Phủi tay chối bỏ trách nhiệm
30-5-2018
Sau một thời gian im nặng trước bao ồn ào của ngành Giáo dục, Nhạ bộ trưởng vừa gây bão tiếp bằng cách đề xuất kiểu chơi chữ hết sức nươn nẹo học được từ anh Thả-cá-trê bộ GTVT: thay “học phí” bằng giá dịch vụ đào tạo.
Cho dù dùng câu chữ như thế nào thì bộ GD-ĐT và bộ GTVT đang nhắm đến việc THU TIỀN của dân chúng. Thay vì nói chuyện chất lượng của Giáo dục, của đường xá, tính hợp lý của việc thu tiền thì các vị ấy toàn đưa ra những thứ vớ vẩn gây ồn ào dư luận về câu chữ mà thôi.
Nói đến tiền thì dưới đây mới là tin tức mà mọi người cần để tâm theo dõi hôm nay, vì nó có thể ảnh hưởng trực tiếp ngay đến túi tiền của chính các bạn. Đấy là chuyện tiền mang gửi ngân hàng một cách hợp pháp mà bị chính cán bộ ngân hàng chiếm đoạt mất và ngân hàng lại… phủi tay trắng trợn.
Bi kịch này thiết nghĩ chỉ có ở Việt Nam và khi người dân giao dịch với các ngân hàng của nhà nước nắm cổ phần ưu thế, cụ thể như Vietinbank.
Mình trích lại bài trên page Bank Plus để mọi người thêm thông tin: “Huyền Như KHÔNG LÀ ĐẠI DIỆN của Vietinbank, ngân hàng cũng KHÔNG UỶ QUYỀN cho Như huy động vốn” – Đại diện của Vietinbank đã có một lập luận phủi trắng trách nhiệm trong phiên toà xử Huyền Như sáng nay.
Nhìn lại vụ án Huyền Như chiếm đoạt 1.085 tỷ của 5 công ty.
Cách đây 7 năm, 5 công ty gồm SBBS, An Lộc, Hưng Yên, ORS… đã gửi hơn 1.085 tỷ vào tài khoản của 5 công ty ĐƯỢC mở tại Vietinbank. Một điều đáng lưu ý là tài khoản của 5 công ty này đã mở tại Vietinbank đúng quy định, tiền của 5 công ty cũng đã gửi vào tài khoản của họ mở tại ngân hàng, tài khoản của 5 công ty đã hiển thị số dư, Vietinbank cũng đã thu phí khoản tiền gửi này (chính luật sư của Vietinbank đã xác nhận điều này tại toà). TUY NHIÊN, Sau khi tiền của 5 công ty vào tài khoản, Huyền Như lúc này là quyền trưởng phòng giao dịch của Vietinbank, kiêm kiểm soát viên của ngân hàng mới lợi dụng quyền hạn, can thiệp vào hệ thống ngân hàng chuyển tiền từ tài khoản của 5 công ty sang tài khoản của Huyền Như.
Căn cứ trên sơ đồ giao dịch trên có thể thấy, 5 công ty đã phát sinh giao dịch với Vietinbank, khi mất tiền ngân hàng phải có trách nhiệm đền bù cho khách hàng. Riêng việc Huyền Như biển thủ tiền, đó là việc nội bộ của ngân hàng, 5 công ty không cần quan tâm đến việc này.
Vậy mà, trong phiên toà sáng nay, đại diện Vietinbank đã phủi trắng trách nhiệm của mình bằng các lập luận sau:
– Huyền Như không là đại diện của Vietinbank, ngân hàng cũng không uỷ quyền cho Như huy động vốn”. Rất lạ, Huyền Như là Quyền Trưởng Phòng của Vietinbank, Huyền Như có trách nhiệm đi ra ngoài gặp khách huy động vốn để đạt chỉ tiêu của phòng giao dịch. Vậy như lập luận của đại diện ngân hàng, Huyền Như không là đại diện của Vietinbank vậy ai là đại diện của ngân hàng đây?
– Cũng đại diện Vietinbank cũng lập luận: “với khoản tiền 210 tỷ của SBBS, công ty trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ và thực hiện theo pháp luật. Mọi giao dịch của SBBS không phải với Vietinbank mà là với Huyền Như”. Thật sự không thể hiểu được tại sao đại diện Vietinbank lại đưa ra được nhận định này, khi tiền của các công ty đã vào tài khoản của ngân hàng này.
Để khách quan, mời độc giả đọc 2 bài báo:
1) Bài báo thể hiện quan điểm của hàng loạt chuyên gia, luật sư đầu ngành trên báo pháp luật: Vietinbank phải đền tiền cho 5 công ty, việc Huyền Như biển thủ tiền là việc nội bộ của ngân hàng, ngân hàng tự xử: Ai phải bồi thường hơn 1.085 tỉ cho 5 công ty? (CafeBiz)
2) Bài báo trên VOV thể hiện quan điểm của đại diện Vietinbank trong phiên toà sáng nay: Xét xử Huyền Như: Thỏa thuận ngầm và món lợi lãi suất ngoài hợp đồng (VOV).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét