Nhà nước vẫn giữ quyền ban phát đất đai như một công cụ kiểm soát tôn giáo
Bất kể Luật Đất đai có sửa đổi ra sao.
April 12, 2023
Cảnh đập phá tại Đan viện Thiên An năm 2017. Ảnh: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.
Cách thành phố Huế chỉ khoảng 15 phút đi xe, Đan viện Thiên An nằm trên một ngọn đồi rất đẹp, dòng người hành hương ra vào nườm nượp. Tuy nhiên, chính nơi đây lại không có tín hiệu của mạng không dây (3G, 4G, v.v.). Không chỉ bên trong Đan viện mà một vùng đất rộng lớn bao bọc lấy Đan viện cũng khó để bắt được Internet.
Việc không có Internet không liên quan đến một sự cố kỹ thuật nào cả, nó liên quan đến một sự cố dai dẳng chưa có hồi kết khác.
Đó là việc cả khu vực đồi Thiên An trở thành nơi tranh chấp đất đai đến nghẹt thở giữa một bên là Đan viện Thiên An và bên còn lại là chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế và các chủ đất mà chính quyền đã bán đất cho [1].
Cũng tại Đan viện này, một linh mục bề trên đã phải đi cấp cứu sau khi được mời uống trà và cà phê từ hai người lạ trong lúc tình hình tranh chấp đất đai cực kỳ căng thẳng tại nơi đây vào đầu năm 2016. Đó là linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức, Đan phụ của Đan viện. Ông đã sang Đức chữa trị và nghi ngờ có dấu hiệu bị đầu độc. Năm 2019, Bộ Công an thông báo không đảm bảo tính mạng nếu ông trở về Việt Nam. Tháng 10/2022, linh mục Đức qua đời tại một bệnh viện ở châu Âu [2].
Tháng 6/2022, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tranh chấp đất đai tôn giáo vẫn chưa thể dứt điểm bên cạnh các vấn đề đất đai khác. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng đề nghị phải sửa đổi Luật Đất đai hiện hành vào năm 2023 [3].
Tuy nhiên, dù sửa đổi đến đâu đi nữa cũng không thể có thêm tiến triển nào đáng kể vì nhà nước vẫn muốn làm “giáo hội của các giáo hội”.
Buộc tôn giáo phải quy thuận
Các đảng cộng sản thường có chung một mục tiêu chính trị là kiểm soát toàn diện, áp đặt quan điểm của họ lên trên tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là không gian dân sự. Họ sẽ bất chấp để thực thi điều họ tin là đúng cho đến lúc mọi thứ gần như đi vào ngõ cụt.
Điều này đã được chứng minh từ sau năm 1975 trên phạm vi toàn quốc khi tất cả mọi lĩnh vực đều do nhà nước điều khiển. Và cho đến lúc mô hình này thất bại, đẩy người dân bỏ nước ra đi thì chính quyền mới mở cửa cho kinh tế tư nhân nhưng vẫn siết chặt không gian dân sự.
Cho đến nay, chính quyền vẫn rất sợ hãi không gian dân sự, vốn là một thiết chế quan trọng, vừa có chức năng kiểm soát, phản biện nhà nước vừa đảm bảo cho người dân có đời sống đa nguyên, dân chủ, nhờ thực hành đúng nghĩa các quyền tự do báo chí, tự do hiệp hội, tự do xuất bản và đặc biệt là tự do tôn giáo.
Tôn giáo là một trong những lĩnh vực dân sự bị kiểm soát khắc nghiệt nhất. Ví dụ, cho đến nay, Trung Quốc mới chỉ công nhận 5 tôn giáo chính thức [4]. Chính quyền Việt Nam cũng muốn các giáo hội phải tuyệt đối nghe lời mình. Do các tôn giáo có khả năng thu hút, vận động quần chúng rất lớn, nên kiểm soát tôn giáo sẽ giúp chính quyền kiểm soát được quần chúng.
Sau năm 1975, Việt Nam đã từng cấm nhiều tôn giáo nhưng do áp lực quốc tế khiến chính quyền phải cho phép một số tôn giáo hoạt động trở lại dù vẫn giăng lưới, dựng rào, giật dây đối với các tổ chức tôn giáo.
Dùng đất đai để kiểm soát tôn giáo
Trong các công cụ kiểm soát tôn giáo, kiểm soát đất đai là một trong những lựa chọn hiệu quả nhất.
Đất đai là yếu tố cơ bản để các tôn giáo phát triển, muốn có thêm tín đồ phải mở thêm cơ sở tôn giáo, muốn có thêm cơ sở tôn giáo thì phải có thêm đất. Tuy nhiên, chính quyền hiện nay nắm hoàn toàn quyền cấp phát đất đai cho các tôn giáo. Quan điểm này đến giờ vẫn được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sắp được Quốc hội xem xét [5].
Việc kiểm soát đất đai là cách can thiệp thông minh nhất vào nội bộ tôn giáo. Nó cho phép chính quyền giới hạn hoạt động đối với những tôn giáo “cứng đầu” mà không hề bị gọi là đàn áp tôn giáo. Cấp phát đất đai còn là chiêu bài để tưởng thưởng những chức sắc trung thành với chính quyền.
Ví dụ, Phật giáo là một tôn giáo lớn, có dư tiềm lực trong việc tự phát triển tôn giáo của mình. Tuy nhiên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại được chính quyền ưu ái nhất, được cấp những khu đất không chỉ rộng lớn mà còn ở những vị trí rất đẹp [6].
Chính quyền gọi việc cấp phát đất đai này là “tạo điều kiện” cho tôn giáo, nhưng mọi ưu ái dường như lại đổ vào Phật giáo. Trong khi đó, các tôn giáo nhỏ lại rất vất vả với việc phát triển cơ sở do không có đất đai hoặc phải chờ đợi rất lâu để được cấp đất.
Mặc dù chính quyền có thẩm quyền cấp phát đất đai cho các tôn giáo nhưng lại chưa từng đưa ra một tiêu chuẩn, quy trình cụ thể nào để đảm bảo việc cấp đất đai diễn ra một cách công bằng, kịp thời, phù hợp với nhu cầu của mỗi tôn giáo. Cho đến nay, việc xem xét, cấp phát đất đai tôn giáo được quy định vào thẩm quyền chung về quản lý đất đai cho một số cơ quan quản lý nhà nước (ví dụ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và thường phụ thuộc vào yếu tố địa phương, do đó, các cán bộ thừa hành dễ tùy tiện quyết định.
Tuy nhiên, cho dù có một quy trình để đảm bảo việc cấp phát đất đai thì điều này cũng thiếu thực tế. Quy trình này chỉ nên áp dụng như một chính sách ưu tiên, nâng đỡ các nhóm tôn giáo nhỏ. Nhà nước chỉ cần đảm bảo những nhóm tôn giáo khác được tự do trong việc sở hữu đất đai theo khả năng và nhu cầu hoạt động.
Cố tình quên đi lịch sử về đất đai tôn giáo
Tình hình phức tạp về đất đai tôn giáo hiện nay hoàn toàn do bàn tay chính quyền gây ra. Sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, chính quyền đã tịch thu, chiếm dụng, rồi tước bỏ quyền sở hữu đất đai của các tôn giáo bằng nhiều hoạt động “hợp thức hóa” để chuyển đổi nguồn gốc đất đai và tài sản tôn giáo gắn liền với đất.
Ở Huế, Học viện Âm nhạc Huế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vốn là một tài sản thuộc Dòng La San Việt Nam. Chính quyền mượn tạm sau năm 1975 với giấy tờ mượn rõ ràng, nhưng cuối cùng lại trở thành tài sản của nhà nước [7].
Tại tỉnh Vĩnh Long, chính quyền đã bắt giam một số chức sắc và tịch thu Đại chủng viện Vĩnh Long vào năm 1977. Đến nay, khu đất này trở thành Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên của tỉnh.
Tại thành phố Đà Nẵng, khu đất của Giáo xứ An Hòa trước năm 1975 đã bị nhà nước bán cho một doanh nghiệp tư nhân rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, để phân lô bán nền làm nhà ở cao cấp [8].
Sau năm 1975, cùng với Công giáo, các tôn giáo bị cấm hoạt động ở miền Nam như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tôn giáo Baha'i, v.v. đã bị chính quyền lấy đi hàng nghìn cơ sở, bao gồm các cơ sở hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện mà họ tốn biết bao công sức và thời gian để gây dựng. Mặc dù sau này một số cơ sở Công giáo được chính quyền trao trả nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất ít so với số mà nhà nước từng mượn hay tịch thu [9] [10].
Trong tương lai, theo Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước sẽ cấp đất không thu tiền cho các tôn giáo để làm cơ sở thờ tự, trụ sở tôn giáo. Tuy nhiên, nhà nước chỉ “giao đất có hạn mức” và những cơ sở phục vụ mục đích khác của tôn giáo vẫn phải trả tiền thuê đất cho nhà nước [11]. Điều này cũng được thể hiện trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Điều 203, Khoản 4 [12].
Quy định trên cho dù được xem là có một chút tiến bộ về quản lý đất đai tôn giáo nhưng vẫn không phù hợp với thực tế lịch sử. Các tôn giáo vốn đang sở hữu hàng nghìn cơ sở, bao gồm các cơ sở dùng để làm trường học, bệnh viện, từ thiện, thì bị nhà nước chiếm dụng, tịch thu, thậm chí là bán cho các doanh nghiệp. Tới nay, khi các tôn giáo muốn dựng lại những cơ sở này thì nhiều khả năng sẽ phải trả tiền thuê đất cho nhà nước.
Điều khó giải thích của chính quyền Việt Nam
Ở hầu hết các nước, tôn giáo được công nhận như một lực lượng giúp đỡ những người yếu thế, một khu vực cung cấp đa dạng các dịch vụ xã hội phi vụ lợi như y tế, giáo dục, từ thiện. Do đó, chính quyền các nước luôn dành nhiều ưu tiên cho các tổ chức tôn giáo.
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam lại hạn chế gần như tuyệt đối hoạt động an sinh xã hội của các tôn giáo. Cho đến nay, chỉ có một số hoạt động nổi bật như từ thiện, chăm sóc trẻ em, người già, vốn là một phần rất nhỏ so với tiềm lực của các tổ chức tôn giáo, được nhà nước cho phép trong khuôn khổ và không thể nào sánh bằng quy mô trước năm 1975 tại miền Nam [13].
Sau 48 năm kể từ năm 1975, chính quyền hiện nay vẫn chỉ dừng ở việc vừa thận trọng triển khai vừa thảo luận đánh giá về những nguồn lực trong hoạt động an sinh xã hội của các tôn giáo [14].
Như đã nêu, đất đai là một vấn đề không chỉ liên quan đến những hoạt động tôn giáo đơn thuần mà còn ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động an sinh xã hội khác. Việc chính quyền kiểm soát khắc nghiệt đất đai tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đến tôn giáo đó mà còn tác động đến quyền lợi của người dân nói chung.
Trong khi đất đai tôn giáo bị chính quyền giới hạn đáng kể thì các dự án phân lô bán nền, xây nhà biệt thự mọc lên ở khắp nơi. Và những dự án này ít nhiều đều có liên quan đến quyền lợi của các quan chức nhà nước, thậm chí rất nhiều dự án xâm phạm đến quỹ đất phục vụ xã hội.
V.T.
Nguồn: luatkhoa.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét