Xin nhờ đại biểu Quốc hội
Nguyễn Đình Cống
23-5-2018
Nhân Quốc hội (QH) đang họp, nếu có chương trình chất vấn bà Bộ trưởng Y tế, tôi xin nhờ đại biểu QH đặt câu hỏi như sau: “Bà có biết tình trạng mổ đẻ tràn lan hiện nay trong các nhà hộ sinh và các tác hại của nó đối với dân tộc? Bà có ý kiến gì trong chuyện này không?”. Đặt câu hỏi như vậy vì tôi phát hiện ra tại nhiều nhà hộ sinh, nhiều ca có thể sinh theo tự nhiên một cách bình thường, dễ dàng, nhưng lại được chỉ định mổ. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì sinh mổ lợi ít, hại nhiều, đặc biệt là rất có hại cho nòi giống về lâu dài.
Thường chỉ cần phải mổ khi gặp ca quá khó, nếu cứ để sinh tự nhiên sẽ nguy hiểm. Thế mà ngày nay, ở VN việc sinh mổ lại trở nên quá bình thường, chiếm tỷ lệ quá cao. Trong thời gian trên một năm vừa rồi tôi có 6 đứa cháu mang bầu, tôi dặn cả vợ chồng và gia đình nên cố sinh bình thường, tránh mổ. Nhưng rồi 5 đứa đã bị mổ, trong khi tất cả đều có ngôi thai thuận, không có triệu chứng khó sinh. Tôi hỏi nguyên do, có đứa nói là đẻ đau, sợ không chịu được, có đứa nói là do bác sĩ gợi ý, đứa lại nói là chồng hoặc gia đình muốn thế.
Trước hết nói về sự ra đời. Được nỗ lực, xoay xở chui ra khỏi bụng mẹ là một trách nhiệm, quyền lợi, vinh dự của hài nhi. Qua việc làm này, hài nhi thực hiện một bước trưởng thành quan trọng. Việc mổ đẻ đã tước đi của nó quyền lợi và nghĩa vụ lớn lao này.
Hãy quan sát con gà, con vịt khi nở. Trứng được ấp đến kỳ hạn con vật sẽ tự mổ vỏ để chui ra một cách mạnh khỏe, đi kiếm ăn được ngay. Nếu con người can thiệp, bóc vỏ trứng để lôi con vật ra, nó sẽ èo uột, phải chăm sóc đặc biệt mới sống nổi. Việc mổ đẻ khá giống với bóc vỏ trứng cho phôi gà vịt. Trẻ được lôi ra từ việc mổ bụng mẹ có khả năng phòng chống bệnh kém hơn, sức khỏe yếu hơn so với trẻ bình thường.
Tiếp đến về đẻ đau. Trong gần một thế kỷ qua, trong dòng tộc nhà tôi, từ các cụ đến cháu chắt, có trên một trăm phụ nữ sinh đẻ, có bà 10 con, chưa có ai chịu đau đớn quá mức khi đẻ. Phần nhiều đẻ rất dễ, chẳng đau đớn gì. Đó là điều tôi biết rõ và khẳng định. Ngoài dòng tộc nhà tôi, trong xã hội, trên thế giới đại đa số phụ nữ vẫn sinh đẻ bình thường. Đó là tất yếu của Tạo hóa. Thế mà xem phim ảnh thấy nhiều cảnh đau đớn khi sinh đẻ quá ghê gớm. Tôi cho đây là tội ác của một số đạo diễn vô lương tâm, đã vô tình hoặc cố ý tạo ra cảnh tượng làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý sản phụ. Câu châm ngôn “Đau như đau đẻ” có thể bị sai đến trên 90%.
Thứ hai, tại sao bác sĩ biết sản phụ có thể sinh bình thường mà lại đề nghị mổ? Phải chăng đối với bác sĩ việc mổ là đơn giản hơn hoặc sẽ nhận được phong bì bồi dưỡng dày hơn? Nếu chỉ vì một lợi nhỏ cho bản thân mà làm việc đó thì đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, không những thế còn phạm tội ác vì có thể làm hại đến hài nhi, sản phụ và dân tộc. Tác hại đối với hài nhi đã trình bày, tương đối rõ. Sản phụ, không những bị rạch bụng và tử cung, còn phải dùng nhiều kháng sinh, ảnh hưởng đến sữa nuôi con. Tác hại đối với dân tộc là sinh ra những thế hệ èo uột kế tiếp nhau. Tôi theo dõi nhiều bạn trẻ được sinh mổ trước đây, nay đã từ 25 đến trên 50 tuổi, không tìm thấy trong số họ người có thân thể cường tráng. Những người như thế khó trở thành chiến sĩ dũng cảm hoặc người lao động dẻo dai.
Thứ ba, về nguyện vọng của gia đình. Người ta tưởng chọn sinh vào giờ tốt để có lá số tử vi đẹp. Đó là một sai lầm quá ngu xuẩn. Các lá số theo Tử vi, Tứ trụ, Hà lạc đều xét đến giờ sinh, nhưng đó là giờ sinh tự nhiên, do thai nhi tạo ra, do mệnh Trời, chứ không phải giờ mổ để lôi thai nhi ra một cách cưỡng bức. Cũng có thể do vợ chồng muốn giữ lại cơ thể thanh xuân, sợ sinh đẻ tự nhiên phá vở nét tươi trẻ nào đó. Những suy nghĩ như thế đều ngược với tự nhiên, ích kỷ và ngu đần.
Những việc như trên liệu bà Bộ trưởng và các quan chức ngành y tế có biết? Biết rồi sao lại để cho nó phát triển, hoành hành? Vào ngày 15 tháng 4 năm 2015 tôi có viết thư ngỏ gửi Bà Bộ trưởng Y tế, đăng trên mạng xã hội, trong đó có trình bày ý kiến về sinh mổ, không hề nhận được ý kiến phản hồi. Từ đó đến nay tình hình càng ngày càng xấu hơn.
Có bạn thắc mắc, khi tôi không thể đến họp Quốc hội để trực tiếp chất vấn, sao không gửi câu hỏi vào hòm thư “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”. Tôi nghĩ hòm thư đó chủ yếu dành cho những việc cá nhân. Vấn đề tôi đề cập liên quan đến cả dân tộc, ngoài việc nêu ra cho Bộ trưởng tôi còn muốn rất nhiều người quan tâm.
Trong trường hợp lần họp này của Quốc hội, nếu không có chương trình chất vấn Bộ trưởng Y tế thì xin các ĐBQH ghi nhận lại để nêu ra vào lúc thích hợp. Tôi cũng định gửi ý kiến đến ĐB đại diện cho vùng dân cư của mình, nhưng thật xấu hổ khi đã hỏi nhiều người trong vùng mà không ai biết tên người đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét