Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Bóng đá – Đen – Trắng!

 

Bóng đá – Đen – Trắng!

Lâm Bình Duy Nhiên

15-12-2022

Thấy không ít người Việt, trong nước và cả bên ngoài, hay “thắc mắc” về màu da của các tuyển thủ Pháp. Họ bóng gió rằng đó là một đội tuyển Phi Châu chứ không phải Âu Châu.

Trong trận bán kết với Ma-rốc, họ lại “ngạc nhiên” khi cho rằng Ma-rốc của lục địa đen lại toàn cầu thủ trắng hơn đội Pháp!

Họ cố tình không biết lịch sử chính trị giữa nước Pháp và các quốc gia Phi Châu?

Người Pháp gốc Phi Châu đã là thế hệ thứ hai, thứ ba, thậm chí lâu hơn nữa. Họ đơn giản là người Pháp như bao người khác: trắng, đen, bơ và cả vàng!

Nước Pháp nhân bản và nhân đạo dẫu từng có một quá khứ thực dân tồi tệ. Xã hội Pháp ngày nay là một xã hội đa văn hoá và đa sắc tộc, bất chấp những vấn nạn tồn đọng trong xã hội.

Vì vậy, mỉa mai người Pháp sao lắm “da màu” tức đã thể hiện sự ấu trĩ, thiếu hiểu biết và trên hết, một cách gián tiếp, bày tỏ sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc với các sắc dân da màu, “đậm hơn” da vàng của “Con Rồng, cháu Tiên”.

Và nực cười hơn nữa khi cứ bảo nhau rằng Châu Phi là phải “đen” mà không chịu hiểu một điều đơn giản là các quốc gia Bắc Phi, người dân đâu cứ “đen thui” như họ tưởng!

Coi bóng đá nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Cứ phải “đen” và “thuần trắng” thì mới chịu.

Họ cố tình quên rằng khi Lee Nguyễn được khoác áo đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ, thì họ lại vui mừng, tự hào và hãnh diện!

Cứ như thể, chỉ có người Việt mới được quyền di dân, tị nạn, cống hiến hay hội nhập với các quốc gia khác.

Đã là công dân một quốc gia thì bất kể màu da, sắc tộc và tôn giáo, nếu có tài thì sẽ được quyền cống hiến cho đất nước, trong mọi lĩnh vực.

Bối cảnh lịch sử bắt buộc cùng với thời đại toàn cầu hoá khiến cho các làn sóng di dân ngày càng trở nên quan trọng. Tính “thuần khiết” về chủng tộc chỉ còn mang tính tương đối. Thái độ cởi mở, chấp nhận mọi sự khác biệt để cùng nhau sinh sống trong một thế giới ôn hoà mới chính là chìa khoá để tránh mọi xung đột đáng tiếc về chủng tộc.

Đơn giản thế thôi mà sao không ít người vẫn cố tình không chịu hiểu?

Dường như khái niệm “bình đẳng” không hề tồn tại đối với họ. Chỉ có sự cực đoan: chấp nhận bị đè đầu bởi những kẻ “trắng” hơn và ngạo mạn chà đạp những kẻ “đen đúa” hơn mình…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét