Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Góp ý về xây dựng hệ giá trị Việt Nam

 

Góp ý về xây dựng hệ giá trị Việt Nam

Mạc Văn Trang

19-12-2022

Hôm 2-12-2022, tôi có đăng bài: “Trái núi đẻ chuột”, nói về cái Hội thảo quốc gia rất hoành tráng nhằm xây dựng hệ Giá trị Việt Nam, nhưng kết quả thì “bé tẹo”, chẳng có gì mới mà người đọc mong đợi.

Sau đó một ông bạn GS nhắn tin bảo, anh chỉ hay phê phán, chê bai. Anh hãy góp ý đề xuất cụ thể xem nào.

Khổ quá, cả GS ở nước mình cũng không chấp nhận nổi phản biện phê phán, mà cứ cái kiểu “Mày chê thì mày thử làm xem có được không”?

Ôi giời, bao nhiêu Học Viện, Trung tâm, Đại học, Hội đồng Lý luận Trung ương với đội ngũ chuyên gia trùng điệp ăn lương chuyên nghiên cứu, lại thách một lão già, vác tù và hàng tổng!

Thôi thì đã trót “đánh trống trước cửa Nhà Sấm” cũng ráng mình làm mình chịu.

Nhưng thực ra phải cảm ơn ông bạn GS, vì lời thách đố của ông mà tôi có bài viết quan trọng này, đóng góp cho vấn đề quốc gia hệ trọng.

1. Tìm xem Hội thảo đã xác định các Hệ Giá trị và các Giá trị gì?

Thực sự cầu thị, tôi tìm đọc bài bàn về “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới” trên Báo điện tử Đảng CS Việt Nam, trên trang Thông tin của Hội đồng Lý luận Trung ương, rồi bài “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế” trên trang Nghiên cứu Lý luận Chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia HCM… Nhưng tất cả vẫn là “xới lên vấn đề”, lý luận dài dòng, lẩn quẩn…

Xin đi ngay vào các Hệ Giá trị và các Giá trị cụ thể đã được Hội thảo xác định:

Hệ Giá trị con người Việt Nam: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”. (Chuyển dẫn từ bài “Trái núi đẻ chuột”).

2. Xin trao đổi mấy ý kiến.

2.1. Về Giá trị CON NGƯỜI Việt Nam được Hội thảo xác định:

Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”. Tôi thấy dài dòng, trùng lặp, chưa cơ bản.

Nho giáo xác định hệ thống giá trị cơ bản của cá nhân/con người chỉ gồm NHÂN, LỄ, NGHĨA, TRÍ, TÍN mà đủ cả. Con người có những giá trị đó là đạt chuẩn mực giá trị cao của xã hội thời đó.

Các giá trị này được giáo dục từ từ gia đình, lúc trẻ 4-5 tuổi cho đến già; cứ thế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên rất bền vững trong cá nhân và trong chuẩn khách quan của xã hội để đánh giá con người/ nhân cách.

Từ hệ Giá trị cá nhân, ai cũng phải có mới phát triển thêm các giá trị cho phù hợp với mỗi đối tượng, ví dụ: Cha Hiền, con Hiếu; vua Minh, tôi Trung; làm quan phải thêm giá trị Liêm, Chính; làm tướng phải thêm Giá trị Dũng, Liêm v.v… (nguyên tắc như vậy, còn tôi nhớ có thể chưa chính xác).

Vậy thời nay, Giá trị cốt lõi của cá nhân/con người Việt Nam, nên kế thừa và phát triển cho phù hợp, theo tôi là: “NHÂN ĐẠO, TRUNG THỰC, TRÍ TUỆ, BÌNH ĐẲNG, YÊU NƯỚC” là đủ.

Có “NHÂN ĐẠO” sẽ có “yêu thương, nghĩa tình; có “TRUNG THỰC” sẽ có “Trách nhiệm, Kỷ cương”; có “TRÍ TUỆ” mới có “Sáng tạo” và hơn thế. Cũng nói thêm, không có TRÍ TUỆ thì “Đoàn kết, Kỷ cương, tự cường, sáng tạo, trách nhiệm” chỉ là khẩu hiệu suông; có “BÌNH ĐẲNG” mới có tôn trọng “đoàn kết” được. Hội thảo về Giá trị cá nhân/con người mà bỏ đi Giá trị “TRÍ TUỆ”, “BÌNH ĐẲNG” thì thật lạ lùng!

Năm Giá trị này cần được giáo dục từ mỗi gia đình, từ lớp Mẫu giáo trở lên cho đến già. Trên cơ sở đó, với mỗi đối tượng sẽ thêm một vài Giá trị đặc thù. Ví dụ làm quan thì thêm Giá trị “Liêm, Chính”; Làm tướng thì thêm “Dũng, Liêm”; quân đội: “Trung với nước, Hiếu với Dân”, v.v…

2.2. Về “giá trị cốt lõi của GIA ĐÌNH Việt Nam”, Hội thảo đề xuất: “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”.

Theo tôi cả 5 giá trị Gia đình này đều không cơ bản. “Ấm no” chỉ là mục tiêu khi xã hội nghèo đói phấn đấu, còn khi xã hội phát triển, điều đó là tự nhiên. “Tiến bộ và Văn minh” rất khó xác định. Vợ, chồng và con đều là đảng viên, cán bộ, đi học bên Tây về đã chắc là gia đình “Tiến bộ, Văn minh” chưa? Các “Gia đình Văn hoá”, “Làng/Khu phố Văn hoá” được công nhận nhan nhản, đã chắc ở đó có các “gia đình tiến bộ, văn minh” chưa?

“Ấm no, tiến bộ, văn minh” chỉ là những khẩu hiệu, không phải những giá trị cốt lõi của Gia đình. Trong khi đó Giá trị “Yêu thương”, “Hiếu thảo” “Hoà thuận” lại không có trong hệ Giá trị gia đình? Thật lạ lùng?

Theo tôi Giá trị Gia đình Việt Nam cốt lõi là: “YÊU THƯƠNG, HIẾU THẢO, THUẬN HOÀ, HẠNH PHÚC”.

Không có YÊU THƯƠNG thì Gia đình tan vỡ, hoặc nếu còn, chỉ là cái xác không hồn.

Với người Việt chữ HIẾU vô cùng quan trọng, nhờ hiếu thảo mà người già Việt Nam có đời sống gắn bó với con cháu có thể nói, tốt hơn người già phương Tây. “Hiếu” cũng là cơ sở của tín ngưỡng thờ phụng Tổ tiên, một phong tục tốt đẹp của dân tộc.

“THUẬN HOÀ” là đặc trưng của đời sống gia đình. Ngoài xã hội thì cần tranh đấu, cạnh tranh, thi đua, so bì, mặc cả, sòng phẳng với nhau; ở gia đình cần tránh những yếu tố đó để “Thuận hoà”. THUẬN HOÀ cũng bao gồm sự Tôn trọng, Bình đẳng… Thực ra khi gia đình có 3 Giá trị kia thì sẽ có “Hạnh phúc”.

Vậy mà Hội thảo quốc gia về Giá trị Gia đình Việt Nam lại vứt béng đi các Giá trị YÊU THƯƠNG, HIẾU THẢO, THUẬN HOÀ là sao? Không hiểu được!

Cũng xin nói thêm, ai chả yêu thích người phụ nữ có “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” theo cách của thời nay. Vậy thì giáo dục con gái trong gia đình nên quan tâm những Giá trị này. Qua trải nghiệm, tôi thấy những người phụ nữ có “Công Dung Ngôn Hạnh” luôn được quý trọng và thường có Hạnh phúc. Hạnh phúc không là Giá trị tự thân, mà nó là kết quả của các Giá trị điều kiện kia mang lại.

2.3. Về Giá trị QUỐC GIA, Hội thảo đưa ra: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Tôi nghĩ “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh” chỉ là khẩu hiệu, không phải Giá trị cốt lõi.

Từ 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định Giá trị Quốc gia, ghi trên các văn bản là: “Việt Nam Dân chủ, Cộng hoà, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Các Giá trị đó xuất phát từ tư tưởng sâu sắc: Dân tộc Độc lập, Dân quyền Tự do, Dân sinh Hạnh phúc. Trong Lăng Hồ Chí Minh có dòng chữ vàng “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!”. Rồi Hồ Chí Minh từng nói: “Nước được Độc lập mà Dân không được Tự do, thì Độc lập cũng không có ý nghĩa gì!”.

Vậy mà các vị lại loại bỏ Giá trị “TỰ DO”? Lạ thật! Không có “Tự do” cũng có nghĩa là “Nô lệ”! Nhà trường từ trẻ Mẫu giáo đến học sinh, sinh viên, Nghiên cứu sinh … không có tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, tư duy chỉ rập khuôn, theo một định hướng, theo đám đông, thì tư duy độc lập, tự chủ, óc sáng tạo của cá nhân sẽ thui chột đi.

“TỰ DO” là Giá trị ghi đậm trong Hiến pháp mà các vị bỏ đi!?

Theo tôi, từ các Giá trị Hồ Chí Minh đã dày công suy ngẫm, chắt lọc, ngày nay cần kế thừa và xác định: Hệ Giá trị Quốc gia/Dân tộc, nên là: “ĐỘC LẬP, TỰ DO, DÂN CHỦ, HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT” là tạm đủ. Nếu có thêm thì thêm “BÌNH ĐẲNG, CÔNG LÝ”. Nhưng thực ra, có Tự do, Dân Chủ thì sẽ có Bình Đẳng, Công lý, Nhân quyền…

Những Giá trị nói trên được hiện thực hoá sẽ có “dân giàu, nước mạnh, văn minh, hạnh phúc”. Cũng xin nói thêm: BÌNH ĐẲNG mới là Giá trị đáng theo đuổi, chứ “Công bằng” thì rất khó đạt được; đòi “Bình đẳng” mới chính đáng, đòi “Công bằng” là không tưởng. “CÔNG LÝ” mới là Giá trị đáng theo đuổi, còn “Pháp luật, Kỷ cương” (như có GS đề xuất) thì Bắc Triều Tiên hiện là xã hội “pháp luật, kỷ cương” nhất thế giới! Và Nga, Trung Quốc đang là “nước mạnh” nhất nhì thế giới đó, nhưng Dân có Tự do, Dân chủ, Hạnh phúc không?

2.4. Về Giá trị VĂN HOÁ, Hội thảo xác định: “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học”. Tôi thấy Hệ Giá trị Văn hoá thế này chẳng giống ai!

Từ lâu Giá trị Văn hoá phổ quát được nhân loại hướng theo là CHÂN, THIỆN, MỸ. Người Nhật có thêm Giá trị ÍCH nữa.

Các tác phẩm Văn hoá, Khoa học được Giải thưởng quốc tế lớn đều được đánh giá theo các Giá trị: Chân, Thiện, Mỹ. Việt Nam khao khát Giải Nobel, mà cứ một mình một kiểu, không hòa nhập với các Giá trị phổ quát của nhân loại thì sao đạt được?

Các công trình Khoa học, tác phẩm Nghệ thuật lớn đều chứa đựng Giá trị “Vì nhân loại” chứ không chỉ cốt vì “Dân tộc” và nhất là không vì một đảng phái, phe nhóm nào.

3. Vấn đề HÌNH THÀNH/GIÁO DỤC Giá trị đối với cá nhân và cộng đồng, xã hội như thế nào mới là vấn đề thực sự Khoa học và cấp thiết cần bàn. Tuy nhiên trong Hội thảo chỉ nêu lên những lý luận chung chung, chủ quan không tưởng. Bài viết này, tôi không thể bàn, vì đòi hỏi trình bày rất cụ thể, hệ thống các phương pháp và cả kỹ thuật, nghệ thuật giáo dục Giá trị.

TÓM LẠI

Giá trị bàn ở đây là các những GIÁ TRỊ TINH THẦN CAO QUÝ được cộng đồng xã hội kỳ vọng, xác định, truyền bá, khiến cá nhân khao khát hướng tới hấp thụ để hoàn thiện, nâng cao Giá trị bản thân; để định hướng hành động và đánh giá các sự vật, hiện tượng cho phù hợp chuẩn mực xã hội. Giá trị quan trọng ở chỗ, nó vừa là những chuẩn khách quan vừa là những nhân tố tâm lý bên trong điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành động của cá nhân.

Khi hệ Giá trị khách quan chuẩn mực và bền vững hoà hợp với hệ giá trị cá nhân sẽ khiến nhân cách vững vàng, xã hội yên bình. Khi hệ Giá trị xã hội sai lệch, bất ổn thì hệ giá trị trong cá nhân cũng đảo lộn, khủng hoảng, dẫn đến nhận thức, thái độ, hành động bất thường.

Nền giáo dục các nước tiên tiến đều hướng đến giáo dục những Công dân toàn cầu, nghĩa là những công dân của mỗi nước không chỉ cốt “đậm đà bản sắc dân tộc” mà phải hoà quyện với những Giá trị phổ quát của nhân loại mới hòa nhập và phát triển tốt trong thế giới văn minh.

Những giá trị Cá nhân/con người, Giá trị Gia đình, Giá trị Quốc gia, Giá trị Văn hoá chúng tôi đề xuất đều mang tính phát huy các Giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời hoà hợp với các Giá trị nhân loại phổ quát, căn bản.

_____

P.S: 1. Tất nhiên bài viết này không có tiền. Nhưng ai/cơ sở nào sử dụng cả bài hay trích dẫn cần phải ghi rõ bản quyền Mạc Văn Trang.

2. Viết xong bài này, tôi cứ ngồi bần thần: Tại sao Hội thảo gồm bao nhiêu Giáo sư, Tiến sĩ lại “đẻ” ra một kết quả như vậy? Tại sao cá nhân tôi có thể đề xuất được như vậy? Đó là vì tôi tư duy MỘT MÌNH, không phụ thuộc vào định hướng của ai. Còn Hội thảo quốc gia vừa rồi là một ĐÁM ĐÔNG tư duy theo một định hướng, nên kết quả như vậy. Điều đó càng cho thấy, TỰ DO suy nghĩ, TƯ DO biểu đạt của mỗi cá nhân quan trọng biết nhường nào.

3. Ảnh: Gia đình tôi luôn lấy Giá trị Yêu thương làm đầu, chẳng biết đến đâu là Tiến bộ, Văn minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét