Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Ngày tàn của những lãnh đạo độc tài sẽ ra sao?

 


Ngày tàn của những lãnh đạo độc tài sẽ ra sao?

Chi Phương

Le Point ra liền hai số từ ngày 15-22/12, bắt đầu với câu hỏi: “Có ai đã từng nghĩ đến cái chết của Vladimir Putin sẽ ra sao?”. Tuần san đưa độc giả ngược dòng lịch sử qua những bài phân tích chia theo giai đoạn trị vì của các nhà độc tài như Hitler, Mussolini, Stalin hay Kadhafi, những người đều tự coi mình là bậc thánh thần. Họ được cho là bất khả chiến bại nhưng đến khi bị lật lổ, tất cả các điểm yếu bị hé lộ. Trên thực tế, đó lại là những kẻ đáng thương, bị cô lập. 

clip_image002

Tấm áp phích in hình Adolf Hitler, Joseph Stalin và tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 28/07/2014 tại Kiev, Ukraine. AFP/Archivos

Kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến năm 1945, bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 hay Mùa Xuân Ả Rập năm 2010, khi đã đến ngày tàn, buổi xế chiều của mình, số phận của mỗi nhà độc tài lại được định đoạt khác nhau, thường là không mấy tốt đẹp. Có người tự tử như Hitler, có người thì bị hành quyết dã man trước công chúng. Thế nhưng, cũng có người đã lọt lưới, chết trên giường bệnh như Pinochet, ông thậm chí còn có cả quốc tang. Một số thì đi tị nạn ở nước khác. Điều đáng chú ý là những hậu quả về mặt tinh thần mà những nhà độc tài để lại, khó có thể biến mất ngày một ngày hai. 

Còn những nhà độc tài vẫn tại vị thì sao? Le Point cho biết, những hành động tàn bạo mà Putin gây ra ở Ukraine đã dấy lên mong muốn công lý can thiệp vào. Trên thế giới, chỉ Toà án Công lý Quốc tế La Haye có thẩm quyền đưa ra phán quyết với những lãnh đạo độc tài. Một giả thuyết được đặt ra đó là liệu Vladimir Putin sẽ được xét xử ra sao? Liệu ông Putin có thể thoát khỏi vòng lao lý vì điều kiện sức khoẻ - một lý do truyền thống của Nga, hay là tự tử, giống như Hitler.

Trên thực tế, dù đã tồn tại 20 năm nay, nhưng chức năng của Toà án La Haye lại không thực sự hiệu quả. Đại diện của toà án đã nhiều lần đến Kiev, nhưng khó có thể thực hiện điều tra. Le Point trích dẫn nhận định của giải Noel Hoà bình năm nay, bà Oleksandra Drik, cho rằng nếu không trừng phạt Tổng thống Nga thì chẳng khác nào kẻ độc tài đã giành chiến thắng. Theo bà Drik, dù chiến tranh chưa kết thúc, nhưng nhiều cuộc điều tra đang được thực hiện ở Ukraine để chứng minh tội ác xâm lược của Điện Kremlin. Bà nhấn mạnh rằng những tội ác này đã xảy ra và cần phải xác định và trừng trị những kẻ phạm tội. Một số lãnh đạo như chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã đề nghị mở một toà án đặc biệt để xét xử Điện Kremlin về tội ác chiến tranh. 

Le Point kết thúc số báo với chân dung của những lãnh đạo độc tài hiện vẫn nắm trong tay luật pháp, đàn áp chính dân tộc mình và đe dọa láng giềng, tiêu biểu là Tập Cận Bình của Trung Quốc, Kim Jong Un ở Bắc Triều Tiên, hay Giáo chủ Ali Khameni ở Iran. 

Vladimir Putin cũng là chủ đề được nhiều tuần san quan tâm phân tích. L’Express trích dẫn nhận định của giảng viên tại đại học George Town, bà Angela Stent, chuyên nghiên cứu về Nga, chỉ ra rằng Putin ngày càng cô độc ở Nga. Thêm vào đó, lãnh đạo của tập đoàn bán quân sự Wagner, Prigojine, thân Điện Kremlin, thường hoạt động bí ẩn thì nay đã lộ diện trước công chúng. Prigojine đã công khai chỉ trích sự yếu kém của quân đội Nga và đôi khi ranh giới giữa quân đánh thuê Wagner và quân đội Nga bị bờ nhạt. Hay trường hợp của lãnh đạo Tchechenia Ramzan Kadyrov, đã tự cho phép có quyền chỉ trích sự thất bại trên chiến trường của quân đội Nga. Bà nhấn mạnh đến khả năng Putin quan ngại về quyền hạn ngày càng gia tăng của những lãnh đạo quân sự này, cộng thêm những tin đồn về việc binh lính Nga bất bình. 

“Một câu chuyện điên rồ về lịch sử của đế chế Nga”là tựa đề trang bìa của tuần báo l’Obs, ra liền hai số cho tuần này và tuần sau. Từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, nhiều nhà phân tích hay giới chuyên gia quân sự, địa chính trị cho đến các nhà tâm lý học đã cố gắng làm rõ, phân tích ý định của Vladimir Putin, đã từng khẳng định vào năm 2016 rằng “không có đường biên giới nào đối với Nga”.Tuần báo l’Obs dành hồ sơ lớn để tìm hiểu về đế chế Nga: làm thế nào mà từ một vùng lãnh thổ nhỏ bé nơi những người Viking sinh sống trở thành đất nước rộng nhất thế giới với khoảng 17 triệu km vuông như hiện nay. Lịch sử đã chứng minh tham vọng bành trướng của Nga từ nhiều thế kỷ qua.  

Theo l’Obs, cách tốt nhất để hiểu được cuộc chiến tranh “điên rồ”, “ác liệt” đang diễn ra ở Ukraine, đó là lật lại những trang sử từ ngàn năm qua của Nga, từ Ivan Bạo Chúa đến cho đến Pyotr Đại Đế, hay Nữ hoàng Catherine II, Vladimir Putin đều không ngừng mở rộng lãnh thổ, nhân danh Thượng Đế, Liên Xô hay dân tộc Slave vĩ đại.  

L’Obs khẳng định rằng Putin bị ám ảnh bởi quá khứ, bởi lịch sử. Theo các nhà sử học, diện tích của nước Nga vào năm 1914 là 22 triệu km vuông, trong ba thế kỷ, đã mở rộng thêm hơn 50.000 km vuông mỗi năm, nhờ vào chiến thắng của Bolshevik và sự thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) cũng như sự gia nhập của các nước “anh em” Đông Âu. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã đặt dấu chấm hết cho quá trình bành trướng này. 

Theo tuần san l’Obs“Putin bị ám ảnh bởi quyền lực và say sưa với chủ nghĩa dân tộc”, ông tôn thờ những Sa Hoàng đã chinh chiến mở rộng bờ cõi. Tuy nhiên, trái ngược với những người tiền nhiệm, Putin không bác bỏ giai đoạn Cộng sản, mà đã chọn lọc,  cấm nói đến, như là những hành động “khủng bố” của Stalin hay Hiệp ước Xô - Đức đáng xấu hổ và đề cao cuộc “Chiến tranh vệ quốc vĩ đại” khi nói đến chiến thắng năm 1945 và bỏ qua cáo buộc của hàng ngàn phụ nữ Đức về việc bị Hồng quân hãm hiếp. Sự ảo tưởng của Putin đã dẫn đến cuộc chiến điên rồ, lấy cớ “phi hạt nhân hoá”, “phi phát xít hoá” để tấn công một quốc gia có chủ quyền, bằng việc gợi lại hình ảnh Hitler.  

L’Obs đề cập đến quốc gia được thành lập bởi người Slave vào năm 988 ở Kiev Rus. Theo đó, Kiev là thủ phủ của người Rus, là cái nôi của dân tộc Nga, cũng là nơi mà Chính Thống Giáo ra đời. Do vậy, “Kiev phải là một thành phố Nga”. Kiev Rus là một di sản của quá khứ mà Nga và Ukraine đều tranh giành. Các Sa Hoàng gọi nước Nga là “Đại Nga”, Belarus là những người "Bạch Nga" và Ukraine là “Tiểu Nga”. 

Trong những cuộc xâm lược lớn mà các Sa Hoàng tiến hành phải kể đến giai đoạn thôn tính vùng Siberia rộng lớn, băng giá âm 60 độ. Lúc đó, các lãnh đạo quân sự không ngần ngại cho đốt nhà những kẻ phản kháng, hãm hiếp vợ của những ai dám chống lại.“Giấc mơ Mỹ” của Nga là một tựa đề trong một bài đăng cùng hồ sơ, nói về những dấu tích về cuộc chinh phục Alaska của Nga từ năm 1784. Hay giấc mơ châu Âu của Catherine II Đại Đế, mong muốn kiểm soát Biển Đen và đã sáp nhập Crimée. Vào thời điểm đó, Crimée thuộc lãnh thổ của đế chế Ottoman. 

Tuần san cũng nhắc lại nạn đói 1932-1933 ở Ukraine trong khi chính quyền Stalin lại cho thóc lúa chất thành đống. Trước khi chiến tranh Ukraine xảy ra, Nga đã không ngừng gây áp lực tại biên giới của các nước thuộc Liên Xô cũ qua việc ủng hộ quân ly khai, như ở Gruzia. Theo l’Obs, cuộc xung đột xảy ra năm 2008 là cuộc đột kích đầu tiên của Putin, để thử nghiệm cho một cuộc chiến quy mô lớn hơn, như với cuộc xung đột ở phe ly khai, sáp nhập lãnh thổ và cấp hộ chiếu Nga. 

C.P.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét