Viết cho con gái đêm Noel 2022
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Đêm nay, khi con sống trong ngôi nhà ấm áp, như biết bao người trên thế gian đón chờ giây phút Giáng sinh yên bình, thì tại Ukraine, biết bao đứa trẻ đang chìm trong giá lạnh và không còn tâm trí hơi sức đâu để mong quà của Ông già Noel như mọi năm, trước sự đe dọa của tên lửa, đạn pháo thù địch…
Con đã qua tuổi háo hức chờ đón Giáng sinh với quà của Ông già Noel như nhiều năm qua – một truyền thống đáng yêu của bên Thiên chúa giáo đã trở thành một tập quán chung của toàn thể cộng đồng xã hội bởi cái giá trị Tình thương to lớn nằm trong các khái niệm Phục sinh, Ơn Cứu rỗi, Sứ vụ Bác ái… mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã từng ví chúng như là những ngọn đèn để soi giúp con người đi trong bóng tối cuộc đời…
Năm nay, con bước vào con đường lớn của học vấn – tri thức nhân loại, rồi sẽ bắt đầu được làm quen với kho tàng sách vở kinh điển – trong đó có Kinh Thánh, Kinh Phật, mà cái cốt lõi trong các kho tàng tri thức đó, bên cạnh việc ráo riết lý giải bản chất của sự Tồn tại là ẩn sâu lời kêu gọi thống thiết: Con người cần sống sao cho đáng là Con người, và xứng đáng với nỗi Khổ đau lẫn Kỳ vọng của Đấng Sáng tạo khi làm nên Thế gian và Sự sống muôn loài. Năm trước trong bài viết : “Nghĩ về Sống chậm giữa ngày đại dịch”, bố có nhắc đến một bộ phim đoạt giải Cành Cọ Vàng tại LHF Cannes 2011: “Đại dịch hôm nay cũng có thể coi là một dịp hiếm có để không ít người trên khắp thế giới Sống Chậm lại để tỉnh ngộ đôi điều – ít nhất là tỉnh ngộ về Cái ác do mình hay người khác đã gây ra cho đồng bào, đồng loại. Ví thử, những kẻ vu oan giá họa cho gia đình nàng Kiều mà được xem bộ phim The Tree of Life (Cây đời) của đạo diễn Mỹ Terrence Malick, nếu được sững sờ kinh ngạc trước sự sinh thành của một con người, chậm rãi, linh thiêng và vĩ đại, sánh với sự sinh thành của vũ trụ mà các nhà làm phim kiên nhẫn miêu tả, chắc chúng sẽ rụt bớt sự tham tàn độc ác bởi nghĩ tới cha mẹ đã vất vả để chúng được thành người ra sao…”. Vậy đó con à, nếu không có thứ Tình Thương mà các vĩ nhân kim cổ - Đông Tây như Thánh Gandi, văn hào L.Tolstoy, Vua Phật Trần Nhân tông, v.v., từng bao lần kêu gọi trong máu mắt, thì mọi chủ trương - khẩu hiệu “Hòa hợp Hòa giải Hòa đàm” sẽ chỉ là những lời nói cho vui, là kế hoãn binh, thậm chí chỉ là sự lừa dối đáng hổ thẹn! “Voici le temps des Assasins” (Đây là thời của những kẻ giết người) – câu thơ ấy như một lời tiên tri dữ dội của nhà thơ Pháp Jean Arthur Rimbaud (1854 - 1891), ông cảnh báo rằng: trong thế kỷ 20, nhiều kẻ giết người khét tiếng đã xuất hiện! Nhà văn Mỹ Henry Miller (1891 - 1980), người tự nhận là "hậu thân của Rimbaud" đã kết thúc chuyên luận về Rimbaud: “The Time of the Assassins” (Thời của những kẻ giết người) – tác phẩm của “một thiên tài viết về một thiên tài” như sau: “Không có gì ngoài khủng hoảng, suy đồi, ảo ảnh và viễn ảnh. Nền tảng của chính trị, luân lý, kinh tế và nghệ thuật rung chuyển. Không khí đầy những dấu báo nguy và tiên tri về sự băng hoại sắp tới – và nó tới trong thế kỷ 20!… Sự khủng hoảng tinh thần của thế kỷ 19 chỉ mở đường cho sự phá sản của thế kỷ 20. Đó là, “Thời của những kẻ giết người”không còn lầm lẫn được. Chính trị đã trở thành công việc của bọn côn đồ sát nhân!” (Nguyễn Hữu Hiệu dịch (1)).
“Thời của những kẻ giết người” không ngờ tái diễn trong thế kỷ 21 này, những kẻ giết người đó vẫn đang xuất hiện, bọn phát xít mới, Sa hoàng mới – trong dạng thú tính và hung bạo không kém “đồng đạo” ở thế kỷ trước! Khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược ở đất nước Ukraine xinh đẹp, bố đã chảy nước mắt trước bức hình bé gái Nga đẫm lệ chắp tay, và bức hình bé trai Ukraine giơ khẩu hiệu: “Cháu không muốn chiến tranh”. Bố đã viết Stt: “Không phải gửi cho các Ngài!”: “Bức hình bé gái chắp tay cầu xin Ngài và những hung thần Chiến tranh kia, không phải gửi tới cho Ngài đâu, dù chính Ngài là người đầu tiên cần được nhìn thấy nó để nhắc Ngài nhớ về hai người con gái của ngài từng làm nguyên mẫu “các con gái Tổng thống” cho một bộ phim về cuộc khủng bố bắt con tin trong nhà hát*… Bởi Ngài sẽ cười khẩy, bản lĩnh chính khách mang màu phát xít của ngài sẽ coi đó chỉ là trò đa cảm của giới nghệ sĩ chuyên giải trí cho dân no đủ sặc rượu bia, bởi Ngài đã quá xa cách các đồng hương vĩ đại của Ngài là Pushkin, Gogol, Turgenev, Tsekhov, L.Tolstoy…
Tôi chỉ gửi cho chính tôi và những người đồng suy nghĩ với tôi, để tìm trong ánh mắt đau đớn cầu xin bình yên hạnh phúc của bé gái nọ một cách ứng xử đối với Ngài - một tên đồ tể khát máu của thế kỷ 21, hay vẫn là một Con Người như định nghĩa và lời kêu gọi của M. Gorki, cũng là một đồng hương vĩ đại của Ngài: “Con Người - hai tiếng vang lên kiêu hãnh biết bao”!
Và tôi như nghe thấy tiếng thét của biết bao người lương thiện – trước những giọt nước mắt của em bé Ukraine đang cầm biển chữ tự viết kêu gọi lương tri nhân loại: “Cháu không muốn chiến tranh” – tiếng thét căm giận đối với những kẻ tiến hành chiến tranh và bênh vực chiến tranh!
Một nhà văn Nga từng kể số phận của một người lính sau cuộc chiến chống phát xít, trở về nhà mình bên hố bom, trước đứa bé mồ côi và đơn độc như ông, ông đã chảy nước mắt… Người đàn ông khi rơi vào tận đáy nỗi khổ đau, từng trải qua bao cảnh “địa ngục trần gian”, làm gì còn nước mắt nữa, thế mà vẫn phải khóc cho nỗi khổ đau của đồng loại – và nhà văn viết: “Điều quan trọng là đừng để nước mắt đàn ông phải chảy…”
Còn nước mắt của một đứa trẻ, chưa hiểu lý do vì sao mình và người thân đau khổ, ở cái tuổi nếu có khóc thì chỉ là hờn dỗi, nũng nịu cha mẹ anh chị. Đôi mắt trẻ thơ, thời đại nào cũng thế, ở đất nước nào cũng thế, đều chứa trong đáy mắt chúng "bài hát của mẹ – bài hát giúp con nhìn xuyên suốt vạn vật ở trên đời” – như thi hào Tagor từng ca ngợi. Thế nhưng, những đôi mắt trẻ thơ ngây được bao thi nhân, họa sĩ, nhạc sĩ hàng chục thế kỷ nâng niu đó hiện đang là nạn nhân trực tiếp của của những tham vọng, tranh chấp chính trị quyền lợi của người lớn, thì giọt nước mắt trẻ thơ sẽ là lời lên án mạnh mẽ nhất, đau đớn nhất!
Những kẻ trong phòng máy lạnh ôm chó săn và hôn hít người tình đã bấm nút kích hoạt chiến tranh và những kẻ ngu xuẩn bênh vực họ, ai mà chẳng có con, có cháu nhỏ; nếu họ còn chút lương tri của con người, của một người cha, người ông tử tế và lương thiện, hãy mở to mắt mà nhìn nước mắt của em bé Ukraine kia! Mọi lý lẽ, lập luận, học thuyết, chiến lược… đều trở thành vô nghĩa hết, đáng phỉ nhổ, nếu tuổi thơ con trẻ biến thành bia đỡ đạn cho các ngài! Các ngài hãy mau chóng tìm cách chấm dứt nỗi đau khổ trẻ thơ, hãy lau sạch nước mắt cho các em, nếu các ngài còn có chút tình người!”.
Nhưng con gái à, tình hữu ái giữa Con người may thay đã không bị mất đi trong thế giới bạo tàn này! Con có nhớ bố đã gửi vào di động của con ngày con chuẩn bị ôn thi cuối cấp hình ảnh những chiếc xe nôi dành cho các bà mẹ trẻ Ukraine chạy nạn cùng bài viết nhỏ bố phỏng vấn sinh viên, nói về lòng Nhân hậu Ba Lan. Đó là Đất nước của nhạc sĩ thiên tài Chopin, của nhà thơ vĩ đại Adam Mickiewicz, của văn hào đoạt giải Nobel Sienkiewicz… Đất nước từng bị bọn phát xít đày đọa, dựng lên bao trại tập trung rùng rợn, lò thiêu người, đất nước đã cùng các binh đoàn Hồng quân Xô Viết sát cánh tiêu diệt từng tên lính dã thú đeo thập ngoặc… Bố đã chảy nước mắt xúc động, và bởi niềm vui nữa, trước lòng Nhân hậu cao cả của người dân Ba Lan được nhân lên trong những cơn “Đại hồng thủy” (tên một tác phẩm của Sienkiewicz), được duy trì cho tới hôm nay, để vô tư, hết lòng cưu mang người dân lành của nước bạn đang lâm nguy, trong một thời đại sắt máu, trống vắng tình người, khi mà tham vọng của những kẻ độc tài đang là mối đe dọa khủng khiếp của Hòa Bình. Bố còn nhắc con cần nghĩ tới những điểm sửa xe miễn phí, điểm nấu hàng trăm suất ăn, những chốt phát tiền cho bà con về quê trong cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn trong đại dịch năm ngoái…
Và con gái à, không có hình ảnh nào khiến bố phải xúc động và suy ngẫm nhiều bằng hai hình ảnh tràn ngập trên MXH suốt năm qua: một cô gái Miến Điện bị giết chết vì đòi TÌNH YÊU và một bé gái Miến Điện xuất hiện trên mặt đường đang nhuốm máu người lương thiện, để đòi TÌNH YÊU (như cách nói của nhà giáo – nhà thơ trẻ Việt Nam) – Tình yêu Tự Do, Tình Yêu đối với quyền sống làm Người, những thứ mà trong các Mục tiêu thiên niên kỷ của nhiều Quốc gia có nói đến song chưa thực hiện được bao nhiêu, thậm chí có nơi chỉ lấy đó làm bình phong che chắn cho tham nhũng, độc quyền, sự trâng tráo chà đạp lên Quyền Sống... May thay, giữa sự giả dối lừa bịp và bạo quyền, vẫn có những cô gái, những em bé gái tâm hồn trong sáng đứng lên trước họng súng đòi những điều tốt đẹp cho Nhân dân mình, Tổ quốc mình. Họ mang trong trái tim mình Tình Thương lớn mà Con người đang cần, đang đòi hỏi…
Đêm nay, bố nghĩ đến Gia Đình Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu bên dòng Hương Giang do Thầy Phó Tế - nhạc sĩ Vũ Thành An sáng lập mà bố may mắn được tiếp xúc, tìm hiểu tháng trước ở Huế – một cộng đồng chắc giờ này đang bận rộn với sinh hoạt mùa Vọng Giáng sinh bằng những nụ cười rạng rỡ thường trực trên môi và những món quà nhỏ kịp thời đến với những số phận hẩm hiu bất hạnh, cũng như họ đã từng vượt đèo Khe Tre đến với bà con vùng cao mỗi kỳ giáp Tết – những người già nằm co ro bên bếp lửa, những em bé thiếu sữa thiếu chăn áo giữa mùa đông giá rét… Chính Tình thương sâu xa lớn rộng mà người sáng lập nên Gia Đình đặc biệt này cùng các cộng sự của ông đã giúp bố có thêm nguồn cảm xúc để xây dựng bộ phim Điện ảnh NHỮNG TÌNH KHÚC CHƯA ĐẶT TÊN. Nhạc sĩ - thầy Phó tế Vũ Thành An nhiều năm tạm dừng lại việc sáng tác những Tình Khúc Không Tên để chuyển sang nhạc Thánh. Khi trở lại Việt Nam, trước hiện thực mới mẻ và ngổn ngang của cuộc mưu sinh – nhất là mưu sinh của người dân nghèo, cơ nhỡ, bất hạnh, ông đã quyết tâm xây dựng hệ thống Nhà Tình thương Teresa tại Tổ quốc – mở đầu là ở Huế; đồng thời, ông tìm lại được mạch nguồn sáng tác mới của mình, hàng loạt bài Tình Khúc Không Tên mới lại ra đời – mà nội dung chủ yếu, nguồn cảm hứng cơ bản chính là Tình Thương…
Bắt đầu từ Giáng sinh này, con hãy coi Đêm Noel là một lần cả Nhân loại được nhắc nhở và cảnh báo về Tình Thương – Tình Thương cần thiết ra sao và đang bị truy lùng, bị đe dọa giết chết thế nào…
Đêm nay, đọc hộ con mấy câu tình cờ bố đọc được trong KINH THÁNH:
“Hỡi các người, Danh dự của ta sẽ bị sỉ nhục cho đến bao giờ
Các người ưa thích chuyện hư không và tìm kiếm điều dối trá cho đến chừng nào?”
“Kẻ ác kiêu căng săn đuổi người khốn cùng
Nguyện họ sa vào mưu chước chúng bày ra”.
“Các dân đã sa xuống hố mà chúng đã đào;
Chân của họ mắc vào lưới mà chúng đã giăng
Kẻ ác bị mắc bẫy do chính tay chúng đã gài”.
(THI THIÊN)
“Khi xứ sở loạn lạc
Thì có nhiều lãnh tụ
Nhưng nhờ một người hiểu biết, sáng suốt
Đất nước sẽ bền vững lâu dài”.
“Người công chính biết quyền lợi của người nghèo khổ
Còn kẻ ác không hiểu điều tri thức ấy”.
“Khi kẻ ác tăng thêm thì tội lỗi cũng gia tăng
Nhưng người công chính sẽ thấy sự sụp đổ của chúng”.
(CHÂM NGÔN)
(Kinh Thánh - Cựu ước và Tân ước, Bản truyền thống hiệu đính - NXB Tôn Giáo 2011).
________
* Bộ phim Âu - Mỹ hợp tác sản xuất: "Command Performance" của đạo diễn: Dolph Lundgren (sang VN có tên: “Buổi hòa nhạc đẫm máu”) kể về một buổi hòa nhạc từ thiện ở Nga trở nên đẫm máu khi bọn cướp có vũ trang bắt những ngôi sao nhạc pop hàng đầu đầu của Mỹ và Tổng thống Nga cùng với gia đình ông ta để làm con tin…
Ảnh: Ông Vũ Thành An với trẻ em nghèo tại Huế trong một Mùa Giáng sinh - Lê Viết Hòa cung cấp
N.A.T.
Tác giả gửi BVN
(1) NXB Khởi hành, Sài Gòn, trước 1975. NXB Văn hóa Sài Gòn tái bản - BVN chú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét