Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Hiệp ước EVFTA: Thanh gươm hay Lá chắn

Hiệp ước EVFTA: Thanh gươm hay Lá chắn

LS Đặng Thanh Chi

 

(Danlambao) - ... Hiệp ước thương mại EVFTA sẽ là thanh gươm của lực lượng đấu tranh dân chủ hay là lá chắn bảo vệ, duy trì vị trí lãnh đạo của đảng CSVN sẽ tùy thuộc vào ý thức và hành động của mỗi chúng ta trong những ngày tới...
Vài tuần qua những ai quan tâm đến tình hình đất nước đều theo dõi tiến trình thông qua Hiệp ước Thương mại Tự do giữa Liên hiệp Âu Châu (LHAC) và Việt Nam (EVFTA). Nhiều bài viết trao đổi quan điểm đã được nêu lên giữa hai khuynh hướng chống và ủng hộ Hiệp ước này. Trong những điểm khác biệt đã được nhiều tác giả nêu lên, có một điều đa số những người thực tâm ưu lo cho đất nước có thể cùng nhau đồng ý: đó là dù trong tình huống nào chúng ta cũng cần khai thác và tận dụng tối đa mọi điều kiện và phương tiện có được để nỗ lực tranh đấu cho quyền lợi đích thực của người dân.
Để rút ra bài học cần thiết và vạch hướng khai thác hiệu quả Hiệp ước EVFTA, chúng ta hãy thử nhìn vào kinh nghiệm tích cực và tiêu cực của các nước trong vùng Đông Nam Á đã ký kết những hiệp ước thương mại tương tự với LHAC, đặc biệt là tình trạng nhân quyền và đời sống kinh tế người dân đã có những thay đổi gì sau khi ký kết. Đồng thời, chúng ta hãy xét xem nếu như không có tiến triển nhân quyền nào như đã cam kết, thì phản ứng và hướng giải quyết của Liên hiệp Âu Châu ra sao.
I. Cam Bốt và Thỏa thuận Thương mại EBA
Gần chúng ta nhất là Cam Bốt. Tuy không phải là quốc gia cộng sản nhưng Hun Sen do Cộng sản Việt Nam đưa lên nắm quyền cũng độc tài và chuyên chế không kém.
Từ khi Cam Bốt trở thành nước thành viên của WTO vào năm 2004, Liên hiệp Âu Châu và Cam Bốt đã ký kết hiệp ước EBA (Everything But Arms).
EBA là một trong những thỏa thuận thương mãi nằm trong Chương trình GSP (“Generalised Scheme of Preferences”, tạm dịch là Chương trình Ưu đãi Tổng quát) của Liên hiệp Âu Châu. Hiệp ước thương mại này cho phép tất cả các hàng xuất cảng của Cam Bốt (trừ vũ khí và đạn dược) được quyền nhập vào thị trường Liên hiệp Âu Châu hoàn toàn miễn thuế, không hạn ngạch.
Để được hưởng các đặc quyền thương mại theo thỏa thuận của hiệp ước EBA này, Liên hiệp Âu Châu cũng đã đặt kèm nhiều điều kiện nhân quyền cho Cam Bốt tương tự như Hiệp ước Thương mãi EVFTA với Việt Nam.
Cam Bốt phải ký kết tôn trọng 15 Công ước cốt lõi của Liên Hiệp Quốc (UN Conventions) và Tổ chức Lao tộng Quốc Tế (ILO) về quyền con người và quyền lao động, trong đó có quyền được thành lập công đoàn độc lập (*). Nhờ vào thỏa thuận EBA này, EU đã trở nên đối tác thương mại lớn nhất của Cam Bốt, với 45% sản phẩm xuất cảng từ Cam Bốt trong năm 2018, đạt 5,4 tỷ Euro, nhiều hơn gấp đôi so với năm 2013 là 2,5 tỷ Euro.
II. Có những cải thiện đời sống kinh tế và tình trạng nhân quyền tại Cam Bốt?
Hiệp ước EBA của Liên hiệp Âu Châu nhằm vào mục đích giúp Cam Bốt xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy quản trị minh bạch, và hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách giúp chính phủ Cam Bốt tạo thêm doanh thu từ thương mại quốc tế.
Thực tế ra sao?
Hãy thử nhìn vào ngành công nghiệp sản xuất đường của Cam Bốt.
Đường là một trong các sản phẩm nằm trong danh sách hàng hóa được phép xuất cảng miễn thuế của EBA đã thu hút các công ty đường của Thái Lan và Trung Quốc đầu tư vào Cam Bốt để kiếm lợi nhuận từ các đặc quyền thương mại giữa Cam Bốt và Liên hiệp Âu Châu. Các công ty này đã thành lập các nhà máy đường và chiếm diện tích đất rộng lớn và mở rộng các đồn điền mía ở nhiều vùng của Cam Bốt, đặc biệt là ở các tỉnh Oddar Meanchey, Preah Viget và Koh Kong. Chính quyền Hun Sen đã phê duyệt và cho thi hành chính sách nhượng bộ đất đai kinh tế, thu hồi đất của dân để cấp cho Trung Quốc và các nhà đầu tư thương mại Thái Lan, ký kết các hợp đồng cho thuê đất dài hạn, cho phép các doanh nghiệp ngoại quốc chiếm đóng và khai khẩn đất nhằm phát triển công nghệ nông nghiệp.
Theo truyền thông đi tin, hơn 120.000 ha đất đã bị chính sách của Hun Sen cưỡng đoạt từ nông dân để cấp cho các công ty sản xuất mía công nghiệp. Hàng ngàn gia đình đã bị cưỡng chế phải rời bỏ trang trại, đất đai tổ tiên của họ. Nhiều trường hợp cho thấy các cuộc đàn áp cưỡng chiếm đất đai cho các công ty công nghiệp nước ngoài do chính quân đội, cảnh sát và quan chức các cấp trong chính quyền Hun Sen trực tiếp can dự.
Tình trạng chiếm đoạt đất đai với những chiếc xe ủi đất và hình ảnh những tay lính quân đội Cam Bốt ôm súng bảo vệ cho các xí nghiệp nước ngoài tại thị trấn Sre Ambel của tỉnh Koh Kong từ năm 2006 vẫn còn tiếp diễn đến nay trên khắp nước.
Thảm cảnh dân oan mất đất do những công ty đường nước ngoài cưỡng chiếm vẫn là nguyên nhân cho nhiều bất ổn xã hội tại Cam Bốt. Những nạn nhân của chính sách “nhượng bộ đất đai kinh tế” cho biết với sự đấu tranh quyết liệt của dân địa phương, có vài công ty sau đó đã đền bù cho họ bằng cách “cho lại” mỗi người một mảnh đất 1,5 ha nhưng rất tiếc là những mảnh đất mới họ được cấp không thích hợp để trồng trọt bất cứ thứ gì. Tất cả dân oan đều trở nên trắng tay, nghèo khó hơn kể từ khi mất đất, mất nhà, mất trang trại, trâu bò, của cải cả đời họ dành dụm trên mảnh đất của cha ông để lại.
Thỏa ước EBA trong tay một chính phủ độc tài như Cam Bốt đã mở cửa rao bán các đặc quyền thương mại, ưu đãi cho các đối tác thương mại nước ngoài bóc lột dân lao động, chà đạp lên quyền sở hữu, và vi phạm quyền làm người của dân chúng. Chương trình thương mại ưu đãi miễn thuế với mục đích chấm dứt nghèo đói của Liên hiệp Âu Châu đã bị một nhà nước chuyên quyền, phản dân chủ, không công nhận nhân quyền như chính quyền Hun Sen lợi dụng để đổi chác làm giàu cho cấp lãnh đạo và mang lại lợi ích cho những xí nghiệp Trung quốc đi tìm đất thuê dài hạn và được hưởng quyền miễn thuế và hạn ngạch vào thị trường Âu Châu, gặt hái lợi nhuận trên mồ hôi nước mắt của dân nghèo bản xứ.
III. Liên Hiệp Âu Châu có thể làm gì và sẽ làm gì khi quốc gia đối tác không thực thi nhân quyền theo cam kết?
Vào tuần rồi, Ủy ban Thương mại Âu Châu đã tuyên bố sẽ đình chỉ một phần của Hiệp ước EBA; cụ thể là ngưng hạn ngạch truy cập miễn phí hàng hóa của Cam Bốt vào các thị trường Liên minh Châu Âu.
Điều này có nghĩa Cam Bốt sẽ mất khoảng $1,1 tỉ đô USD cho các hàng xuất cảng sang Liên minh Âu Châu.
Quyết định đình chỉ một phần Hiệp Ước này sẽ có hiệu lực vào ngày 12 tháng 8 năm 2020 tức 6 tháng sau (trừ khi Nghị viện Âu Châu và Hội đồng Liên hiệp Âu Châu phủ quyết ngược lại), thì các mặt hàng xuất cảng của Cam Bốt như áo quần, giầy dép, sản phẩm du lịch, đường mía sẽ bị đánh thuế cao theo ngạch thuế bình thường như các nước khác.
Quyết định đình chỉ một phần Hiệp ước này của Liên hiệp Âu Châu là kết quả sau hơn 2 năm kể từ khi LHAC lấy quyết định tiến hành kiểm tra tình trạng vi phạm nhân quyền tại Cam Bốt, và đi đến kết luận chính phủ Hun Sen thực sự đã vi phạm “nghiêm trọng” và có “hệ thống” quyền dân sự và chính trị của người dân.
Từ tháng 2 năm 2019, Ủy ban LHAC cho biết Cam Bốt đã không có tiến bộ đáng kể nào trong lãnh vực tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tham chính, các nhóm xã hội dân sự bị bịt miệng, đảng đối lập bị đàn áp, quyền lao động không được bảo đảm, không có công đoàn thực sự độc lập...
Ủy ban LHAC đặc biệt “nhắc nhở” chính phủ Cam Bốt về nhu cầu mở ra không gian sinh hoạt chính trị tự do trong nước, tạo điều kiện cần thiết cho đảng đối lập hoạt động, và khởi xướng một quá trình hòa giải dân chủ bằng cách hội thoại thỏa đáng và toàn diện. Ủy Ban cũng yêu cầu chính quyền Hun Sen phải khôi phục các quyền chính trị của các thành viên phe đối lập và bãi bỏ, cải tổ luật pháp về sinh hoạt đảng phái chính trị, các hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ.
Ủy ban và Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu (xin viết tắt “Ủy ban”) cũng ghi nhận chính phủ Cam Bốt trong những tháng 8 và tháng 9 của năm 2018 đã thực hiện một số bước tích cực, bao gồm việc thả một số nhân vật chính trị bị giam giữ, các nhà báo cùng vài nhà hoạt động xã hội dân sự; thông qua một số thay đổi các dự luật về sinh hoạt đảng phái chính trị, cho phép các cá nhân bị cấm hoạt động chính trị được phục hồi các quyền của họ; và một số bước giải quyết các hạn chế đối với hoạt động xã hội dân sự và công đoàn.
Tuy nhiên, Ủy ban vẫn còn những lo ngại nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ án dân sự và hình sự nhắm vào các thành viên công đoàn vẫn chưa được giải quyết công bằng.
Trong suốt thời gian kiểm tra và tìm hiểu thực tế tại Cam Bốt, Ủy ban Âu Châu tiếp tục tổ chức các cuộc họp với chính quyền Cam Bốt các cấp và giám sát chặt chẽ tình hình nhân quyền và nhất là quyền lao động ở nước này.
Trong trường hợp Cam Bốt cho thấy có sự tiến bộ đáng kể, đặc biệt là trong lãnh vực quyền dân sự và chính trị, Ủy ban cho biết sẽ có thể xem xét lại quyết định của họ và khôi phục các ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận EBA với Cam Bốt.
Đến tuần rồi, sau hơn 2 năm cho Cam Bốt nhiều thời gian “ân huệ”, Ủy ban đã bắt buộc đưa ra quyết định tạm đình chỉ một phần của Hiệp ước EBA. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Cam Bốt và các công đoàn ủng hộ Hun Sen đã kêu gọi LHAC đừng rút các đặc quyền miễn thuế nhập cảng và hăm he rằng hàng triệu công nhân Cam Bốt sẽ mất việc.
Cũng có nhà phân tích kinh tế cho rằng quyết định tạm đình chỉ một phần Hiệp ước thương mại EBA sẽ đẩy Cam Bốt vào tình trạng phải mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Thực tế Cam Bốt và Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán về một Hiệp ước Thương mại Tự do song phương từ trước, và dự trù sẽ kết thúc vòng 2 của cuộc đàm phán đi đến việc ký kết Hiệp ước Trung-Cam vào cuối năm nay.
Chỉ số thương mại giữa hai nước cho thấy hàng xuất cảng từ Cam Bốt sang Trung Quốc gia tăng từ $5,16 tỷ trong năm 2016 lên đến $6,04 tỷ trong 2017 và $7,4 tỷ trong năm 2018. Tàu và Cam Bốt dự kiến sẽ đạt đến $10 tỷ USD hằng năm trong thương mại song phương vào năm 2023.
Tưởng cũng cần nhấn mạnh ở đây là thỏa thuận EBA của LHAC chỉ mới được tạm đình chỉ và chỉ đình chỉ một phần chứ không phải toàn bộ hiệp ước.
Tất cả các công nghiệp mới nổi trội ở Cam Bốt sẽ tiếp tục được hưởng quyền miễn thuế truy cập, hạn ngạch khi nhập vào thị trường EU. Các loại hàng may mặc có giá trị cao, và một số loại giầy dép nhất định cũng sẽ tiếp tục được hưởng đặc quyền miễn thuế, hạn ngạch.
IV. Kết luận
Dựa vào tình trạng thực tế của Cam Bốt sau khi ký kết hiệp ước thương mại với các cam kết cải thiện nhân quyền, cho phép công đoàn độc lập, đảng phái hoạt động, v.v. chúng ta thấy sau gần 2 thập niên, người dân Cam Bốt vẫn không bớt nghèo khó, nếu không muốn nói nhiều vùng sâu vùng sa càng nghèo khó hơn. Sự bóc lột nhân công bản xứ của các xí nghiệp đầu tư từ Trung Quốc và nước ngoài là vấn nạn nghiêm trọng. Nhân quyền vẫn bị chà đạp. Đảng phái đối lập bị đàn áp. Các tổ chức xã hội dân sự bị trù dập. Tự do báo chí và ngôn luận vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.
Dựa vào các hành xử của Liên hiệp Âu Châu khi chính quyền Hun Sen tiếp tục vi phạm các điều khoản đã ký kết, chúng ta có thể thấy chính sách “engagement” của LHAC vẫn tiếp diễn và mức độ “trừng phạt” kinh tế vẫn nằm trong giới hạn tối thiểu vì những quyền lợi kinh tế của họ.
Do đó, chúng ta cần trở về với nguyên tắc đấu tranh cơ bản: “Lấy sức mình làm chính”, nhưng đồng lúc biết tận dụng Hiệp ước EVFTA như một vũ khí mới trong thực tế không tránh khỏi.
Rút ra những điều then chốt để biết mình có thể làm gì hầu thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đất nước. Ngoài ra cá nhân và các tổ chức dân sự trong và ngoài nước cần tích cực tham gia vào nỗ lực kiểm tra, lên tiếng báo cáo kịp thời những vi phạm của nhà nước vào các điều khoản đã ký kết.
Tóm lại, hiệp ước thương mại EVFTA sẽ là thanh gươm của lực lượng đấu tranh dân chủ hay là lá chắn bảo vệ, duy trì vị trí lãnh đạo của đảng CSVN sẽ tùy thuộc vào ý thức và hành động của mỗi chúng ta trong những ngày tới.
***Chú thích:
(*) Được nêu trong Phụ Lục VIII phần A của Quy Định GSP của LHAC. 19.02.2020 Đ.T.C.Nguồn: https://danlambaovn.blogspot.com/2020/02/hiep-uoc-evfta-thanh-guom-hay-la-chan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét