Trọc phú kiến thức và Cộng đồng mất trí
Khải Đơn
Nhân ngày anh Đinh Đức Hoàng nói về trọc phú kiến thức và tâm tư quằn quại để có tri thức nguyên bản dù dưới ánh mặt trời này éo có cái gì là original hết, thì tôi muốn nói về sự vô dụng của tri thức.
Trong nhiều tháng qua, tôi dành thời gian để theo dõi vụ việc những người bị bán qua Campuchia làm lao động. Con đường khiến họ bị lừa khiến tôi bàng hoàng, bởi sau khi đọc lời nạn nhân trở về, tôi nhận ra bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân.
Một cô bé 15 tuổi muốn gặp người bạn cô có cảm tình chat qua mạng. Vừa gặp bạn, cô bị túm lên xe chở qua biên giới đẩy vào khu nhà đóng kín (là sòng bài) và phải làm việc.
Hàng trăm người nhận tin nhắn qua zalo tuyển người chỉ cần biết đánh máy tính cơ bản, một số việc yêu cầu biết tiếng Anh, tiếng Trung, làm việc ở Thái, Campuchia. Hàng trăm nạn nhân này bị dồn từ các biên giới Thái, Việt Nam, Lào về những khu phức hợp từng là sòng bài.
Một cậu trai được người bạn cùng xóm bảo có việc làm tốt, qua Campuchia rồi bị nhốt lại làm việc.
Những bạn gái trẻ trong group chat zalo tìm được việc có thu nhập tốt bên kia biên giới đi qua và bị nhốt lại.
Họ thoát về để kể câu chuyện mà tôi và đám người viết đọc sau khi đã nhảy qua tường, nhảy xuống lầu, bơi qua sông, hoặc gia đình mất từ 3.000 USD - .,000 USD để chuộc họ về.
Trong quá trình giải cứu họ, người thân của họ được nghe các nhà chức trách bảo chắc nó đi đánh bài xong nợ ở lại làm trừ, hoặc biết đâu GPS nó đưa là giả để lừa tiền cha mẹ đó. Có bà mẹ nhận tro cốt của con thay vì thân thể còn sống của con. Có thân người đã trôi theo sông giữa biên giới vì không chịu nổi đòn roi và áp lực làm việc.
Khi về nước, họ bị biên phòng ở cửa khẩu phạt vì xuất cảnh trái phép.
Khi về nước, họ "được" lên báo là "tham việc nhẹ lương cao". Xin hãy xem screenshot, các tờ báo lớn nhất ở Việt Nam gồm có Tuổi Trẻ và Vnexpress rất nhiệt tình sử dụng tít với hàm ý là đáng đời chúng mày, mê việc nhẹ lương cao thì chết ráng chịu. Một comment từ trang Vnexpress được tinh tế sắp xếp lên cao để nắn hình cảm giác của xã hội về những nạn nhân này. Báo Tuổi Trẻ có hẳn cụm từ "việc nhẹ lương cao" để làm tag cho lao động nô lệ bị lừa bán.
VẬY HỌ LÀ AI VÀ LÀM VIỆC GÌ?
Đầu tháng 1/2022, Thông Tấn Xã Việt Nam đăng một bản tin "cả nước có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp trong năm 2021 vì Covid-19". Thất nghiệp là từ vựng nghe khá vô tội. Nó có nghĩa là không có việc làm nữa. 1,4 triệu là 1/90 của quốc gia có 96 triệu dân này.
Có lẽ bạn chưa quên hình ảnh đau xót của hàng chục ngàn chiếc xe máy chạy khỏi Sài Gòn khi kỳ lockdown ập đến.
Trong hàng chục ngàn chiếc xe máy đó, là những người không còn đủ sức gồng tiền trọ, tiền ăn, tiền sống để về lại nơi có thể có chút gì đó mưu sinh. Thế giới 96 triệu dân của chúng ta, ngay cạnh xóm của ta, có những người không còn việc làm để có đồ ăn bỏ vào miệng, có con ngằn ngặt khóc đói, có ba mẹ già cần tiền thuốc không ngừng. Đó chính là những con người "nguy cơ" tìm cách tham VIỆC NHẸ LƯƠNG CAO mà anh em báo Tuổi Trẻ và Vnexpress đưa đó ạ.
Tôi muốn hỏi cái ban biên tập đã can đảm giật tít "việc nhẹ lương cao" có phải nhìn con đói không còn tiền ăn không? Có phải nhìn cả gia đình tiều tụy vì không còn chút gì để sống không? – Tôi biết câu trả lời là không. Tôi làm trong nghề báo giống các anh chị. Chúng ta sống khỏe trong đại dịch vì chúng ta làm tin tức, thời của tin tức mà. Nhưng không phải vì chúng ta có đồ ăn bỏ vào mồm và có phòng máy lạnh để ngồi viết thì ta nên có quyền phán xét về khao khát có thức ăn bỏ vào mồm của người khác. Vậy nhé các bạn.
Tôi nghĩ nếu để nói về chuyện "tham việc nhẹ lương cao", chúng ta nên bàn về những người làm công việc báo chí nhưng quyết mọc rễ trong phòng máy lạnh để giật tít và phán xét về số phận của nhóm người lao động luôn gặp rủi ro và tổn thương trong đại dịch. Vậy kẻ có việc nhẹ lương cao có nên khinh bỉ người khao khát có việc nhẹ lương cao không? Không lẽ người lao động chân tay thì không nên khao khát có chọn lựa và cơ hội tốt hơn? Không lẽ tinh thần đó của họ (giống y hệt các anh chị được may mắn ngồi phòng máy lạnh giật tít) đáng khinh hơn tinh thần đó của các anh chị? Nói tới đây khi nói tới tri thức nguyên bản của anh Hoàng Hối Hận nghe cho sang. Cho dù não các bạn có đẻ ra một đống tri thức nguyên bản mà các bạn éo có tí lương tri với đồng loại, thì tri thức đó tôi trộm nghĩ tôi muốn giật nước xuống WC cho sạch sẽ.
Nhưng những người bị nhốt trong các khu phức hợp đó ở Campuchia phải làm việc gì? – Công việc của họ được mô tả sơ sơ qua trên báo: gọi điện chào mua coin, điện thoại lừa nạp tiền, điện thoại giả hẹn hò nói gửi tiền, điện thoại mời nhấn vào link để phishing tài khoản ngân hàng...
Tôi muốn bạn đọc của tôi dành thời gian ở đoạn này để suy nghĩ một chút: Trong hai năm đại dịch vừa qua, bạn đã nhận được bao nhiêu cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại? Bao nhiêu tin nhắn lừa tiền qua Facebook?
Nếu bạn đếm xong rồi, thì tôi chắc bạn đã có câu trả lời. Rất có thể nhiều cuộc điện thoại bạn nghe được và post lên Faecbook giỡn cho vui như tôi, người bên kia cuộc gọi đang ngồi trong những khu phức hợp đó và gọi cho bạn. Họ không nhận được xu nào sau khi lừa được bạn. Họ bị chích điện hoặc đánh gãy tay nếu không lừa đủ người. Cuối cùng, người thân họ phải "mua" lại họ với giá cả trăm triệu để hồi hương với thân thể tật nguyền và đau đớn.
Một cô bé 15 tuổi mà đồng nghiệp tôi phỏng vấn trở về với viêm phế quản cấp, bị đánh đập đầy thương tích, bị chích điện khi không đủ chỉ tiêu, và khóc liên tục nhiều ngày sau khi được mẹ và những người từng có kinh nghiệm giải cứu cứu về. Cô bé có thể là người đã từng điện thoại cho tôi (hoặc bạn) mời đầu tư qua mạng với lãi suất cao. Cô bé cũng có thể là giọng nói đã mời tôi trúng thưởng sổ xố đặc biệt cần gửi tiền mới nhận được giải. Tôi không biết cô và cô không thể nói qua điện thoại xin hãy cứu em.
Đã lâu rồi, tôi từng phỏng vấn một kiến trúc sư làm nhà ở cho người có thu nhập thấp. Anh giải thích với tôi đại ý thế này: Những người lao động có thu nhập cao hơn một chút như anh hay vợ anh sẽ thuê một cô giúp việc để chăm sóc em bé và một cô phụ việc nhà trong giờ họ đi làm. Nhưng nếu anh không quan tâm cô giúp việc kia có nhà ở hay không, thì khi Tết đến, cô sẽ về quê thăm nhà, cô sẽ bỏ lại anh và vợ thay nhau vật lộn vừa chăm con vừa làm việc nhà. Đó là khi sự bất an của người có thu nhập thấp sẽ làm lung lay cuộc sống của người có thu nhập cao. Nếu hai cô giúp việc có thể mua được căn nhà giá mềm hơn, có thể họ sẽ không ùn ùn đổ về quê để lại anh và vợ không có người phụ giúp. Họ có nhà. Họ an tâm. Anh cũng an tâm.
Tương tự như chuyện anh và cô giúp việc, sự sa thân của 1,4 triệu người thất nghiệp khốn khổ tìm việc làm có thể trở thành tai họa của cả cộng đồng. Cô bé bị bắt qua Campuchia làm mất thân thể. Bạn [ngồi trong nhà mát, văn phòng đẹp] mất tiền vì bị lừa qua điện thoại. Chúng ta mất sự yên tâm của một xã hội có trật tự. Chúng ta trở thành nạn nhân của nhau.
À quên, tôi quên nói là chỉ có người trí thức là được lợi. Họ ngồi trên FB để nói về tri thức nguyên bản, hùng hục cãi cọ nhau, trong số đó có những người hành nghề thông tin, có quyền để kiểm soát các trang thông tin và chế giễu những người tuyệt vọng là "tham việc nhẹ lương cao".
Tại sao họ phải làm những việc này vậy? Để cảm thấy mình và tầng lớp của mình có phẩm giá hơn, cao quý hơn hay sạch sẽ hơn? Để đẩy những nạn nhân lao động bị lừa bán trở về sẽ phải chịu tiếng đời tàn nhẫn từ báo chí, TV, từ hàng xóm, từ những người không quen biết và thừa lời ác động?
Là người có chữ, các bạn đang tạo ra ký ức và quan điểm cho toàn thể xã hội nhìn vào những người may mắn thoát thân trở về. Trong mớ ký ức ti tiện đó, hàng ngàn (biết đâu là chục ngàn) nạn nhân sẽ bị dè bỉu là "tham" là "ngu" là đáng đời, là xứng đáng với những đau đớn thân thể mà họ phải chịu.
Không ai cố gắng tìm cách vẽ ra chân dung của những kẻ thủ ác đánh đập họ trong sòng bài, những kẻ lừa họ đi qua biên giới, những kẻ điều khiển các chuyến hàng người, những cơ quan biên phòng nhẫn tâm vẫn phạt tiền họ sau khi họ thoát về toàn mạng. Những nạn nhân đó sống trong một tinh cầu chỉ có mỗi họ bị hành hạ đến thân tàn ma dại nhưng nhất quyết trên báo không tồn tại gương mặt hay bàn tay gây tội ác nào cả. Thật kỳ diệu.
Ở MỘT VŨ TRỤ KHÁC
Trong ngôi làng ở Indonesia tôi ở, vài tuần trước có một nhân viên nhà nước đến gặp chủ nhà tôi, và giải thích cho vợ chồng anh hiểu không nên đọc những quảng cáo tìm công nhân hay người làm việc đăng trên Nhóm Whatsapp hay Telegram vì đó có thể là lừa đảo bán họ đi nước khác. Những nhân viên này đi đến từng nhà trong làng để giải thích.
Tại Bangkok, ngay trên đường phố, bạn có thể bắt gặp những tờ giấy dán giải thích về nguy cơ có thể bị lừa đi lao động. Chuyện bị lừa bán qua biên giới Thái - Myanmar, Thái - Lào, Thái - Cam là phổ biến. Những bản tin dụ người tôi từng đọc trên các diễn đàn người Việt ở Thái nhiều vô kể.
Có thể vì tôi không đọc tất cả các thứ tiếng bên trên để biết thái độ xã hội với người bị lừa qua biên giới làm lao động nô lệ ra sao, nhưng tôi biết có sự cảnh báo trong cộng đồng.
Còn cảnh báo tôi được đọc ở Việt Nam trên các kênh thông tin quan trọng là cười nhạo nạn nhân. Không có các bài viết giáo dục giải thích về cơ chế lừa đảo. Không có các chất vấn về quy trình và sự hỗ trợ của nhà nước trong việc bảo vệ công dân ở nước ngoài khi họ cần đến nhất. Đường dây nóng kêu cứu cho gia đình nạn nhân không ai đăng. Nhiều người đi kêu cứu người thân mất tích còn bị vặn vẹo là hay là nó đi đánh bạc xong giả mất tích lừa tiền gia đình. GPS có thể làm giả đấy. Rất nhiều nạn nhân sau khi được gia đình tự giải cứu trở về đã phải... nộp tiền phạt vì xuất cảnh trái phép.
Hãy làm một so sánh nhỏ: Tất cả mọi người và các kênh truyền thông, các KOL đều quan tâm anh Hồ Hoài Anh và anh Hồng Đăng được đại sứ quán bảo hộ ra sao sau khi bị túm cổ vì hiếp dâm. Tôi còn nhớ có những KOL nổi tiếng còn bỏ công kiểm tra xem hệ thống pháp lý của Tây Ban Nha vận hành ra sao trước du khách hiếp dâm xong bỏ công viết bài rất chi tiết. Nhưng không một tờ báo nào đi chất vấn vì sao 40 người, 50 người Việt Nam chạy thoát khỏi nơi giam giữ, có người chết đuối vì bơi qua sông biên giới, điện thoại kêu cứu về Việt Nam nhưng không cơ quan nào nồng nhiệt bảo hộ ngày mấy lượt trên báo như cho hai anh hiếp dâm. Cũng không có bài viết nào để người có nguy cơ có thể tìm để xem họ có thể biết thông báo việc làm nào có thể là lừa đảo, những cách lừa đảo với học sinh cấp II-III thì sao, rồi nếu đã bị bán thì tìm đến ai giải cứu, cơ quan nào chịu trách nhiệm phải theo đuổi vụ việc.
Phản ứng đó làm tôi trộm nghĩ sự ăn chơi phạm tội của hai anh diễn viên quan trọng hơn với xã hội chúng ta so với 1,4 triệu lao động thất nghiệp có nguy cơ trở thành những lao động nô lệ ngoài biên giới.
Sự phản ứng đó cũng làm tôi thêm phần thấu hiểu rằng nhóm người yếu thế và kiệt quệ này trong xã hội không xứng đáng có bất kỳ vị trí nào để được trở thành hype hay trend hay tồn tại lồng lộn trong ký ức xã hội, như trọc phú kiến thức, như lòng xào dưa, như Hồ Hoài Anh, như những niềm vui online mà toàn bộ tâm trí của cộng đồng chúng ta đang nhớ đến và hoang hoải kêu gào.
K.Đ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét