Cô Thẩm Thuý Hằng
10-9-2022
Mấy hôm nay đọc tin tức thấy ngôi sao điện ảnh Thẩm Thuý Hằng, người từng một thời được mệnh danh là Người đẹp Bình Dương, vừa qua đời tại Sài Gòn, khiến cho tôi cảm động và bồi hồi nhớ lại vài kỷ niệm với gia đình cô.
Đúng hơn là những kỷ niệm với chồng cô, ông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh và hai người con trai song sinh là Ái Quốc và Quốc Việt.
Đọc báo thấy ảnh các con trai của cô Thẩm Thuý Hằng và ông Nguyễn Xuân Oánh về dự tang lễ mẹ, tôi chợt giựt mình, mới đó đã gần 30 năm tôi không thấy hình ảnh của Ái Quốc và Quốc Việt.
Thời gian trôi nhanh như một cái chớp mắt. Đối với tôi, hơn một phần tư thế kỷ cứ chỉ như mới hôm qua, hôm kia. Thời gian như bị dừng lại kể từ ngày tôi rời khỏi quê hương.
Tôi có nhớ đã từng viết về ông Oánh nhưng đã lâu rồi. Phải mất khá lâu mới tìm lại được bài trên Facebook. Riêng một bài trên trang Dân Luận thì giờ không còn vết tích vì trang báo “phản động” này đã không còn sinh hoạt nữa.
Chia sẻ lại những kỷ niệm khó quên với gia đình cô Thẩm Thuý Hằng trong một bài viết từ năm 2016 như một lời tưởng nhớ và tri ân đến gia đình cô, đặc biệt bác Oánh, người đã gián tiếp biến giấc mơ của cuộc đời tôi thành hiện thực.
Cầu mong hương hồn cô Thẩm Thuý Hằng sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng.
***
Cố Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh
Lausanne, 5-12-2016
Tối nay soạn lại đống thư từ bên nhà gởi sang từ hơn 20 năm qua. Thư gia đình, thư tình, thư bạn bè… tất cả dường như đã nhạt màu theo năm tháng. Ít khi đọc lại vì có nhiều kỷ niệm buồn hơn vui. Bất chợt, trong đống thư ngổn ngang ấy, thấy thiệp chúc Tết của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (1921-2003). Đọc lại, nhớ đến những năm tháng bên nhà và cuộc gặp gỡ với ông đã trở thành một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình.
Khi ấy tôi là sinh viên ĐHTH và chuẩn bị đi học bên Pháp. Tối đến, tôi đi dạy thêm cho học sinh và tình cờ, em trai tôi, quen với cô Thẩm Thúy Hằng (qua những công việc từ thiện), giới thiệu tôi đến làm gia sư cho hai con trai của cô và ông Nguyễn Xuân Oánh.
Hồ sơ xin đi Pháp bị kẹt cứng, dẫu đã có trường đại học nhận nhưng Lãnh sự Pháp từ chối không muốn cấp visa, bảo phải xin được passport thì họ mới cấp. Phía Việt Nam thì lại bảo khi nào có… visa của Pháp thì họ cấp hộ chiếu!
Đã 3 năm chờ đợi cho đến khi gặp ông Oánh, ông biết chuyện nên hứa giúp. Dạo đó (1995) có Jacques Toubon là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp sang thăm Việt Nam, ông Oánh đã đi gặp và hỏi về vấn đề hồ sơ của tôi. Ngày hôm sau, Jacques Toubon nói với ông rằng, hồ sơ bị kẹt vì gia đình tôi, chính xác hơn người bảo lãnh, có vấn đề chính trị với chính phủ Việt Nam!
Đi Pháp hoàn toàn bị bế tắc. Cậu tôi bên Thụy Sĩ đã làm giấy tờ lo cho đi học tại Lausanne. Cha mẹ tôi đã chạy bằng nhiều cách để mua cho bằng được cái hộ chiếu quí giá. Quá trình làm hồ sơ rất mau từ bên Thụy Sĩ. Tất cả cũng chính ông Nguyễn Xuân Oánh đã đưa tôi đi gặp ông Lãnh sự Thụy Sĩ để lo giấy tờ.
Khi ấy ông bảo tôi: “Anh Nhiên ráng giúp cho mấy đứa con tôi thi đậu vào trường chuyên (từ lớp 5 sang lớp 6), việc xin giấy tờ với chính phủ Thụy Sĩ, tôi sẽ lo. Tôi có thể nói một tiếng với nhà trường thì hai đứa nhỏ cũng sẽ được nhận vào, nhưng tôi muốn tụi nó tự thi đậu!“. Tôi xem đó như một lời động viên nhưng đồng thời cũng là một yêu cầu chính đáng. Và chính tay ông Lãnh sự đã gởi hồ sơ của tôi về Berne để xin visa.
Hai đứa nhỏ con ông, Ái Quốc và Quốc Việt, thi đậu vào trường chuyên (Colette), ông Oánh rất vui. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cấp visa cho tôi và ông khuyên tôi nên đi ngay. Ông bảo, “với chính phủ này, chỉ khi nào anh lên máy bay và cất cánh khỏi Tân Sơn Nhất thì mới ổn!”. Tôi rời khỏi Việt Nam chỉ sau hai ngày nhận visa…
Mất gần 5 năm tôi mới được đi học tại châu Âu. Nếu không có sự can thiệp và giúp đỡ của ông Oánh thì có lẽ tôi không thể nào ra đi. Và cũng buồn cười, dẫu bị làm khó, ngăn cản không cho xuất ngoại nhưng nếu biết đường chạy chọt thì cũng “xin” được hộ chiếu!
Dạy học cho con ông hơn một năm, tôi có đôi dịp trò chuyện và học hỏi nhiều từ một nhân vật trí thức quan trọng của đất nước, của cả hai chế độ. Ông bị nhiều người lên án, chê bai đã cộng tác với người cộng sản… Tôi chỉ có thể cho rằng, vượt lên mọi ý thức hệ chính trị, ông là một người yêu nước mãnh liệt. Ông thừa biết chế độ CS tệ hại và bạc nhược nhưng điều đó vẫn không ngăn cản ông ở lại, giúp và cố vấn cho chế độ trên lĩnh vực kinh tế.
Khi ông bệnh nặng, gần qua đời, cha mẹ tôi có đến thăm ông, gọi ông là “thầy” dẫu không học ông ngày nào (ông vốn là tiến sĩ người Việt đầu tiên tại Harvard, và giảng dạy tại đây). Ông vui lắm, dẫu đã rất yếu.
Giờ nhìn lại những dòng chữ ông viết, tự nhủ có những cuộc gặp gỡ thật định mệnh. Tôi thật may mắn khi luôn gặp những người tốt trong những thời điểm tưởng chừng bế tắc trong cuộc đời. Những gì ông Oánh giúp tôi là vô giá. Không đơn thuần là một giấc mơ, mà là cả một bầu trời tự do đang chào đón. Như lời ông dặn khi chia tay: “Anh hãy cố gắng nhé! Thế giới tự do nhiều điều hay lắm!”.
Ông mỉm cười và xua tay bảo tôi về đi. Mới đó mà đã hơn 20 năm!
Post lại bài viết cách đây đã lâu về ông. Như lời tưởng niệm về một trí thức trong một giai đoạn bi thương của dân tộc.
***
Ếch ngồi đáy giếng
16-09-2007
Thấy ông Thủ tướng đảng cộng sản đang đi công du châu Âu. Tôi lại nhớ đến một câu nói, mà theo thiển ý của riêng mình, là bất hủ. Đó là vào giữa thập niên 90, ông tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (cựu Phó thủ tướng kiêm Thống đốc ngân hàng Việt Nam Cộng Hòa), khi ấy là cố vấn kinh tế cho nguyên Thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt, đã nói với người viết rằng: “Tôi dẫn họ đi để cho họ biết thế giới bên ngoài, chứ họ cứ như là con ếch ngồi đáy giếng!”.
Dạo đó, ông Nguyễn Xuân Oánh cũng đã dẫn một phái đoàn của chính phủ cộng sản, do ông thủ tướng Võ Văn Kiệt cầm đầu để đi thăm các nước Châu Âu. Nói là đi thăm chính thức nhưng mục đích cốt yếu là để xin tiền viện trợ, để hòng thay đổi chút ít hình ảnh của một Việt Nam nghèo nàn lạc hậu và độc tài. Đó cũng là những năm sau thời kỳ “Đổi mới” (1986), chính sách mà ông Nguyễn Xuân Oánh là một trong những người chủ chốt đã giúp nhà cầm quyền cộng sản soạn thảo (dưới thời ông cố Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Văn Linh).
Ông Oánh so sánh những người lãnh đạo đảng CSVN như những con ếch!
Con ếch ngồi đáy giếng ngày ấy, cứ tưởng mình là ông trời, là cái rốn của nhân loại trong cái giếng bé tí bé teo. Nhưng khi thấy mấy con ếch khác dần dần nhảy ra khỏi miệng giếng, chỉ để lại nó một mình thì lại bắt đầu cuống cuồng, tìm đường sống. Khổ thay, có ai dẫn dắt nó đi ra ngoài để tận mắt thấy rõ thế giới! Thành phần lãnh đạo thì quá kém cỏi, già cả, ít học làm sao mở miệng nói chuyện với người khác! Muốn xin tiền thì cũng phải biết nơi, biết chỗ có tiền để đi xin. Thế là ông cố tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, một trong những trí thức có tiếng trên bình diện quốc tế, đã đảm nhận vai trò làm cầu nối cho chính quyền cộng sản với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Là một trí thức của VNCH và chấp nhận làm cố vấn kinh tế cho những người cộng sản. Nhưng ông thừa hiểu rằng họ vẫn chỉ là những con ếch, chẳng biết gì về thế giới, về tự do. Họ chỉ nghĩ rằng chuyên chính vô sản là siêu việt, là đỉnh cao trí tuệ!
Tôi cũng còn nhớ hình ảnh ông cán bộ lão thành trong xóm, mấy chục năm tuổi đảng, có lẽ vì ngồi giếng quá lâu nên cứ nghĩ mình là số một. Đó là cái thời mà cộng sản Việt Nam cứ tối ngày gọi Trung cộng là “bọn bành trướng Bắc Kinh” từ trên truyền hình đến báo chí. Ông ta, có lẽ một hôm quá cao hứng, nên tuyên bố với lũ thanh niên chúng tôi là: “Bọn bành trướng mà láo lếu thì đánh bỏ m… chúng. Quân đội ta anh hùng, Mỹ còn đại bại huống chi bọn Tàu!“.
Tội nghiệp cho ông ta là quân đội Việt Nam anh hùng của ông đã bị Tàu cộng đánh tơi tả, chiếm đất, chiếm núi… thế mà chính ông và toàn thể đồng bào của ông trong nước không hề hay biết! Và có lẽ đến giờ ông cán bộ cách mạng lão thành ấy vẫn đinh ninh tin rằng Đảng là sự chọn lựa tất yếu trong sứ mệnh lèo lái dân tộc đi đến “dân giàu, nước mạnh”. Đáng sợ thay con ếch ngồi đáy giếng hay cái chính sách ngu dân, bưng bít thông tin, và bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản!
Con ếch – những người lãnh đạo đảng CSVN – mặc dù sau đó đã nhảy ra được khỏi miệng giếng rồi, nhưng có lẽ nó vẫn còn ì ra, chai lì ra, dẫu biết rằng mình chẳng là gì trong cái thế giới rộng lớn kia. Thế giới mà nó khám phá thực tế lớn hơn nhiều so với cái khung trời nhỏ mà nó thấy qua đáy giếng. Ấy thế mà nó lại cứ quay về cái chốn cũ!
Ngày nay, cứ mỗi khi muốn cải thiện hình ảnh của mình, muốn làm ăn, buôn bán, xin xỏ với thế giới, hay thậm chí tìm kẻ bảo vệ mình thì những người cộng sản lại công du. Hết Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng lại đến Thủ tướng chính phủ cứ rầm rộ kéo phái đoàn đi. Lạ thay là đại đa số những nơi đặt chân đến đều là thế giới của tự do, của nhân quyền, thế nhưng họ vẫn cố tình “làm ngơ”. Như anh chàng vừa mù, vừa điếc lại vừa câm để không thấy rõ cái quyền căn bản của một xã hội văn minh, dân chủ!
Đấy chỉ là một sự cố tình vì họ thừa biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời trên thế giới. Họ cũng biết rằng muốn sống và tồn tại thì phải làm ăn với “bọn tư bản hút máu, bóc lột”. Họ thừa hiểu thế nào là khái niệm dân chủ mà nhân loại đã vật lộn để vươn tới và ngày nay đã trở thành một giá trị không thể chối từ của một dân tộc tiến bộ.
Hiểu nhưng không chấp nhận vì nếu chấp nhận là đồng nghĩa với việc sẽ phải đương đầu với bao sóng gió. Là sự đối mặt với bao tội ác mà họ gây ra cho dân tộc. Là bao sự thật sẽ bị vạch trần trước công luận, là sự chà đạp lên lòng yêu nước của bao thế hệ, là sự hèn nhát đối với tổ tiên đã dày công gìn giữ non sông, là một tòa án do nhân dân phán xét…
Và kết quả mà không mấy khó khăn để tiên đoán là ngày tàn (nếu không tàn thì cũng hấp hối như đảng cộng sản Pháp) của bộ máy cầm quyền vì chẳng có người dân nào còn tin tưởng để bỏ lá phiếu cho họ trong một xã hội dân chủ, đa đảng.
Thế nên con ếch ngày nào dẫu đã có dịp nhảy ra khỏi giếng, chu du thiên hạ, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn… vặt” nhưng rồi vẫn quay về cái giếng cũ. Bây giờ, họ đã học ăn, học nói đôi chút nhờ vào thế hệ “trí thức” mà đảng gởi đi đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Học cái mới chỉ để hòng củng cố sự cầm quyền của đảng. Phải “đổi mới, hội nhập với thế giới” cũng chỉ để tồn tại và đánh lạc hướng dư luận “thơ ngây” trong và ngoài nước.
Ông Oánh đã mãi mãi ra đi, và con ếch mà ông nói đến vẫn còn đó!
Thế mới biết, ngày nào con ếch cộng sản vẫn còn ngồi đáy giếng thì ngày ấy vẫn còn là đại họa cho dân tộc Việt!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét