Hãy chung tay bài trừ tận gốc nạn buôn người có hệ thống ở Việt Nam (Bài 1)
VIỆT NAM BỊ XẾP HẠNG 3 TRONG NẠN BUÔN NGƯỜI
Ngày 19 tháng 9, 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào Hạng 3, tệ hại nhất về nạn buôn người, làm ảnh hưởng đến thể diện quốc gia và có thể đến các chương trình viện trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam.
Nạn buôn người mang tính hệ thống làm căn cứ cho việc xếp hạng là hình thức buôn người lao động lồng trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước.
Phản ứng lại, chính quyền Việt Nam đã ngưng biện hộ vu vơ như trước. Cũng ngày 19 tháng 7, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội gửi văn thư triệu tập buổi họp khẩn với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đồng thời bốn bộ đã ký quy ước chung để hỗ trợ nạn nhân buôn người sau khi hồi hương: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Đây là những động thái ban đầu đáng khen nhưng chưa đủ. Để bổ sung, Việt Nam Thời Báo hợp tác với chương trình CAMSA (Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu) của BPSOS nhằm cung cấp thông tin về phòng, chống buôn người cho người dân trong nước. Họ sẽ biết cách đề phòng để không trở thành nạn nhân, và nếu là nạn nhân thì biết cách cầu cứu đúng nơi, đúng cách.
Trước hết, chúng tôi phổ biến thành nhiều kỳ bản báo cáo mà qua đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam vào Hạng 3. Mỗi kỳ chỉ vừa đủ để in ra không quá 2 trang giấy nhằm dễ phổ biến. Kèm đây là bài đầu tiên. Chúng tôi kêu gọi các cá nhân, nhóm và cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước giúp phát tán.
Báo Cáo Buôn Người 2022
VIỆT NAM: HẠNG 3
Nguyên văn bản báo cáo tiếng Anh: https://www.state.gov/reports/2022-trafficking-in-persons-report/vietnam/
Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và chưa có nhiều nỗ lực để thực hiện điều này, ngay cả khi xem xét tác động của đại dịch COVID-19 đối với năng lực chống buôn người; do đó Việt Nam bị tụt xuống hạng 3. Mặc dù thiếu những nỗ lực đáng kể, chính phủ đã thực hiện một số bước để giải quyết nạn buôn người, bao gồm việc thiết lập các chính sách điều tra chính thức với trọng điểm là trẻ em nhằm giải quyết những thiếu sót lâu nay trong luật hiện hành; tăng cường hợp tác thực thi luật pháp quốc tế; bắt đầu một quá trình để đánh giá một luật chống buôn người đã có từ trước để sửa đổi sau này; đạt được mức tăng khiêm tốn đầu tiên về nhận dạng nạn nhân trong năm năm qua; và hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn so với năm 2020. Chính phủ VN cũng ban hành một loạt chính sách nhằm loại bỏ phí dịch vụ và hoa hồng mà người lao động đang phải trả mà trước đây đã khiến người lao động Việt Nam có nguy cơ cao bị cưỡng ép vì đang phải gánh một món nợ quá cao trong nhiều ngành lao động tại những quốc gia thường mướn nhiều lao động Việt Nam nhất.
Tuy nhiên, chính phủ đã báo cáo là số người bị toà kết tội vi phạm luật buôn người lại giảm so với năm trước, và con số này đã giảm mỗi năm trong 5 năm liên tiếp; số kẻ phạm tội bị chính phủ VN truy tố cũng giảm đáng kể so với năm 2020. Các cơ quan chính quyền đã kiểm tra hàng nghìn cơ sở có nguy cơ cao nhất về buôn bán tình dục mà không xác định được bất kỳ nạn nhân nào của buôn bán tình dục trong quá trình này, mặc dù tệ trạng này phổ biến rộng rãi tại các cơ sở này. Chính phủ không quy trách nhiệm hình sự hoặc hành chính đối với hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cáo buộc đồng lõa trong việc công dân Việt Nam bị buôn ra nước ngoài trong thời gian báo cáo, và đã không nỗ lực đầy đủ để bảo vệ các nạn nhân trong những trường hợp này. Ngược lại, quan chức VN đôi khi được cho là đã sách nhiễu và gây áp lực với những nạn nhân được giải cứu và gia đình của họ để họ không dám tố cáo sự đồng loã này.
KHUYẾN NGHỊ ƯU TIÊN:
• Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi luật chống buôn người, bao gồm cả việc sửa đổi bộ luật hình sự để hoàn toàn hình sự hóa tội phạm buôn bán tình dục trẻ em 16 và 17 tuổi phù hợp với luật pháp quốc tế.
• Mạnh mẽ truy tố tất cả các hình thức buôn người, kết tội và trừng phạt những kẻ buôn người, kể cả trong các trường hợp liên quan đến lao động cưỡng bức hoặc quan chức đồng lõa.
• Tiếp tục đào tạo các quan chức về việc thực hiện các hướng dẫn đối với Điều 150 và 151 của bộ luật hình sự, tập trung vào việc xác định và điều tra các vụ lao động cưỡng bức và buôn bán nội tạng, bao gồm cả những vụ liên quan đến nạn nhân là nam giới.
• Phối hợp với xã hội dân sự, cập nhật và đào tạo cán bộ về các hướng dẫn nhận dạng nạn nhân, và tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như lao động nhập cư; các cá nhân hoạt động mại dâm, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái bị phát hiện khi công an truy quét và kiểm tra các cơ sở kinh doanh tạo điều kiện cho hoạt động mại dâm; lao động trẻ em; và công dân Bắc Triều Tiên và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa).
• Hoàn thiện và thực hiện các sửa đổi đối với Cơ chế giới thiệu quốc gia năm 2014 (NRM).
• Loại bỏ tất cả các khoản phí tuyển dụng do người lao động trả và các phương thức tuyển dụng có tính chất lợi dụng đối với người lao động được xuất khẩu ra nước ngoài hoặc hồi hương về Việt Nam; tăng cường nỗ lực giám sát các công ty tuyển dụng lao động, các công ty môi giới phụ của bên thứ ba, và các biện pháp bảo vệ được nêu trong các hợp đồng lao động nhập cư; và truy tố các mạng lưới môi giới phụ bất hợp pháp hoặc ”săn mồi”.
• Mở rộng đào tạo cho các nhân viên xã hội, những nhân viên cứu hộ khẩn cấp, các nhà ngoại giao và cơ quan tư pháp về chăm sóc cho các trường hợp có thông tin nạn nhân bị chấn thương tâm lý hoặc thể chất và các phương pháp tiếp cận đặt trọng điểm vào sự an toàn của nạn nhân để họ biết cách giúp các nạn nhân buôn người.
• Thực hiện và phân bổ đủ nguồn lực cho kế hoạch hành động quốc gia 2021-2025 (NAP).
• Mời xác minh độc lập về việc chấm dứt lao động cưỡng bức trong các trung tâm điều trị ma túy và công bố kết quả xác minh đó.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét