Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Hạnh phúc nhọc nhằn nơi lớp Một (Phần 3)


Hạnh phúc nhọc nhằn nơi lớp Một (Phần 3)

Phạm Toàn
30-8-2018
Tiếp theo Phần 1 và Phần 2
1. Hạnh phúc: tìm được con đường đến chỗ cao siêu
a. Học sinh giỏi 
Thế nào là một học sinh giỏi? Và làm gì để có học sinh giỏi?
Hai câu hỏi trên là hai vấn đề trung tâm nung nấu nhọc nhằn của nhà sư phạm.  
Một học sinh giỏi theo cách nhìn cũ là học sinh có nhiều kiến thức, các kiến thức đọng lại chắc chắn trong “đầu”, và đủ sức trải qua các cuộc kiểm tra, đánh giá (xưa nay vẫn thấy trong các cuộc thi).
Hệ thống Công nghệ Giáo dục và tư tưởng của nhóm Cánh Buồm chia sẻ với nhau ở chỗ coi một học sinh giỏi là người làm ra được sản phẩm và phải có tư duy của kẻ biết chủ động làm ra sản phẩm. 
Giáo sư Hồ Ngọc Đại nghĩ đến học sinh giỏi sẽ đủ sức sống bình thường trong nền văn minh đương thời. 
Năm 2004, tác giả bài viết này có bài báo tự đề “sản phẩm kép của Giáo dục phổ thông” đăng trên báo của Quốc Hội nước ta và được thưởng Giải bài báo hay về Giáo dục năm đó. Tôi nói “sản phẩm kép” vì người học sinh giỏi đó làm ra kiến thức cho mình và có tư duy của cách làm ra kiến thức đó.
Học sinh giỏi là người có trí tuệ và biết vì sao mình có trí tuệ. Người học sinh giỏi là người biết tự học và nhờ đó mà thích sống tự lập. Người học sinh giỏi là người trưởng thành về tư duy.
Thử thách đối với nhà sư phạm, cái thử thách cao nhát, nhọc nhằn nhất nhưng lại là chốn hội tụ hạnh phúc nhất, đó là tìm ra con đường tạo ra những học sinh giỏi, một con đường dễ đi sao cho các nhà giáo đều có học sinh giỏi.
b. Con đường tạo ra học sinh giỏi 
b.1. Tổ chức học bằng việc làm và thao tác
Chúng ta hãy quy câu chuyện trong giới hạn của việc học tiếng Việt lớp 1 để biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ.
Biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ là sản phẩm của học sinh giỏi. Nhưng tự làm ra việc biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ là sản phẩm nằm trong tư duy của người học sinh thực sự giỏi. Học theo cách cũ, hoặc à uôm “học thế nào cũng được, cốt biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ” là được rồi. Nhà sư phạm nào nghĩ vậy thì sẽ khước từ cách học khác để học sinh luyện tư duy của mình ngay trong khi học.
Ít nhất trong lúc này, và dã được thử thách nhiều chục năm, đó là cách học theo đường lối ngữ âm học do Công nghệ giáo dục và Hồ Ngọc Đại khởi xướng. Nó cũng được lặp lại và cố gắng trau chuốt cho giản dị hơn, nghĩa là dễ thực hiện hơn bởi nhóm Cánh Buồm.
Dạy học sinh các thao tác phát âm, phân tích âm, rồi tự ghi và tự đọc có khó không?
Xin hãy coi cách học thao tác phát âm như sau.
Giáo viên cho Học sinh tìm câu chào bà khi em đi học. Các em nói tự do. “Bà ở nhà cháu đi học đây ạ”. “Cháu chào bà cháu đi học ạ”. “Cháu đi học đây, cháu chào bà ở nhà nhé”. v.v… Rất nhiều cách nói với nhiều thái độ khác nhau: láu táu, lí nhí, ậm ừ trong cổ họng…
Bây giờ Giáo viên dạy Học sinh cùng phát âm cho rõ ràng cũng một câu chào đó để ai ai cũng nghe rõ: cháu / chào / bà / cháu / đi / học / ạ. Trong cuộc sống thực, chẳng ai giao tiép với nhau thủng thẳng từng tiếng như vậy. Nhưng phát âm để học ngữ âm thì lại làm như thế.
Và trong hành động thực tiễn, Học sinh đã làm ra khái niệm phát âm. Và chẳng khó khăn gì hết.
Thao tác phân tích cũng vậy.
Giáo viên nêu bài toán, như cách đố Học sinh: “Câu chào bà đó có mấy tiếng? Đố các em tìm ra đấy”.
Giáo viên hướng dẫn tiếp cách tìm.
Thứ nhất là vỗ tay vào nhau để “đánh dấu” các tiếng trong khi phát âm. Sau đó, Giáo viên rủ Học sinh cứ phát một tiếng thì đặt một vật thay thế (có thể là que diêm, nắp chai bia, … và sau này sẽ là chữ viết).
Nói (phát âm)   cháu / chào / bà / cháu / đi / học / ạ.
Ghi lại                  x         x       x       x       x     x      x
Đọc lại đi, chỉ tay từng tiếng mà đọc, xem có thiếu tiếng nào không?
Đó chính là dùng việc làm và thao tác để tách được khái niệm lời nói với khái niệm tiếng trong lời nói.
Dễ vô cùng và giáo viên nào cũng dạy được cái việc đem giảng giải cả ngày cũng không xong với trẻ em 6 tuổi.
Các việc làm và thao tác đó sẽ lặp lại theo độ phức tạp của các mẫu tiếng [ba] rồi [loa] rồi [lan] rồi [loan] để cuối cùng có sản phẩm cả ở kiến thức lẫn tư duy – tư duy về cách làm ra kiến thức.
b.2. Tổ chức học làm ra khái niệm
Học sinh giỏi phải dựa trên sự nắm bắt được các khái niệm. Sự khác nhau giữa người hoang dã và người hiện đại là ở năng lực tìm ra các khái niệm. Học ở trường mà không đến được trình độ các khái niệm thì càng học càng thi đỗ mà vẫn không đến được giai đoạn bốn-chấm-không!
Cách học của Công nghệ Giáo dục và của Cánh Buồm không cho Học sinh học thuộc những mô tả các khái niệm. Thay vào đó, chúng ta cho trẻ em làm ra khái niệm. Khái niệm do các em làm ra, và khái niệm là cuộc sống của các em.
Nguyên âm và phụ âm khác nhau hay giống nhau?
Sẽ rất khó nếu giảng giải và cho học sinh học thuộc những đặc điểm, thuộc tính của hai khái niệm đó.
Nhưng bằng phát âm, phân tích, ghi lại và đọc lại, chúng ta có thể tổ chức việc học hai khái niệm đó.
Giáo viên làm mẫu phát nguyên âm [a]. Phải há miệng thì mới phát được nguyên âm [a]. Học sinh làm theo mẫu phát âm [a]. Cả lớp cùng đặt tên cho loại âm đó. Đó là nguyên âm.
Thử phát âm [e] xem nó thế nào? Có há miệng không? Há khác với nguyên âm [a] không? Cúng phát [a] và [e] xem chúng giống nhau ra sao. Ta có thêm nguyên âm [e]. Tiếp tục dần dần như vậy, và sẽ có cả loạt nguyên âm từ [a] đên [e] [ê] [i] [o] [ô] [ơ] [u] [ư]. Không học bán nguyên âm [ă] và [â] vội, vì chúng sẽ nằm trong quy trình dạy ở mẫu tiếng [lan]. Cũng không học chữ y vội, vì đó là một cách ghi âm [i] thôi.
Còn khái niệm phụ âm sẽ được học sinh tiếp tục làm ra như thế nào?
Giáo viên làm mẫu phát âm [b]. Phải bậm môi lại, rồi bật ra âm [bư, phát ra thì tắt ngay chứ không kéo dài được như nguyên âm [a]. Cả lớp cùng đặt tên cho loại âm đó. Đó là phụ âm.
Tiếp tục phát âm và luyện tập với các phụ âm. Loại nào bị cản ở môi? Loại nào bị cản trong miệng? Có học chữ k, chữ q, chữ gh và chữ ngh không? Đó là chữ viết để ghi phụ âm khi phải ghi theo luật chính tả. Đó đâu có là khái niệm một âm?
Đó là thí dụ dễ nhận ra nhất để tổ chức cho học sinh đến với khái niệm.
Và xin được trịnh trọng nhắc lại lần cuối: học mà không đến được khái niệm thì thà đừng học còn hơn. Nhưng khái niệm không phải là thứ đẻ học thuộc lòng. Khái niệm là sự sống thực tiễn của con người đang sống.
b.3. Tổ chức các hình thức luyện tập
Sau khi đã có khái niệm, cần có nhiều hình thức luyện tập để củng cố và mở rộng phạm vi của khái niệm.
Ngữ âm tiếng Việt dầy rẫy những sản phẩm có vần có nhịp khién ngữ âm tiếng mẹ đẻ chúng ta vừa vui vừa êm ái vừa đầy hình ảnh.
Phải cho học sinh lớp 1 học câu đố, để kho tàng trí khôn đó không mai một.
Phải học đồng dao, thậm chí cho học sinh làm đồng dao, để kho tài sản đó là của cải đem dùng từ khi 6 tuổi, chứ không chỉ dùng cho người lớn làm luận án.
Phải học thành ngữ, tục ngữ, ca dao… để ngữ âm tiếng Việt véo von trong tâm hồn học sinh từ khi 6 tuổi, để “tiếng Việt còn nước Nam còn”.
Phải cho học sinh ngay từ giữa lớp 1 đã tập đọc thầm, vì đọc thầm hoàn toàn luyện tư duy khác với đọc nghêu ngao.
Còn nhiều hình thái khác nữa, xin vui lòng đọc sách Tiéng Việt  Công nghệ Giáo dục hoặc của nhóm Cánh Buồm.
Tất cả chỉ quy tụ vào việc trả lời câu hỏi: thế nào là học sinh giỏi, và làm cách gì cho tất cả trẻ em của dân tộc này đều giỏi…
c. Một đoạn kết luận dài
Ngày thứ Ba vừa rồi, người viết bài này cùng một số bè bạn là nhà văn và nhà báo đã cùng nhau đến sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội viếng người bạn của Việt Nam, Thượng nghị sĩ, phi công Hải quân John McCain.
Các bạn trao cho tôi việc ghi sổ tang.
Tôi đã ghi ngắn, nhưng ý tưởng của tôi là như sau: Ông John McCain là một anh hùng. Anh hùng hiểu theo nghĩa là Nhân vật của Thời đại, một thời đại đã đến ở rất nhiều cá nhân và sẽ đến với tất cả Nhân loại nhờ mọi người cùng làm ra khái niệm Nhân loại mới mẻ đó.
Người anh hùng – nhân vật thời đại đó có ba đặc điểm: một là đầu óc thông minh cởi mở; hai là sự dũng cảm; và ba là sự khoan nhượng.
Đi viếng về, tôi được đọc những tài liệu liên quan đến môn học Tiếng Việt lớp 1. Tôi quyết định phải gác việc khác lại để viết một bài dài gồm ba phần các bạn dang đọc đây.
Có một mục tiêu cao siêu của nhà sư phạm và của mọi bậc phụ huynh, mọi công dân có văn hóa, là làm sao trẻ em Việt Nam ta học giỏi, bắt đầu từ lớp 1 đã học giỏi cho đến mãi mãi vẫn là những con người thông minh, dũng cảm, khoan nhượng, như là ông McCain ấy.
Viết đến đây thôi. Vì còn nhiều việc khác. Mà mình thì hơn ông McCain những năm tuổi rồi.
Cám ơn các bạn đã chịu đọc bài viết lê thê này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét