Cuộc phản công của Ukraine sẽ dẫn đến vô số thương vong…
Cù Tuấn, biên dịch
6-6-2023
Tóm tắt: “Đằng nào bọn tôi chả chết”, một tân binh Ukraine nói thẳng thừng khi anh tham gia huấn luyện vào thứ Sáu cùng hàng trăm người khác tại một trại quân sự ở Yorkshire, Anh.
Khi các chỉ huy Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công quan trọng nhằm đẩy lùi lực lượng Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, Vadym, 23 tuổi, một tân binh từ Kiev, nói rằng anh muốn được ra tiền tuyến, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc có thể mất mạng.
“Đằng nào bọn tôi chả chết”, Vadym nói thẳng thừng khi anh tham gia buổi huấn luyện vào thứ Sáu tại một trại quân sự ở Yorkshire, Vương quốc Anh. Vadym là một trong số hàng trăm người Ukraine tình nguyện tham gia khóa huấn luyện cơ bản kéo dài 5 tuần, vì thời gian tới đây có thể là một trong những giai đoạn đẫm máu nhất trong cuộc chiến đã kéo dài 15 tháng. Giống như những tân binh khác, anh yêu cầu phóng viên chỉ nêu tên, không nêu họ của mình.
Vadym cho biết quan điểm bi quan về cơ hội sống sót của anh cũng không khác gì khi so với quan điểm của các tân binh khác, tất cả họ hiện đã đi được nửa chặng đường.
“Họ muốn chiến đấu, và việc ở trong địa ngục tiền tuyến là một phần của điều đó”, Vadym nói, khuôn mặt trẻ con của anh được phủ một lớp sơn ngụy trang. “Tôi đã thấy tất cả những nguy hiểm trong đó. Nó không quan trọng”.
Anh tự sửa lại: “Tất nhiên đó là vấn đề, nhưng dù sao, đó là cái giá mà chúng tôi phải trả”.
Có thể vẫn còn vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng, trước khi Vadym và những người khác hiện đang trải qua khóa huấn luyện cơ bản được tham gia chiến đấu thực sự. Thời gian của cuộc phản công như hứa hẹn của Ukraine đã được giữ bí mật chặt chẽ, mặc dù các nhà lãnh đạo Ukraine trong những ngày gần đây cho biết họ đã sẵn sàng làm việc này.
Việc những người Ukraine trẻ tuổi hiện đang nhập ngũ, đúng lúc để tham gia một chiến dịch quân sự có thể kéo dài vô thời hạn, gợi lên sự so sánh với những người đàn ông và phụ nữ Mỹ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt chính: Những người Mỹ sống sót sau cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã trở về quê hương tương đối an toàn. Những người Ukraine hôm nay phải bò qua các chiến hào đầy bùn và xông vào một khách sạn tạm thời trong các cuộc tập trận hôm thứ Sáu 2/6 có thể bị buộc phải chiến đấu vì tổ quốc họ trước nước láng giềng Nga trong nhiều năm tới.
Và trong khi các lực lượng phương Tây thường có nhiều năm huấn luyện, và nhiều người nhập ngũ là quân nhân chuyên nghiệp muốn biến quân đội thành sự nghiệp, thì người Ukraine lại có “tâm lý khác”, Trung úy Jordan Turton, một sĩ quan bộ binh người Anh từng làm việc với các tân binh này cho biết.
“Năm tuần trước, một trong số họ là phiên dịch viên, một người làm công việc bán hàng, một người làm thợ cắt tóc”, Trung úy Turton nói. “Cảm giác bao trùm là họ muốn bảo vệ đất nước của họ, bảo vệ những người thân yêu của họ, bảo vệ bạn bè và gia đình của họ”.
Các cuộc tập trận quân sự ở Yorkshire, một thung lũng xanh và vàng – không giống như thảo nguyên ở đông nam Ukraine, nơi các phần của cuộc tấn công dự kiến sẽ diễn ra – là nhiệm vụ mới nhất trong một nhiệm vụ lớn: huấn luyện gần 15.000 tân binh trong năm qua.
Công việc này được giao cho quân đội Anh và Na Uy, những người gần đây đã bắt đầu chỉ cho các tân binh Ukraine cách vô hiệu hóa máy bay không người lái – một hành động khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng của chúng trên chiến trường, đặc biệt là trong chiến tranh chiến hào đã trở thành dấu ấn của cuộc giao tranh giữa bộ binh Nga và Ukraine.
Trung úy Turton, người đã trải qua khóa đào tạo cơ bản cách đây không lâu, cho biết các tân binh Ukraine đều rất ham học hỏi.
“Thành thật mà nói, khi nhìn lại giai đoạn này trong quá trình đào tạo của tôi trước đây, tôi thấy họ giỏi hơn tôi rất nhiều”, anh nói.
Chỉ hơn sáu tuần trước, một trong những người nhập ngũ và tới đây huấn luyện, Ihor, đang làm thợ xây đá ở Lviv. Anh cho biết vợ và hai con của mình đã bị sốc khi anh tuyên bố sẽ tình nguyện nhập ngũ.
“Và khi họ bình tĩnh lại, họ hiểu”, Ihor sinh năm 1990 – năm cuối cùng mà Ukraine còn là một phần của Liên Xô, nói. Ihor cho biết, mặc dù dân chủ và các lý tưởng phương Tây khác luôn là một phần giá trị của anh, nhưng phải đến những năm gần đây, anh mới bắt đầu coi nước Nga là một mối đe dọa.
“Tuyên truyền của Nga nói rằng chúng tôi là các quốc gia anh em”, Ihor nói. “Nhưng một người anh em không đến thăm một người anh em với vũ khí trong tay”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét