VNTB – Bao nhiêu tuổi là quá già để lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam?
Lynn Huỳnh
(VNTB) – Với hai trong số những tổng thống lớn tuổi nhất của Hoa Kỳ sẵn sàng ra tranh cử vào năm 2024, ngày càng nhiều người Mỹ đặt câu hỏi bao nhiêu tuổi là quá già để lãnh đạo một đất nước nơi độ tuổi trung bình của người dân là trong khoảng 30?
Đó là câu chuyện ở bên kia bờ Đại Tây Dương với người Việt Nam. Nếu được quyền đặt câu hỏi tương tự với Hà Nội, vậy thì có nên để ông Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm thêm lần thứ tư, vì dẫu sao ông cũng hơn hẳn nhiều ứng viên khác ở chỗ là Tổng bí thư có thời gian “rút kinh nghiệm” dài nhất, đến những 3 nhiệm kỳ.
Có sự khác biệt khi so sánh giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, đó là lá phiếu tự do bầu cử của người dân.
Tết Quý Mão tới đây, ông Nguyễn Phú Trọng bước vào tuổi 80, tức kém hơn Tổng thống Joe Biden hai tuổi, và lớn hơn cựu Tổng thống Donald Trump hai tuổi.
Trong một tham luận của GS.TS. Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, thì ghi nhận ở Việt Nam, cùng với tuổi đời tăng cao, các chứng bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thoái hóa xương khớp, giảm tưới máu não mạn tính thường diễn ra khá phổ biến.
“Khoảng 3/4 số người 80 tuổi có ít nhất một bệnh mạn tính, trung bình có thể mắc sáu bệnh đồng diễn. Về mặt lão hóa của hệ thần kinh, thường thấy giảm khứu giác, thị giác, thính giác và vị giác. Một số trường hợp bị rối loạn tiểu tiện và có khi nhất thời kết hợp với rối loạn đại tiện.
Có thể có sự suy giảm các chất truyền dẫn thần kinh ảnh hưởng tới chức năng thần kinh nói chung, chức năng nhận thức nói riêng và là hậu quả sinh lý của quá trình lão hóa não. Tuy nhiên, suy giảm dopamin tới một mức nhất định có thể gây bệnh Parkinson và nếu thiếu hụt apolipoprotein E4 có thể là một yếu tố nguyên nhân quan trọng của bệnh Alzheimer. Đặc biệt sự cộng hợp của nhiều yếu tố nguy cơ mạch máu có thể gây tai biến mạch não với hai thể lâm sàng phổ biến là nhồi máu não và chảy máu não.
Tuổi già là một giai đoạn quan trọng trong cuộc sống của con người. Tuy quá trình lão hóa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng những năm tháng trải qua trong đời đã cho người cao tuổi tích lũy được kinh nghiệm quý báu, nhận thức sáng suốt, hành xử chín chắn và mối quan hệ xã hội thỏa đáng” – trích tham luận “Vấn đề tâm lý xã hội của tuổi già”, GS.TS. Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam.
Dân gian có câu “tre già măng mọc”. Nghĩa bóng của câu thành ngữ này là thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước; lớp người trước già đi thì đã có lớp người lớp người trẻ ở phía sau thay thế. Thế hệ trước sẽ đào tạo thế hệ sau để thế hệ sau có kinh nghiệm và phát triển những gì mà thế hệ trước đã tạo ra. Sau đó, thế hệ sau này sẽ truyền lại cho thế hệ sau nữa, cứ thế, thế hệ trẻ sẽ liên tục kế thừa và phát huy nó.
Và giờ thử nhìn thành ngữ này qua lăng kính triết học Mác-xít để đưa ra ý kiến ông Nguyễn Phú Trọng nếu lại tái cử nhiệm kỳ thứ tư ghế Tổng bí thư, thì điều đó có phải là bi kịch của riêng Đảng Cộng sản Việt Nam?
Theo triết học Mác – Lê-nin vận động là mọi sự biến đổi (biến hóa) nói chung của các sự vật và hiện tượng trong giới tự nhiên và đời sống xã hội. Vận động là thuộc tính vốn có, là phương thức tồn tại của các sự vật và hiện tượng.
Có 5 hình thức vận động cơ bản là: Vận động cơ học: Sự di chuyển vị trí của các vật thể trong không gian. Ví dụ: Chơi đá bóng, đi bộ…; Vận động vật lý: Sự vận động của các phân tử, hạt cơ bản, các quá trình nhiệt, điện. Ví dụ: Bóng điện phát sáng;
Vận động hóa học: Quá trình hóa hợp và phân giải các chất. Ví dụ: Sắt để lâu ở ngoài bị oxi hoán dẫn đến hiện tượng han rỉ; Vận động sinh học: Sự trao đổi chất giữa cơ thể sống với môi trường. Ví dụ: Hiện tượng cây hoa đâm chồi nảy lộc, nở hoa;
Vận động xã hội: sự biến đổi, thay thế của các xã hội trong lịch sử. Ví dụ: Từ Cộng sản nguyên thủy → Chiếm hữu nô lệ → Phong kiến → Tư bản chủ nghĩa → Cộng sản chủ nghĩa.
⇒ Các hình thức vận động có hình thức đặc trưng riêng. Các hình thức vận động có mối quan hệ hữu cơ với nhau và vận động theo trình tự từ thấp đến cao. Giữa 5 hình thái vận động này có mối quan hệ hữu cơ với nhau.
Còn phát triển là khái niệm dùng để khái quát những vận động theo chiều hướng tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện. Cái mới ra đời thay thế cái cũ, cái tiến bộ ra đời thay thế cái lạc hậu.
Như vậy, “tre già măng mọc” là câu tục ngữ thể hiện sự phát triển kế thừa từ thế hệ trước sẽ đào tạo thể hệ sau để thế hệ sau có kinh nghiệm và phát triển những gì mà thế hệ trước đã tạo ra, và sau đó sẽ truyền lại cho thế hệ sau nữa, cứ thế cứ thế mà thế hệ trẻ luôn kế thừa và sẽ phát huy nó.
Ông Nguyễn Phú Trọng ngồi ghế Tổng bí thư ở lần thứ hai đã là biểu hiện của việc “phát triển kế thừa” trong đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu yếu kém. Thêm nhiệm kỳ thứ ba, tạm gác qua ngờ vực tham quyền cố vị, cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam mấp mé bi kịch tre sắp tàn, mà măng chưa chịu lớn.
Vậy thì nếu ông Nguyễn Phú Trọng quyết định tái nhiệm lần thứ tư, thì đó rất có thể là bi kịch của cả dân tộc chứ không còn của riêng Đảng Cộng sản nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét