Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

Chuyện máy bay MIG Việt Nam bắn rụng máy bay Mỹ

Chuyện máy bay MIG Việt Nam bắn rụng máy bay Mỹ

23-9-2019
Phi công Nguyễn Văn Bảy vừa qua đời, xin vĩnh biệt ông. Là phi công bắn rơi 7 máy bay Mỹ thời chiến, tên ông là Bảy, bắn rơi 7 máy bay, có gì đó trùng hợp khá thú vị.
Huyền thoại MIG 3020
Giới phi công Mỹ đánh phá miền Bắc những năm 1965-1972 đồn đại về một chiếc MIG mang số hiệu 3020 của Liên Xô như một huyền thoại và họ gọi là Col. Toon (nghe như Đại tá Tuân) vì họ chụp được cả số hiệu máy bay này, họ vừa sợ vừa cảm phục, lại thêm thắt với nhiều tình tiết ly kỳ.
Sau chiến tranh mới được sáng tỏ. Thời đó, Việt Nam không đưa các phi công có cấp bậc Thiếu tá trở lên để tham gia không chiến nên không có ai là Đại tá Toon.
Phi công Mỹ chỉ điều khiển riêng một máy bay, trừ trường hợp máy bay bị bắn hạ hoặc bị hỏng, họ mới chuyển sang điều khiển máy bay khác.
Trong khi đó, do số lượng máy bay rất ít, các phi công Việt Nam thường thay phiên nhau sử dụng chung máy bay để chiến đấu. Hầu hết các máy bay có số lần bắn hạ đối phương cao đều là chiến công của nhiều phi công khác nhau điều khiển nó. Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn của phi công Hải quân Mỹ để hình thành nên “Đại tá Toon”.
Theo một số nhà nghiên cứu, cái tên “Toon” hoặc “Tomb” không hẳn là một cái tên Việt Nam. Họ cho rằng đấy có thể chỉ là một tín hiệu nhiễu vô tuyến thường xuyên xuất hiện, do được lặp đi lặp lại nhiều lần nên các phi công Mỹ bị nhầm lẫn đấy là tên của người phi công.
Mãi sau chiến tranh, một số thông tin được phía Việt Nam công bố. Theo đó, chiếc máy bay MiG-17F mang số hiệu 3020, là thuộc trung đoàn 923 Yên Thế. Chiếc máy bay này có màu sơn xanh loang lổ, được các phi công Mỹ thường gọi là Green Snake theo màu sơn của những chiếc máy bay cùng loại. Chiếc máy bay này được nhiều phi công đã thay phiên nhau điều khiển nó và họ đã bắn hạ ít nhất 8 máy bay đối phương bằng chính chiếc máy bay này.
Trong một trận không chiến năm 1972, chiếc MIG 3020 bị bắn hạ bởi phi công Randy “Duke” Cunningham (Duke). Trên đường quay về sân bay ngoài khơi, ông Duke phải nhảy dù xuống vùng Nam Định và được hải quân Mỹ cứu. Không biết Đại tá Bảy có lái chiếc này không.
Gặp phi công Lê Thanh Đạo ở Lede (Belgium)
Hồi tháng 5-2016 tôi tá túc ở nhà bạn Tuấn Anh IT làm cho WB ở Brussels (Bỉ) có cuộc chiêu đãi mà phi công Lê Thanh Đạo có con làm việc bên đó nên ông sang chơi. Ông được cho là đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ, đứng thứ 4 trong số các phi công hàng đầu của Việt Nam.
Dù đã ngoài 70, bị thương gẫy cả hai chân do máy bay MIG của bác bị bắn rơi, nhảy dù, nhưng bác Đạo rất khỏe mạnh, giọng vang xa, và nói chuyện rất cởi mở.
Ông kể từng lái máy bay MIG nên hiểu thế nào là bắn trúng mục tiêu. Nếu như MIG 17 bắn bằng súng canon (liên thanh) thì phải tiếp cận khá gần máy bay đối phương bằng bám đuôi và bắn. Nếu trúng là … biết liền.
Nhưng MIG 21 có 2 quả tên lửa tìm nhiệt gọi là fire and forget (bắn và quên luôn). Muốn bắn phải bám đuôi đối phương vì tên lửa sẽ tìm phần nhiệt phát ra từ đuôi máy bay.
Về lý thuyết, nếu máy bay bị bám đuôi với tên lửa tầm nhiệt thì coi như toi. Tuy nhiên trong chiến đấu, có phi công lộn nhào rất siêu, biết có thể bị bắn liền hạ độ cao đột ngột rồi vọt lên, tên lửa mất hướng.
Với MIG 21 cũng thế. Ông Đạo kể đã bắn kha khá tên lửa. Khi bám đuôi đối phương, tín hiệu trong máy bay báo có thể fire (bắn), phi công chỉ nhấn nút và vọt ngang rồi quay hình chữ U và chạy trốn thật nhanh vì nếu tên lửa trúng đối phương, máy bay mình có thể bị lây do tốc độ máy bay quá nhanh.
Duy nhất có một lần ông liều, nhấn nút tên lửa còn cố bay ngược lại thêm vài chục giây để xem máy bay Mỹ có cháy không và ông chứng kiến nó nổ tung trên không.
Tất cá các phi công được huấn luyện và thực hành, nhấn nút và chuồn thật nhanh để không bị bám đuôi. Không chiến gọi là đuổi nhau quần đảo trên trời cho oai, thực ra gặp nhau và nếu có bắn tên lửa chỉ xảy ra chục giây, nên không ai biết tên lửa của mình có trúng đối phương.
Việc máy bay bị cháy do mặt đất xác nhận, nhìn bằng mắt thường, bằng radar do tín hiệu máy bay theo dõi bị mất trên màn hình, hoặc do máy bay đi kèm nhìn thấy, còn tác giả chính không còn có thời gian để ngắm thành quả.
Bác Đạo kể, trong những năm chống máy bay đánh phá miền Bắc thì việc động viên các lực lượng phòng không và không quân là vô cùng quan trọng. Có máy bay do phi công bắn nhưng vì nhiệm vụ chính trị nên chiến công đó dành cho đội nữ cao xạ Thanh Hóa hay các cụ già bắn rơi máy bay bằng súng trường.
Các máy bay rơi ở con số chẵn như 500, 1000, 1500, 2000 hay 3000 muốn dành cho đơn vị sắp thành anh hùng. Bác còn cười vui bảo, có khi trong số 6 cái bác bắn rơi lại do đồng đội lập công nhưng san bớt cho bác vì bay mãi mà không bắn được cái nào.
Không quân Việt Nam có trách nhiệm bắn rơi chiếc thứ 3000 dù số bắn rơi trong thực tế do Việt Nam công bố đã là hơn 3000 mấy chục cái. Không quân thì phải bắn rơi thật chứ không thể nhận công của các cụ già.
Trong một lần cố đạt chiến công chiếc thứ 3000 vào năm 1972, bác Đạo cất cánh được vài phút và bị bám đuôi và kết quả, bác bị gẫy cả hai chân sau vụ đó.
Quay lại chuyện phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay có thể là có thật nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh thời đó thiếu thông tin, một máy bay ta bắn rơi nhiều máy bay Mỹ cũng đúng luôn, thế hệ sau tôn vinh anh hùng nhưng cũng nên kiểm chứng lại chút.
Thế hệ như ông Bảy đang dần rời bỏ thế giới này, họ tham gia không chiến nhiều lần. Nếu họ kể lại như bác Đạo thì còn nhiều tình tiết hay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét