Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Không phải chỉ là lỗi chính tả…

 

Không phải chỉ là lỗi chính tả…

Thái Hạo

25-4-2023

Đài truyền hình Quốc gia VTV mấy hôm nay lại đang nổi như cồn với chương trình “Vua tiếng Việt“, bởi ông Hoàng Tuấn Công lại tranh thủ “viết lúc nông nhàn” mà tiện tay nhặt lỗi.

Quá nhiều lỗi. Ban đầu là cái lỗi chính tả rất sơ đẳng, “chậm trễ” bị cả ekip khẳng định thành “chậm chễ”, mà nhà đài đã hết sức biện minh là do vấn đề kỹ thuật (chứ không phải do dốt!). Nhưng rồi lại vẫn vì tò mò, ông Tuấn Công đã xem và chỉ ra hàng loạt cái sai khác nhau trong nhiều số phát sóng, như: không phân biệt được lỗi đánh máy và lỗi chính tả; không phân biệt được 2 từ khác nhau (“lang lổ” và “loang lổ”) nên tưởng từ này là do viết sai từ kia mà thành; không phân biệt được từ phổ thông và phương ngữ; cho đến giải thích sai lạc thành ngữ Hán – Việt…

Tôi cho rằng, không ai có thể biết hết mọi thứ trên đời. Chỉ mình lãnh vực tiếng Việt thôi đã mênh mông vô bờ mà chẳng ai dám cả gan tự tin nói rằng ta đây là “vua” cả. Vì thế, sai sót là chuyện có thể hiểu được. Ngay bản thân tôi, một người viết mỗi ngày cả ngàn chữ, cũng có lúc sai, vì thế tôi luôn có cuốn từ điển để trên bàn viết, không khi nào cho rời khỏi vị trí. Điều đáng nói là nhìn vào đầy rẫy những cái sai từ “lỗi tiểu học” đến cao hơn trong một chương trình có tên “Vua tiếng Việt” thì phải khẳng định rằng VTV làm ăn quá cẩu thả.

Tôi dùng chữ “cẩu thả” chứ không nỡ dùng chữ “dốt”, vì tất cả những lỗi này nếu không biết thì chỉ cần chịu khó mở sách ra, vài phút là biết ngay sai – đúng, nhưng cả ekip đã không làm cái việc phải làm ấy. Họ quá vô trách nhiệm với công việc của mình.

Câu chuyện “sai lỗi chính tả” của Đài truyền hình Quốc gia tưởng là nhỏ nhặt, nhưng không phải thế. Khi anh đã “chiếm sóng” và “độc quyền chân lý”, không cho ai được dự phần, mà giờ đây anh làm be bét ra cả, thì anh phải thấy hổ thẹn. Sai từ cái tầm thường nhất trở đi, cho đến thiếu thái độ cầu thị với những lời giải thích quanh co, và có khi đôi co nữa, thì anh còn đủ tư cách để đại diện cho tiếng nói của trăm triệu người không?

Nói chuyện chính tả mà không phải chỉ chính tả, là vì thế. Ai dám tin rằng với một chương trình “lớn” có đầy đủ ban bệ và các “cố vấn khoa học” bằng cấp đầy mình ngồi đó mà vẫn sai một cách rất hồn nhiên như thế, thì những chương trình và nội dung khác các vị sẽ không sai? Trước khi ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra những cái sai chết người/chết cười này, người ta vẫn thấy các vị rất ngon lành đó thôi! Rồi ai còn đủ dũng cảm để mà tin rằng các vị có đủ năng lực để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam” như đang tự tuyên xưng?

Tất nhiên các vị vẫn sẽ giữ lấy vị trí độc tôn và độc quyền của mình trên đài “Quốc gia”, vì ai mà dám tranh với các vị! Nhưng thật trớ trêu, chính các vị đã tự chứng minh rằng mình là những người bất xứng, tự đánh mất tính chính danh mà chẳng cần một “thế lực” nào ra tay cả. Để đến nỗi một “tay khuyến nông” phải bỏ đồng ruộng mà tranh thủ ngồi chỉ ra cho cả một đài truyền hình quốc gia bao nhiêu cái sai mà họ chẳng hề hay biết, thế thì xứng với ai nữa!

Lại nghĩ về cái tên của chương trình. Phải chẳng mọi vấn đề, không phải chỉ chuyện tiếng Việt, là đều do một chữ “vua” mà ra cả? Đã là vua rồi thì “luôn đúng”, và vì luôn cho mình là duy nhất đúng cho nên mới thành ra sai tất cả chăng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét