Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc bị xua đuổi khỏi vùng biển Việt Nam

 

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc bị xua đuổi khỏi vùng biển Việt Nam

Tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam áp sát nhau một cách nguy hiểm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

RFA - 2023.03.27

Ly Ngữ dịch

clip_image001

Dữ liệu theo dõi tàu cho thấy tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam theo sát tàu cảnh sát biển Trung Quốc CCG5205. [Marine Traffic]

Theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi tàu thuyền, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc và một tàu tuần tra ngư nghiệp Việt Nam dường như đã có một cuộc chạm trán căng thẳng vào cuối tuần qua ở Biển Đông, họ tiến sát nhau đến khoảng cách 10 mét.

Dữ liệu dựa trên tín hiệu của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của các tàu cho thấy tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, CCG5205, và tàu Kiểm Ngư 278 của Việt Nam đã đến gần nhau một cách điên khùng vào khoảng 7 giờ sáng Chủ nhật theo giờ địa phương (nửa đêm theo giờ quốc tế), một nhà nghiên cứu có trụ sở tại California cho biết.

Dữ liệu theo dõi cho thấy tàu Kiểm Ngư 278 đã truy đuổi con tàu Trung Quốc lớn hơn đáng kể kể từ ngày 24 tháng 3. Đến chiều thứ Hai (giờ địa phương), tàu CCG5205 đã chuyển sang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia sau khi rời vùng biển Việt Nam.

Theo Ray Powell, Trưởng dự án Myoushu (Biển Đông) tại Đại học Stanford, người đầu tiên phát hiện ra vụ việc trên biển, có thời điểm hai con tàu cách nhau chưa đầy 10 mét (32,8 feet).

Ông Powell nói: “Tàu Việt Nam khá táo bạo vì giữa hai tàu khá khác biệt về kích thước – tàu Trung Quốc lớn gấp đôi tàu Việt Nam”.

“Đó hẳn là một cuộc chạm trán rất căng thẳng”.

Vụ việc xảy ra cách Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) khoảng 50 hải lý (92,6 km) về phía nam. Bãi Tư Chính là một điểm nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông.

Khoảng 90 phút sau, tàu Trung Quốc rời vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, nơi nó đã ở đó từ tối thứ Sáu.

Một vùng đặc quyền kinh tế cho phép một quốc gia độc quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng nước và dưới đáy biển.

Tháng trước, cũng chính tàu Cảnh sát biển Trung Quốc này đã bị cáo buộc tiếp cận tàu Cảnh sát biển Philippines ở khoảng cách 150 thước Anh (137 mét) và chiếu tia laser vào thủy thủ đoàn Philippines, khiến họ bị mù tạm thời.

Vào ngày 6 tháng 2, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết tàu Trung Quốc đã hai lần “hướng ánh sáng laser cấp độ quân sự” vào tàu BRP Malapascua đang trên đường vận chuyển lương thực và nhu yếu phẩm cho quân đội đóng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) ở Biển Đông.

Manila đã gửi một công hàm phản đối và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ đồng minh Philippines.

Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc, nói rằng tàu Philippines đã “xâm nhập vùng biển” ngoài khơi quần đảo Trường Sa “mà không có sự cho phép của Trung Quốc” và tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã “hành động một cách chuyên nghiệp và có kiềm chế”.

'Quá gần, quá nguy hiểm'

Trong cuộc chạm trán hôm Chủ nhật, dữ liệu theo dõi của Marine Traffic cho thấy CCG5205 của Trung Quốc và Kiếm Ngư 278 của Việt Nam đã ở khoảng cách gần đến mức có thể va chạm.

Collin Koh, một nhà phân tích hàng hải khu vực có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Mười mét giữa các tàu thực sự là quá gần, quá nguy hiểm”.

“Tùy thuộc vào tình hình thời tiết biển, nguy cơ va chạm là khá cao”, Koh nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Một sĩ quan cấp cao của Hải quân Việt Nam đã nghỉ hưu, nói với RFA với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của chủ đề, cho biết hai con tàu chắc chắn đã thoát khỏi vụ va chạm trong gang tấc vì chúng đi ngược chiều nhau và di chuyển với tốc độ rất chậm.

“Nếu họ đi cùng hướng thì không thể tránh khỏi va chạm vì khoảng cách quá gần và quá nguy hiểm”, ông nói.

Ông nói thêm, trước đây tàu Trung Quốc đã cố tình đâm tàu tuần tra của Việt Nam, nhưng không phải trong những năm gần đây.

Để thực hiện nhiệm vụ vừa rồi, tàu CCG5205 rời Tam Á thuộc đảo Hải Nam vào ngày 11 tháng 3 và lần đầu tiên vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 12 tháng 3.

Sau đó, nó di chuyển đến khu vực chồng lấn giữa các quốc gia có yêu sách ở Biển Đông và EEZ của Malaysia trước khi đi vào EEZ của Việt Nam một lần nữa vào ngày 21 tháng 3 trong vài giờ, và lần thứ ba là vào ngày 24 tháng 3 khi tàu Kiếm Ngư 278 đuổi theo nó.

clip_image002

Ngày 26 tháng 3, vào khoảng nửa đêm giờ quốc tế, Kiếm Ngư 278 của Việt Nam và CCG5205 của Trung Quốc đã áp sát một cách nguy hiểm. [Marine Traffic]

Tàu Kiểm Ngư 278, tên chính thức là Tàu Kiểm ngư Việt Nam KN-278, xuất phát từ cảng Vũng Tàu ở phía nam Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13 tháng 3 và đã theo sát tàu Trung Quốc kể từ đó.

Vào tháng 7 năm 2021, tàu Kiểm Ngư 278 đã theo sát một tàu hải cảnh khác của Trung Quốc, CCG5202, mà Việt Nam cáo buộc đã quấy rối các hoạt động thăm dò khí đốt của họ.

Sáu bên có tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông và tài nguyên thiên nhiên của nó, nhưng yêu sách của Trung Quốc là lớn nhất và Bắc Kinh đã cố gắng cản trở các hoạt động dầu khí của các nước khác trong vùng biển bên trong đường chín đoạn mà họ tự tuyên bố chủ quyền.

Theo dữ liệu từ Marine Traffic, một tàu khảo sát 2.600 tấn của Trung Quốc, Haiyang Dizhi Si Hao, đã nán lại bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 9 tháng 3 cho đến ngày 25 tháng 3, khi nó tắt AIS. Và hiện chưa biết nó ở đâu.

Nguồn bản gốc: RFA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét