Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: cái nghèo ở Mỹ (Bài 12)
Đoàn Hưng Quốc
Trước khi tiếp tục bàn về chính sách kinh tế tưởng cũng nên tìm hiểu giữa cái nghèo ở Việt Nam và ở Mỹ khác nhau như thế nào?
Nghèo ở Việt Nam là làm lụng vất vả từ sáng đến chiều tối, vay mượn đủ đầu mà vẫn thiếu thốn không đủ cơm ăn áo mặc hàng ngày hay không đủ tiền cho con ăn học. Trái lại nghèo ở Mỹ không đi làm mà được nhà nước cung cấp chỗ ở, cho tiền hàng tháng, bảo hiểm y tế và sức khoẻ miễn phí, con cái lãnh học bổng khi vào đại học. Chi phí trợ cấp xã hội (welfare) cho mỗi gia đình nghèo cộng lại còn cao hơn cả những người đi làm với đồng lương trung bình thấp ở Mỹ.
Mọi người sẽ ngạc nhiên cho rằng như vậy là sướng quá cha rồi còn than vãn cái gì nữa! Nhưng nhàn cư vi bất thiện: kinh tế gia nổi tiếng Paul Krugman đã nhận xét trong buổi phỏng vấn tuần rồi với đài Bloomberg là nhà nước chi rất nhiều tiền cho mạng lưới an sinh xã hội (safety net) nhưng không ai biết làm thế nào để tạo sự tự tin và tự trọng nơi mỗi người, điều mà chỉ có công ăn việc làm mới mang lại được.
Con số vài triệu người thất nghiệp do toàn cầu hóa không phải là quá lớn trong nền kinh tế năng động của Hoa Kỳ, nơi mà một tháng bình thường vẫn có hàng triệu người đổi hãng, mất việc hay nhận công việc mới. Cho dù toàn cầu hóa khiến nhiều người mất việc nhưng đồng thời mang đến sự thịnh vượng ở nhiều khu vực như Cali, Texas, New York, Washington DC.
Điều mà các kinh tế gia không lường trước được là nạn thất nghiệp tập trung vào một dãi các tiểu bang nằm trong nội địa thuộc vòng đai han rỉ (rust belt). Ông Paul Krugman và những kinh tế gia cánh tả sẽ không bao giờ nhìn nhận rằng chính trợ cấp xã hội đã thay đổi những người lao động đầy tự tin này trở nên ỷ lại không đi học nghề và dọn nhà sang những khu kinh tế vực có công ăn việc làm – nói thì dễ, nhưng chỉ khi đói đầu gối mới bò, cho nên an sinh xã hội vì loại bỏ cái đói nên đầu gối không chịu bò. Trái lại vòng đai han rỉ trở thành một dãi đất màu mỡ cho nạn ghiền ma túy, sinh con dưới tuổi vị thành niên, tâm lý tiếc nuối thời vàng son của giới công nhân da trắng trở thành kỳ thị di dân và bất mãn đối với hiện trạng.
Các kinh tế gia cánh tả không thể hiểu được tại sao giới công nhân thợ thuyền bỏ phiếu cho Trump trong lúc chính sách cắt giảm trợ cấp xã hội của cánh hữu tác hại đến họ nhiều nhất. Người Mỹ gốc Việt sẽ thông cảm hơn khi thấy nhiều ông chồng sang Mỹ tuy lãnh welfare nhưng vẫn chửi mắng welfare là một thứ ma túy độc hại, chỉ vì các ông đánh mất đi sự tự tin, không còn được vợ con quý trọng như một người chủ nhà đi làm cực nhọc nuôi gia đình bằng mồ hôi và sức lao động.
Con người khác với thú vật không sống chỉ bằng miếng ăn mà cần có thêm lòng tự trọng. Chỉ có cần lao mới mang lại được sự tự tin, cho nên đây cũng là lời cảnh giác cho những người ở Việt Nam còn muốn qua Mỹ lãnh welfare. Đồng thời cũng để mọi người hiểu rõ cái Nghèo ở Mỹ khác xa cái Nghèo ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét