời không để các quan đầu tỉnh thao túng việc lựa chọn sách giáo khoa nhằm trục lợi và phá nát chương trình giáo dục vốn đã quá bết bát rồi.

Còn chuyện “khổ to, giấy đẹp” thì tôi nghĩ cũng không vấn đề gì. Cái cần ý kiến với bộ Giáo dục và các nhà xuất bản là: hãy làm sách với “mẫu mã” phong phú để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, ai thích kiểu nào thì mua kiểu ấy, chứ không được “đồng phục”.

Mua một cuốn vở bài tập có in ấn, minh họa đường hoàng hết 11 nghìn đồng, nhưng hiện nay rất nhiều trường học đang buôn vở ô li với giá trên dưới 10 nghìn đồng một cuốn và bắt buộc 100% học sinh phải mua, trong khi những cuốn vở này nếu ra cửa hàng tạp hóa mua thì chỉ bằng phân nửa giá tiền. Lá bùa của họ là in lên bìa vở logo nhà trường. Những thứ vô lý như thế thì oái oăm thay, không thấy mấy ai phản đối cả.

Năm 2021, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố lãi sau thuế 287 tỉ đồng. Tôi không ủng hộ giá sách giáo khoa như hiện tại và mong muốn sách phải được bán với giá phi lợi nhuận. Tốt nhất là cung cấp sách miễn phí cho học sinh, đặc biệt là học sinh nông thôn và vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, trước mắt như đã nói, có quá nhiều khoản thu phi lý và phi pháp mà mỗi đầu năm phụ huynh phải è cổ ra đóng, ít thì cũng vài triệu, nhiều thì dăm bảy triệu, đủ thứ trên trời dưới đất. Đây là chỗ mà cha mẹ phải lên tiếng nhiều hơn và có hành động nhất quán với suy nghĩ, tránh tiếp tay cho các nhà trường làm bậy, làm càn.

Thứ hai, là môi trường giáo dục phải tử tế và trong sạch. Để làm được điều đó, vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Kiên quyết không nộp dù chỉ một món 10k nếu món ấy thu sai, “thu bẩn”. Phải đòi nhà trường nơi con mình học tập làm cho đúng, cho tốt, cho minh bạch và đường hoàng, trong sáng. Họ phải tử tế thì mới có thể dạy dỗ con cái của quý vị được. Và tôi tin rằng, chỉ cần bỏ chút thời gian tìm hiểu cộng với việc hình thành tinh thần trách nhiệm cơ bản, thì cha mẹ sẽ làm được cái việc vốn rất thiêng liêng và hệ trọng này, cho con cái mình và cho xã hội.

Và tôi mong muốn, một khi cha mẹ đã biết rõ đâu là khoản tiền bắt buộc, đâu là tự nguyện, đâu đúng đâu sai mà vẫn cắm đầu chiều theo cho yên thân, thì tốt nhất cũng đừng kêu ca nữa, chỉ tổ điếc tai mà chẳng được tích sự gì.

Thân ái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét