Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Việt Nam: Trả giá đắt cho sự vội vã và máy móc


Việt Nam: Trả giá đắt cho sự vội vã và máy móc

29-5-2018

Ảnh: internet

Bài hôm qua cho thấy Việt Nam đã phải trả giá đắt hay đánh mất cơ hội do sự thủ cựu, tầm nhìn hạn hẹp chỉ hướng về phương Bắc mà không nắm bắt được dòng chảy của thời cuộc. Lựa chọn được quyết định bởi “trí khôn/sự thông thái tập thể” và vua chỉ là một mảnh ghép. Vua muốn vững ngai thì phải ngả theo ước muốn và lựa chọn của số đông bề tôi.
Đây có lẽ là điều không may cho Việt Nam. Xung quanh vua lúc đó là những quan lại thủ cựu, đa phần là luôn lo giữ thân, chỉ tiếp cận và học theo văn minh phương Bắc chứ không phải là đội ngũ sẵn sàng “bỏ mạng” hay có tư tưởng cấp tiến như các samurai của Thiên Hoàng Minh Trị ở Nhật. Đa phần bị ảnh hưởng như cách nhìn của Trung Quốc coi người phương Tây là bọn “man di mọi rợ” nên tư tưởng và cách nhìn như Nguyễn Trường Tộ rất khó lọt tai Triều Đình.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã phải trả giá rất đắt cho niềm tin ngây thơ và áp dụng máy móc những mô hình từ bên ngoài cả XHCN kiểu Liên Xô và dân chủ kiểu Mỹ.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng để dương cao ngọn cờ cách mạng dành được độc lập cho dân tộc vào năm 1945 và thống nhất đất nước vào năm 1975. Tuy nhiên, việc “nhập khẩu” và áp dụng máy móc mô hình XHCN đã gây ra những sai lầm trong đường lối phát triển và để lại những hậu quả hết sức tai hại đến ngày nay.
Cái vòng kim cô ý thức hệ vẫn dang dai dẳng và những vết thương khó lành trong lòng dân tộc vẫn còn rỉ máu.
Cải cải cách ruộng đất những năm 1950 không chỉ đơn giản là những mạng người vô tội bị hành quyết mà nó làm đảo lộn tôn ti trật trự, luân thường đạo lý của người Việt Nam đã được dày công xây dựng trong hàng ngàn năm lịch sử.
Những sự kiện như Nhân văn Giai phẩm thực chất là một cuộc cải cách văn hóa đã để lại những hậu quả khủng khiếp vì nó đánh thẳng vào tầng lớp trí thức tinh hoa. Nó có thể không giết người ngay tại chỗ như cải cách ruộng đất nhưng gây ra biết bao kiếp sống dở chết dở cho những trí thức lớn như: Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán… Hệ lụy của nó là “cây cầu trí thức” hay trí khôn của dân tộc đã bị chặt đi không thương tiếc.
Những đợt cải tạo và chính sách với miền Nam sau 1975 đẩy biết bao người phải liều mạng ra đi và không ít người đã mất xác chốn trùng khơi và điều này vẫn đang gây chia rẽ dân tộc cho đến bây giờ.
Ở thái cực ngược lại, việc áp dụng vội vã và rập khuôn mô hình dân chủ kiểu Mỹ ở niềm Nam cũng không thành công.
Đối nghịch với Hàn Quốc như đã phân tích, các tướng lĩnh ở miền Nam với sự bật đèn xanh của Mỹ đã lật đổ chế độ được xem là độc tài, gia đình trị (Miller, 2013) để áp dụng rập khuôn mô hình dân chủ với ảnh hưởng rất lớn của Mỹ. Kết quả của nó là một chế độ tham nhũng và bất tài. Các chính trị gia đa phần chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân chứ đâu quan tâm gì đến cái chung (điều này sẽ được nêu rõ trong bài tiếp theo).
Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của chiến tranh, chưa có giai đoạn nào phát triển rực rỡ tạo ra sự cởi mở của xã hội và môi trường cho dân chủ nảy nở. Lúc chiến tranh cần phải quyết đoán nên không có nhiều không gian cho thảo luận dân chủ. Điều hành gia trưởng thường được chọn trong quá khứ. Do vậy, khi đem áp dụng vội vã những mô hình hay cách thức chưa bao giờ quen hoặc có những điều kiện cần thiết nên khó mà thành công.
Cũng có thể lập luận rằng việc áp dụng mô hình dân chủ kiểu Mỹ vào thời điểm chiến tranh ở Việt Nam là không phù hợp. Tuy nhiên, trường hợp của Philippin và rất nhiều khác nữa cho thấy không hẳn là như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét