Khi ‘phát thưởng’ lên ngôi…
2-6-2023
Tạm bỏ qua cái lỗi đánh máy “đào tạp”, dù vô tình nhưng lại rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh này. Tôi không rõ từ khi nào mà việc trao phần thưởng cho học sinh giỏi đã được nói thành “phát thưởng”, ngày càng phổ biến. Các bạn chỉ cần gõ Google rồi bấm vào “hình ảnh” thì sẽ thấy từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng “phát thưởng”.
Phát: đg. Đưa cho, cấp cho từng người, thưởng theo một chế độ chung nhất (từ điển Hoàng Phê). Cách nói “phát thưởng” này được dùng đặc biệt nhiều và ngày càng chiếm ưu thế đối với người nhận là học sinh. Tôi nhớ, thời chúng tôi đi học, nhà trường dùng chữ “khen thưởng, trao thưởng”, không nói “phát thưởng”. Chữ “phát” xuất hiện trong các cách nói như phát quà, phát gạo, phát chẩn, phân phát…, gợi lên cái động tác đưa cho người khác một cách rất nhanh và thường không kèm theo sự trang trọng; nhất là khi nó nằm trong những chữ như “ban phát” thì thấy rõ tính chất bề trên “bố thí” cho kẻ dưới.
Có phải vì ngày nay học sinh giỏi quá nhiều, nên giấy khen, phần thưởng cũng vì thế mà “trao” không xuể, người ta phải chuyển qua dùng chữ “phát” cho đúng với thực tế? Và hình như nó cũng là dấu hiệu cho sự mất giá của các danh hiệu do sự “lạm phát học sinh giỏi” gây nên?
Lần đầu tiên tôi nhìn và nghe thấy chữ này là ở trường tôi trong một lễ tổng kết năm học, cảm giác lúc ấy là ngạc nhiên bởi cái ấn tượng về sự rẻ rúng, bèo bọt và cả coi thường mà nó gây ra. Tôi không biết các em học sinh có cảm giác đó không, nhưng nếu có thì sau một thời gian chắc cũng thấy bình thường. Và chính cái “bình thường” ấy là chỗ đáng lo ngại.
Hãy tưởng tượng, trên lễ đài hoặc giấy mời của Nobel, Cannes hay chỉ là Giải thưởng Nhà nước ở Việt Nam mà ghi hai chữ “phát thưởng” thì sẽ gây cảm giác khó chịu đến mức nào, và thậm chí có thể nhiều người sẽ không có mặt để nhận giải.
Của cho không bằng cách cho, và càng là trẻ em thì càng cần phải được trân trọng và tôn trọng, để tập cho các em sự nâng niu và lòng tự trọng. Việc dùng chữ “phát thưởng” thiếu tôn trọng này khó mà gây được những tình cảm ấy nơi những đứa trẻ vốn đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách.
Việc ưu tiên dùng chữ “phát thưởng” trong học đường ngày nay cũng cho thấy tâm lý của những người làm giáo dục, khi chính họ cũng chỉ còn coi đó là một sự phân phát vô hồn. Một chữ trao thưởng/khen thưởng mà khó mở miệng đến thế, vậy thử hỏi làm sao mà có thể mong mỏi các nhà trường, đặc biệt là các ông bà hiệu trưởng, có thể đủ cái tâm để mà gánh vác việc giáo dục nhân cách con người vốn rất nặng nề và thiêng liêng này?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét