Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Bản tin ngày 26-9-2019

Bản tin ngày 26-9-2019

Tin Biển Đông
Thêm một hành động leo thang của Bắc Kinh: Trung Quốc đưa giàn khoan Thạch Du 982 vào Biển Đông. VOA dẫn tin từ báo South China Morning Post đưa tin, tài khoản mạng xã hội của ông Trường An Kiếm (Chang An Jian), thuộc Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc, cho biết thông tin này, nhưng không tiết lộ vị trí của giàn khoan.
Theo ông Đặng Sơn Duân, một nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông, cho biết, “giàn khoan này có thể vẫn ở vị trí cũ có tọa độ 17.62 N/110.35 mà nó hoạt động trong 1 tháng qua, tức ở vị trí đông nam của Tam Á”. Sau đó, ông Duân xác nhận, theo bức ảnh vệ tinh mới nhất, Hải Dương 982 vẫn ở vị trí cũ, tức tại tọa độ nói trên. Hiện không thấy báo “lề đảng” đề cập gì tớ giàn khoan 982 này.
Về nhóm tàu Hải Dương 8, tối 25/9/2019, trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cập nhật: Diễn biến khu vực Đá Chữ Thập trong vòng 24 tiếng vừa qua. Hiện nhóm tàu Hải Dương 8 vẫn đang neo ở Đá Chữ Thập, có lẽ phải qua Quốc khánh Trung Quốc (1/10) mới tiếp tục trở lại Bãi Tư Chính gây hấn. Nhưng có một cuộc đối đầu nhỏ đang diễn ra giữa tàu Khánh Hòa 01015 của Việt Nam và hải cảnh 35111 của Trung Quốc.
Hai tàu này đã “bước sang ngày thứ hai đối đầu với nhau ở khu vực phía ngoài Đá Chữ Thập. Tàu hải cảnh 31302 cũng đã đi ra khỏi khu vực Đá Chữ Thập, có lẽ là để canh chừng và thay thế luân phiên cho hải cảnh 35111. Vào lúc 19h ngày 25/9, tàu hải cảnh 35111 đã quay trở vào neo đậu bên trong đảo nhân tạo của Đá Chữ Thập. Hai tàu Việt Nam vẫn chưa rời đi”
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông có clip tổng hợp hình ảnh vệ tinh về sự việc:
VOV đưa tin: Chỉ trích Trung Quốc, Philippines đề cao vai trò Mỹ ở Biển Đông. Ngày 24/9/2019, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hành xử áp đặt với các nước láng giềng liên quan đến vấn đề Biển Đông, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với sự hiện diện liên tục của Mỹ trong khu vực. 
Ông Locsin nói: “Liên minh quân sự giữa Mỹ và Philippines rất vững chắc. Chúng tôi hy vọng quan hệ này sẽ được củng cố không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những cam kết thực tiễn. Chỉ khi có sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ, chúng ta mới có thể nhìn thấy một con đường phía trước và một châu Á tự do cởi mở”.
Quy hoạch nhân sự ủy viên Trung ương
Để cảnh tỉnh, răn đe những ai đang “lăm lăm” ý định chạy chức, chạy quyền, Bộ Chính trị cần công khai 200 nhân sự quy hoạch ủy viên trung ương. Nếu không công khai, làm sao dân biết mà giám sát, giúp để chọn người tài đức, đủ tiêu chuẩn cho đảng?
Hay là nhân sự mà đảng “quy hoạch”, chẳng người nào có tài, có đức, nên những người đứng đầu sợ công khai danh sách, dân mang ra bàn tán, mổ xẻ, cuối cùng là tất cả đều rớt hết, chẳng ai vào được Trung ương?
Báo Dân Trí có bài: Công khai quy hoạch 200 nhân sự trung ương để tránh “râm ran tin đồn”. Cựu Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, PGS.TS Lê Minh Thông thừa nhận, cần cung cấp cho đảng viên những thông tin cần thiết về nhân sự của đại hội, tránh tình trạng râm ran tin đồn “ông này, ông kia sẽ vào cấp ủy”.
Mấy năm qua, phe nhóm của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước ra sức “đốt lò” nhằm chứng minh mình liêm khiết, trong sạch, có quyền lãnh đạo đất nước. Nhưng những người thạo tin và ngay cả một số đảng viên, cựu đảng viên đều nhận ra rằng, phe Tổng – Chủ Trọng so với phe “đồng chí X” cũng tương tự “49 gặp 50”, không có chuyện chỉ phe này “bẩn”, phe kia “sạch”, cách làm của hai phe đều mờ ám, xem thường dân như nhau.
Vụ xử các quan chức BHXH
Ngày 25/9/2019, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến việc Bảo hiểm Xã hội VN cho vay sai quy định đối với Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), qua chứng thư bảo lãnh của Agribank, làm thất thoát 1.700 tỷ đồng. 
Kết quả phiên xử, cựu Thứ trưởng Lê Bạch Hồng nhận án 6 năm tù giam, bồi thường 150 tỷ đồng, VOV đưa tin. Phiên tòa cũng tuyên phạt ông Nguyễn Huy Ban, cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mức án 14 năm tù. Ông Ban chịu trách nhiệm bồi thường 292 tỷ đồng, Hồng cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Ông Ban (áo trắng, hàng trên), Hồng (áo xanh, ngoài cùng bên phải) cùng các bị cáo khi nghe tòa tuyên án. Ảnh: VNE
Theo cơ quan tố tụng, bị cáo Lê Bạch Hồng đã ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng cho ALC II vay vốn, đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 434 tỷ đồng. Cựu TGĐ BHXH VN Nguyễn Huy Ban đã ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho ALC II vay 630 tỷ đồng không đúng đối tượng, không bảo đảm nguyên tắc đầu tư Quỹ BHXH, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.263 tỷ đồng (tính cả tiền lãi).
Sai phạm ở Bộ GTVT
VTC đưa tin: Thủ tướng kỷ luật 3 Thứ trưởng Bộ GTVT, xóa tư cách Thứ trưởng với ông Nguyễn Hồng Trường. Thủ tướng vừa ký quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, khiển trách đối với hai ông Nguyễn Nhật và Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, đồng thời xóa tư cách cựu Thứ trưởng Bộ GTVT đối với ông Nguyễn Hồng Trường, vì những vi phạm, “khuyết điểm nghiêm trọng” trong công tác.  
Từ trái qua: Ba thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải bị kỷ luật Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bị kỷ luật – Ảnh: TỰ TRUNG – VIỆT DŨNG – TUẤN PHÙNG/ TT
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng đối với 4 quan chức trên. Cơ quan “đốt lò” nhận định, Ban cán sự đảng Bộ GTVT đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT”
Vụ xử VN Pharma
Ngày xử thứ 2 của phiên tòa sơ thẩm lần 2, vụ VN Pharma bán thuốc chữa ung thư giả, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vẫn vắng mặt, dù đã được tòa triệu tập. Buổi sáng 25/9, trong lúc xét xử VN Pharma: Võ Mạnh Cường khai bị ép cung, Chủ tọa nhắc nhở thái độ, Infonet đưa tin.
Bị cáo Võ Mạnh Cường, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C khẳng định, cơ quan điều tra đã ép cung, ông Cường đã có đơn kêu oan và trình bày những khúc mắc trong vụ án gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ngay lập tức, “chủ tọa nghiêm khắc yêu cầu Cường không được xúc phạm các cơ quan tố tụng. Theo ông, Cường hoàn toàn có quyền từ chối trả lời các câu hỏi trong quá trình điều tra”. Chủ tọa phiên tòa nhạo báng công lý, khi cho rằng bị cáo “xúc phạm”, thay vì cho điều tra, làm rõ những điều bị cáo khai tại phiên tòa.
Trang Bảo Vệ Pháp Luật đặt câu hỏi về vụ VN Pharma: Các bị cáo cố tình tiêu hủy chứng cứ vụ án? Bị cáo Bùi Ngọc Duy, cựu trưởng phòng nghiên cứu và phát triển công ty VN Pharma khai về vụ tiêu hủy con dấu của Công ty Helix Canada, theo chỉ đạo của cấp trên: “Bị cáo chưa bao giờ làm việc với Cơ quan điều tra nên chỉ biết làm theo chỉ đạo của cấp trên. Sau này làm việc với Cơ quan điều tra thì bị cáo mới hiểu rõ việc làm của mình đang gây cản trở cho quá trình điều tra vụ án”.
Đến phiên xử chiều 25/9, HĐXX thẩm vấn trách nhiệm Cục Quản lý dược cấp phép VN Pharma [nhập] khẩu thuốc giả, theo báo Thanh Niên. Ông Phan Công Chiến, Phó phòng quản lý kinh doanh dược, thành viên của Tổ thẩm định, Cục Quản lý dược, cho rằng “với vai trò là thành viên của Nhóm pháp lý, ông đã thực hiện đúng và đủ theo quy chế của Tổ thẩm định và quy định tại Quyết định 151 Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 47”.
Khi HĐXX hỏi về vụ Tổ thẩm định đều đánh giá đơn hàng của VN Pharma đạt chuẩn, từ đó trình cho người thẩm quyền ký công văn đồng ý cho Công ty VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Capllet, trong khi toàn bộ hồ sơ của VN Pharma là hồ sơ giả, ông Chiến trả lời, bản thân ông chỉ có thể cho ý kiến về Nhóm pháp lý.
Cựu phó chánh án kiêm xã hội đen?
Về đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội từ ngày 20/9, ghi lại cảnh 2 người đàn ông và 1 người đàn bà cùng đi trên 1 chiếc taxi, xông vào căn nhà có địa chỉ 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM, bế 3 đứa trẻ từ trong nhà ra ngoài, bị người dân phát hiện tri hô là “bắt cóc” và giữ lại. Báo Pháp Luật VN đặt câu hỏi: Nguyên Phó chánh án TAND quận 4, TP HCM bị tố “bắt cóc” ba trẻ em? 
Người tổ chức vụ bắt cóc nói trên bị người dân nhanh chóng xác minh là ông Nguyễn Hải Nam, cựu Phó chánh án TAND quận 4, TP HCM và Lâm Hoàng Tùng, giảng viên trường Đào tạo bồi dưỡng kiểm sát TP.HCM. Theo bài viết, nguyên do sự việc liên quan đến mâu thuẫn xung quanh hợp đồng mua căn nhà nói trên của bà Hoàng Thị Thu Thảo, mẹ của 3 đứa bé nạn nhân.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh chia sẻ clip ghi lại sự việc:
Ông Danh viết: Đồng chí Phó chánh án làm thêm. Ông Danh phân tích, “các đồng chí muốn tạo rắc rối quanh căn nhà hòng chiếm đoạt số tiền đặt cọc 15 tỉ và đuổi bà Thảo ra khỏi nhà để lấy lại nhà. Diễn biến cho thấy đồng chí Tùng và đồng chí Nam có thể nằm trong hai tình huống: 1. Được thuê đứng sau tư vấn luật cho Chi để chiếm đoạt tiền và lấy lại nhà. 2. Định mua lại nhà giá rẻ (có thể mua mức giá 2017 là 25 tỉ) nhưng thực tế 2019 đã lên 40 tỉ. Theo các luật sư, hành vi của các đồng chí đã cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật”.
Bác sĩ ở Huế hiếp dâm
Sau khi cư dân mạng đồng loạt lên tiếng phản đối vụ việc, tối 25/9, đại tá Hoàng Long, Trưởng Công an TP Huế xác nhận, cơ quan CSĐT Công an TP vừa khởi tố, bắt tạm giam bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế hiếp dâm đồng nghiệp, báo Tiền Phong đưa tin. BS Lê Quang Huy Phương, công tác tại khoa Da liễu, Bệnh viện TƯ Huế bị bắt để điều tra hành vi “Hiếp dâm và Cố ý gây thương tích”. Nạn nhân là cô D.H.T.Th, nữ điều dưỡng làm cùng cơ quan với Phương. 
Trước đó, cô Th đã tố bị BS Phương hành hung tại Chung cư Đống Đa, phường Phú Nhuận, khiến cô phải nhập viện cấp cứu, điều trị vào ngày 17/9/2019. Lúc đó, BS Phương có đơn xin thôi việc nhưng lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế không chấp nhận mà chờ kết luận của cơ quan điều tra để có quyết định cuối cùng là buộc thôi việc.
Tin môi trường
Báo Người Đô Thị cảnh báo vụ sông Đồng Nai “sống chết mặc bây”!: Triệu người đang bị đe dọa. Sông Đồng Nai, nguồn cung cấp nước cho hàng triệu dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM đang hứng chịu nguồn “xả thải của hàng loạt nhà máy, KCN, làng bè… Thế nhưng không ít giải pháp giải quyết ô nhiễm cứ giậm chân tại chỗ”
Một trong các nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất là KCN Biên Hòa 1, chủ trương giải tỏa KCN này đã có từ 19 năm trước, đã được Thủ tướng đồng ý nhưng đến nay vẫn chỉ trên giấy tờ.
Bài báo lưu ý, sông La Ngà, một phụ lưu của sông Đồng Nai mới đây lại diễn ra tình trạng hàng trăm tấn cá lồng, bè chết phơi trắng bụng chỉ trong một đêm. Làng bè Tân Mai ở TP Biên Hòa nhiều năm qua cũng diễn ra tình trạng tương tự. Bao nhiêu chất độc cứ thế ngấm vào dòng sông cung cấp nước cho hàng triệu người ở “thủ phủ miền Nam”.
Một góc KCN Biên Hòa 1, nơi đang ngày đêm đe dọa nguồn nước sông Đồng Nai. Nguồn: Người Đô Thị
RFA đưa tin: Việt Nam khẩn cấp đối phó xói mòn, sạt lở ở khu vực ĐBSCL. Chính quyền 6 tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng và Cà Mau cùng công bố tình trạng khẩn cấp chống sạt lở bờ sông do xói mòn. Chỉ riêng tỉnh Cà Mau, hơn 25km bờ sông “cần phải có biện pháp xử lý khẩn cấp nếu không một trong những khu vực bị ảnh hưởng sẽ là phía Tây Nam của TPHCM”.
Tình trạng hạn hán gây suy giảm nguồn nước ngọt, tình hình nước biển dâng và xâm nhập mặn khiến viễn cảnh đồng bằng sông Cửu Long và cả một phần vùng Đông Nam Bộ bị Biển Đông “nuốt chửng” hóa ra đã cận kề chứ không phải đợi đến cuối thế kỷ này nữa.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Nhiều xóm làng miền Tây tan tác vì sạt lở. Bài báo mô tả khung cảnh cửa biển Vàm Xoáy, ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, “từng là nơi hội tụ của hàng trăm hộ dân hành nghề chài lưới, trước mắt chúng tôi là khung cảnh điêu tàn, chỉ còn lại những chiếc cọc trơ trọi, những mảng bêtông đổ nát trước những con sóng tức tưởi liên tiếp uy hiếp bờ”.  Một người dân cho biết, hầu hết dân ở đây đã tản cư.
Một xóm nhà dân tại cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị biển uy hiếp. Ảnh: Nguyễn Hùng/TT
RFI dẫn lời GIEC cảnh báo: “Cứu đại dương để cứu nhân loại”. Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc được tổ chức thứ Hai 23/9/2019, với hy vọng quốc tế nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm kìm hãm đà tăng khí thải, cuối cùng chỉ được 66 nước hưởng ứng. Các nước phát thải chính vắng mặt, dĩ nhiên trong đó có chính quyền Trump. Nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, GIEC công bố một báo cáo mới, cho thấy nước biển dâng cao có thể gây tổn thất “hàng trăm nghìn tỉ đô la/năm”.
Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An phân tích: Vào thời điểm loài người chỉ manh nha xuất hiện, Trái Đất đã từng có lượng khí nhà kính trong khí quyển tương đương hiện nay và lúc đó không có băng ở hai cực, rất nhiều vùng đô thị sầm uất ven biển hiện nay đã từng chìm sâu dưới các đại dương. Nghĩa là đại dương không cần “cứu”, Trái Đất không có băng ở hai cực thì nó vẫn tồn tại, nhưng một thế giới mà con người có thể sinh sống và phát triển thì không thể không có băng ở hai cực. 
Tin giáo dục 
Thủ tướng vừa cảnh cáo phó chủ tịch tỉnh Hòa Bình vụ gian lận thi cử, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Bùi Văn Cửu, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021 bị cảnh cáo “do có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, năm 2018 của tỉnh Hòa Bình; Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã thi hành kỷ luật về Đảng”.
Trước đó, ngày 2/8/2019, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Cửu, trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 2018 – bằng hình thức cảnh cáo do không hoàn thành nhiệm vụ trưởng Ban chỉ đạo thi năm 2017-2018. 
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét