Có nên cho học sinh đi học lại vào đầu tháng Ba?
T. Minh
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/co-nen-cho-hoc-sinh-di-hoc-lai-vao-dau-thang-ba-a1403990.html
Hình chụp lại từ vnexpress.net để thấy sự suy tính, so sánh của quan chức chính phủ đối với trẻ em mầm non tương lai của đất nước. BVN
Bây giờ báo chí nguy hiểm thật. So bệnh truyền nhiễm loại A với tai nạn giao thông thì cầm chắc mắc bệnh thần kinh, vậy mà vẫn viết đăng báo.
* Ở nhà và ở trường sao lại lây nhiễm giống nhau? 1 người đi làm lây nhiễm cho 1 gia đình hoặc 1 phòng ban thì dễ cô lập cách ly, khác xa với 40 học sinh lây cho 40 gia đình [thậm chí 80 gia đình vì cả nội ngoại].
* Tai nạn giao thông chỉ giới hạn chứ không lây nhiễm.
* HIV lây qua truyền máu và giao hợp bất cẩn khác hoàn toàn covid-19 lây qua hô hấp và giọt tiết dính vào các bề mặt – đây là cách lây mạnh nhất, nhanh nhất. Virus gây bệnh phổi Vũ Hán hiện nay có đủ mọi phẩm tính được nói tới trong các tiểu thuyết về chiến tranh sinh học:
- Thời gian ủ bệnh kéo dài. - Lây lan ngay trong thời gian ủ bệnh. - Khi đã có biểu hiện triệu chứng nhưng xét nghiệm nhiều lần vẫn âm tính, phủ tạng hỏng 2 phổi đều viêm không điều trị kịp. - Lây lan qua hô hấp và dịch tiết nên độ phát tán mạnh nhất trong các dạng truyền nhiễm. - Tác động vào phổi để hủy hoại thận [phổi thuộc kim, thận thuộc thủy, khi kim suy bại không thể sinh thủy], bé trai và nam giới trẻ mắc bệnh, thận suy sẽ dẫn tới sinh lý yếu có khả năng vô sinh. - Khi triệu chứng tưởng như đã khỏi, bệnh nhân xuất viện nhưng vẫn dương tính với virus – không có miễn dịch mà thực chất là quay lại thời kỳ ủ bệnh để chờ đợt bùng phát triệu chứng thứ 2. - Covid-19 tác động vào các thụ thể ACE2 trong phổi giống SARS nhưng đồng thời tấn công các tế bào CD4 gây suy giảm hệ miễn dịch giống HIV. - Các thuốc được gọi là điều trị lại gây nhiều tác dụng phụ.
* Thế giới còn chưa hiểu nhiều về covid-19 [tới nay, bệnh viện Jinyintan Vũ Hán mới chỉ giải phẫu có 2 tử thi nhiễm để xem virus phá hủy nội tạng ra sao] thì làm sao chắc chắn là Việt Nam chữa được khi dịch bùng nổ.
* “Phiền toái” mà trẻ em gây ra khi nghỉ học chống dịch y chang nghỉ 3 tháng hè hằng năm nhưng lợi ích vô cùng lớn, hạn chế rủi ro lây nhiễm tối đa, mà giá phải trả là sự diệt vong của cả một gia đình nhiều thế hệ như đã thấy ở TQ.
* Chưa có ca nhiễm mới không có nghĩa là hết virus, có thể do:
1/ Bưng bít thông tin các ca dương tính để phục vụ mục đích chính trị. 2/ Thao tác nghiệp vụ yếu kém chưa phát hiện được ca dương tính [có thể trong khâu bảo quản bệnh phẩm]. 3/ Tham nhũng ngân sách chống dịch nên không xét nghiệm các ca nghi nhiễm hoặc mua bộ test chất lượng kém. 4/ Virus covid-19 đã biến đổi 5/ Kết hợp tất cả các lý do trên.
* Cá nhân tôi kêu gọi và ủng hộ đóng cửa trường chống truyền nhiễm dài hạn bởi chưa lường hết được rủi ro do loại virus mới gây ra. Người lớn có trách nhiệm cho trẻ học trực tuyến, học qua truyền hình. Nếu có dịch tiếp sẽ nghỉ tiếp nhưng trẻ không thất học. Chính người lớn phải thay đổi cách nghĩ về sự học để phục vụ trẻ em.
* Tôi đề nghị các bài viết nông cạn, gây nguy hiểm và phẫn nộ như bài này không được đưa ra công chúng.
* Đừng quên rằng, Vũ Hán xa nhưng áp sát ta là Quảng Tây 245 ca nhiễm, Vân Nam 173 ca nhiễm, gần ta là Quảng Châu 1.332 ca nhiễm.
Liên Hương
Không hiểu tại sao lại có những người vì lý do gì mà muốn con em mình tới trường? Việc tới trường quá quan trọng hơn cả cái chết hay sao?
Quyền được đến trường cần bảo vệ nhưng quyền được sống thì có cần bảo vệ không? Đây không phải là tước quyền được đến trường mà là sẽ điều chỉnh lịch học để chống dịch. Những tin tức trên báo có vẻ tốt nhưng những tin tức đó đã thông tin hết tất cả về diễn biến chưa? Và sự nguy hiểm nếu đại dịch bùng nổ?
Đây chính là sự lạc quan không cần thiết của một bộ phận dân Việt.
Nguồn: https://www.facebook.com/Catlinh08/posts/499919770721381 |
Chiều 23/2, UBND thành phố Hà Nội họp khẩn để lên phương án trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran... Số người Hàn Quốc tại Hà Nội trên chục ngàn, số người Việt sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc cũng lên tới vài chục ngàn, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao, phải nhanh chóng có kịch bản ứng phó.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam yêu cầu các địa phương tổ chức cho học sinh trở lại trường từ ngày 2/3. Từ đây, mọi chú ý của phụ huynh dồn về phía chính quyền. Mỗi quyết định vội vàng thiếu cẩn trọng của địa phương sẽ không chỉ là chủ quan, "khinh dịch" mà còn liều lĩnh.
Đơn cử Nhật, quốc gia xa về địa lý, ít giao thương hơn với người Trung Quốc so với Việt Nam, vì không quyết liệt chống dịch từ đầu mà nay nằm trong top 3 các nước có ca nhiễm dịch đứng đầu thế giới. Trong số đó có 3 học sinh và một giáo viên đã nhiễm COVID-19. Ở Ý, người đàn ông 38 tuổi nọ chỉ gặp gỡ ngắn một người bạn từ Trung Quốc về và lây nhiễm cho nhiều người khác, một thành phố náo nhiệt nay đã thành địa chỉ tử thần, đường sá vắng tanh.
Ở Hàn Quốc, bệnh nhân số 31 là một phụ nữ chỉ tới tắm tại một nhà tắm công cộng từng có nhóm khách Trung Quốc. Sau đó, bà đã vô tư đi lễ cùng cả ngàn người trong một giáo phái, vô tư sử dụng các phương tiện công cộng… Ngày 23/2, một em bé Hàn Quốc 4 tuổi dương tính với COVID-19 nghi lây từ cô giáo của em. Trước đó, cô giáo này từng dự lễ tại một nhà thờ cùng giáo phái với bệnh nhân số 31.
Thế giới mỗi lúc thêm khiếp sợ COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới thừa nhận cánh cửa kiểm soát dịch mỗi lúc một khép lại. Có chuyên gia còn dự báo đỉnh dịch có thể là cuối tháng Tư, dịch đang diễn biến khó lường, bởi mỗi nhân tố như bệnh nhân số 31 Hàn Quốc có thể gieo rắc virus khắp những nơi bà đi qua, khắp giáo đường nơi bà tới cầu nguyện. Giáo viên đứng lớp sẽ lại tiếp tục phát tán COVID-19 trong vô thức…
Trở lại chuyện học sinh Việt Nam phải tới trường để học hành vào tuần tới. Phụ huynh hoang mang hỏi nhau: có bao nhiêu học sinh hay giáo viên sẽ là bệnh nhân chưa đánh số trong số 23,5 triệu học sinh? Mỗi trường học cả ngàn học sinh và giáo viên, mức độ tập trung và va chạm không kém gì cái giáo đường đang đầy rẫy người bị lây bệnh ở Hàn Quốc.
Suốt bốn tuần nghỉ sau tết, cộng với từ hai tới ba tuần nghỉ tết tùy địa phương và cấp học, trẻ đã di chuyển khắp nơi. Khi cha mẹ đi làm trở lại và trẻ nghỉ học tránh dịch, nhiều bé phải về quê với ông bà. Không ít trẻ đi du lịch qua nhiều điểm tàu xe, sân bay, bến phà... Chưa kể, hằng ngày cha mẹ trẻ vẫn phải tham gia giao thông, lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp... nơi mà mỗi đồng nghiệp cũng đều là ẩn số. Họ hoàn toàn có thể là bệnh nhân số n, hay nhân tố bí ẩn, chuyển phát virus qua các vật dụng có tiếp xúc, mà chính họ không có biểu hiện sốt hay viêm phổi.
Khi mà không ai có thể khẳng định trong 23,5 triệu học sinh sinh viên không tiếp xúc với nguồn bệnh, việc tổ chức học hành, hệt như một trò may rủi, mà sự rủi ro ở đây, chính là sức khỏe, là sinh mạng.
Chúng ta nói, cho trẻ tới trường vì không còn bệnh nhân nào nhiễm virus tại Việt Nam. Nước ta "cầm chân" được dịch sớm, thực hiện cách ly tốt. Nhưng chẳng ai lường hết được diễn tiến của dịch bệnh. Cần nhớ lại, đã có bệnh nhân Trung Quốc được chữa khỏi, sau 14 ngày cách ly tại nhà bỗng dương tính trở lại. Hãy nhớ lại, đã có bệnh nhân ủ bệnh tới 27 ngày, thậm chí là 34 ngày. Trong khi chúng ta còn đang áp dụng quy tắc cách ly sau điều trị và cách ly đối tượng nguy cơ chỉ 14 ngày.
Chúng ta nói hãy cho trẻ đi học, vì sợ học sinh cuối cấp ảnh hưởng thi cử, vì học sinh mầm non ở nhà không ai trông. Nhưng, trường chỉ có thể khử trùng bàn ghế và trang bị dung dịch rửa tay, còn phụ huynh lâu nay vẫn xếp hàng cả ki-lô-mét không thể mua được khẩu trang. Vậy, lấy gì trang bị cho con em đi học đây?
Để học sinh đi học trở lại trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là hết sức liều lĩnh
Mỗi học sinh, mỗi ngày phải dùng bao nhiêu chiếc khẩu trang? Tám tiếng vừa học, vừa chơi và ăn trưa, ngủ… Nếu chỉ dùng một chiếc thì không đảm bảo an toàn. Nếu mỗi học sinh dùng ít nhất 3 chiếc mỗi ngày, thì chỉ riêng thành phố 2 triệu học sinh như TPHCM cần ít nhất 6 triệu khẩu trang. Điều này là không thể.
Thị trường vỡ trận khẩu trang y tế do nguyên liệu sản xuất khẩu trang xưa nay nhập từ Trung Quốc. Khẩu trang vải đang hối hả được sản xuất, dù vậy, ngay nguyên liệu ngành dệt vải cũng dự báo sẽ chỉ trụ được ít hôm, do đứt nguồn cung Trung Quốc. Đó là một sự thật phải đối diện.
Chỉ hai quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân của Hà Nội đã hơn 10.000 người Hàn Quốc cư trú. Suốt những ngày chống dịch vừa qua, chúng ta chú ý tới người Trung Quốc, thì người Hàn làm việc và sinh hoạt bình thường. Đồng thời, một lượng rất lớn người Việt ở Hàn Quốc và các vùng có dịch mới phát hiện, sẽ không thể đủ giường bệnh cách ly nếu họ trở về.
Hãy tạm ngừng lo chuyện sách vở, những cuộc thi cử đi, những thứ đó chẳng có nghĩa lý gì so với việc gấp như lửa là phòng dịch và kìm chân dịch. Ngành giáo dục Hàn Quốc đã đóng cửa trường, ở mọi cấp học cho tới ngày 9/3, dù ngay trước đó hai ngày, họ đã ban bố quyết định cho học sinh đi học lại vào ngày 2/3. Chống dịch như chống giặc, mọi quyết sách phải linh hoạt và nhanh chóng tới từng phút, bởi nếu khinh suất sẽ phải trả giá bằng sự an nguy của cả cộng đồng.
T.M.Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/co-nen-cho-hoc-sinh-di-hoc-lai-vao-dau-thang-ba-a1403990.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét