Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2022

God Save The King – Chúa phù hộ cho Vua

 

God Save The King – Chúa phù hộ cho Vua

Nguyễn Thọ

10-9-2022

Trong vòng 10 ngày, thế giới chia tay hai nhân vật từng đứng đầu hai đế quốc lớn. Cựu Tổng bí thư Gorbachev và nữ hoàng Elizabeth II.

Ngày ông Gorbachov từ chức tổng thống Liên Xô 25.12.1991 là ngày giải thể và tan rã của một đế quốc, Đế quốc Xã hội (tên này do đảng Cộng sản TQ anh em đặt cho Liên Xô, chứ không phải do kẻ thù gọi). Vậy ngày bà Elizabeth mất liệu có phải là cái mốc cáo chung của đế quốc Anh?

Mikhail Gorbachov làm ra lịch sử vì ông đã tạo ra sự thay đổi rung chuyển thế giới. Điều này thì kể cả những người thù ghét ông nhất cũng phải công nhận. Còn bà hoàng Elizabeth chỉ là nhân chứng lịch sử. Trong suốt 70 năm làm vua, bà chẳng phải quyết định vấn đề gì ảnh hưởng đến nước Anh và thế giới. Mọi việc đã có nội các lo hết, kể cả cuộc chiến tranh chiếm lại đảo Falkland (Malvinas) từ tay Argentina.

Đế quốc Anh đã bắt đầu tan rã từ sau thế chiến thứ hai, khi mất dần các thuộc địa mà trong đó lớn nhất là Ấn Độ. Ảnh hưởng của hoàng gia Anh lên hai nước Úc và Canada thì đã giảm hẳn từ khi Khối Thịnh vượng chung nói tiếng Anh (Commonwealth) thành lập năm 1931. Năm 1997 đế quốc Anh đang rụng lông đã trả nốt thuộc địa lớn cuối cùng của nó ở HongKong cho đế quốc mới đang mọc lông là Trung Quốc. Như vậy sự ra đi của bà Elizabeth II không còn là sự cáo chung của đế quốc Anh.

Nhưng người Anh và thế giới ngưỡng mộ bà vì bà đã tạo ra khuôn mặt dễ chịu cho đế quốc tan rã này. Bà đã góp phần thống nhất Liên hiệp Anh trong những lúc khó khăn nhất. Bà qua đời ở Scotland là vùng đã từ lâu manh nha muốn tách khỏi nước Anh. Cả người Anh ở England, người Bắc Irland, người Scotland hay người xứ Wales đều coi bà là nữ hoàng của họ. Ở Anh, hoàng gia là một cột trụ của nhà nước, nhưng đối với nhiều công dân Anh, nữ hoàng Elizabeth còn là một cột trụ riêng.

Nói một cách khác, Elizabeth II đã góp phần giữ cho quá trình tan rã của đế quốc Anh trong hơn 70 năm qua không vật vã và tàn bạo, như những gì đang xảy ra ở nước Nga hôm nay.

Người Anh là một dân tộc tự hào. Tự hào đến mức coi mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc của họ. Rồi nó vẫn lặn và họ phải nghiến răng chui vào liên hiệp EU để mong tồn tại trong một thế giới đã đổi thay. Đổi thay này khiến các đế quốc già như Đức, Anh, Pháp nếu đứng một mình thì chẳng là gì khi phải địch lại các các cựu thuộc địa cũ như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia. Nhưng rồi chui vào cái chăn chung mà hai cựu thù là Đức và Pháp đang nắm quyền chủ đạo khiến lòng tự hào của cựu đế quốc bị tổn thương.

Thế là Brexit và theo sau Brexit là các hỗn loạn mới. Hỗn loạn ở đây không chỉ là các đoàn xe tải xếp hàng dài cả cây số để thông quan với lục địa, là các siêu thị thiếu hàng hóa, là các cây xăng thiếu nhiên liệu vì không có tài xế,… mà còn là đòi hỏi ly khai của Scotland, vốn vẫn muốn ở lại EU, còn là căng thẳng ở biên giới giữa Cộng Hòa Ireland (thành viên EU) và Bắc Ireland khiến mối đe dọa xung đột vũ trang như những năm 1990 về trước lại tái hiện. Khó khăn chồng khó khăn.

Liên hiệp Anh là một quốc gia hiện đại và phát triển, có một nền dân chủ đại nghị lâu đời. Nhưng hiến pháp Anh vẫn đề cao vai trò đại diện của Hoàng gia. Người Anh vẫn một lòng tin vào vua, chính vì lòng tự hào của họ.

Bảo thủ như người Anh, nhưng cũng rất sẵn sàng thay đổi những gì cần thiết để bảo vệ mình. Kể từ ngày hôm qua, Quốc ca Anh đã thay đổi lời. Từ “God Save The Queen” (Chúa phù hộ nữ hoàng) nay sẽ thành “God Save The King” (Chúa phù hộ cho vua).

“God save our gracious King, long live our noble King, God save the King! Send him victorious, happy and glorious, long to reign over us, God save the King!”.

Việc đổi lời quốc ca này cho thấy rõ rằng người Anh coi vua đại diện cho tổ quốc.

Từ một đế quốc (Empire) tan rã chỉ còn lại một vương quốc (Kingdom) mà không vật vã đổ máu. Trong sáu năm qua, kể từ khi có quyết định Brexit, vương quốc này vật vã nhưng không tan rã, đó là nhờ một phần bởi bộ mặt hiền từ và tấm lòng bác ái của nữ hoàng.

Tôi vẫn khoái cảnh bà cùng Daniel Craig đóng một đoạn phim về điệp viên 007 để quảng cáo cho Olympic London 2012. Bà không làm chính trị, nhưng tính hài hước và sự tinh tế của bà trong các dịp tiếp tân đã góp phần làm cho thế giới này bớt căng thẳng. Là một phụ nữ được giáo dục nghiêm khắc để làm vua, bà có tố chất của một phụ nữ nắm quyền lực và điều này đã bộc lộ trong cách nhìn nhận con, cháu, dâu, rể. Nhưng đó là việc riêng trong gia đình.

Cái chết của bà đưa Liên hiệp Anh ra trước những thử thách ghê gớm. Liệu vua Charles III có giữ được vai trò đoàn kết và hòa giải như mẹ ông, là điều thiên hạ đang hỏi.

Không cần phải là người giải phóng dân tộc, người chèo lái quốc gia, không cần phải là chính trị gia xuất sắc, nhưng sự tinh tế, sự bao dung và lòng tận tụy phụng sự quốc gia có thể khiến một người không có quyết định chính trị nào cho lịch sử được đi vào lịch sử, đi vào lòng người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét