Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Thượng đẳng, hạ đẳng và bình đẳng

Thượng đẳng, hạ đẳng và bình đẳng

27-2-2020
Một cô giáo quỳ xuống vì lo sợ điều chuyển đến vùng sâu. Ảnh: internet
Hàn Quốc. Một trong những quốc gia đầu tư FDI rất nhiều vào Việt Nam. Họ cũng có rất nhiều người đến Việt Nam sinh sống, làm ăn. Hướng ngược lại, có rất nhiều người Việt sang Hàn Quốc làm thuê hay giấc mơ cô dâu xứ người để lo cho cha mẹ hay đổi đời.
Đám đông bức xúc vì du khách Hàn từ chối bánh mì Việt Nam phục vụ họ. Đám đông lại phản đối khi cũng nhóm du khách này đòi ở khách sạn 4 sao thay vì hợp tác vào khu cách ly. Càng bức xúc nữa khi một nick được cho là người Hàn coi mình là thượng đẳng so với người Việt. Và giọt nước tràn ly khi Tổng thống Hàn gọi những lính đánh thuê của họ tại Việt Nam trước 1975 là yêu nước.
Đó là những góc nhìn, những phát ngôn mà thực sự chúng ta rất khó ngăn cản. Nhiều nhất là “nhắc nhở nghiêm khắc” Đại sứ của họ về mặt ngoại giao. Hay tệ hơn, vào chửi nhau với người ta vô tội vạ bằng những ngôn từ thực sự hạ đẳng.
Chỉ là có lẽ cần nhìn lại suốt một quá trình để diễn ra điều đó…
Sau cuộc tấn công tiêu diệt tướng Soleimani (Iran), tổng thống Mỹ tuyên bố: “Thông điệp của chúng tôi tới những kẻ khủng bố rất rõ ràng: Các người sẽ không thoát khỏi công lý của Mỹ. Nếu tấn công công dân Mỹ, các người sẽ mất mạng.” Trong góc độ của chính quyền hay người dân Iran thì chưa chắc điều này đúng. Nhưng đấy lại là một hành vi bảo chứng sự bảo vệ công dân mà chính phủ Mỹ thực hiện với người Mỹ.
Thì nếu hôm nay người Việt có bị coi là hạ đẳng bởi một cá nhân nào đó thì hãy khoan tức giận. Người Hàn sẽ không dám/không thể nói như vậy với một công dân Mỹ. Đó là tâm thế! Và trong một tâm thế nào đó, việc những bạn trẻ hiện nay hôn chiếc ghế mà sao Hàn từng đặt mông xuống có phải là sự hạ đẳng hay không?
Thượng đẳng hay hạ đẳng, là vấn đề của loài người mà chủng tộc, quốc gia hay cá nhân nào đó đang mặc định đầy thiên kiến. Còn bình đẳng là một tâm thế khác công bằng và khó khăn hơn nhiều.
Nhưng một điều cơ bản là cá nhân/chủng tộc/quốc gia muốn bình đẳng thì phải có thực lực và ý thức xây dựng thực lực.
Chứ không phải tự sướng với nhau về ánh dương chiếu rọi, thời đại rực rỡ, thế nước đang lên, quang vinh muôn năm.v.v.. (Đôi khi nghĩ lại mà xấu hổ vì một thời ngạo mạn, lấc cấc của bản thân người viết, huống gì là các phát ngôn cấp quốc gia, quốc tế.)
Thực tế luôn có câu trả lời và hành xử hôm nay của một công dân Hàn Quốc hay phát ngôn của tổng thống nước họ, phải chăng vì người Việt/nước Việt đã cho họ “điều kiện” phát triển một tâm thế “bề trên” như vậy?
Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu. Nhưng nếu mang một tâm thế cúi đầu toàn diện cũng là cách cho kẻ khác có cơ hội… “trèo lên đầu”.
“Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống..” (Marat)
Hãy nhìn thực trạng quốc gia trước, trong và sau dịch corona để điểm lại xem người Việt/nước Việt sẽ có thực lực gì để ngẩng cao đầu… Không thể là những trận thắng bóng đá cấp độ… ao làng khu vực. Càng không phải là thứ GDP cao vút nhờ FDI, bán tài nguyên hay tăng thuế phí và huỷ hoại môi trường.
Để chí ít thấy mình có sự bình đẳng trong ngoại giao, ví dụ như Biển Đông chẳng hạn. Vì bình đẳng thực sự chưa bao giờ là “chúng tôi cực lực phản đối” thành nhàm mãi được. Và cả chuyện tham nhũng… ổn định đều đặn tàn phá quốc gia nữa.
Chứ để câu “Hèn với giặc, ác với dân” lưu truyền dân gian hoài coi sao đặng? Chứ để những kẻ kiếm lợi từ đầu tư FDI coi thưởng mãi sao đặng? Và những biển cảnh báo ăn cắp tiếng Việt xuất hiện ở nước ngoài coi sao đặng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét