Chỉ mới có tượng đài, cổng chào,… là ‘hiện đại, bao trùm, bền vững’
Đến công viên Suseongmot rồi tối về, đọc tường thuật “Tổng kết mười năm thực hiện Nghị quyết 15 của BCH TƯ đảng khóa 11” tự nhiên tôi nổi giận.
Một người bạn của người viết bài này vừa đến thăm Daegu – quần thể đô thị lớn thứ ba ở Nam Hàn (sau Seoul và Busan). Daegu nằm ở phía Đông Nam của Nam Hàn, có khoảng năm triệu dân, từng nổi tiếng nhờ công nghiệp dệt, công nghiệp điện tử và gần đây đang dốc sức để phát triển công nghiệp thời trang, công nghệ kỹ thuật cao…
Chuyến đi Daegu của người bạn rất ngắn – chỉ hai ngày, hai đêm, chẳng khác gì “cưỡi ngựa xem hoa”. Có lẽ anh ta sẽ chẳng kể gì nếu không tình cờ đọc tường thuật về “Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 hồigiữa năm 2012 của BCH TƯ đảng khóa 11 về một số vấn đề trong chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”…
Email của bạn khá dài, có nhiều chi tiết mang tính riêng tư nhưng có thể lược thuật như vầy: Daegu dư mảng xanh. Tôi tin sẽ có nhiều người Việt có cùng thắc mắc như tôi – tại sao phát triển mạnh mẽ như vậy mà Daegu không trọc lóc như nhiều thành phố ở Việt Nam?
Ở Daegu có một cái hồ tên là Suseongmot. Đây là hồ nhân tạo, nghe nói được đào hồi thập niên 1920 để cung cấp nưới tưới cho ruộng, vường trong khu vực này. Suseongmot có vị thế rất đẹp – nằm ở chân một ngọn núi thấp – cao độ chừng 700 mét – tên là Yongjibok (ảnh 1).
Sau khi Daegu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ở Nam Hàn. Dân chúng trong vùng không cần nước từ hồ Suseongmot để tưới ruộng vườn nữa. Người Hàn đã biến khu vực này thành công viên Suseongmot. Họ làm một con đường đất nện bao quanh hồ…
Dọc con đường chạy quanh hồ Suseongmot có rất nhiều ghế, nhiều điểm dừng chân để người ta ngắm mặt trời mọc, mặt trời lặn, ngắm núi, ngắm hồ, ngắm ông đi qua, bà đi lại… Chưa kể các sân bóng rổ, sân chơi cầu lông, những bãi gắn các thiết bị tập thể dục. Còn phải kể là công viên có wifi miễn phí nữa. Tuy nhiên điểm gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là họ xây một số điểm gắn máy nén khí và các vòi xịt để người ta làm sạch giày sau khi đã đi bộ quanh hồ. Họ còn thiết kế các điểm đặt giày nếu khách muốn lột giày, tháo vớ để đi chân không trên đường đất (ảnh 2). Đi xong quay về có chỗ rửa chân, hong chân cho khô rồi mới xỏ lại giày để về nhà (ảnh 3)…
Rửa chân sau khi đi bộ rồi mang lại giày. Ảnh: Trân Văn
Tuy không có nhiều thời gian nhưng tôi đã ngồi đó khoảng nửa tiếng ngắm người ta dùng vòi xịt hơi làm sạch giày rà rửa lại chân cho sạch sẽ trước khi mang lại giày… Nếu tôi nhớ không lầm thì cho đến cuối thập niên 1970, Nam Hàm vẫn chưa là gì trong số các quốc gia trên thế giới. Giờ thì họ như vậy! Tôi nhìn người Hàn lũ lượt đi qua mặt mình ở công viên Suseongmot: Già – trẻ, nam – nữ, sang – hèn… Không ít người mặc veston, xách cặp da nhưng cũng có không ít người mặc đồng phục công nhân… Họ đến công viên Suseongmot sau giờ làm việc, tập thể dục, thư giãn rồi mới về nhà. Đây là một thứ phúc lợi công công cho tất cả mọi giới tận hưởng, (ảnh 4)…
Bên trái là kệ dành cho những người muốn bỏ giày đi bộ đặt giày, sàn rửa chân. Bên phải là nơi có các bình nén khí để người đi bộ dùng hơi xịt sạch bụi bặm trên giày. Ảnh: Trân Văn
Tôi nhớ tới những nơi sơn thủy hữu tình ở Việt Nam đã được thu hồi để giao cho đủ thứ doanh nghiệp phát triển các dự án, những bãi biển chạy dọc xứ sở của mình giờ đang trong tay nhiều công ty, thậm chí có vùng, thường dân không còn lối ra biển,… Tôi nhớ đến đủ loại điểm du lịch bán vé thu tiền…
Ông vào website của tờ Thanh Niên xem link này (*) rồi hỏi giúp tôi vì sao cách nay 11 năm, BCH TƯ đảng khóa 11 đã có Nghị quyết số 15 mà phúc lợi an sinh xã hội càng ngày càng tệ như vậy? Chẳng lẽ người nghèo, thành phần yếu thế chỉ có thể làm việc quần quật như trâu bò, không cần thư giãn, giải trí?
Đến công viên Suseongmot rồi tối về, đọc tường thuật “Tổng kết mười năm thực hiện Nghị quyết 15 của BCH TƯ đảng khóa 11” tự nhiên tôi nổi giận. Họ đi tham quan, học tập ở nước ngoài nhiều hơn tôi, chẳng lẽ họ không thấy, không biết. Đã thấy, đã biết, tại sao họ dám thản nhiên nhận định ráo hoảnh: Việc triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước và chế độ, mang lại những thành tựu to lớn trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của đảng (?).
Khi họ đã trâng tráo như vậy, lấy gì bảo đảm họ sẽ “thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của phát triển”?
***
Người viết bài này đã xem vài tấm ảnh mà bạn gửi và đọc tường thuật về “Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 hồi giữa năm 2012 của BCH TƯ đảng khóa 11 về một số vấn đề trong chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” theo yêu cầu của bạn y. Chuyện “Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển” chắc khó cũng như tất cả các giới ở Việt Nam, đặc biệt là người nghèo, thành phần yếu thế khó mà có những cơ hội thụ hưởng phúc lợi một cách bình đẳng như dân chúng thành phố Daegu hưởng thu các tiện ích ở công viên Suseongmot.
Khó khăn không nằm ở chỗ có tiền để xây dựng và duy trì hoạt động của những công trình phúc lợi công công kiểu như vậy hay không? Khó khăn nằm ở chỗ dường như trong nhận thức của giới lãnh đạo chính quyền tại Việt Nam, chi cho tượng đài, cho cổng chào, cho đủ loại panel, bandroll thì… thiết thực hơn những thứ như công viên Suseongmot…
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét