Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Các nước châu Âu quyết tâm hiện diện thường xuyên tại Biển Đông

Các nước châu Âu quyết tâm hiện diện thường xuyên tại Biển Đông

Hộ tống hạm Courbet của Pháp ghé Việt Nam hồi tháng 4/2017, trong khuôn khổ "chiến dịch" Jeanne d’Arc.

« Việc gởi chiến hạm đến các vùng biển tranh chấp mang lại cho các chính phủ châu Âu thêm nhiều ảnh hưởng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc trên các vấn đề địa chính trị thiết thân ».

Nhật báo South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông dẫn lời các nhà phân tích nhận định, trong lúc căng thẳng đang tăng lên trong khu vực, các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp, Đức rất muốn chứng tỏ họ không phải là các đối tác thương mại thụ động.

Châu Âu nay phải chọn phe

Các nước lớn châu Âu tìm cách nâng cao vị thế tại châu Á-Thái Bình Dương. Theo các nhà phân tích, những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải và các tuyên bố quan ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông cho thấy ý muốn duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực của các quốc gia này.

Ông Frans-Paul Van Der Putten, nhà nghiên cứu thuộc Viện Clingendael, một think tank độc lập ở Hà Lan nhận xét : « Cho đến cách đây vài năm, các nước châu Âu thường chỉ thích đóng vai trò thứ yếu trong an ninh khu vực vùng Đông Á. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, họ thấy rằng cần phải khẩn trương tham gia ».

Vẫn theo ông Putten : « Việc gởi chiến hạm đến các vùng biển tranh chấp giúp cho các chính phủ châu Âu gia tăng ảnh hưởng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên các vấn đề địa chính trị thiết thân.

Châu Âu từ lâu đã quen với việc đứng giữa hai đại cường là Hoa Kỳ và Nga, tuy nhiên chính quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đang ngày càng làm châu Âu phải xác định lại quan điểm địa chính trị. Điều này đặt các chính phủ châu Âu vào thế lưỡng nan, họ chịu đựng áp lực ngày càng tăng là phải chọn phe ».
Đánh giá của ông Van Der Putten được đưa ra sau khi ba nước Anh, Pháp, Đức trong một thông cáo chung vào cuối tháng trước đã tuyên bố « quan ngại về tình hình Biển Đông, có thể dẫn đến mất an ninh và căng thẳng trong khu vực ».

Anh, Pháp, Đức cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ « có những bước đi và biện pháp làm dịu căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực ».

Mỹ, Anh, Pháp tập trận và tuần tra Biển Đông

Trung Quốc vốn đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, liên tục lao vào tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei.

Hoa Kỳ tuy không yêu sách chủ quyền, nhưng coi khu vực này là một phần của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm ngăn chận sự bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. 

Trong nỗ lực chứng tỏ phô trương sức mạnh và sự đoàn kết, Hoa Kỳ và Anh quốc đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung trên Biển Đông hồi tháng Hai, trong khi Pháp gởi chiến hạm chở trực thăng Dixmude thuộc lớp Mistral hiện đại, và một khinh hạm đến quần đảo Trường Sa vào năm ngoái.

Anh quốc quyết tâm khẳng định quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, cùng với các đồng minh Hoa Kỳ và Úc, đã thẳng thừng bảo vệ các hành động tương tự chống lại một Trung Quốc ngày càng thêm hiếu chiến. Năm ngoái, Luân Đôn loan báo đã có kế hoạch đưa hàng không mẫu hạm mới mang tên HMS Queen Elizabeth đến châu Á-Thái Bình Dương trong lần triển khai hoạt động đầu tiên, dự kiến vào năm 2021.

Phát biểu tại Luân Đôn tuần trước, thiếu tướng Tô Quảng Huy (Su Guanghui), tùy viên quân sự Trung Quốc ở Anh nói : « Nếu Hoa Kỳ và Anh quốc liên kết lại để thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì đó sẽ là một hành động thù địch ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cuối tuần trước tuyên bố Hà Nội hoan nghênh tất cả các hoạt động nhằm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

EU-Mỹ : Hợp tác quân sự, bất đồng về kinh tế chính trị

Mặc dù hợp tác về quân sự, Hoa Kỳ và châu Âu vẫn có những bất đồng trên lãnh vực kinh tế và chính trị.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Châu Âu loan báo một đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ và các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế trong ba năm, khiến tổng thống Mỹ Donald Trump bực tức. Ông viết trên Twitter : « Họ đang thử và thành công trong việc hạ giá đồng euro để chống lại đồng đô la rất mạnh, làm phương hại đến xuất khẩu của Hoa Kỳ ».

Tháng trước, ông Trump cũng chỉ trích chính phủ Pháp về việc đánh thuế vào dịch vụ kỹ thuật số, mà ông cho rằng nhắm vào các tập đoàn công nghệ của Hoa Kỳ, đe dọa sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế vào rượu vang Pháp. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố, Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ « đáp trả tương tự » nếu Washington dùng đến biện pháp trừng phạt này.

EU-Trung Quốc : Xung đột về nhân quyền và kinh tế

EU cũng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột gay gắt với Trung Quốc, vì các doanh nghiệp châu Âu bị phân biệt đối xử khi hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. 

Trong một văn bản công bố hồi đầu năm nay, Ủy ban Châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thông qua bản kế hoạch 10 điểm, coi Trung Quốc là « đối thủ cạnh tranh về kinh tế »  « địch thủ mang tính hệ thống, đang xúc tiến một mô hình quản trị thay thế ».

Về mặt nhân quyền, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Berlin gia tăng sau khi ngoại trưởng Đức Heiko Maas gặp gỡ nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) tuần trước. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói « rất không hài lòng » về cuộc gặp này, còn đại sứ Trung Quốc tại Đức cho biết đồng nhiệm Đức ở Bắc Kinh đã được triệu mời vì sự kiện trên.

Biển Đông : EU muốn trở thành một trong những nhân tố chính 

Sarah Raine, nhà tư vấn về địa chính trị của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Chiến lược ở Luân Đôn nói rằng bà không ngạc nhiên trước việc Liên Hiệp Châu Âu muốn can dự vào tranh chấp Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. 

Bà nhận xét : « Đó là hệ quả tự nhiên của một thực tế là tại châu Á, Liên Hiệp Châu Âu đã quá chán ngán khi luôn bị coi là một đối tác thương mại đơn thuần. Nói cách khác, coi như EU không liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn của lục địa này, cho dù vai trò của châu Á là quan trọng đối với Liên Hiệp Châu Âu ».

Theo Sarah Raine, « Khi can dự chặt chẽ hơn vào các diễn tiến tại Biển Đông, các quốc gia hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu cùng phối hợp với nhau để ủng hộ các giải pháp đa phương, cho các vấn đề đa phương, thông qua các đối tác đa phương – theo kiểu ASEAN – tất cả nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế ».

Còn theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu chủ chốt của chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quân sự, thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Thụy Điển, Liên Hiệp Châu Âu cố gắng gia tăng ảnh hưởng lên Trung Quốc và Hoa Kỳ qua việc chứng tỏ EU cũng là một nhân tố chính tại vùng biển tranh chấp.

Ông nói : « Liên hiệp Châu Âu không phải là Trung Quốc, và chắc chắn không phải là Hoa Kỳ của ông Donald Trump. EU muốn chứng tỏ là mình luôn hiện diện và vẫn đóng một vai trò. Ba quốc gia ký vào thông cáo chung về Biển Đông là Anh, Pháp, Đức đều có quyền lợi đặc biệt quan trọng trong khu vực, có lợi ích thương mại…Nếu có sự cố xảy ra trên Biển Đông, các ngành kỹ nghệ liên quan của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng ».

Trung Quốc : Phương Tây không nên « đổ dầu vào lửa » tại Biển Đông

Tác giả Trần Tướng Miểu (Chen Xiangmao) của Viện nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc trên diễn đàn US China Focus tức tối cho rằng « Phương Tây không nên đổ dầu vào lửa tại Biển Đông » - tựa của bài viết. Tác giả này đặt câu hỏi, các nước Liên Hiệp Châu Âu lâu nay ít quan tâm đến Biển Đông, vì sao lại ra tuyên bố chỉ trích việc quân sự hóa vùng biển và nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7/2016 vào lúc này ?

Trần Tướng Miểu cho rằng có ba lý do. Thứ nhất, Hoa Kỳ luôn mong có sự hỗ trợ của châu Âu để cùng ngăn chận Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ hai, Việt Nam cần có sự trợ giúp khẩn cấp về mặt tinh thần của các quốc gia châu Âu đối với việc khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính, mà tác giả này gọi là « hành động phi lý và đơn phương ». Thứ ba, Nhật Bản với tư cách thành viên G7 đã đòi ghi vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm này, với cùng mục đích với Việt Nam là tập hợp các lực lượng bên ngoài nhằm ngáng chân Bắc Kinh.

Theo nhà nghiên cứu của Viện Nam Hải, cả hai bản thông cáo của Liên hiệp Châu Âu và của ba nước Anh, Pháp, Đức « không chỉ gây áp lực lên Trung Quốc mà còn làm xấu đi quan hệ giữa châu Âu và Bắc Kinh ». Trần Tướng Miểu nhấn mạnh Biển Đông phải là « vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác », cáo buộc « các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang cố gắng phá hoại chủ trương này » của Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190919-cac-nuoc-chau-au-quyet-tam-hien-dien-thuong-xuyen-tai-bien-dong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét