Nghĩ về một sự tự huỷ mình của một cô giáo
26-9-2022
Tôi nhớ cách đây 45-46 năm, đọc trong phần cuối bộ truyện Anna Karenine, thấy văn hào Nga Leon Tolstoy có một đoạn dài miêu tả tâm trạng và những diễn biến tâm lý của nhân vật nữ. Những suy nghĩ, dằn vặt quay cuồng trong đầu cô gái, càng lúc càng dâng cao, càng lúc càng căng thẳng, cuối cùng cô gái chỉ còn có một chọn lựa cuối cùng là nhảy vào đoàn xe lửa đang chạy.
Dù đã gần nửa thế kỷ không đọc lại tác phẩm này, song ấn tượng mà tôi có được từ những trang viết của văn hào Tolstoy khiến tôi nhớ mãi. Ông viết tinh tế, sâu sắc đến nổi khi ấy, tôi tự nhủ rằng nếu mình lâm vào hoàn cảnh như cô gái kia, trong đầu mình cũng quay cuồng những suy nghĩ, những tâm trạng đó, chắc mình cũng lao đầu vào đoàn xe lửa mất!
Mấy ngày qua, tình cờ đọc tin về sự tự sát của một cô giáo ở độ tuổi 30, bỗng nhiên mình nhớ đến tác phẩm Anna Karenine của văn hào Tolstoy. Với mình, khi có một quyết định dứt khoát như thế, cô giáo đáng thương ấy đã phải trải qua những ngày giờ căng thẳng cùng tột, trong những hoàn cảnh bi đát như thế nào. Trong một xã hội mà khái niệm tự do dù có bị hạn chế đến đâu, con người vẫn còn một thứ tự do gần như tuyệt đối, đó là tự do quyết định kết thúc cuộc sống của mình.
Trên mạng xã hội những ngày qua, cái chết của cô giáo ấy gợi lên trong lòng nhiều người nỗi cảm thương sâu sắc. Người ta liên tưởng đến thân phận một tầng lớp “trồng người” đang bị đè nèn, giày vò bởi một cơ chế giáo dục cần được cải thiện, đổi mới từng ngày, từng giờ; những người làm giáo dục còn có lương tâm hẳn cũng phải nghĩ đến một phần trách nhiệm của mình trước cái chết thương tâm của một nhà giáo nằm trong chức trách lãnh đạo, hướng dẫn, động viên, hỗ trợ và cả yêu thương của mình. Cái chết đó không chỉ là sự chọn lựa cách giải thoát phù hợp trong tình thế khốn cùng nhất mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh gióng lên trong một xã hội mà rất nhiều giá trị bị đảo lộn, đạo đức của con người bị băng hoại trước sự cám dỗ của quyền lực, sự chi phối của đồng tiền.
Vậy mà trong cái chết ấy, có một số kẻ nhận định đó là cái chết “lãng xẹt, nhạt nhẽo, yếu đuối, ích kỉ…”. Phải chăng họ lấy cuộc sống đầy đủ, nhởn nhơ của họ làm lăng kính soi rọi vào cuộc sống của người khác và chê bai, phê phán những cuộc sống nào không phản ánh được những gì toát ra từ cuộc sống của họ? Trước một cái chết thương tâm vì hoàn cảnh xã hội đè nặng lên cuộc đời một nhà giáo, những lời phê phán của họ không chỉ nói lên sự nhẫn tâm, mà còn tố cáo tính cách nông cạn của họ. Ngày 30.4.1975, khi các tướng VNCH Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng … tự tìm đến cái chết, họ có lãng xẹt và ích kỷ không? Hay là từ gần 50 năm qua, hàng triệu người Việt Nam đã vinh danh những cái chết đó và cúi đầu tự thẹn trước sự tồn tại nhục nhằn của chính mình?
Không nhỏ được giọt nước mắt nào xót xa cho thân phận một đồng bào, đồng nghiệp của mình thì xin đừng mượn cái chết của họ để đánh bóng mình bằng những lời phê phán vô tâm và lạc điệu.
Cái chết đáng thương của một nhà giáo, từng theo đuổi một nghề cao quý luôn được xã hội đề cao, thêm một lần cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm trong ngành quản lý giáo dục. Và cũng là một kinh nghiệm cho những đồng nghiệp của cô, cố làm sao đừng để lâm vào những cảnh ngộ như cô, để phải đau đầu trước sự chọn lựa giữa sự sống nhục nhằn, bất lực,và cái chết thương tâm.
Trong một tương lai gần, nếu không có những cơ chế quản lý khoa học, hợp lý, dựa trên một nền tảng giáo dục nhân bản thì những cái chết như thế sẽ tiếp tục diễn ra và tiếp tục là nỗi ám ảnh của mọi người!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét