Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Một nửa sự thật của nhà báo Hoàng Hải Vân

Một nửa sự thật của nhà báo Hoàng Hải Vân

Lê Anh Hùng
Cách lý giải cặn kẽ, phân minh, về thực chất vai trò của ông Trần Quốc Vượng trong việc “giải thoát” cho các nhà báo bị ông Ba X toan tính đẩy tiếp vào tù sau 2 nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải trong vụ PMU18 hồi 2008, là lý do khiến chúng tôi trân trọng đăng bài viết dưới đây của nhà báo Lê Anh Hùng. Còn những điều gì khác thuộc quan điểm, cách nhìn và thông tin của tác giả, xin nhường quyền bạn đọc thẩm định.
Bauxite Việt Nam
Đầu năm 2006, chỉ vài tháng trước khi diễn ra Đại hội lần thứ X của Đảng CSVN, vụ bê bối tham nhũng diễn ra tại Ban Quản lý Dự án 18 (PMU18) thuộc Bộ GT-VT đã khiến dư luận Việt Nam rúng động.

Hệ luỵ của vụ PMU18 lớn đến mức suýt nữa nó đã lật nhào chiếc ghế Tổng Bí thư của Nông Đức Mạnh (Giám đốc PMU18 Bùi Tiến Dũng là đệ tử của Nông Đức Mạnh, trong khi con rể Nông Đức Mạnh – Đặng Hoàng Hải – lại làm việc tại PMU18).
Tuy nhiên, thông qua những màn dàn xếp tại hậu trường, Nông Đức Mạnh đã “thoát hiểm” một cách ngoạn mục, để rồi khi Đại hội X kết thúc, báo chí đã được lệnh ngưng đưa tin về vụ PMU18.
Chiến thắng của phe cánh Nông Đức Mạnh tại Đại hội X cũng báo hiệu một tương lai đầy u ám cho những cá nhân và tổ chức đã tích cực phanh phui vụ bế bối này. Không lâu sau đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án “Lộ mật” và hàng chục phóng viên nội chính của một loạt tờ báo đã bị triệu tập và thẩm vấn. Đỉnh điểm của chiến dịch “rửa hận” do Nông Đức Mạnh chỉ đạo là sự kiện phóng viên Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh niên và phóng viên Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi trẻ bị bắt ngày 12/5/2008.
Người trong cuộc tiết lộ
Vừa qua, nhân 10 năm sự kiện đáng nhớ này, một số nhà báo từng tham gia vụ PMU18 đã công bố nhiều thông tin liên quan. Và một trong những bài viết được nhiều người quan tâm là bài “‘Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính’, 10 năm nhìn lại” của nhà báo Hoàng Hải Vân, người bị mất chức Tổng Thư ký Toà soạn báo Thanh niên giai đoạn “hậu PMU18”.
Từ những thông tin lần đầu được tiết lộ đó, một số trang mạng độc lập, chẳng hạn như trang Dân Quyền hay Blog Huỳnh Ngọc Chênh, đã đăng lại bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân với dòng tít khiến độc giả không khỏi tò mò: “Tiết lộ: Ai từng ‘chống lệnh’ nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để giúp nhiều nhà báo thoát bị bắt trong đại án tham nhũng PMU18?” 
Và bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân đã được các trang mạng này giới thiệu như sau:
Nhân 10 năm ngày hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt tạm giam vì “đánh” tham nhũng vụ PMU18, nhà báo Hoàng Hải Vân – nguyên Tổng Thư ký tòa soạn báo Thanh niên đã chia sẻ nội tình sự việc chấn động khi đó.
Nhà báo Hoàng Hải Vân: "Điều tôi muốn nói khi kể lại câu chuyện này, là Việt Nam ta pháp quyền đã bị xé bỏ dưới thời ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tấn Dũng, cho nên cơ quan an ninh chỉ làm theo ‘ý kiến của các cụ’ chứ không làm theo luật pháp. Tuy vậy, cũng còn có chút may mắn là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo bắt tiếp 4 nhà báo là anh Quốc Phong và tôi ở Báo Thanh niên, anh Bùi Thanh và anh Đà Trang ở Báo Tuổi trẻ, tôi có nghe nói là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao lúc đó là ông Trần Quốc Vượng đã không đồng ý, vì vậy mà chúng tôi mới thoát tù".
Nghĩa là, bài viết trên Facebook cá nhân của nhà báo Hoàng Hải Vân cũng như khi nó được một số trang mạng độc lập khác đăng lại đã giúp chuyển tải một thông tin quan trọng đến với độc giả: chính nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Quốc Vượng là người đã “chống lệnh” cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và qua đó giúp 4 nhà báo thoát khỏi tù tội.
C:\Users\x360\Downloads\Ai chống lệnh 3X giúp 4 nhà báo thoát tù 2.jpg
Ảnh chụp màn hình bài báo trên trang Dân quyền. Screenshot by Lê Anh Hùng
Vậy sự thật thế nào?
Liên minh quyền lực “vô địch thiên hạ”
Cách đây hơn một năm, nhà báo Nguyễn Công Khế, người từng mất chức Tổng Biên tập báo Thanh niên trong giai đoạn “hậu PMU18”, đã tiết lộ là chính Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng là 2 kẻ đứng đằng sau chiến dịch trả thù những người đã phanh phui vụ PMU18. Những thông tin mà một số nhà báo vừa tiết lộ nhân 10 năm “biến cố 12/5” cũng khẳng định sự thật đó.
Điều này đồng nghĩa với việc Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng là đồng minh của nhau, bởi ai cũng biết PMU18 là vụ bê bối gắn liền với “tên tuổi” Nông Đức Mạnh, chứ không dính dáng gì đến Nguyễn Tấn Dũng. 
Tại sao lại như vậy? Chẳng phải dư luận xưa nay đều coi Nông Đức Mạnh là nhân vật cầm đầu phe phái bảo thủ, thân Trung Quốc, còn Nguyễn Tấn Dũng thì được nhiều trí thức tung hê là thủ lĩnh phe phái cấp tiến, chống Trung Quốc, thân phương Tây trong bộ máy hay sao? Hai nhân vật đại diện cho hai lập trường chính trị đối chọi nhau như thế sao lại có thể là đồng minh của nhau?
Xin thưa, lời giải đáp cho thắc mắc nói trên đã xuất hiện từ ngày 21/4/2008, khi tôi (Lê Anh Hùng) lần đầu tiên tố cáo những tội ác khủng khiếp của liên minh Nông Đức Mạnh - Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải. Trong câu chuyện tố cáo, tôi đã nêu rõ là trước Đại hội X, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và Hoàng Trung Hải đã bắt tay nhau và hình thành một liên minh chính trị hùng mạnh. 
Khi vụ bê bối PMU18 nổ ra, chiếc ghế Tổng Bí thư của Nông Đức Mạnh bị lung lay dữ dội. Nhiều tờ báo chính thống đã bóng gió kêu gọi người đứng đầu Đảng CSVN đứng sang một bên, nhường vị trí cầm lái cho người khác. Và với sự hậu thuẫn của các “thái thượng hoàng” Đỗ Mười và đặc biệt là Lê Đức Anh, một trong những người nhòm ngó chiếc ghế TBT của Nông Đức Mạnh thời điểm đó chính là Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiếc ghế TBT lúc bấy giờ lại thuộc về Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Minh Triết. Trong khi đó, mục tiêu thực tế hơn của Nguyễn Tấn Dũng là chiếc ghế Thủ tướng cũng chưa được đảm bảo trước sự cạnh tranh của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, người vốn được đào tạo bài bản hơn. 
Trong bối cảnh ấy, liên minh Nông Đức Mạnh - Nguyễn Tấn Dũng - Hoàng Trung Hải chính là nhân tố quyết định giúp Nông Đức Mạnh “thoát hiểm” vụ PMU18, giúp Nguyễn Tấn Dũng cầm chắc chiếc ghế Thủ tướng, còn Hoàng Trung Hải thì nắm giữ vị trí quan trọng thứ hai trong Chính phủ là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế. Theo “thoả ước” của bộ ba này, tại Đại hội XI, Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, còn Hoàng Trung Hải sẽ tiếp quản chiếc ghế Thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng. 
Và đến hồi thất thế
Liên minh chính trị hùng mạnh nhất Việt Nam bắt đầu suy yếu sau khi tôi gửi đơn thư hàng loạt tố cáo những tội ác khủng khiếp của họ vào ngày 21/4/2008, đặc biệt là sau khi tôi làm việc với Công an Quảng Trị và khẳng định những cáo buộc của mình trong biên bản làm việc ngày 5/8/2008. Chỉ ít ngày sau, ngày 12/8/2008, Ban Bí thư đã họp và cách hết mọi chức vụ của trong đảng của Nguyễn Việt Tiến, đệ tử thân cận của Nông Đức Mạnh, người trước đấy đã “trắng án” trong vụ PMU18 và tưởng như chỉ ngày một ngày hai là sẽ giành lại chiếc ghế Thứ trưởng Bộ GT-VT. Và từ tháng 4/2009 cho đến hết nhiệm kỳ Đại hội X, Nông Đức Mạnh trên thực tế chỉ còn sắm vai “ông phỗng” trên sân khấu chính trị Việt Nam. 
Thời gian sau đó, quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng xuống thấp đến mức ngay cả chị gái của ông ta cũng bị chính quyền tỉnh Bình Dương cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 17/4/2009. 
Trong bài “Thêm thông tin Wikileaks rò rỉ về Việt Nam” trên BBC Tiếng Việt ngày 13/1/2011, tác giả cho biết:
Bức điện của ông Michalak nói bản thân ông Mạnh thời gian gần đây đã rút lui khỏi việc làm quyết sách mà chuyển sang công tác xây dựng nội bộ Đảng.
Bức điện dẫn lời Đại sứ Nhật Bản lúc đó là Mitsuo Sakaba, người tháp tùng ông Mạnh sang Nhật hồi tháng Tư [từ 19-22/4/2009], nói rằng ông tỏ ra hờ hững trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Taro Aso, không nói chuyện nhiều mà chỉ đọc bằng một giọng đều đều từ đầu đến cuối diễn văn dài 30 phút đã được trợ lý chuẩn bị trước.
Nhưng sau đó khi đi thăm một cơ sở nông nghiệp ở ngoại ô Tokyo thì trông ông sinh động hẳn lên.
Lý do có lẽ là, theo nhận định mà Sứ quán Mỹ có, ông Sang đã đảm nhận nhiều công việc của ông Mạnh.
Trong hệ thống hiện hành ở Việt Nam, hai vị trí quyền lực nhất là Tổng Bí thư (người đứng đầu bộ máy đảng) và Thủ tướng (người đứng đầu bộ máy hành pháp). Vì thế, một Uỷ viên Trung ương Đảng mà dám chống lại ý chí của hai nhân vật quyền lực nhất nước thì chẳng khác gì chuyện động trời.  
Thông tin thiếu đầy đủ của nhà báo Hoàng Hải Vân khiến độc giả dễ lầm tưởng ông Trần Quốc Vượng là một người khảng khái, cương trực, dám đối đầu với những thế lực hắc ám và hùng mạnh nhất Việt Nam để bảo vệ lẽ phải. Đây là một sự hiểu nhầm rất tai hại, bởi ngài Viện trưởng Viện KSND Tối cao năm xưa nay đã nắm giữ một vị trí rất quan trọng trong bộ máy: Thường trực Ban Bí thư. Nếu nhân vật vẫn đang quán xuyến công việc hàng ngày trong Đảng CSVN mà như vậy thì ngay từ đầu hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải đã không bị bắt rồi bị kết án tù một cách phi pháp, bất nhân và đất nước này quả là còn hồng phúc. 
Trong khi đó, như tôi đã trình bày ở trên, lý do chủ yếu khiến nguyên Viện trưởng Viện KSND Tối cao Trần Quốc Vượng “không đồng ý” với chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đồng nghĩa với ý muốn của Nông Đức Mạnh) là vì lúc bấy giờ bộ đôi Nông Đức Mạnh - Nguyễn Tấn Dũng đã gần như mất hết quyền lực (Sau khi tôi bị bắt ngày 25/12/2009, vụ tố cáo của tôi bị ém nhẹm, Nguyễn Tấn Dũng đã lật ngược tình thế và dần dần giành lại quyền lực, còn Nông Đức Mạnh thì không bao giờ trở lại được ngôi vị số 1).
Xem bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân rồi chứng kiến hình ảnh thành viên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tiếp đón Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Tống Đào ngày 1/11/2017 hẳn độc giả sẽ không khỏi bật ra câu hỏi: “Chẳng lẽ lại có hai Trần Quốc Vượng?” 
Người Nga có một câu thành ngữ chí lý: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật.” Và một nửa sự thật trong bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân quả là một nửa sự thật tai hại.
L.A.H.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét