Khai thác cát ở ĐBSCL: thức tỉnh bây giờ hay là chết trong dài hạn?
2023.03.24
Khai thác cát ở ĐBSCL hiện không tuân theo các chiến lược phát triển bền vững. Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam
Liên quan đến vấn đề khai thác cát sông ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hôm 17/3/2023, Văn phòng Chính phủ Việt Nam phát đi thông báo Số: 79/TB-VPCP, yêu cầu "đơn giản hoá các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa; đưa vào hoạt động các mỏ mới phục vụ riêng cho các dự án cao tốc trên cơ sở quan trắc, giám sát chặt chẽ về môi trường, nguy cơ sạt lở theo đúng quy định của pháp luật".
Lý do của những yêu cầu này là Việt Nam cần một lượng cát xây dựng lớn để hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng ở Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chỉ đạo đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác cát một cách gấp rút và nâng ngay lập tức công suất khai thác cát ở các mở hiện hành nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm 2023 này dường như là một cách “quản trị” không mới.
TS. Pascal Peduzzi, Giám đốc Chương trình Cơ sở dữ liệu thông tin tài nguyên toàn cầu thuộc Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), phát biểu trong một hội thảo do Chatham House, một think tank ở London, tổ chức năm 2021:
"Chính sách phát triển của nhiều quốc gia thậm chí không đề cập tới vấn đề cát như cát lấy từ đâu, tác động môi trường và xã hội của nó ra sao". Ông Peduzzi nhấn mạnh. "Hãy nhìn về tương lai. Công nghiệp hóa, đô thị hóa và tăng trưởng dân số... tất cả sẽ thúc đẩy nhu cầu bùng nổ đối với cát”. Ông kêu gọi “Đã đến lúc chúng ta phải thức tỉnh".
Khai thác cát là cần thiết, nhưng khai thác cát theo cách "đơn giản hoá các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp, nâng ngay công suất 50% ở các mỏ cát đang khai thác” mà không có một chiến lược hợp lý, đặt trong bối cảnh tổng thể các vấn đề Sông Mekong, liệu có phải là một cách làm đúng đắn?
Hôm 13/3/2023, Stimson Center, một think tank ở Washington DC, tổ chức hội thảo về hiện trạng khai thác cát trên sông Mekong, trong đó tập trung vào vấn đề khai thác cát ở hai nước hạ lưu dòng sông là Campuchia và Việt Nam. RFA phỏng vấn Tiến sĩ Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, Nước và Phát triển Bền vững tại Stimson Center, về vấn đề khai thác cát ở hạ lưu sông Mekong.
Một đoạn đường giao thông ở ĐBSCL bị sạt lở (Ảnh: Quốc hội Việt Nam).
RFA. Thưa ông, dường như Việt Nam đang đứng trước một nghịch lý là một mặt cần khai thác tài nguyên cát để phục vụ phát triển kinh tế, nhưng mặt khác cũng cần bảo tồn nguồn tài nguyên này. Xin ông cho một nhận xét.
Brian Eyler: Ở đây điều đầu tiên cần nói là, việc Chính phủ Việt Nam đặt ra quy chế cho việc khai thác cát là điều phù hợp cần làm. Thiết lập mục tiêu và cấp giấy phép, đó là con đường đúng đắn để đi. Cách làm này trái ngược với tình trạng khai thác cát không theo quy định và không được báo cáo, thường là những gì đã xảy ra ở cả Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Lào dọc theo sông Mekong.
Thông qua các quy định tốt hơn của Chính phủ, việc khai thác cát có thể được giám sát, các tác động tiêu cực có thể được hiểu rõ hơn. Nhờ đó mà chúng ta sau này cũng sẽ hiểu rõ hơn mối liên hệ có thể có giữa hoạt động khai thác cát và sự thay đổi của dòng sông, cũng như với sinh kế của người dân sống dựa vào dòng sông. Chúng ta có thể thấy các mối tương quan đó đang thay đổi như thế nào.
Bạn đã nói rằng việc khai thác cát được sử dụng cho phát triển đô thị và các mục đích khác xung quanh Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi thì xin nói rằng, từ trước tới nay, nhân tố thúc đẩy việc khai thác cát trên sông Mekong chủ yếu lại đến từ đô thị và các khu vực công nghiệp hóa như Bà Rịa - Vũng Tàu và các khu vực tương tự. Khu vực này được kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long bằng kênh rạch, vì cát được vận chuyển bằng xà lan. Vận chuyển cát tương đối rẻ nếu bạn vận chuyển bằng thuyền. Càng xa mỏ, nó càng đắt.
Nhưng chúng tôi cũng lại được biết rằng đó là một mặt hàng được giao dịch quốc tế. Cát đi từ Campuchia đến Singapore chẳng hạn. Điều đó từng xảy ra trong quá khứ.
Và theo nghĩa đó, tốt hơn hết là chúng ta phải nắm bắt được các tín hiệu nhu cầu đến từ đâu và giải quyết các tín hiệu nhu cầu ở những khu vực đó.
Tài nguyên thiên nhiên có thể và nên được khai thác, nhưng chúng cần được thực hiện một cách bền vững hơn. Và quan trọng, lúc đầu, điều quan trọng là phải hiểu xuất phát điểm của tình hình hiện tại.
Trong cuộc hội thảo trực tuyến của chúng tôi vào tuần trước, Tiến sĩ Chris Hackney và đồng nghiệp của ông, Tiến sĩ Magdalena Smigaj, đã ước tính rằng tốc độ khai thác cát hiện tại ở lưu vực sông Mekong cao gấp mười lần so với tốc độ có thể thay thế.
RFA. Nghĩa là cát sông là tài nguyên có thể tái tạo tự nhiên, nhưng người ta khai thác nó nhanh hơn tốc độ nó hồi sinh? Cát có ý nghĩa gì với môi trường tự nhiên và xã hội của ĐBSCL?
Brian Eyler: Theo một nghĩa nào đó, cát là một loại tài nguyên có thể tái tạo nếu nó đến từ một con sông. Bạn biết đấy, dòng chảy từ các quá trình tự nhiên sẽ gửi thêm trầm tích và cát vào hệ thống sông. Nó được vận chuyển xuống hạ lưu nhưng tốc độ vận chuyển và lắng đọng ở dưới đáy sông, nơi nó được khai thác, thấp hơn nhiều so với tốc độ khai thác hiện nay.
Vì vậy, trong ngành công nghiệp khai thác, không thể tiếp tục theo cách làm hiện nay vì cát cuối cùng sẽ biến mất.
Bây giờ, nếu cát chỉ được nhập khẩu để sử dụng trong công nghiệp như xây dựng các tòa nhà, thì vấn đề duy nhất cần điều chỉnh là tốc độ khai thác của nó. Nhưng cát và trầm tích, đặc biệt là ở khu vực sông Mê Kông, còn có vai trò rất quan trọng đối với đời sống dân sinh. Nó quan trọng với cách con người tiến hành các quy trình nông nghiệp, trồng trọt và ngư nghiệp.
Cát và trầm tích sông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nguyên vẹn vùng đất của Đồng bằng sông Cửu Long cho nó không sụp đổ.
Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, chúng ta thường không nghĩ đến lớp bùn cát dưới đáy sông như một thứ đóng vai trò lớn hơn những gì nó đang làm. Nhưng thực chất chúng rất quan trọng. Trong mùa mưa ở sông Mekong, lớp bùn cát đó cũng được nước nâng lên và chuyển qua vùng đồng bằng ngập nước. Và khi nó cố định ở đó, nó tạo điều kiện cho nền nông nghiệp chất lượng cao, chi phí thấp. Và đây là một trong những lý do tại sao Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng phong phú như vậy. Ở Campuchia cũng thế.
Quá trình tương tự đó hình thành mạng lưới nguồn cung cho nghề cá và các sinh vật khác trong Lưu vực sông Mê Kông. Đó là tia lửa châm ngòi cho ngọn lửa biến sông Mekong trở thành khu vực đánh bắt cá năng suất cao nhất thế giới. Chúng tạo ra năng lượng cho phép cá lớn và nhiều. Và nếu không có nó, nghề cá bị ảnh hưởng, nông nghiệp bị ảnh hưởng.
Đồng thời, ĐBSCL là một vùng đất còn khá trẻ về mặt địa chất. Nó mới chỉ tồn tại được khoảng 3000 năm và điều đó xảy ra thông qua các quá trình lắng đọng trầm tích. Nếu cát và trầm tích đó được lấy ra khỏi sông, thì chúng sẽ không làm những việc khác mà chúng nên làm.
RFA. Năm 2022, trong bài phát biểu nhân “Ngày Sông Mekong” 5 tháng 4, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông, đã lên tiếng cảnh báo về vấn nạn khai thác cát trên sông Mekong không theo một quy hoạch thống nhất và khoa học. Ông cho biết: Nồng độ trầm tích trong dòng chính sông Mekong được quan sát thấy là đã giảm đi nhiều, phần lớn do hậu quả của việc ngăn chặn trầm tích bởi các đập thủy điện và hoạt động khai thác cát. Ông nói nồng độ phù sa lơ lửng trong dòng Mekong giảm tới 80% ở một số khu vực, từ năm 2018 đến 2020. Ông nhấn mạnh: “Xu hướng suy giảm này là không thể nhầm lẫn", đồng thời cho biết thêm rằng việc giảm trầm tích có ảnh hưởng tới năng suất của vùng ngập lũ và sự ổn định của bờ sông.
Brian Eyler: Chà, điều còn thiếu hiện nay là một cuộc thảo luận ở tầm khu vực rộng lớn hơn biên giới từng quốc gia về khai thác cát.
Như ông Giám đốc điều hành Ủy hội Sông Mekong đã nhấn mạnh về tính cấp bách phải giải quyết vấn đề khai thác cát, mặc dù Sông Mekong là một vấn đề xuyên biên giới, chúng tôi không thấy các thỏa thuận xuyên biên giới liên quan đến khai thác cát ở đây.
Campuchia đang khai thác rất nhiều cát, đặc biệt là xung quanh Phnom Penh, và điều đó đang gây tổn hại cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam. Việt Nam cũng đang khai thác cát và trầm tích của chính mình với tốc độ gây tổn hại cho Việt Nam.
Bản đồ hoạt động khai thác cát trên sông Mekong, khu vực thành phố Phnom Pênh ở Campuchia, năm 2021: "Cát ra đi, người cũng ra đi: tác động sinh kế của việc khai thác cát ở Campuchia", công bố trên AFD Research Papers, một tạp chí của French Development Agency.
Thái Lan cho phép khai thác cát dọc theo con sông và biên giới Thái-Lào. Và tôi không nghĩ là có nhiều nhà nghiên cứu đang theo dõi vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi không biết lượng cát bị khai thác từ phần đó của hệ thống sông Mekong. Có rất nhiều điều chưa biết, có rất nhiều thực hành bất hợp lý trên dòng sông này. Và đồng thời, có nhiều cách để điều chỉnh hiện trạng bằng các quy định của nhà nước, và có nhiều cách để hiểu các tác động của những hoạt động ấy tới môi trường và đời sống con người.
Những gì chúng ta cần làm là tăng cường hơn nữa những quy định liên quan đến khai thác cát ở đây. Cần phải nghiên cứu nhiều hơn, và đưa các nghiên cứu đó đến với những người làm chính sách và quản lý. Tôi nghĩ rằng đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra những tác động của việc khai thác cát ở Campuchia và Việt Nam tới môi trường tự nhiên và xã hội. Nhưng điều đó dường như không quan trọng đối với những người ra quyết định.
RFA: Thông báo Số: 79/TB-VPCP tuần trước nói rõ về nhu cầu xây dựng hạ tầng ở ĐBSCL và cả nước. Nhưng khai thác cát ồ ạt ở ĐBSCL để đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng, thì trong dài hạn, cũng đồng thời đẩy nhanh tốc độ xói mòn nền móng của chính những công trình họ muốn xây dựng ở đó. Mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Năm ngoái, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc ước tính mỗi năm toàn cầu khai thác lên đến 50 tỷ tấn cát. Đối với vấn đề khai thác cát, bài học quản lý nào trên thế giới là bài học Việt Nam cần học tập nếu họ muốn bảo vệ ĐBSCL?
Brian Eyler: "Làm xói mòn" (undermine) là một từ đúng. Và chúng ta cũng có những lựa chọn thay thế.
Thật không may, cát từ sông hóa ra lại là một trong những vật liệu tốt nhất để xây dựng. Các tòa nhà và khu đô thị lớn có xu hướng được xây dựng bên cạnh các con sông. Các dòng sông cung cấp tài nguyên cho con người. Đó là lý do tại sao loài người chúng ta định cư bên cạnh các dòng sông. Chúng ta đang ở thế kỷ 21, Đông Nam Á được cuốn vào một chu kỳ mà các thành phố đang đô thị hóa nhanh chóng.
Chúng ta thiếu nguồn lực để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa. Và các dòng sông là mục tiêu khai thác dễ dàng. Nó ở ngay bên ngoài cửa sổ của các tòa nhà chính phủ hoặc trụ sở của các nhà phát triển bất động sản. Vì vậy, nó được coi là thứ cực kỳ dễ khai thác, so với các lựa chọn thay thế khác.
Nhưng việc khai thác cát sông cũng đồng thời đi kèm với sự gây ra tổn hại. Và những chi phí bù đắp tổn hại đó thì hoặc do các nhà phát triển liên quan đến bất động sản gánh vác hoặc không thì sẽ do ai đó phải gánh. Đúng không nào?
Thực tế thì toàn xã hội đang gánh vác chi phí đó. Xã hội phải chịu đựng những tổn thương do việc khai thác cát sông gây ra. Do đó, nếu những người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội phải gánh chịu những tổn hại đó, thì những người yếu thế đó sẽ càng chịu tổn thương nhiều hơn.
Như vậy, điều quan trọng hơn là nhà nước cần có quy chế sao cho chi phí bù đắp tổn hại do khai thác cát sông gây ra sẽ do các nhà phát triển liên quan đến bất động sản gánh chịu và những người hưởng lợi trực tiếp từ việc sử dụng tài nguyên cát ấy.
Đó là một cách để mang lại nhiều công bằng hơn trong bối cảnh hiện nay và làm cho việc khai thác tài nguyên trở nên bền vững hơn.
Còn bản thân việc khai thác cát thì không nên dừng lại. Nó cần phải được Nhà nước chế tài theo cách làm giảm tác động đến môi trường, đến cộng đồng và nền kinh tế hiện vốn đang xảy ra trong khu vực này.
RFA xin cảm ơn TS. Brian Eyler đã dành cho độc giả chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét