Trời vào thu, Đại Ngu buồn lắm em ơi!
Dương Tự Lập
2-4-2023
(Thế hệ một thời đi qua vòm trời vàng son Việt Nam Cộng Hòa)
Trước đó đã có, nhưng rầm rộ hơn phải được tính từ đầu năm 2004 khi ông cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa bốc đồng Nguyễn Cao Kỳ do được những tay “bác sĩ” Cộng sản tài tình kết nối “khúc ruột dư” của ông trở về Việt Nam thành “khúc ruột Thừa ngàn dặm”.
Năm kế tiếp 2005 là lão nhạc sỹ Phạm Duy, người có số phận quá tam ba bận. Kháng chiến chống Pháp ông bỏ chiến khu về Thành, chia cắt hai miền ông bỏ Thành Hà vào Nam, Bắc thâu tóm Nam ông bỏ Nam chạy sang Mỹ. Ba mươi năm mang kiếp sống của kẻ lưu vong.
Từ đó đám chống Cộng xôi thịt bên Mỹ như bọn Nguyễn Ngọc Lập, Hoàng Duy Hùng, Nguyễn Phương Hùng… theo gương ông Kỳ từ Mỹ ào ạt trở về, và cũng đều giống nhau, khi đặt chân xuống sân bay, bọn chúng nước mắt lưng tròng nức nở nghẹn ngào, ân hận, tự nhận đã một thời lầm đường lạc lối, đầy mình tội lỗi đối với đất nước non sông.
Tiếp nối theo có đám ca sĩ Việt ở Mỹ cũng rầm rộ kéo nhau về “kiếm ăn” bởi ở Mỹ thị trường âm nhạc ấy đã hết… ăn. Kiều bào ta rải rác khắp nước Mỹ thời điểm này khoảng hai triệu người. Thế hệ thích nhạc xưa ngày một thưa thớt, trong khi ở Việt Nam một trăm triệu dân, lượng khán giả háo hức đón nhận dòng nhạc vàng, Bolero này còn thịnh hành, còn đông lắm. Thôi thì sống đâu cũng là sống, cũng vẫn phải làm, vẫn phải tồn tại. Chuyện cơm áo gạo tiền gắn liền sinh mạng.
Hơi phiền là các ca sĩ này cứ tưởng bở, được hát những bài hát của họ tự chọn thoải mái như trên sân khấu Mỹ, Pháp, Úc… Như trên sân khấu quê nhà của thời vàng son Việt Nam Cộng hòa còn tồn tại. Họ được trở về Việt Nam hành nghề đã là một “đặc ân lớn” của Chính phủ, của Đảng phẩm chất, trí tuệ, cùng lòng bao dung độ lượng nhân ái dành cho dân và vì dân. Nếu không phải Đảng Cộng sản Việt Nam thì chẳng có cái Đảng chó nào trên thế gian này vĩ đại, giầu lòng chắc ẩn hơn.
Nào là Chế Linh, Thanh Tuyền, nào là Phương Dung, Giao Linh, nào là Hương Lan, Tuấn Vũ, rồi Khánh Ly, Tuấn Ngọc… ùn ùn theo nhau kéo về hát trên sân khấu quê nhà hợp hòa dân tộc. Tất cả các ca sĩ này có một số phận na ná giống nhau, tiền sử của họ đều bị khép tội phản động, bỏ chạy vào ngày “Đất nước trọn niềm vui” 30-4-1975. Họ trở thành thuyền nhân (Boat people) lênh đênh biển cả. Mạng họ đào hoa nên chưa bị sa vào ruột cá. Đến nay tuổi của họ cũng kha khá là cao. Ông Đỗ Phủ cười xếp tất cả loại này vào bọn “người xưa nay hiếm”.
Chương trình của họ vé đã được bán hết, đang chuẩn bị trình diễn, hoặc diễn hát giữa chừng mà lỡ có bị cúp mất điện, tắt đài thì chỉ là chuyện hài Xã hội chủ nghĩa, chuyện muỗi. Lỗi này nếu truy xét nguyên nhân thì đều do từ dân xướng ca phạm luật chơi, đi sai đường hoặc hát chệch hướng chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Xin nêu mấy trường hợp mới xẩy ra đối với nhóm ca sĩ đã trải qua chế độ Việt Nam Cộng hòa trở về hát trên quê nhà thời gian gần đây để ta suy ngẫm.
Chế Linh gốc người Chăm, từng sáng tác và hát cho lính “Ngụy quân, Ngụy quyền”. Tuổi trẻ vô Sài Gòn nói tiếng Việt chưa sõi. Bắt đầu nổi tiếng từ bài hát đầu tiên “Tình bơ vơ” của nhạc sĩ Lam Phương. Từng bị chế độ Cộng sản bỏ tù rồi vượt biên thoát nạn. Ra hải ngoại, đứng trên sân khấu Thúy Nga Paris by night dám đóng vai Vua Champa Chế Bồng Nga, vị vua vĩ đại cuối cùng của Quốc vương Chăm vì sau khi ông tử trận năm 1390 khép lại lịch sử cường hùng, người sau thế ông không ai hơn được. Nước Chăm cũng bị nhà Hồ Đại Ngu đánh chiếm giang sơn dần, mất hết đất đai thịnh vượng và về sau bị xóa sổ hoàn toàn.
Báo An Ninh Thế giới cuối tháng ngày ấy đã đăng hình ông “Vua Chế Linh” trong bộ áo bào uy nghi lẫm liệt và có hẳn một trang dài luận tội Chế cực kỳ phản động, dám gợi lại một triều đại đã qua. MC Nguyễn Ngọc Ngạn thì đùa tếu, Chế là người vô tổ quốc, người nước ngoài nói hai thứ tiếng. Nay cho về lại Việt Nam hát là hồng phúc rồi, nếu lỡ như có xẩy ra sự cố chi chi đó khi chuẩn bị trình diễn tại Thủ đô Hà Nội như hồi trung tuần tháng 11 năm 2022 thì chỉ là do phúc của Chế hết hồng mà thôi. Dẫu có thế nào thì Chế cũng đừng oán than chế độ ưu việt đãi ngộ cho Chế trở về, bởi kết cục nó tất phải thế.
Khánh Ly làm cả một chương trình show tại Đà Lạt cuối tháng 6 năm 2022 không sao, ngứa nghề tương thêm bài “Gia tài của mẹ” (Trịnh Công Sơn sáng tác):
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tâу
Hai mươi năm nội chiến từng ngàу
Gia tài của mẹ để lại cho con …
Gia tài của mẹ một rừng xương khô
Gia tài của mẹ một núi đầу mồ…
Gia tài của mẹ một nước Việt buồn”…
Tắt điện. Cấm hát, về nước Mỹ mà hát. Giá như lúc đó nữ ca sĩ này hứng lên hát: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên), hay “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác” (Cao Việt Bách), hoặc “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” (Trần Kiết Tường), “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà) … chắc chắn Khánh Ly còn được hát, hát nữa, hát mãi, hát tẹt ga, ca tẹt sức. Thậm chí sẽ được hát khuyến mại, hát dưới ánh điện sáng trưng, hát tưng bừng như chưa bao giờ được hát.
Hỏng rồi! Giặc Tây thì còn được chớ sao lại có giặc Tàu ở đây? Sao lại nội chiến, bọn chúng ông “đánh cho Mỹ cút đánh Ngụy nhào” kia mà, phải nói ngoại chiến chứ, nội chiến cái con khỉ tiều, chẳng hiểu gì về điện. Xương khô nào đầy mồ. Việt nào là Việt buồn, không thấy chúng ông suốt ngày vui như có Bác, sướng như được sống bên lăng Người đó thây. Tắt, biến.
Nói vui vậy thôi chứ gì thì gì ca sĩ Khánh Ly vẫn đáng khen bởi bà dũng cảm “Hát trên những xác người” (Trịnh Công Sơn) của một trời tóc tang Mậu Thân Huế 1968 bị Cộng sản tàn sát:
“Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá.
Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em”.
Thể hiện nhạc phẩm nào thì Khánh Ly cũng rất tôn trọng tác giả cùng lời ca trong bài hát. Dẫu có bị Ban Tuyên giáo đuổi về lại nước Mỹ thì bà cũng nên vui vẻ. Không vì thế mà danh của bà sứt mẻ mòn hao.
Khánh Ly có chung số phận đắng cay với hơn một triệu người dân miền Nam đúng ngày “Đất nước trọn niềm vui” ấy, Ly chạy ra biển, Ly biến sang Mỹ. Trên sân khấu tự do thân hình gầy gò khô héo, Ly hát rắt réo : “Đêm chôn dầu vượt biển” (của Châu Đình An) nghe đau nhói:
Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn
Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình
Gửi lại đây trăm nhớ ngàn thương
Tạm biệt… nước non!
Rồi Ly lại hát: “Một chút quà cho quê hương” của (Việt Dzũng) sao tang tóc hãi hung:
Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình…
Cả tác giả lẫn người hát đều là nạn nhân, thuyền nhân, chứng nhân trong cuộc chiến cốt nhục tương tàn, tiêu tan đất nước. Nên Ly thả hồn mình vào lời ca thổn thức, nhói nhức tâm can, chứa chan nước mắt, đau thắt con tim.
Cũng giống Chế Linh, Báo An Ninh Thế giới cuối tháng ngay sau đó có bài viết đầy trang về bà. Vạch trần bộ mặt phản quốc, tiểu sử Lệ Mai (tên thật của Khánh Ly) còn gọi Mai “đen” sinh ra và lớn lên trên phố Hàng Bông – Hà Nội. Đích thị gốc người Tràng An thanh lịch. Theo mẹ di cư vào Nam năm 1954 khi còn tuổi nhỏ lên chín lên mười, rồi trưởng thành người ca sĩ trong chế độ Ngụy Sài Gòn bơ thừa, sữa mứa của Mỹ.
Lịch sử ở đâu? Lịch sử chính là đây? Trong ca, văn, nhạc, họa chốn này… Thế hệ sau ta có hiểu nổi sao lại phải vượt biển? Sao lại phải chôn dầu mỗi nơi một chút, sao lại phải chôn lén lút giữa đêm đen. Phải gom tới bao nhiêu hộc dầu như thế mới đủ được cho ghe, cho xuồng chạy ra hải phận Việt Nam.
Sao đất nước văn hiến, văn vật mà cứ tối đen như mực, nào là “Tắt đèn”, tiểu thuyết Ngô tất Tố. Sau “Đêm đông” nhạc phẩm Nguyễn Văn Thương, đến “Đêm hội Long Trì”, tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng, “Đêm chôn dầu vượt biển” ca khúc Châu Đình An, “Cái đêm hôm ấy… đêm gì” bút ký Phùng Gia Lộc, “Đêm giữa ban ngày” hồi ký Vũ Thư Hiên, “Đêm dày lấp lánh” chính luận Nguyễn Thanh Giang… Ôi đất nước tôi, triền miên nghe nỗi đau của mẹ: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Ôi đất nước tôi, những kẻ biệt xứ xa xôi, lòng hằng mong giản đơn thôi “Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình”.
Ngỡ đất nước thanh bình nên bốc đồng Nguyễn Cao Kỳ muốn gửi nắm tro tàn của mình trên quê hương vào cuối đời như mơ ước. Khi cầm quân chống Bắc Việt ông Tướng cao bồi này đã đại bại, lúc nhắm mắt ông Kỳ còn thảm hại hơn. Ông ta phải chết ở nước ngoài. Nghe bảo cô con gái ông ở Mỹ có đi nói khó với mấy chùa người Việt bên đó nhờ ký gửi nắm tro cốt của cha mình họ mới chịu. Còn nhạc sĩ Phạm Duy (Phạm Duy Cẩn), người Hà Nội “xịn” trăm phần trăm luôn, sinh tại phố Hàng Cót, sống chỗ phố Hàng Dầu:
“Nhà tôi ở phố Hàng Dầu
Số nhà năm bốn (54) đứng đầu… du côn” (Hồi ký)
Trước khi nhắm mắt, ông lấy làm tiếc là nhiều tác phẩm của mình còn bị cấm. Hai trường ca chưa được cấp phép “Con đường cái quan” và “Mẹ Việt Nam”. Ông nhận thấy hoàn toàn thất bại khi người Việt còn chưa thực sự hòa hợp hòa giải cho dù đất nước đã thống nhất từ lâu.
Sau năm 1975 các vở kịch “Lá sầu riêng” (Kim Cương), “Đời cô Lựu” (Trần Hữu Trang), “Nửa đời hương phấn” (Hà Triều-Hoa Phượng)… tràn ra, dẹp dần các đoàn kịch Bắc. Gần nửa thế kỷ sau dòng nhạc vàng – Bolero của các nhạc sĩ miền Nam lan tỏa khắp bản làng thôn quê nước Việt. Thậm chí các cuộc thi Bolero bao giờ cũng được đón nhận người thi, người xem đông đảo, hoàn hảo, hào hứng, sôi nổi nhất. “Tình bơ vơ” (Lam Phương), “Xuân này con không về” (Trịnh Lâm Ngân), “Nỗi lòng người đi” (Anh Bằng), “Hai mùa mưa” (Lê Minh Bằng), “Trăng tàn trên hè phố” (Phạm Thế Mỹ), “Hoa trinh nữ” (Trần Thiện Thanh) …
Người nặng lòng gìn giữ phát huy di sản “tàn dư văn hóa đồi trụy” này ở Hải ngoại, công lớn nhất phải nhắc tới cố Giáo sư Tô Văn Lai (To Lai Peter) 1937 – 2022. Vượt biên sang Pháp cuối năm 1976, từ hai bàn tay trắng sáng lập gây dựng nên hãng băng dĩa Thúy Nga Paris, hãng băng dĩa lớn nhất của người gốc Việt ở hải ngoại, mang tên – Trung tâm Thúy Nga.
Ngày ông mất báo chí trong nước im hơi lặng tiếng. Nghe nói cô con gái ông là Tô Ngọc Thủy (Marie To) thay cha đem chương trình Thúy Nga về trình diễn lởn vởn mấy quốc gia châu Á sát Việt Nam như Singapore, Bangkok-Thái Lan. Người Việt mua vé bay sang xem đông như ngày hội. “Khúc ruột đặc biệt” ngàn trùng cách trở của dân tộc không được kết nối. Tội.
Rút ra sự thật bẽ bàng hôm nay và mãi muôn sau lời khẳng định chắc nịch của ông Tuyên giáo mẫn cán Trần Long Ẩn, Ủy viên Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam: “Toàn bộ nền văn hóa nghệ thuật miền Nam trước năm 1975 là độc hại. Cần xóa bỏ hết”. Sặc mùi tanh tưởi, Nhổ rồi Liếm đã thành căn bệnh mãn tính của ban bệ này.
Dẫu sao mấy ca sĩ trên đây nói gì thì nói vẫn còn tư cách, giấy rách mà giữ được lề chứ cái nhà ông thợ hát Tuấn Ngọc kia tự tiện sửa lời làm ôi mặt làng “xướng ca muôn loài”. Trong ca khúc “Tình bơ vơ” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Lam Phương hồi giữa tháng 3 năm 2023 này được tổ chức mở show tại Sài Gòn.
Nguyên bản “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi”, Tuấn Ngọc hát thành “Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi”. Phần đông khán thính giả, người xem, người đọc, bức xúc, xô vào bình luận chửi bới phê phán Ban Tuyên giáo quá khắt khe, rồi thì Ban Tuyên giáo hay nhăm nhe soi mói, Ban Tuyên giáo dữ dằn hơn con sói đói mồi, nên Tuấn Ngọc phải sửa lời, vân vân và vân vân…
Sai, hoàn toàn sai nếu trút hết nỗi căm giận cùng tội lỗi này lên đầu Tuyên giáo quốc gia. Nhiều người còn suy luận hát về mùa Thu Việt Nam thì phải tươi sáng, hào hùng khí thế như mùa thu Cách mạng tháng Tám 1945, Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9. Nếu có đúng chỉ đúng một phần nào đó thôi. Trong khi lỗi đó lại do chính “Ngọc hành” – xử trên sân khấu.
Cứ cho là Ngọc sợ Tuyên giáo cấm chứ bảo Ngọc quên lời nên hát sai càng không đúng vì đời Ngọc hát bài này có dễ đến trăm lần dư. Nếu còn nhân cách không phải hạng người giẻ rách chiếu manh thì ông ta bỏ hát bài đấy, lấy bài hát khác thế thôi có sao đâu, Tuyên giáo chắc bái chào thua. Cũng không phải vậy, đã lâu rồi trước đó “Tình bơ vơ’ được các ca sĩ hát ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Các sân khấu diễn tại Sài Gòn, và nhiều nơi khác nữa trên cả nước mà vẫn trung thành với bản gốc, bài hát vẫn thể hiện được đúng lời. Như thế là không có sự cấm đoán ở đây, chí ít đúng bài này.
Tôi ghép thêm môt kẻ nữa cùng dân sàn diễn thời gian chưa xa, đó là Giám đốc nhà hát kịch, thằng hề láo Xuân Bắc. Vẫn biết nó là thằng hề của Tuyên giáo hay Tuyên giáo đẻ ra thằng hề Xuân Bắc xược láo cũng vậy. Thay vì tiếp thu lời phê bình của khán giả trong chương trình Táo quân trên Đài Truyền hình VTV càng ngày càng nhạt nhẽo, Bắc đã bịa bài viết “Cái tát của mẹ” chửi xéo Sử-tô nghĩa là Tổ-sư khán giả. Vậy nếu có vả thì ta vả gẫy răng vỡ mồm thằng hề láo chứ không thể vả mồm Tuyên giáo Trung ương. Ấy vậy mà ối kẻ vẫn ngu ngơ, bao biện cho Bắc, nghiêm khắc với Ban Tuyên giáo mới hay.
Quay lại chuyện ca sĩ Tuấn Ngọc, nay ông ta đã ở tuổi 75, đi mấy mươi năm trên con đường ca hát. Ông ta thừa trình độ để hiểu rõ nghệ thuật bao giờ cũng lưu giữ thông tin, ghi lại lịch sử, dấu tích của thời thế. Các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ khi viết họ đã dồn hết tâm huyết vào tác phẩm của mình, mỗi câu mỗi chữ sáng tác ra đầy ắp nỗi niềm trăn trở, chỉ có họ mới có quyền sửa lời họ viết. Ngay cả Ban Biên tập muốn sửa câu chữ cũng phải hỏi ý kiến nếu tác giả còn sống chứ chưa nói thợ hát Tuấn Ngọc dám tự ý thay chữ khi tác giả đó đã khuất.
Tôi đã từng kể về người hàng xóm nhà tôi, nhạc sĩ Phạm Tuyên, vào dịp kỷ niệm ba mươi năm chiến tranh biên giới phía Bắc, Nhà xuất bản thuộc bên Quân đội yêu cầu ông sửa lại ca từ “quân xâm lược Bành trướng dã man” trong bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” để đỡ bớt sự hung hãn của giặc Trung Quốc, vì Đảng sợ Bắc Kinh nổi giận. Người ta dự định sẽ cho ra mắt một tuyển tập nhạc đồ sộ: “Những khúc quân hành vượt thời gian”. Ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết trong đêm 17 sang ngày 18-2-1979 không thể bỏ qua. Nó không chỉ đơn giản là bài hát, mà còn là trang sử bi tráng quý giá sống động, chính xác hơn trăm vạn lần những trang sử dối trá khác của cuộc chiến tranh hào hùng đánh giặc bành trướng xâm lăng dân tộc đã bị tẩy xóa, giấu giếm, cắt xén, cấm đoán, thêm tốt bớt xấu cho Trung Quốc. Phạm Tuyên kiên quyết từ chối và người ta cũng từ chối đưa bài hát của ông vào tuyển tập. Nếu lúc đó ông đồng ý sửa thì nhân cách của ông có còn hay không. Bài hát đó có ai thèm ca nữa hay không.
Cũng thời gian cả nước dồn hết tổng lực đánh đuổi giặc cướp Trung Quốc trên biên giới phía Bắc năm 1979 đó, có thần đồng thơ Trần Đăng Khoa đang ngồi bó gối ba láp ba la tại nước Nga viết: “Uống rượu với người bạn Nga”
Nào nâng cốc! Mừng quê tôi
Quân Tàu bị đánh vỡ mặt. Cút rồi.
Biên giới mùa này, hoa ban nở
Loài hoa như trái tim người! (1979)
Khi lọt đít vừa chiếc ghế Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Khoa sợ “thế lực thù địch” thân bọn Bành trướng ngầm hãm hại, Khoa hãi vãi vứt không thương tiếc những hạt máu chữ lịch sử trên của mình để thay vào:
Và em gái hái nho ấy
Mắt em như cốc rượu đầy
Chỉ nhìn vào mầu mắt ấy
Là tôi đã ngả nghiêng say.
Hai khổ thơ hoàn toàn trật lất, không ăn nhập gì với nhau. Thần đồng vớ thần đồng vẩn. Liêm sỉ có hạn, khốn nạn dư thừa. Khoa chưa đủ tầm cỡ “Phong trần, mài một lưỡi gươm” nhưng dứt khoát vào hạng “Những loài giá áo túi cơm sá gì” (Nguyễn Du).
Hành động sửa lời đổi chữ tùy tiện dại dột dốt nát của bô lão xướng ca Tuấn Ngọc cũng chỉ xếp vào loài giá áo túi cơm như Trần Đăng Khoa vậy thôi. Việc này giúp tôi nhớ lại chương trình Thúy Nga Paris by Night 1994 với chủ đề “Lam Phương 40 năm âm nhạc” và tìm vào trang Web Bolero (chấm) com, đọc được bài viết của MC Nguyễn Ngọc Ngạn, người dẫn dắt chương trình lâu năm nhất cho Trung tâm Thúy Nga này. Ông Ngạn thường thắc mắc tại sao trong nhạc của Lam Phương có nhiều câu từ buồn đến thế. Gần 20 năm sau gặp nhau tại Pháp, Lam Phương mới kể lại cho Ngạn nghe câu chuyện tình đơn phương của chàng nhạc sĩ trẻ quê mùa là ông và cô ca sĩ Sài Thành hoa lệ Bạch Yến, quãng thời gian 1970 – 1972 không thành. Để rồi ca khúc “Tình bơ vơ” lãng mạn của ông ra đời mang giai điệu man mác buồn xuyên hai thế kỷ.
Lam Phương viết “Tình bơ vơ” một ngày trời Thu Việt Nam khi người mà mình yêu thầm nhớ trộm là Bạch Yến đã qua nước Pháp. “Em khóc cho đời viễn xứ… rồi anh lặng lẽ ra đi. Gom góp yêu thương quê nhà, dâng hết cho người tình xa”. Nếu không ông đã viết trời vào Đông hay trời vào Xuân… Việt Nam buồn lắm. Ý muốn nhắn gửi cô nhân tình của mình biết về địa điểm, không gian, thời gian, vào mùa Thu nay ở hai đầu nỗi buồn, nỗi nhớ từ hai phương trời cách biệt, hai quốc gia Pháp – Việt cách xa.
Ta e rằng, nếu xướng ca Tuấn Ngọc cứ phát huy “biên tập viên” bừa bãi, ngu xuẩn kiểu này thì có ngày hát về cuộc chiến đánh giặc Trung Quốc bành trướng “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ (Phạm Tuyên), Ngọc ngỏng đầu ngoác mồm: “Quân xâm lược tàn ác dã man” mà vứt mẹ nó đi bốn chữ “bành trướng Bắc Kinh” vì sợ Tuyên giáo khép tội hỗn láo với Thiên triều. Hát “Viếng lăng Bác” của Hoàng Hiệp “Tôi ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Nếu mọi người thắc mắc “Con ở miền Nam” chứ sao lại “Tôi ở miền Nam” thì Ngọc sẽ quắc mắt: Tao là ông hoàng nhạc chữ tình lừng danh Tuấn Ngọc đây, tao đ3o phải “con ở” thuê, đứa ở đợ, ô sin làm mướn coi nhà đuổi gà cho ai cả, hiểu chưa?
Bị “cái đám quần chúng” chửi nhức óc xóc tim quá, Ngọc xin hát lại: “Tình bơ vơ” của nhạc sĩ Lam Phương thế này để tạ lỗi khán giả cùng tác giả: “Trời vào Thu Đại Ngu buồn lắm em ơi”. Có còn ai dám thắc mắc nữa hay không? Thắc mắc hả, Đại Ngu là tiền thân tên nước Việt Nam xưa. Có thế mà cũng không biết!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét