Thách thức mới đối với cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt nam
LS Nguyễn Văn Thân
Tác giả gửi BVN
Phong trào dân chủ tại châu Á nói chung và tại Việt nam nói riêng đang phải đối diện với nhiều thách thức mới. Tại Thái Lan, chính quyền quân phiệt lật đổ Thủ tướng dân cử Yingluck Shinawatra vào năm 2014. Dù đã nhiều lần hứa hẹn là sẽ có bầu cử dân chủ nhưng vẫn chưa thấy gì. Dự kiến là bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 2 năm 2019 nhưng không có gì bảo đảm là chính quyền sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. Tại Miến Điện, cuộc bầu cử vào năm 2015 dẫn tới sự thành công của Liên đoàn Dân chủ dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi tạo ra niềm hy vọng mới. Nhưng bây giờ thì cộng đồng quốc tế lại phải ngỡ ngàng với thực trạng là quân đội vẫn nắm hết quyền kiểm soát và gây ra tội ác thanh lọc sắc tộc đối với người Rohingya. Bà Aung San Suu Kyi là một sự thất vọng lớn. Đã có nhiều trường đại học và cơ quan công quyền quyết định tước bỏ các bằng thưởng dân chủ và nhân quyền trao tặng cho bà trước đây vì thái độ bất lực bàng quan của bà đối với quân đội Miến trong các cuộc thảm sát người Rohingya.
Tại Cam Bốt, Hunsen ngày càng lộ rõ mặt là một tên độc tài tham quyền cố vị. Theo Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness), Hunsen đã vơ quét hơn 200 triệu Mỹ kim cho bản thân và gia đình trong giai đoạn làm Thủ tướng hơn 30 năm. Các lãnh tụ đảng đối lập có người thì bị cho vào tù về tội phỉ báng, người khác thì phải bỏ chạy khỏi xứ và sống lưu vong.
Tại Phi Luật Tân, chiến dịch chống ma túy của Duterte đã dẫn đến cái chết của hơn 10.000 người do bị cảnh sát và lực lượng an ninh bắn giết qua các cuộc bố ráp. Duterte sợ bị truy tố ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nên đã rút Phi Luật Tân ra khỏi Quy chế Rome. Nhưng điều này không có nghĩa là Duterte sẽ được miễn tố vì khi phạm luật chống tội ác nhân loại thì Phi Luật Tân đang là thành viên ICC.
Riêng tại Việt Nam, chế độ đã gia tăng đàn áp, truy tố và tuyên án tù dài hạn với các nhà đấu tranh dân chủ và hoạt động xã hội từ khi Tổng thống Trump nhậm chức với chính sách "nước Mỹ trên hết". Theo Ân xá Quốc tế, nhà tù Việt nam hiện đang giam giữ hơn 100 tù nhân lương tâm. Dân chủ và nhân quyền không còn là những vấn đề quan trọng trong chính sách ngoại giao và chiến lược mới của Mỹ. Thay vào đó là những mục tiêu ngắn hạn và giao dịch trao đổi từng lợi ích một. Dân chủ và nhân quyền được coi như là những giá trị và lý tưởng xa vời.
Chúng ta đang sống trong thời đại của chủ nghĩa dân túy thể hiện qua các hiện tượng Brexit, Trump và sự thành công của các chính khách cổ súy cho đường lối chống di dân, tỵ nạn và người nước ngoài cũng như toàn cầu hóa. Sự phát triển vượt bực của khoa học công nghệ thông tin làm cho nhiều người mất công ăn việc làm và mất thăng bằng. Trong khi đó, một nhóm thiểu số thì lại giàu quá nhanh và quá nhiều làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Hiện tượng ‘’fake news’’ phổ biến tràn lan qua facebook và truyền thông xã hội. Các vấn nạn kinh tế, an ninh, xã hội và bang giao quốc tế vô cùng phức tạp không thể giải quyết được bằng 140 chữ qua twitter. Những đức tính như suy tư và cân nhắc ngày càng bị lép vế trong thời đại tức khắc của truyền thông xã hội.
Khi các quốc gia dân chủ như Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo thì Bắc Kinh sẵn sàng thay thế. Viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc đến các quốc gia châu Phi hoặc Cam Bốt, Lào, Miến Điện hoặc các đảo quốc trong khu vực Thái Bình Dương như Vanuatu không cần điều kiện minh bạch, trong sạch, bảo vệ môi trường hoặc bảo vệ đất đai và cuộc sống của người dân. Châu Âu thì bận rộn ứng phó với Brexit và hiện tượng chuyên chế tại một vài quốc gia Đông Âu như Ba Lan và Hungary. Tổng thống Trump thì luôn tấn công các cơ quan truyền thông đứng đắn và độc lập của Mỹ có uy tín hàng đầu thế giới cũng như bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các nhà độc tài như Putin, Tập và Duterte. Tất cả những sự kiện này cộng lại cho thấy phong trào dân chủ phải đối phó với nhiều thách thức hơn bao giờ hết.
Vậy phong trào dân chủ cho Việt Nam phải ứng phó thế nào?
Theo tình hình hiện nay, mối quan tâm chung của nhiều quốc gia trong khu vực cũng như của Hà Nội là bảo vệ hiện trạng trật tự toàn cầu dựa vào luật pháp và chuẩn mực quốc tế để đối trọng với sự trỗi dậy hung bạo của Trung Quốc. Tập Cận Bình đã lừa gạt Tổng thống Obama và cộng đồng quốc tế khi tuyên bố là Trung Quốc không bao giờ quân sự hóa Biển Đông. Bắc Kinh đã đưa hỏa tiễn và biến Trường Sa thành các tiền đồn quân sự. Một cách mà phong trào dân chủ cho Việt Nam có thể vận động là cổ súy cho việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Luật biển liên quan tới các vấn đề tự do và an ninh hàng hải dưới UNCLOS, luật quốc tế nhân quyền qua 2 Công ước về các quyền dân sự và chính trị và các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội, Luật Lao động quốc tế ILO gồm có quyền tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập và thương lượng tập thể để cân bằng lợi ích giữa các tập đoàn quốc tế và công nhân bản xứ cùng với các Công ước bảo vệ môi trường gồm có môi trường biển.
Các quốc gia thành viên Công ước Quốc tế không thể lựa chọn tôn trọng luật quốc tế một cách chọn lọc mà phải triệt để tuân thủ tất cả các Công Ước. Tôn trọng và tuân thủ luật quốc tế cũng như các cơ chế tài phán quốc tế phải là trụ cột và nền tảng cho sự phát trìển kinh tế, an ninh và thịnh vượng cho mọi quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam.
Để thực hiện công tác này có hiệu quả, các tổ chức đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và xã hội dân sự trong khu vực cần kết nối với nhau. Tại Hồng Kông thì có phong trào cách mạng dù vàng. Đài Loan có phong trào sinh viên Hoa Hướng Dương (Sunflower Movement). Nhật có Students Emergency Action for Liberal Democracy. Vào năm 2008, Bộ Ngoại giao Nam Dương (Indonesia) thành lập Diễn đàn Dân chủ Bali (Bali Democracy Forum) tạo phương tiện cho các quốc gia thành viên ASEAN trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về các nguyên tắc cai trị dân chủ, minh bạch và mang tính giải trình, nhưng diễn đàn này không được tận dụng hoặc chia sẻ bởi những chế độ độc đoán và chuyên chế trong khối ASEAN. Nhưng một vài nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ đã bắt đầu xuất hiện thúc đẩy tiến trình dân chủ và cởi mở trong khu vực. Ba tổ chức xã hội dân sự Hàn Quốc là Tổ chức Dân chủ Hàn Quốc (Korea Democracy Foundation), Tổ chức Yểm Trợ Nhân Quyền Hàn Quốc (Korea Human Rights Foundation) và Viện Đông Á (East Asia Institute) hợp tác thành lập Mạng lưới Dân chủ châu Á (Asia Democracy Network) vào năm 2013. Mục đích của Mạng lưới là kết nối tất cả các tổ chức XHDS trong khu vực, đẩy mạnh các công tác thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Tương tự như vậy, Tổ chức Yểm trợ Dân chủ Đài Loan (Taiwan Foundation for Democracy) đã bắt đầu tổ chức diễn đàn dân chủ thường niên từ năm 2014 quy tụ mọi tổ chức XHDS trong khu vực Đông Á gồm có Hồng Kông, Nhật, Macau, Mông Cổ, Bắc Hàn, Nam Hàn và Đài Loan.
Tại Nhật cũng có những nỗ lực tương tự. Genron NPO là một tổ chức phi lợi nhuận đã hợp tác với các trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Nam Dương và Ấn Độ tổ chức nhiều cuộc hội thảo giữa các tổ chức XHDS của Ấn Độ, Nam Dương và Nhật là các quốc gia dân chủ tại châu Á. Các cuộc hội thảo đều do Bộ Ngoại giao Nhật tài trợ. Tương tự như vậy, Tổ chức Yểm trợ Dân chủ Đài Loan nhận tài trợ của Bộ Ngoại giao Đài loan để hoạt động.
Từ khi Tòa Trọng tài ban hành phán quyết vụ kiện Đường 9 đoạn vào ngày 12/7/2016 thì Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã nhiều lần khuyến cáo Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết của Tòa và Luật quốc tế. Chính Úc đã chứng minh thiện chí tuân thủ luật quốc tế trong việc tuân thủ quyết định của Tòa Trọng tài trong vụ kiện tranh chấp ranh giới lãnh hải với Timor Leste vào tháng 3 vừa qua. Có điều là Canberra cần phải làm nhiều hơn nữa đặc biệt là trong chính sách viện trợ đối với các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Đó là đặt trọng tâm việc quảng bá và áp dụng tinh thần thượng tôn pháp luật và chuẩn mực quốc tế trong có luật quốc tế nhân quyền đối với Hà Nội.
Kết quả bầu cử tại Mã Lai vào ngày 9 tháng 5 vừa qua là một sự khích lệ cho phong trào dân chủ tại châu Á. Lần đầu tiên sau hơn 60 năm từ khi giành độc lập, Liên minh đối lập đánh bại Đảng cầm quyền UMNO dẫn đến một sự chuyển giao quyền lực ôn hòa của một quốc gia với đa số dân người Hồi giáo tại châu Á. Lãnh tụ Anwar Ibrahim gạt bỏ thù riêng với Mahathir để hạ bệ Thủ tướng Najib Rajak bị tố là tham nhũng gần 1 tỷ Mỹ kim. Đây là một bài học quý giá cho các nhà đấu tranh dân chủ. Đó là đặt lợi ích chung trên cảm xúc và tự ái cá nhân.
Trước những thách thức cũng là cơ hội. Phong trào đấu tranh cho dân chủ Việt nam nên có những nhận định sát với thời cuộc và thực tế. Một dấu hiệu đáng mừng là LS Trần Kiều Ngọc đại diện Phong trào giới trẻ vì Nhân quyền mới vừa tham dự Hội nghị "Xây dựng Tự do, Dân chủ và Hoà bình tại Châu Á" tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ do Hội nghị giới trẻ Tây Tạng tổ chức quy tụ các nhà hoạt động đấu tranh có lập trường lên án sự vi phạm nhân quyền, lãnh thổ, và phá hủy môi trường của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á. Tham dự Hội nghị có đại diện từ 12 nước bao gồm Nhật Bản, Hồng Kông, Phi Luật Tân, Thái Lan, Ấn Độ, Nepal, Đài Loan, Việt Nam. Các tổ chức XHDS Việt Nam không chỉ có nhu cầu liên kết với nhau mà còn phải liên kết với các tổ chức XHDS quốc tế để đẩy mạnh cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam trước những thách thức mới.
N.V.T.Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét