Khi nhân cách ở một tầm cao
Mạc Văn Trang
28-8-2018
Một bà bạn tôi, vốn là giáo viên, người Hà Nội gốc, rất tế nhị, hay ý tứ… Bà băn khoăn bảo tôi: Cái Phù điêu ở Hồ Trúc Bạch, nơi ông John McCain bị bắt sống, là biểu tượng ta chiến thắng B52 của Mỹ; còn hình ảnh John McCain quỳ gối, giơ hai tay đầu hàng là biểu thị sự thất bại nhục nhã của đế quốc Mỹ… Sao lại đem hoa đến viếng ông ấy ở đấy? Như vậy có làm nhục người ta không?
Theo bà, nên phủ tấm vải đen lên phù điêu và lập bàn thờ, có ảnh của ông thật đàng hoàng để viếng. Như vậy mới thể hiện sự kính trọng, chân thành tiếc thương một con người đáng kính, một người bạn lớn của nhân dân ta…
Tôi bảo, chị băn khoăn, chị không đặt hoa ở phù điêu ấy, mà đặt hoa trước ảnh ông trang trọng là đúng, vì đó là văn hóa tinh tế của chị. Rất đáng quý.
Nhưng người Mỹ họ suy nghĩ thoáng lắm, nhất là một nhân cách lớn như John McCain. Sinh thời ông đã đến thăm Hồ Trúc Bach, ngắm tấm Phù điêu nhiều lần và chụp ảnh kỷ niệm. Việc ông bị bắn rơi, bị bắt sống, bị giam cầm ở Hòa Lò… đó là sự thật lịch sử. Chả có gì phải né tránh. Việc người dân lập cái bia kỷ niệm chiến tích là việc của họ, người ta muốn làm thế nào để thỏa mãn niềm kiêu hãnh của họ là tùy họ, chả chấp làm gì!
Ông đã vượt qua tất cả sự thù hận giữa 2 bên, vượt qua những ám ảnh bị tù đày ở Hỏa Lò, vượt lên tất cả để hàn gắn mối quan hệ Việt – Mỹ; với một tầm suy nghĩ lớn và lòng bao dung, cao thượng, ông khát khao làm nhiều việc để giúp cho Việt Nam phát triển lên…
Đến như ông Phạm Quang Nghị sang thăm nhà người tai, mà tặng ông ấy tấm hình “sỉ nhục” đó, ông vẫn cầm lấy tươi cười, thú vị, kia mà.
Nay nhân dân đến tấm bia kỷ niệm bên Hồ Trúc Bạch đặt hoa tưởng nhớ, chắc ông cũng rất hài lòng.
Khi nhân cách đã ở tầm cao rồi, người ta không còn vướng bận vào những điều nhỏ nhặt nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét