Đồng bằng sông Cửu Long: Kênh rạch cạn kiệt, ruộng đồng héo khô
Quốc Trung
Hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bước vào cao điểm. Nhiều tháng qua cả vùng không có một trận mưa giải nhiệt, kênh rạch cạn kiệt trơ đáy, nguy cơ cháy rừng ở mức báo động đỏ; mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp, đời sống người dân đảo lộn…
|
Cánh đồng lúa ở huyện Long Phú, Sóc Trăng đang thiếu nước ngọt trầm trọng.
Theo Tổng cục Thủy lợi, tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay sẽ xảy ra sớm hơn, sâu hơn và nghiêm trọng hơn năm 2015-2016,năm được coi là nặng nề nhất. Tình hình diễn biến phức tạp dưới tác động của tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, triều cường và nước thượng nguồn sông Mêkông xuống thấp.
Lo cháy rừng
Thống kê của ngành chức năng Cà Mau, toàn tỉnh hiện có hơn 10.200 ha rừng ở mức báo động cháy cấp trung bình (cấp 2), hơn 15.100 ha rừng ở mức báo động cháy cấp cao (cấp 3), gần 13.200 ha rừng ở mức báo động cháy cấp nguy hiểm (cấp 4) và gần 3.000 ha rừng ở mức báo động cháy cấp cực kỳ nguy hiểm.
Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ Lê Thanh Dũng cho biết, do hạn kéo dài và sớm hơn mọi năm nên hơn 8.527 ha rừng của đơn vị đang ở mức báo cháy cấp III. Đặc biệt có trên 2.500 ha rừng bên trên dây leo đã khô héo, bên dưới lớp than bùn cũng khô hanh.
Tại Kiên Giang, khu vực Vườn quốc gia U Minh Thượng cũng đang trong tình trạng báo động. Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng cho biết, thời điểm này đang là cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt kéo dài, nước bốc hơi nhanh nên mực nước dưới kênh rạch cạn xuống dần, trung bình mỗi tháng khoảng 15cm. Nếu tiếp tục khô hạn, lâm phần Vườn Quốc gia U Minh Thượng cấp dự báo cháy rừng cấp 3, cấp 4 và có nơi cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào.
Mới đây, ngày 21/2, gần 21.000m2 ruộng lúa của 3 hộ dân ấp 1/5 (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch thì bị cháy rụi hoàn toàn. Thời điểm xảy ra vụ cháy thời tiết nắng gắt, gió lớn cộng thêm ruộng lúa bị khô hạn, nên không thể cứu được.
Người dân huyện Long Phú (Sóc Trăng) xót xa vì lúa chết khô.
Lúa chết khô
Nhiều hộ dân trồng lúa vụ 3 ở huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đã phải ngậm đắng khi hàng trăm ha lúa ở khu vực này bị thiệt hại gần như mất trắng do hạn mặn kéo dài. Ông Thạch Tiến, nông dân ở xã Tân Hưng (huyện Long Phú) buồn rầu khi hơn 5 công đất trồng lúa vụ 3 của gia đình ông bị thiếu nước trầm trọng, nền ruộng nứt nẻ, toàn bộ lúa đang chết khô vì thiếu nước, trong khi các con kênh, rạch trên địa bàn có nơi cạn kiệt, nơi nào còn nước đã nhiễm mặn nặng…
Các cánh đồng lúa ở các xã khác trên địa bàn huyện Long Phú như Long Đức, Trường Khánh, Tân Hưng…cũng trong tình trạng tương tự. Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Long Phú, vụ Đông Xuân muộn năm nay trên địa bàn huyện có khoảng 3.700 ha, diện tích này đã giảm nhiều so với hơn 15.000 ha của vụ mùa năm ngoái.
Ông Trần Trí Dũng- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú cho biết, vụ lúa Đông Xuân muộn năm nay trên địa bàn thị trấn sản xuất hơn 238 ha. Thời điểm này, nhiều diện tích xem như mất trắng do xâm nhập mặn đến sớm và kéo dài.
Ở khu vực ĐBSCL, khi hạn mặn diễn ra thì khu vực huyện Gò Công Đông của Tiền Giang được xem là bị thiệt hại sớm nhất. Anh Dương Văn Thanh Vũ ngụ ấp Kênh Ngang, xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) đành bó tay khi hơn 6 công lúa không có nguồn nước tưới, gần như hư hoàn toàn, đến người mua cho vịt ăn cũng không có hứng thú đủ biết thiệt hại như thế nào. Theo anh Vũ, chưa năm nào hạn hán khắc nghiệt như năm nay. Đến như mùa khô năm 2015-2016 cũng còn lúa để gặt, không đến nỗi mất trắng như năm nay…
Ông Nguyễn Quốc Minh- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành của huyện Gò Công Đông lo lắng nếu vài ngày nữa mà không có nước ngọt để tưới thì hơn 1.200ha đất trồng lúa có nguy cơ mất trắng.
Người dân phải mua nước ngọt
Bến Tre là địa phương nằm ven biển, đợt hạn, mặn năm nay tỉnh này hầu như bị bủa vây tứ phía. Thống kê của ngành chức năng Bến Tre, toàn tỉnh còn khoảng 57.000 hộ dân ở xa nội đồng thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trên các cánh đồng nhìn cảnh bà con ngậm đắng đội nắng cắt lúa non gần như chết khô vì nhiễm mặn về cho bò ăn mà xót xa.
Ghé vào nhà một hộ dân ở xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nơi đây mặn đã bủa vây nhiều ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa cũng như nhiều hộ dân ở đây khoảng hơn 1 tuần qua phải sử dụng nước máy nhiễm mặn. Tuy nhiên cũng chỉ để rửa chén bát và tắm sơ qua chứ không thể dùng để nấu ăn vì độ mặn quá cao.
Hiện trên 200 ngàn người dân tại 24 xã, thị trấn đang sống xung quanh hồ chứa nước ngọt ở huyện Ba Tri đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng vì hiện nay toàn bộ nước trong hồ cũng đã bị nhiễm mặn. Ông Dương Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri, cho biết dù nước trong hồ chứa nước ngọt Ba Tri đã bị nhiễm mặn, có lúc lên đến 1,45‰ nhưng vẫn còn đỡ mặn hơn những nguồn nước khác…
Tình hình hạn mặn ở ĐBSCL vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, với mức độ gay gắt. Vì thế, chính quyền địa phương cùng người dân cần chủ động hơn nữa để giảm thiểu thiệt hại. Trong đó rất cần có biện pháp trữ nước ngọt để ổn định sinh hoạt.
Từ năm 2007-2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước luôn tăng và tốc độ tăng ngày càng cao. Giai đoạn 2007-2012, trung bình mỗi năm tăng 5,8%; giai đoạn 2013-2018 trung bình tăng 6,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) vùng ĐBSCL lại giảm. Giai đoạn 2007-2012, GRDP của ĐBSCL tăng trung bình 5,7%, thấp hơn cả nước 0,1 điểm phần trăm; đến giai đoạn 2013- 2018, trung bình mỗi năm chỉ tăng 5,5%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm. Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm 10%, GRDP của vùng ĐBSCL có thể giảm 1,84%, GDP cả nước có thể giảm 0,09%.
Nếu nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm 15% thì GRDP vùng giảm 2,75% và GDP cả nước giảm 1,2%.
Nếu nhóm ngành này giảm 20%, GRDP vùng giảm 3,7% và GDP cả nước giảm 1,7%.
Như vậy có thể thấy, nếu ĐBSCL tăng trưởng thấp sẽ ảnh hưởng không chỉ đối với trong vùng mà còn là với cả nước, vì khu vực này là vựa lúa, vựa trái cây, vựa lúa của cả nước. Trước mắt, nếu không có giải pháp tốt khắc phục tình trạng xâm nhập mặn cũng như khô hạn thì phát triển kinh tế vùng ĐBSCL sẽ càng thêm khó, ảnh hưởng xấu đến kinh tế cả nước.
Q.T.Nguồn: http://daidoanket.vn/moi-truong/dong-bang-song-cuu-long-kenh-rach-can-kiet-ruong-dong-heo-kho-tintuc459723
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét