Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

Đóng góp gì cho Phật giáo Việt Nam thì được “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt”?

Đóng góp gì cho Phật giáo Việt Nam thì được “áp dụng chính sách hình sự đặc biệt”?

Trúc Nguyễn
21-9-2019
“Cư sĩ” Phạm Nhật Vũ. Photo Courtesy
Công ty MobiFone đã mua 95% cổ phần của AVG với tổng giá trị khoảng 8.889 tỉ đồng. Thời điểm kí hợp đồng, AVG chỉ có giá trị 1.970 tỉ nhưng đã bị làm giá. Thiệt hại của ngân sách nhà nước là hơn 6.475 tỉ đồng.
Ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho ông Nguyễn Bắc Son mong muốn được sớm bán cổ phần, hàng triệu USD đã được dùng để bôi trơn. Ông Vũ đã đưa ông Son 3 triệu USD, đưa ông Tuấn, phó của Son 200.000, đưa các ông Nam Trà và Duy Hải, cựu chủ tịch và CEO của MobiFone lần lượt là 2,5 triệu và 500.000 USD.
Cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Phạm Nhật Vũ tội Đưa hối lộ theo khoản 4, điều 346 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù. Bị can Phạm Nhật Vũ đã thành khẩn khai báo, trả lại MobiFone toàn bộ số tiền đã nhận (gồm cả lãi). Gia đình ông Vũ có công với với cách mạng, có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và an sinh xã hội… nên được đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp.
Chưa có vụ án nào mà thất thoát của nhà nước được thu hồi nhanh gọn trọn vẹn như vụ này, cho nên đề xuất của cơ quan điều tra đối với bị can Phạm Nhật Vũ thể hiện pháp luật khoan dung, truyền thống của dân tộc đối với “kẻ chạy lại”…
Nhưng chi tiết “Có đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam” là tình tiết pháp lý chưa có tiền lệ. Đóng góp gì cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì thuộc pham vi điều chỉnh đặc biệt của luật Hình sự? Đóng góp vật chất thì giá trị, khối lượng cụ thể ra sao, nguồn gốc có từ đâu? Đóng góp tinh thần, nghiên cứu khoa học thì tác phẩm, sản phẩm là gì? Nếu có đóng góp cho các tổ chức tôn giáo khác như Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… có được đặc ân đó hay không? Là những câu hỏi cần phổ biến để người dân được rõ, cũng như chứng minh tính công khai, nghiêm minh của luật pháp.
Theo một trang báo mạng thì ông Phạm Nhật Vũ là một cư sĩ tu tại gia, là Phó Ban Truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học. “Nhiều năm, ông Vũ là người âm thầm đầu tư xây và sửa nhiều ngôi chùa trên cả nước“… phải chăng là công lao đã được cơ quan điều tra tham khảo?
Trong xã hội có những cá nhân bỏ hàng trăm tỉ xây những ngôi chùa nguy nga mà hiện tại tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang thụ hưởng. Dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong, Bình Định có tượng Phật ngồi cao nhất ĐNA, thu hút hàng chục ngàn người đến cúng bái mỗi dịp lễ tết, theo báo Người Lao Động là do ông Trần Bắc Hà và gia đình xây dựng.
Ông Trầm Bê cũng đã từng bỏ hàng trăm tỉ xây nhiều ngôi chùa giác vàng từ Việt Nam qua Campuchia. Ông Nguyễn Thanh Hóa khi tại chức có đúc Đại hồng chung cúng chùa Thiên Hưng, Bình Định. Có lẻ sợ Phật quên nên ông Hóa cho khắc tên và chức vụ của mình trên chuông! Nhà sư Phước Hoàn có bằng tiến sĩ Phật học, trụ trì hai ngôi chùa, giảng thuyết ở nhiều cơ sở phật giáo, clip có hàng vạn người theo dõi can tội hiếp dâm trẻ vị thành niên… Họ có được xem là “Có đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam” để cất nhắc trong xét xử hay không?
Tại sao một người tu hành như Phạm Nhật Vũ lại phạm tội đưa hối lộ lũng đoạn chính trường với số tiền khủng? Pháp luật rạch ròi ai làm nấy chịu, nhưng tổ chức GHPGVN có nên điềm nhiên tọa thị nhận sự đóng góp vật chất của những người mà không lâu sau họ vướng vòng lao lý? Cũng là vấn đề cần nghiên cứu, giám sát, liên đới trách nhiệm, thu hồi tài sản do người phạm tội mà có để khắc phục hậu quả…
Dù xây chín bậc phù đồ / không bằng làm phước cứu cho một người. Phật dạy “Bố thí” (cho, đóng góp) có “tài thí, pháp thí và vô úy thí”, độ khó và công đức xếp theo thứ tự tăng dần. Như vậy đóng góp về giáo dục và ý chí (pháp thí và vô úy thí) xếp trên đóng góp vật chất (tài thí). Lấy đóng góp vật chất mà luận công tội thì luận sao cho thỏa trong tương quan với đóng góp về giáo dục, tinh thần, nghiên cứu khoa học!?
Cơ quan và tổ chức là thành trì của pháp luật và đạo đức như Bộ Truyền thông – Thông tin và Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà có nhân sự chủ chốt dính dáng tham nhũng là rất quan ngại. Cho nên ở đâu cơ chế yếu kém, sợ công khai minh bạch, xã hội và nhân dân khó kiểm tra giám sát thì luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, phạm pháp, đạo đức giả… là bài học ý nghĩa của vụ án MobiFone – AVG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét