Một công thần bị chôn vùi (Phần 1)
25-12-2022
Không phải thứ gì được phát trên tivi mậu dịch đều đáng “bỏ qua”, nói như ngôn ngữ chơi trò trên tivi. Có những thứ quái gở vẫn được thiên hạ quan tâm, chú mục vào, thậm chí săm soi, như vụ cô á hậu vừa xuất hiện trong veo vậy. Nhưng, trong đống rác tivi, vẫn có những cái không thể “bỏ qua”, tạo được sự chú ý của người tử tế.
Tôi nói thế, bởi hôm 23.12 vừa rồi, trong chương trình buổi tối, kênh Truyền hình quốc hội phát bộ phim tài liệu về nhân vật lịch sử, ông Chu Văn Tấn.
Người xứ này, ở miền Bắc, thế hệ sinh vào thập niên 50 – 60 không mấy ai không biết tên tuổi ông Chu Văn Tấn. Lẽ đơn giản, học môn lịch sử quốc doanh, phần về thời kỳ trước cách mạng tháng 8, cả phần biên chép về lịch sử quân đội nữa, cái tên Chu Văn Tấn luôn nổi bật, có nhẽ chỉ sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp.
Rồi 3 cuộc khởi nghĩa tiền cách mạng là Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, đáng chú ý nhất là khởi nghĩa Bắc Sơn do ông Chu Văn Tấn cầm đầu. Rồi bài hát “Bắc Sơn” của nhạc sĩ Văn Cao được phát thường xuyên trên đài tiếng nói Việt Nam tới mức nghe riết ai nấy đều thuộc, “Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/còn vang khe núi tiếng quân oai hùng”… Tất cả đều gắn với ông Chu Văn Tấn.
Ông Tấn hiện diện lừng lững bên hình ảnh ông Hồ, ông Giáp, là một thứ tên tuổi, idol, biểu tượng, thậm chí bạt mờ cả những Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, nói gì tới những Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Lê Trọng Tấn…
Đám chúng tôi, từ khi trẻ con tới lúc thanh niên, hầu như đều biết đều nghe con người và danh tiếng Chu Văn Tấn. Nói một cách đơn giản, chúng tôi hiểu đó là công thần của cách mạng giải phóng dân tộc, của chế độ mới, thuộc dạng đấng bậc chỉ dưới vài người và trên muôn người. Và đặc biệt, Chu Văn Tấn gắn với hình ảnh miền núi, dân tộc thiểu số, với Việt Bắc, với cuộc chiến đấu trước và sau cách mạng tháng 8.
Ngay cả trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy tên tuổi Chu công ít được nhắc tới, chẳng nổi như tướng Giáp, tướng Thanh, nhưng xin nhớ rằng không có hậu phương Việt Bắc vững mạnh chi chút cho mặt trận Tây Bắc từng hạt gạo, mà ông Tấn là người đứng đầu, thì cái sự “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” cũng chả phải dễ dàng gì.
Với lứa chúng tôi, cái tên Chu Văn Tấn, danh xưng thượng tướng Chu Văn Tấn được coi là một phần của cách mạng, phần đẹp đẽ, kính nể, tin phục. Tôi có người bạn đồng môn đại học, anh Ma Duy Giang ở Thái Nguyên, người Tày, hồi ấy cứ nhắc tới thượng tướng Tấn thì không giấu nổi sự kính phục. Chu công người Nùng, còn Ma huynh người Tày, tuy nhiên Tày – Nùng cả về xã hội cũng như ngôn ngữ có quan hệ gần gũi nên sự tự hào ấy không có gì khó hiểu. Tôi có lần nói với anh Giang, chả riêng anh, em đây người Kinh rặt nhưng rất bái phục đức độ của thượng tướng Chu Văn Tấn.
Ông Tấn công lao hãn mã, từng lên tới những đỉnh cao: thượng tướng (một trong 2 người, người kia là ông Văn Tiến Dũng), trong hàng quân chỉ dưới ông Giáp và ông Nguyễn Chí Thanh; là bí thư, chủ tịch khu tự trị Việt Bắc (gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang), một dạng siêu tổng đốc; phó chủ tịch quốc hội nhiều khóa liền; ủy viên trung ương nhiều khóa. Và điều quan trọng nhất, Chu công được người dân tin yêu nể trọng.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét