Nhiệt điện than “hết đường” phát triển ở miền Tây
LTS: Quyết tâm thay đổi nhiên liệu cho các trung tâm nhiệt điện từ than đá sang khí đốt lỏng (LNG) là một tiến bộ, một lựa chọn mang ít tai hại hơn cho xã hội, ô nhiễm bụi từ khí đốt sẽ rất thấp và không phải chuyên chở chôn cất tro xỉ, cũng như không phải lo lắng vì bị rò rỉ hóa chất vào nguồn nước.
Tuy nhiên khí đốt không phải là giải pháp tối ưu so với năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió, nhất là giá năng lượng mặt trời có bình trữ điện đã giảm thấp hơn giá khí đốt. Quan trọng hơn nữa, năng lượng mặt trời gần như vô tận, nếu chuyện sang sử dụng năng lượng từ mặt trời, an ninh năng lượng sẽ không bị đe doạ, không phải nhập cảng từ nước ngoài và lệ thuộc vào giá thị trường.
____
Trung Chánh
23-9-2019
(TBKTSG Online) – Sau Long An, tỉnh Tiền Giang thể hiện quan điểm không đầu tư dự án nhiệt điện bằng công nghệ đốt than, mà chỉ đầu tư bằng khí hóa lỏng (LNG) do lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường. Điều này, một lần nữa cho thấy nhiều địa phương ở miền Tây đã không còn mặn mà với loại năng lượng này.
Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 23-9, ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với trung tâm điện lực Tân Phước (Tiền Giang), quan điểm của tỉnh là chỉ đầu tư bằng LNG để đảm bảo về môi trường.
Theo ông Phương, khi quy hoạch Trung tâm điện lực Tân Phước chỉ nói chung là quy hoạch nhiệt điện, chứ không nói cụ thể (là điện than hay LNG). “Nhưng, tỉnh thấy 1 số nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường và tro xỉ cần phải xử lý này kia, thành ra hiện nay tỉnh chỉ chủ trương mời gọi đầu tư LNG để đảm bảo môi trường”, ông Phương một lần nữa nhấn mạnh.
Còn thông tin được thể hiện trên Cổng thông tin điện tử Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) cho biết, Trung tâm điện lực Tân Phước do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.
Thông tin từ PECC2 cho thấy, vào tháng 8-2017, đơn vị này được giao nhiệm vụ đề xuất phương án nhiên liệu tối ưu cho Trung tâm điện lực Tân Phước trên cơ sở phân tích, đánh giá và so sánh giữa hai loại nhiên liệu than và LNG về các vấn đề như: kinh tế- kỹ thuật; môi trường; an ninh năng lượng; khả năng cung cấp nhiên liệu; giá thành sản xuất điện; tác động đến giá điện của hệ thống; tiến độ xây dựng…
Trước đó, vào năm 2016, Tổng công ty phát điện 3 thuộc EVN đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang về đề xuất xây dựng Trung tâm điện lực Tân Phước.
Theo đó, vào thời điểm lúc bấy giờ, Tổng công ty phát điện 3 cho biết, Trung tâm điện lực Tân Phước được xây dựng với diện tích 420 héc ta; công suất 2.400 MW và mở rộng lên 3.600 MW; sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu vận chuyển bằng tàu…
Tuy nhiên, như nêu ở trên, ông Phương của Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, quy hoạch Trung tâm điện lực Tân Phước chỉ nói chung là nhiệt điện, chứ không đề cập đến than hay LNG.
Mặc dù vậy, nhưng quan điểm của tỉnh Tiền Giang hiện nay là chỉ đầu tư dự án nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Tân Phước bằng công nghệ LNG, chứ không đầu tư bằng công nghệ đốt than.
Theo ông Phương, Trung tâm điện lực Tân Phước có 4 tổ hợp nhà máy và mỗi tổ hợp có công suất 1.000 MW. Dự kiến tổ hợp nhà máy đầu tiên sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027 và phân kỳ đầu tư làm nhiều giai đoạn.
Trước đó, trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Minh Đưc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, địa phương đã làm văn bản đề xuất Chính phủ chuyển đổi Trung tâm điện lực Long An từ nhiệt điện than sang LNG và nâng công suất của dự án lên.
Lý do Long An xin chuyển đổi vì lo ngại vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ loại hình năng lượng sử dụng công nghệ đốt than.
Không chỉ Long An, Tiền Giang, trước đó tỉnh Bạc Liêu cũng đã được Chính phủ đồng ý cho ngưng triển khai dự án nhiệt điện Cái Cùng bằng công nghệ đốt than để chuyển sang mời gọi đầu tư LNG.
Rõ ràng, với những xu hướng như nêu trên cho thấy các địa phương ở miền Tây đã không còn mặn mà với loại hình năng lượng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét