Trao đổi với Hạo Nhiên tiên sinh
Nguyễn Đình Cống
VNTB ngày 1/12/2022 đăng bài “Tại sao xã hội Việt Nam càng ngày càng trở nên sa đoạ, tha hoá?” của Hạo Nhiên. Tác giả viết: “Việt Nam luôn tự hào về sự ổn định, an ninh chính trị do sự kiềm chế nghiệt ngã dân chủ, tự do, nhân quyền, nhưng rõ ràng xã hội đang vô cùng lộn xộn, tội phạm nghiêm trọng đang ngày càng có xu hướng gia tăng”.
Câu trên tuy không sai, nhưng chưa chuẩn. Viết rằng “Việt Nam luôn tự hào”, Việt Nam ở đây cụ thể là ai? Phải chăng đại đa số nhân dân hay chỉ là một số ít kẻ có quyền cao chức trọng? Ngay cả đảng cầm quyền (mà thực chất là thống trị) có nên tự hào về sự ổn định do kiềm chế nghiệt ngã dân chủ, tự do, nhân quyền. Với sự kiềm chế như vậy thì đáng ra phải nên xấu hổ chứ tự hào cái gì.
Có ổn định chính trị và ổn định xã hội, trong đó ổn định xã hội quan trọng hơn. Ổn định chính trị chỉ là một phần tạo nên ổn định xã hội. Qua sự trình bày, tác giả Hạo Nhiên thể hiện nhận thức vừa nêu, nhưng chưa viết rõ ra.
Sau khi trình bày một số bất ổn của xã hội, Hạo Nhiên viết: “nhưng nguyên nhân chính dẫn đến suy đồi đạo đức, ích kỷ, tham lam của rất nhiều người thì không ai dám nói ra”. Thế rồi ông đã phân tích gốc gác của vấn đề nằm ở chủ thuyết cộng sản và sự thống trị của Đảng CSVN. Họ đề cao việc tôn sùng vật chất, đấu tranh giai cấp bằng bạo lực, chủ trương chuyên chính vô sản, độc quyền đảng trị, chống tôn giáo, vô thần. Họ tập trung mọi nỗ lực vào việc củng cố sự thống trị của đảng chứ không phải vì sự phát triển của đất nước, không phải vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Sự phân tích như thế là xác đáng.
Hạo Nhiên viết tiếp:“Người cộng sản ra rả dạy đạo đức, nhưng là thứ đạo đức định hướng phục vụ đảng là chủ yếu”. Chỗ này có điều cần bàn. Đạo đức định hướng phục vụ đảng là bình thường, không sao cả, khi mà đó là việc làm là QUANG MINH CHÍNH ĐẠI. Vấn đề là sự dối trá trong đó. Thống trị của cộng sản dựa trên hai trụ cột, đàn áp bằng bạo lực làm cho người ta sợ và dối trá trong tuyên truyền để lừa bịp. Hạo Nhiên chưa vạch ra sự dối trá này khi mà nó đã trở thành phương châm sống và quan hệ của nhiều người, từ lãnh đạo cấp cao đến dân thường.
Cuối bài ông viết:“Xấu hơn hay tốt hơn đều do xã hội. Một xã hội bất công, không tình thương, thờ phượng vật chất, và lấy bạo lực để có được thắng lợi không thể tạo ra những công dân tốt, những con người lương thiện. Đó là một phần câu trả lời tại sao xã hội Việt Nam càng ngày càng trở nên đồi bại, tha hoá”.
Đến đây thì không khéo Hạo Nhiên bị chệch hướng khi đổ lỗi cho xã hội. Nó là cái bung xung, Không ai biết nó nhận hay từ chối trách nhiệm người ta gán cho nó.
Xã hội bình thường gồm hai thế lực. Đông đảo người dân và một số ít người có quyền. Mọi việc xảy ra đều có sự đóng góp của cả hai bên, nhưng trong điều kiện bình thường vai trò của những người nắm quyền có tính quyết định.
Ở trên, Hạo Nhiên đã chỉ ra được sai lầm của chủ thuyết cộng sản và hoạt động của Đảng CS. Đúng ra đến cuối bài cần chỉ rõ ra rằng: Những lãnh đạo chóp bu của đảng phải chịu trách nhiệm chính về những tai họa mà đảng đã gây ra. Nhưng rồi ông né tránh, chĩa mũi nhọn vào xã hội. Đổ tội cho xã hội thì cũng giống như gây ô nhiễm môi trường vậy.
Tuy thế Hạo Nhiên cũng đã cài một ý để khi cần thì đem ra bào chữa, nó nằm trong mấy từ sau: “Đó là một phần câu trả lời…”, ngụ ý rằng xã hội chỉ là một phần thôi, còn có phần khác nữa chưa tiện nói (mặc dầu phần khác đó quan trọng hơn, nhưng nhạy cảm).
Dưới đây là bài viết của Hạo Nhiên:
(VNTB) – Xã hội Việt Nam có phần phát triển về kinh tế, nhưng đạo đức đang suy bại.
“Người thứ hai, trong ba người con gái đổ xăng đốt nhà mẹ ruột khiến cả 4 mẹ con đều phỏng nặng, đã chết. Người đánh chết con bé gái của người tình đã bị án tử hình. Những thủ đoạn ác độc đã và đang dẫn đến những cái chết vô cùng đau đớn xảy ra trong xã hội XHCN Việt Nam càng ngày càng nhiều, càng ghê rợn hơn.
Tình, tiền, thù hận là những nguyên nhân gây ra tội ác, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn, dẫn đến thù hận, tham lam từ đâu?
Việt Nam luôn tự hào về sự ổn định, an ninh chính trị do sự kiềm chế nghiệt ngã dân chủ, tự do, nhân quyền, nhưng rõ ràng xã hội đang vô cùng lộn xộn, tội phạm nghiêm trọng đang ngày càng có xu hướng gia tăng.
Tội ác cá nhân gây ra bởi vô số lý do như tham lam, ích kỷ, lười biếng, thích hưởng thụ, tiêu xài, không tự kiểm soát được, hay do hormone,..nhưng nhiều hơn và tệ hại hơn là do không được giáo dục, vô đạo đức, háo thắng, kiêu căng, tự cao tự đại coi mình trên hết, kiểu ĐCSVN vô địch muôn năm.
Từ sau 1954 tại miền Bắc và nhiều năm sau 1975 ở miền Nam, tất cả tội ác xảy ra đều bị báo chí, chính quyền quy một cách dễ dàng và chắc nịch nguyên nhân bởi tàn dư của chế độ cũ. Nay thì ngay cả những người lãnh đạo đảng, lãnh đạo quốc gia không thể ngụy biện, phải thú nhận tội ác quá nhiều đến nỗi “phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội về sự suy đồi đạo đức, lối sống ích kỷ, tham lam của người đời”, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến suy đồi đạo đức, ích kỷ, tham lam cuả rất nhiều người thì không ai dám nói ra bởi người nắm trong tay, thao túng, chỉ huy, điều hành, dẫn dắt xã hội này chính là ĐCSVN theo chủ nghĩa duy vật cộng sản và chủ trương đấu tranh bạo lực để giành thắng lợi.
Chủ nghĩa duy vật cộng sản cho rằng trong mối quan hệ giữa con người với thế giới vật chất, con người là kết quả quá trình phát triển lâu dài của thế giới vật chất, là sản phẩm của thế giới vật chất. Xã hội Việt Nam mới thoát nghèo, con người từng bị sống trong cơ cực bùng phát lòng tham, cộng vào sự bị giáo dục “đấu tranh bạo lực” giành sống, sống hơn người, khiến con người không từ bỏ bất cứ hành động nào để đạt mục tiêu sống-trên-người dù phải tạo ra tội ác. Không vơ đũa cả nắm, nhưng kinh nghiệm của nhiều người thấy, với những người Việt sống ở nước ngoài, nhìn cách sống của họ, dễ tìm ra được người thuộc vùng miền nào ở Việt Nam, dễ tìm ra được người nào từng sống lâu hơn dưới chế độ cộng sản.
Người cộng sản ra rả dạy đạo đức, nhưng là thứ đạo đức định hướng phục vụ đảng là chủ yếu. Con giết cha mẹ từng không được học hiếu với cha mẹ mà học trung với đảng, hiếu với dân. Từ xưa có câu thượng bất chính, hạ tắc loạn. Các lãnh đạo cộng sản không thừa nhận vì họ bất chính nên xã hội loạn. Luôn luôn đảng là người lãnh đạo giỏi duy nhất, các lãnh tụ là gương mẫu không thể thay thế. Người lãnh đạo cộng sản vô thần chỉ có đạo đức theo kiểu cộng sản, chính sách giáo dục của họ theo cộng sản vô thần, chính sách cai trị của họ là chính sách cộng sản, dẫn đến chính trị sai lầm, không coi trọng mạng sống con người, nhân quyền. Đầu mối băng hoại trong đảng, dẫn đến xã hội sa đoạ, là lòng tham của đảng viên, càng chức cao quyền trọng càng tham lam. Tham nhũng đánh mãi không xong, mà những mánh khoé tham nhũng còn tinh vi, sâu rộng hơn, vì thực tình đảng không đánh tham nhũng. Họ đánh người này, người kia là đánh những kẻ của phe đối thủ, không phải vì quyền lợi quốc gia.
Lãnh tụ Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi phải diệt tham nhũng để bảo vệ đảng. Đúng vậy. Họ cần bảo vệ đảng. Đánh tham nhũng để bảo vệ đảng. Đảng còn là còn tất cả. Tất cả phục vụ sự tồn tại của đảng, kể cả dân tộc Việt Nam cũng chỉ là công cụ để phục vụ đảng. Không nghe lãnh đạo cộng sản nào nói đánh tham nhũng để bảo vệ quyền lợi người dân, đánh tham nhũng vì sự sống của quốc gia dân tộc, chỉ nghe đánh tham nhũng vì sự tồn tại của đảng. Đảng phải được duy trì đủ sức mạnh sử dụng dân như công cụ của đảng. Đánh tham nhũng chỉ với mục đích bảo vệ đảng thì xã hội không tốt lên được.
Bạo lực cách mạng dùng bạo lực trấn áp và tiêu diệt giai cấp đối kháng. Bạo lực cách mạng cũng là bạo lực phát xuất từ lòng tham. Tham tình, tham tiền không được các điều giới răn tôn giáo ngăn chặn và yêu cầu tín đồ tu sửa mà lại bị tư tưởng bạo lực cách mạng vô thần thổi bùng lên nên ham muốn dễ dẫn đến tội ác.
Các chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam bị chủ nghĩa cộng sản tôn trọng vật chất, vô thần đã ngự trị trên mảnh đất thấm đẫm tư tưởng nhiễu điều phủ lấy giá gương dần lấn áp. Người ta không còn biết sợ Trời, Phật. Người trong gia đình, máu mủ ruột rà dễ dàng giết nhau vì vài thước đất. Cháu giết bà vì muốn chiếc nhẫn bà đeo. Xã hội Việt Nam có phần phát triển về kinh tế, nhưng đạo đức đang suy bại. Người ta, nhất là giới trẻ, phần lớn sống không lý tưởng, một số vào đảng chỉ vì lợi ích cá nhân,gia đình cho nên số này có chức có quyền càng làm xã hội tồi tệ hơn. Đạo đức, thói quen, hành vi của người trong xã hội Việt Nam thay đổi tưởng chừng văn minh, tiến bộ, nhưng dễ nhận ra kiểu “văn minh” hời hợt, vị kỷ, giả dối, thực dụng, cơ hội, hèn hạ để có thể thoả mãn lòng tham của họ.
Thomas Hobbes và Jean-Jacques Rousseau từng tranh luận căn nguyên tính tốt, xấu của con người.
Hobbes cho rằng con người bẩm sinh là dơ bẩn và bạo tàn, cần phải có chính sách, pháp luật nhà nước và xã hội tốt, luật lệ để chế ngự bản năng của họ, và hướng dẫn phát triển. Ngược lại Rousseau không đồng ý với nhận định đó, ông cho rằng nhân chi sơ tính bản thiện, con người chỉ trở nên tha hoá, tham lam, bẩn thỉu do xã hội họ sống tạo nên.
Xấu hơn hay tốt hơn đều do xã hội. Một xã hội bất công, không tình thương, thờ phượng vật chất, và lấy bạo lực để có được thắng lợi không thể tạo ra những công dân tốt, những con người lương thiện.
Đó là một phần câu trả lời tại sao xã hội Việt Nam càng ngày càng trở nên đồi bại, tha hoá”.
N.Đ.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét