Vụ 37 ngư dân Quảng Ngãi bị Malaysia bắt giữ, đánh đập: Bộ Ngoại giao “làm việc” kiểu “tê liệt”?
Ba Sàm
Không phải cho tới bây giờ mới có hiện tượng nhiều ngư dân Việt bị nước ngoài bắt giữ, ngược đãi, phạt tù, phạt tiền, tịch thu ngư cụ…, mà nó đã diễn ra nhiều năm, ở Indonesia là nhiều nhất. Có thể họ thực sự vi phạm luật pháp nước bạn, có thể bị oan, nhưng dù vi phạm hay không thì cũng phải được đối xử nhân đạo, được xét xử nghiêm minh và được cơ quan ngoại giao tích cực bảo hộ công dân.
Thế nhưng, từ nhiều năm nay, qua báo chí, thấy vai trò của Bộ Ngoại giao trong những vụ như vậy là rất mờ nhạt, yếu ớt. Trong vụ mới đây, được báo Tuổi trẻ đưa lên càng thấy rõ.
Dù được cả UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn gửi công văn nhắc nhở, bày vẽ cho là “các lực lượng chức năng trong nước xác nhận thời điểm tàu cá bị bắt giữ đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam”, thế mà Cục Lãnh sự của Bộ này chỉ có “làm việc” rồi đề nghị “đối xử nhân đạo”, “sớm xử lý vụ việc”, “tạo điều kiện cho ngư dân về nước”. Còn trước đó một tháng, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Sứ quán VN ở Malaysia cũng chỉ “xác minh”, “hỗ trợ” …, rồi Cục Lãnh sự cũng chỉ “giao thiệp”, “đề nghị” “đối xử nhân đạo”.
Ngư dân mấy năm nay, trong nước đã quá khổ, từ hệ quả của Nghị định 67, rồi giá xăng dầu lên cao, … nay ra ngoài cũng không yên nữa.
Nếu bảo là Sứ quán ở đó, cái Cục này, Bộ này quá bận vì đang mắc đại án, nên nó vậy thì cũng không phải. Mà tình trạng đó diễn ra đã lâu rồi.
Hai cơ quan cấp bộ cùng ủy ban tỉnh chắc phải có một … “trọng tài”? Đó là thủ tướng! Thấy nhiều vụ việc trong nước, ông chỉ đạo rất nhanh, như vụ sập tường chết người ở Bình Định và vụ cháy quán karaokemới đây, dẫu đương nhiên các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay rồi, nhưng Thủ tướng vẫn phải có công điện hỏa tốc, đều ngay sau một ngày.
Hay là chuyện các ngư dân bị bắt chưa thuộc loại … cháy nhà chết người? Hay cách xử sự như vậy mới đúng là theo “trường phái ngoại giao cây tre” – nó cứ … đong đưa, đong đưa mãi?
Nguồn: basam.vet
37 ngư dân Quảng Nam kể chuyện bị phía Malaysia bắt giữ, đánh đập
Lê Trung - Trường Trung
23/09/2022
TTO – Sau nhiều tháng bị phía Malaysia bắt giữ với lý do vi phạm Luật thủy sản của nước này, 37 ngư dân trên tàu câu mực Quảng Nam đã về nhà trong cảnh trắng tay.
Hoảng loạn, mệt mỏi, những ngư dân “ăn sóng nói gió” trở về nhà trong nước mắt.
Ngư dân: “Chúng tôi bị đánh đập, giam giữ, xử phạt”
Sáng nay 23-9, ngôi nhà của ông Trần Văn Mạnh (41 tuổi, thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, thuyền trưởng tàu QNa – 95005) kín người đến thăm hỏi, động viên ông và những thuyền viên sau nhiều tháng bị giam giữ ở Malaysia.
Tàu ông xuất bến vào ngày 25-4, hành nghề câu mực, trên tàu có 42 ngư dân, ngày 11-6 bị cảnh sát biển Malaysia bắt giữ vì cho rằng vi phạm Luật thủy sản 1985 của nước này.
Ngày 30-8, Tòa án Kota Kinabalu (Malaysia) đưa vụ án ra xét xử, buộc ông nộp phạt hơn 900 triệu đồng, 36 ngư dân cũng bị phạt tiền, tổng số tiền họ nộp phạt khoảng 5 tỷ đồng. Sau phiên tòa, họ đã nộp phạt nhưng phải chờ hơn 20 ngày mới được trả tự do về nước.
Mất tiền nộp phạt, mất cả con tàu đầy ắp 30 tấn mực, ông Mạnh như người mất hồn, ba tháng bị giam giữ ông sút hơn 15 kg.
“Sau hai tháng đánh bắt, chỉ còn bốn ngày nữa là tàu vào bờ với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay. Ai cũng vui sướng vì nhẩm tính tiền mực bán ra cũng được 5-6 tỷ đồng. Nhưng tàu tôi bị tàu cảnh sát biển Malaysia bắt lại và trải qua cảnh sống như địa ngục” – ông nói.
Anh Trần Văn Sửu (32 tuổi, em trai của ông Mạnh, thuyền viên) kể lại khoảng 8h ngày 11-6, khi tàu đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam thì thấy tàu cảnh sát biển Malaysia tiến đến gần.
“Tàu đó chặn trước mũi tàu chúng tôi, yêu cầu đầu hàng, rồi họ quay phim lại để cáo buộc tàu mình tông tàu họ, tiếp tục tông tàu mình ba lần khiến tàu hư hỏng phần phía sau. Tàu mình thoát ra, chạy được khoảng một hải lý thì tàu họ chạy tốc độ cao tông trực diện mạn trái khiến chìm một nửa, chết máy” – anh Sửu kể.
Chiếc tàu trên cập mạn tàu anh, bắt 42 thuyền viên đi qua tàu họ rồi đánh đập anh em thuyền viên, xích tất cả lại. “Họ bắt chúng tôi làm trò hề như nhảy múa để quay phim lại, lấy hết số mực chúng tôi đánh bắt được, tịch thu điện thoại, tiền bạc, vật dụng không chừa thứ gì” – anh Sửu kể.
Tàu phía Malaysia chở họ về đất liền nước này rồi giao cho cơ quan chức năng, tạm giam 14 ngày điều tra. 5 ngư dân tuổi vị thành niên và người có bệnh nền đã được giải quyết thủ tục đưa về nước vào giữa tháng 7. 37 người còn lại thì bị xử với cáo buộc vi phạm Luật thủy sản, nộp phạt.
Còn ông Tình Thạnh (42 tuổi, thuyền viên), cho biết lúc bị giam giữ họ rất khó khăn trong việc sinh hoạt, ai cũng bị muỗi cắn, nước không đủ uống, tắm rửa, cơm ăn bị sống, nơi giam giữ mất vệ sinh. “Anh em chúng tôi ai cũng hoảng loạn, sợ hãi” – ông Thạnh nói.
Bà Trần Thị Tình (40 tuổi, vợ thuyền trưởng Mạnh) nói rằng sau khi nghe tin tàu của chồng bị bắt giữ, bà có cầu cứu cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ, vay mượn tiền nộp phạt cho chồng.
“Chồng trở về an toàn là mừng lắm, giờ chúng tôi trắng tay, mong sao các cấp chính quyền hỗ trợ để đóng mới lại tàu vươn khơi bám biển” – bà Tình bày tỏ.
Tàu hoạt động trong vùng biển Việt Nam
Tháng 7-2022, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn gửi Bộ Ngoại giao về việc hỗ trợ tàu cá ông Mạnh, cho biết qua kiểm tra hệ thống giám sát tàu cá của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, từ ngày 25-4 đến ngày 11-6, tàu chủ yếu hoạt động ở vùng biển phía nam – tây nam quần đảo Trường Sa.
Lúc 8h – 9h ngày 11-6, tàu ở vị trí cách đảo Trường Sa khoảng 9 hải lý về phía đông nam thì bị phía Malaysia bắt giữ. Qua trích xuất dữ liệu giám sát hành trình tàu này của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 25-4 đến ngày 11-6 (ngày tàu bị bắt), tàu hoạt động nằm trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản của Việt Nam.
Giữa tháng 9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao, cho rằng qua thông tin cung cấp, việc tàu cá QNa-95005 bị Malaysia bắt giữ, xử lý đã được các lực lượng chức năng trong nước xác nhận thời điểm tàu cá bị bắt giữ đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Tháng 8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Cục Lãnh sự đã làm việc với đại diện Đại sứ quán Malaysia về việc này, đề nghị phía Malaysia đối xử nhân đạo với các ngư dân và sớm xử lý vụ việc phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tạo điều kiện cho các ngư dân về nước.
Mới đây tỉnh Quảng Nam có công văn yêu cầu sở, ngành, địa phương nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ tàu cá để tham mưu, đề xuất các phương án hỗ trợ ngư dân.
L.T. – T.T.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét