VNTB – Hãng xe hơi VinFast đang lỗ gần 4,7 tỷ đô la
Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Vinfast có tổng tài sản hơn 4,4 tỷ đô la, nhưng đang nợ tổng cộng xấp xỉ 8,8 tỷ đô la và bị lỗ lũy kế lên đến gần 4,7 tỷ đô la.
Bản cáo bạch của hãng VinFast thuộc tập đoàn Vingroup ở Việt Nam nộp cho Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ ngày 6-12 cho thấy hãng này có tổng tài sản hơn 4,4 tỷ đô la, nhưng đang nợ tổng cộng xấp xỉ 8,8 tỷ đô la và bị lỗ lũy kế lên đến gần 4,7 tỷ đô la.
Theo thông cáo báo chí tại Việt Nam của tập đoàn Vingroup gửi đến các tòa soạn báo chí, thì:
“VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (“SEC”) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Số lượng cổ phần chào bán và khoảng giá dự kiến vẫn chưa được xác định. VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq GlobalMarket với mã “VFS.”
Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, Credit Suisse Securities (USA) LLC và J.P. Morgan Securities LLC sẽ đóng vai trò Ngân hàng dựng sổ chính, kiêm đại diện của các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt chào bán được đề xuất. BNP Paribas Securities Corp., HSBC Securities (USA) Inc., RBC Capital Markets, LLC và Wolfe | Liên minh Nomura cũng sẽ là các bên đồng dựng sổ. Robert W. Baird & Co. Incorporated sẽ đóng vai trò đồng quản lý.
Việc chào bán chỉ được thực hiện bằng một bản cáo bạch. Bản sao của bản cáo bạch dự thảo, có thể được thu thập từ: SEC tại www.sec.gov; Citigroup, c/o Broadridge Financial Solutions, 1155 Long Island Avenue, Edgewood, NY 11717, qua điện thoại theo số 800-831-9146; hoặc Morgan Stanley & Co. LLC, Người nhận: Phòng Bản cáo bạch, 180 Varick Street, 2nd Floor, New York, NY 10014.
Một tuyên bố đăng ký liên quan đến các chứng khoán này đã được nộp cho SEC nhưng vẫn chưa có hiệu lực. Những chứng khoán này không được bán, cũng như không được chấp nhận đề nghị mua trước thời điểm tuyên bố đăng ký có hiệu lực.
Thông cáo báo chí này không cấu thành một đề nghị bán hoặc chào mời chào mua bất kỳ chứng khoán nào và sẽ không cấu thành một đề nghị, chào mời hoặc bán ở bất kỳ khu vực tài phán nào trong đó chào hàng, chào mời hoặc bán như vậy là bất hợp pháp trước khi đăng ký hoặc đủ điều kiện theo luật chứng khoán của khu vực tài phán đó”.
Theo dữ liệu tài chính tóm tắt được liệt kê ở hai trang 21 và 22 trong bản cáo bạch mà báo chí tại Mỹ có được, tính đến ngày 30-9-2022, tổng tài sản của VinFast – trên giấy tờ là một hãng Singapore – là hơn 105 ngàn 380 tỷ đồng, tương đương 4,409 tỷ đô la.
Cũng ở thời điểm đó, nợ ngắn hạn của hãng – tức nợ phải trả cho các chủ nợ trong vòng 12 tháng – là gần 127 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 5,3 tỷ đô la. Bên cạnh đó, nợ dài hạn của hãng là hơn 83 ngàn tỷ đồng, gần bằng 3,5 tỷ đô la.
Lỗ lũy kế của hãng vào cuối quý 3-2022 là gần 112 ngàn tỷ đồng, tức gần 4,7 tỷ đô la. Lỗ ròng tính theo từng năm là gần 19 ngàn tỷ đồng (gần 800 triệu đô la) vào năm 2020; hơn 32 ngàn tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ đô la) vào năm 2021; và hơn 34,5 nghìn tỷ đồng (hơn 1,4 tỷ đô la) trong 9 tháng đầu năm 2022.
Về lý thuyết thì một công ty bất kỳ có tỷ lệ tài sản trên số nợ và số lỗ như nêu trên cho thấy hiểm họa về tính thanh khoản rất lớn. Thông thường, tỷ lệ lý tưởng giữa tài sản và nợ là 2:1, đồng nghĩa là tài sản gấp đôi số nợ. Khi một công ty có tài sản là 4,4 tỷ đô la nhưng nợ ngắn hạn là 5,3 tỷ đô la cộng với lỗ 4,7 tỷ đô la, có nghĩa là công ty đang rất “khó khăn, nguy hiểm”.
Tin tức cho biết, SEC hiện đang xem xét hồ sơ của VinFast về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ và sẽ có hồi đáp sau 27-30 ngày. Một điều đáng chú ý là ở thời điểm hiện tại, thị trường thế giới có xu hướng không thuận lợi.
Vốn hóa của các hãng xe điện lớn như Tesla hay Rivian đều đã giảm tới hàng chục phần trăm trong năm qua. Như vậy, rất nhiều khả năng việc định giá VinFast qua đợt IPO này sẽ không đạt kỳ vọng như giới phân tích từng đưa ra trước đây.
Trên thực tế, không chỉ VinFast, thời gian vừa qua, hàng loạt các công ty công nghệ Trung Quốc cũng tìm kiếm cơ hội IPO tại Mỹ, bất chấp nguy cơ bị huỷ niêm yết, cũng như những rủi ro địa chính trị khác.
Theo dữ liệu từ Dealogic, có tổng cộng 29 công ty Trung Quốc IPO tại Mỹ từ đầu năm 2021, huy động được 5,9 tỷ USD. Cùng kỳ năm ngoái, đã có 14 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ với tổng vốn huy động 2 tỷ USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét